Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2013/NQ-HĐND | Cần Thơ, ngày 05 tháng 7 năm 2013 |
VỀ ĐẶT TÊN ĐƯỜNG VÀ ĐỔI TÊN CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ TÁM
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng;
Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20 tháng 3 năm 2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2005 của Chính phủ;
Sau khi xem xét Tờ trình số 33/TTr-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc đặt tên đường và đổi tên công trình công cộng; Báo cáo thẩm tra số 58/BC-HĐND-VHXH ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Ban văn hóa - xã hội; ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố,
QUYẾT NGHỊ:
Đặt tên 11 tuyến đường và đổi tên 01 công trình công cộng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Kèm theo:
- Phụ lục I: Thuyết minh vị trí tên đường và công trình công cộng;
- Phụ lục II: Tóm tắt tiểu sử nhân vật lịch sử, địa danh.
Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ tám thông qua ngày 05 tháng 7 năm 2013 và được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật./.
| CHỦ TỊCH |
THUYẾT MINH VỊ TRÍ TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG
(Kèm theo Nghị quyết số 05/2013/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)
STT | Danh mục tên | Chiều dài, diện tích (m, m2) | Giới hạn | Tên tạm gọi hiện nay |
A | TÊN ĐƯỜNG | |||
I | Quận Cái Răng | |||
1 | Lê Nhựt Tảo | 875 | Đường số 1 - Đường số 9, Khu Dân cư 586 | Đường số 14, Khu Dân cư 586 |
2 | Trần Chiên | 1.319 | Cầu Cái Răng Bé - cầu Nước Vận | Lộ Hậu Thạnh Mỹ |
3 | Cao Minh Lộc | 875 | Đường số 46 - Đường số 61, Khu Dân cư 586 | Đường số 10, Khu Dân cư 586 |
II | Quận Bình Thủy | |||
1 | Đinh Công Chánh | 2.400 | Quốc lộ 91B - chợ Phó Thọ (đường Đinh Công Chánh (mới) có chiều dài toàn tuyến 3.900m) | Đường Phó Thọ - Quốc lộ 91B |
2 | Nguyễn Đệ | 1.600 | Đường Cách Mạng Tháng Tám - đường Võ Văn Kiệt | Đường Vành đai Phi trường |
3 | Phạm Hữu Lầu | 600 | Đường Trần Quang Diệu - Hẻm 162 Trần Quang Diệu | Hẻm T80 đường Trần Quang Diệu |
III | Quận Thốt Nốt | |||
1 | Nguyễn Thị Lưu | 618 | Quốc lộ 91 - Kinh Sườn | Đường vào Trung tâm Dạy nghề quận |
IV | Huyện Phong Điền | |||
1 | Nguyễn Thái Bình | 624 | Lộ Vòng Cung - hết đoạn trải nhựa | Trục số 1, Trung tâm Thương mại - Hành chính huyện |
2 | Chiêm Thành Tấn | 520 | Trục số 3 - Trục số 10, Trung tâm Thương mại - Hành chính huyện | Trục số 7, Trung tâm Thương mại - Hành chính huyện |
V | Huyện Cờ Đỏ | |||
1 | Hà Huy Giáp | 2.653 | Ranh xã Thạnh Phú và thị trấn Cờ Đỏ - cầu KH5 (đoạn đi qua thị trấn) | Đường tỉnh 919 (Bốn Tổng - Một Ngàn) |
2 | Lê Đức Thọ | 1.067 | Đường tỉnh 919 - ranh thị trấn Cờ Đỏ và xã Đông Thắng (đoạn đi qua thị trấn) | Đường tỉnh 922 (Cờ Đỏ - Thới Lai) |
B | CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG | |||
1 | Trường Tiểu học Trà An | 3.723m2 | Phường Trà An, quận Bình Thủy | Trường Tiểu học Trà Nóc 1 |
TÓM TẮT TIỂU SỬ NHÂN VẬT LỊCH SỬ, ĐỊA DANH
(Kèm theo Nghị quyết số 05/2013/NQ-HĐND ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ)
Quê xã Vĩnh Xuân, huyện Cầu Kè, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Cha mất sớm khi mới 3 tuổi, anh sống cùng cha kế - Một chiến sĩ cách mạng từng tham gia hoạt động trong phong trào Đông Du và nhiều lần vào tù, ra khám, về sau hy sinh ngoài Côn Đảo, do đó anh sớm được giác ngộ cách mạng.
Ngày 29 tháng 9 năm 1939, anh bị địch ra lệnh quản thúc ở xã Vĩnh Xuân. Năm 1940, sau khi cuộc khởi nghĩa ở Cầu Kè không thành, anh bị thực dân Pháp đày đi Bà Rá. Từ “Trường học lớn” này, anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1943, mãn hạn tù anh trở về Vĩnh Xuân. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, anh cùng với Nguyễn Việt Tĩnh tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa tại đây.
Chính quyền cách mạng ở huyện được thành lập, anh là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban hành chính huyện Cầu Kè (thời gian này do còn đợi ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy Cần Thơ nên huyện chưa có Chủ tịch). Ít lâu sau, anh được Tỉnh ủy Cần Thơ điều về Quốc gia tự vệ cuộc tại Cần Thơ (tiền thân của Công an Nam bộ).
Ngày 12 tháng 11 năm 1945, anh là một trong 5 chiến sĩ của “Đội cảm tử Quốc gia tự vệ cuộc” do Lê Bình chỉ huy đã “Hóa trang kỳ tập” vào Ban chỉ huy cánh quân Pháp đặt tại Cái Răng, giết hơn 20 tên giặc. Đây là trận đánh có tiếng vang lớn rất đáng ghi nhớ của quân dân Cần Thơ kể từ khi quân Pháp tái chiếm Cần Thơ được ít ngày. Lê Nhựt Tảo cùng đồng đội đối mặt với quân Pháp, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trong trận đánh này.
Quê gốc ở Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, anh vào Cần Thơ, sống gần nhà Bùi Quang Trinh (nay thuộc phường Cái Khế, quận Ninh Kiều); là bạn bè thân thiết với Bùi Quang Trinh. Anh sớm giác ngộ cách mạng và tham gia Quốc gia tự vệ cuộc (tiền thân của Công an Nam bộ).
Ngày 12 tháng 11 năm 1945, anh là một trong 5 chiến sĩ của “Đội cảm tử Quốc gia tự vệ cuộc” do Lê Bình chỉ huy đã “Hóa trang kỳ tập” vào Ban chỉ huy quân Pháp đặt tại Cái Răng, giết hơn 20 tên giặc. Đây là trận đánh có tiếng vang lớn đáng ghi nhớ của quân dân Cần Thơ kể từ khi quân Pháp tái chiếm Cần Thơ được ít ngày.
Trần Chiên đã cùng đồng đội đối mặt với quân Pháp, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trong trận đánh này.
Quê xã Thường Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (nay thuộc quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ). Cha là Cao Minh Phước, trước năm 1945 dạy học ở Cần Thơ, sau Cách mạng tháng Tám, làm Tổng thơ ký Ủy ban hành chính tỉnh Cần Thơ.
Anh là con trưởng trong gia đình có 7 anh em. Sau khi đỗ thành chung, anh học Trường Pétrus Ký (Sài Gòn). Là một thanh niên trí thức giàu lòng yêu nước, anh gia nhập Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ (tiền thân của Công an Nam bộ).
Ngày 12 tháng 11 năm 1945, anh là một trong 5 chiến sĩ của “Đội cảm tử Quốc gia tự vệ cuộc” do Lê Bình chỉ huy đã “Hóa trang kỳ tập” vào Ban chỉ huy cánh quân Pháp đặt tại Cái Răng, giết hơn 20 tên giặc. Đây là trận đánh có tiếng vang lớn đáng ghi nhớ của quân dân Cần Thơ kể từ khi quân Pháp tái chiếm Cần Thơ được ít ngày.
Cao Minh Lộc cùng đồng đội đối mặt với quân Pháp, chiến đấu tới viên đạn cuối cùng và anh dũng hy sinh trong trận đánh này.
4. ĐINH CÔNG CHÁNH (1839 - 1899)
Đinh Công Chánh là con của ông Đinh Công Điển và bà Huỳnh Thị Hiệu. Lúc nhỏ, ông học tại gia, khi lên 7 tuổi, ông theo học trường chữ Nho ở xóm Bà Đồ do bà giáo Nguyễn Thị Nguyệt dạy, không lâu sau, bà giáo qua đời, ông trở về tiếp tục học tại gia.
Ông là người tham gia vào Tao đàn văn học đầu tiên của làng Bình Hưng
(tên trước của làng Bình Thủy). Ông được Bùi Hữu Nghĩa dạy làm thơ, Bùi Hữu Sanh truyền dạy nghề thuốc Bắc, thuốc Nam và được vị lão sư Nguyễn Giác Nguyên tin yêu, hướng dẫn đi theo con đường của các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Ông tham gia phong trào vận động Đông Du (do Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo) tại làng Bình Thủy. Ông được Ban Tế tự Đình thần Bình Thủy giao việc trông coi Đình và
cất miếu thờ Thần Nông, Sơn Quân và nhà Võ Ca (sân khấu). Ông đã hoàn thành tốt các công việc được giao và được nhân dân hết lòng khen ngợi.
Đương thời, ông được xem là nhà Nho, thường kêu gọi nhân dân làm điều lành, tránh làm điều dữ; đồng thời, ông cũng là một danh y, tu hành đức độ và giỏi về thiên văn, địa lý. Năm 1887, ông là Trưởng Ban Bảo tự chùa Long Quang. Sau đó, ông được bầu giữ chức Bồi Bái ở Đình thần Bình Thủy - Long Tuyền (chức việc này được xem như hộ vệ của thần).
Ông mất năm 1899, sau một tai nạn khi tham gia trùng hưng chùa Long Quang. Ông mất đi để lại niềm thương cảm vô hạn trong nhân dân làng cổ Bình Thủy - Long Tuyền, người ta thường nhắc đến ngày mất của ông bằng câu ca dao: Ngày ba, tháng tý, giờ thìn/Nhằm năm Kỷ Hợi, đế kinh triệu hồi.
(Theo nguồn dữ liệu Ngân hàng tên đường, Nguồn trích dẫn: Chuyện làng cổ Bình Thủy - Long Tuyền/Nguyễn Sương - Cần Thơ, Nxb Đại học Cần Thơ, năm
2011 - 150 trang).
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nguyễn Đệ, tên thường gọi Ba Trung, sinh năm 1928 ở làng Võ Liệt (Bân Thạch), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông là vị tướng tài ba, phần lớn cuộc đời binh nghiệp gắn với vùng đất Chín Rồng.
Ông là con một gia đình nghèo đi làm mướn kiếm sống. Thuở nhỏ, ông cùng gia đình vào sống ở miền Nam. Năm 17 tuổi (1945), ông sớm giác ngộ cách mạng, tham gia và làm Đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong xã Phước Thiền (Biên Hòa). Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông chỉ huy Đội Thiếu niên Tiền phong tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn.
Năm 1946, ông là Đội trưởng Đội Cảm tử Bà Rịa chống giặc Pháp tái chiếm, vào Đảng Cộng sản ngày 08 tháng 10 năm 1947. Từ năm 1950 đến 1954, ông là Thường vụ Huyện ủy Long Điền (Biên Hòa), Chính trị viên Huyện đội Long Điền.
Năm 1954, ông tập kết ra Bắc học Trường Lục quân (khóa 9), làm Chính trị viên Tiểu đoàn 3, Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn; sau đó là Tiểu đoàn Trưởng kiêm Chính trị viên Tiểu đoàn 307 (Sư đoàn 330) rồi làm Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 307.
Năm 1960, ông trở về Nam, từng giữ các chức vụ: Phó Ban Quân sự miền Tây, Tham mưu Trưởng Quân khu 9, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn U Minh, Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 306. Ông hoạt động ở chiến trường 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh; tham gia cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân trên chiến trường Vĩnh Trà, góp phần giành thắng lợi lớn. Tháng 2 năm 1968, ông là Trung đoàn Trưởng Trung đoàn 3, Chỉ huy Trưởng Mặt trận Vĩnh Trà chống địch bình định tái chiếm.
Từ năm 1970 đến 1975, ông là Phó Tư lệnh Quân khu 9, Khu ủy viên Khu 9, Quân khu Ủy viên Tư lệnh tiền phương Quân khu Vĩnh Trà trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Từ năm 1976 đến năm 1977, ông là Tỉnh đội Trưởng, Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, Sư Trưởng Sư đoàn 330 và Sư đoàn 4.
Sau 2 năm học ở Học viện Quân sự cấp cao (từ năm 1978 đến năm 1979), đồng chí được phân công làm Phó Tư lệnh Quân khu 9, kiêm Tư lệnh Mặt trận 979 (Biên giới Tây Nam). Tháng 4 năm 1984, ông được phong quân hàm Thiếu tướng.
Từ năm 1987 đến năm 1994, ông làm Tư lệnh Quân khu 9, được thăng quân hàm Trung tướng (tháng 5 năm 1988), đắc cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa VII, Đảng ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Ông chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Tây Nam Bộ và chiến trường Campuchia, chỉ huy trên 300 trận đánh, nhiều lần bị thương. Với thành tích và công lao cống hiến to lớn, ông được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (ngày 25 tháng 6 năm 1998) và được khen thưởng 22 Huân chương Quân công, Chiến công và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.
Ông từ trần ngày 8 tháng 6 năm 1998, hưởng thọ 70 tuổi.
Là nhà hoạt động cách mạng, quê xã Hòa An, huyện Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp).
Năm 1928, ông gia nhập Thanh niên cách mạng Đồng chí hội ở Cao Lãnh, năm 1929 vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1930, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Lâm thời của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Từ năm 1938 đến năm 1939, ông phụ trách và viết bài cho báo Dân chúng ở Sài Gòn, cổ vũ cho phong trào cách mạng Việt Nam và thế giới, lấy bút danh là Racosi, 02 lần bị địch bắt và đày đi Côn Đảo (năm 1930 và năm 1939).
Sau Cách mạng tháng Tám, ông từ Côn Đảo trở về, được phân công làm Bí thư Tỉnh đảng bộ Sa Đéc, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Phó Bí thư Khu ủy khu 8, rồi làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, kiêm Giám đốc Công an Nam Bộ.
Sau hiệp định Genève, ông được phân công ở lại miền Nam, làm Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông từ trần ngày 16 tháng 10 năm 1959 tại Campuchia.
7. NGUYỄN THỊ LƯU (1901 - 1947)
Liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng tỉnh Cần Thơ, có chồng và 2 con là liệt sĩ.
Lúc sinh thời, Mẹ sống ở xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ. Trong kháng chiến chống Pháp, Mẹ tham gia công tác Phụ nữ xã và Hội Mẹ chiến sĩ. Mẹ hy sinh ngày 05 tháng 5 năm 1947 trong lúc đang làm nhiệm vụ.
Chồng của Mẹ là Trần Cao Chẩm, sinh năm 1897, là Phó Chủ tịch Mặt trận Việt minh xã Phước Hưng, hy sinh ngày 05 tháng 5 năm 1947.
Mẹ có 2 con là liệt sĩ: Trần Thị Xuân, sinh năm 1928, hy sinh năm 1966; Trần Thế Trân, sinh năm 1931, là đội viên du kích xã Phước Hưng, hy sinh ngày 05 tháng 5 năm 1947. Mẹ được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngày 17 tháng 12 năm 1994.
8. NGUYỄN THÁI BÌNH (1948 - 1972)
Anh sinh năm 1948, tại thôn Trường Bình, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong một gia đình công chức. Thông minh, học giỏi, năm 1966 sau khi đỗ Tú tài, cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) cấp học bổng đặc biệt cho anh sang Mỹ học. Thời gian học tại Mỹ, anh đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Ních-xơn vạch trần những luận điệu hòa bình giả dối, xảo trá và tố cáo tội ác dã man của Mỹ ở Việt Nam.
Anh tham gia các cuộc biểu tình ở Mỹ chống chiến tranh Việt Nam, viết báo, làm thơ cổ vũ những người Việt lưu vong trên đất Mỹ hướng về Tổ quốc, ra sức thuyết phục những người Mỹ yêu chuộng hòa bình và công lí phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.
Ngày 10 tháng 02 năm 1972, anh và sáu sinh viên khác bị chính quyền Mỹ trục xuất về nước vì kéo đến Lãnh sự quán Ngụy quyền miền Nam ở San Francisco phản đối Mỹ - Thiệu đàn áp phong trào đấu tranh chính trị ở miền Nam, đòi trả lại tự do cho những người tham gia phong trào hòa bình ở Sài Gòn, chống Mỹ - Thiệu, chống Việt Nam hóa chiến tranh.
Khi máy bay vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, chúng dùng súng bắn chết anh (tháng 7 năm 1972). Cuộc đời yêu nước và cái chết bi hùng của anh đã chấn động dư luận báo chí đương thời, làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh của học sinh, sinh viên miền Nam Việt Nam và cả sinh viên Mỹ.
9. CHIÊM THÀNH TẤN (1948 - 1985)
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Quê xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (cũ). Nhập ngũ tháng 4 năm 1964. Khi được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh là Thượng úy, Chính trị viên Tiểu đoàn 1 (Tây Đô) thuộc bộ đội địa phương tỉnh Cần Thơ, Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày nhập ngũ đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh tham gia chiến đấu trên 100 trận, bắt và diệt 56 tên, thu 57 súng các loại và 7 máy thông tin. Tiêu biểu là trận phá cầu Cái Răng, anh bí mật mang thuốc nổ vượt qua nhiều trạm gác, tàu tuần tiễu của địch trên sông, khéo léo đặt thuốc nổ vào trụ cầu, phá sập ba nhịp, tiêu diệt một số tên, gây ách tắc, cản trở giao thông của địch trên tuyến đường này.
Từ năm 1978 - 1979, anh giữ chức vụ Tham mưu Trưởng, sau đó là Phó Trung đoàn Trưởng quân sự Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn 339 của Quân khu 9. Năm 1980, anh giữ chức vụ Phó Tham mưu Trưởng kiêm Trưởng Ban Tác chiến của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang (cũ). Năm 1984, anh là Phó Tham mưu Trưởng Đoàn 9902 tham gia chiến trường biên giới Tây - Nam.
Anh đã được tặng thưởng: Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, 02 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen các loại; 06 lần được bình chọn Chiến sĩ thi đua và Dũng sĩ diệt Mỹ - Ngụy. Ngày 06 tháng 11 năm 1978, anh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Ông quê xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, tốt nghiệp thành chung ở trường Quốc học Vinh, sau ra học Tú tài tại trường Bưởi, nhưng năm 1926 bị đuổi học vì tham gia phong trào bãi khóa để tang cụ Phan Châu Trinh.
Năm 1927, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, từ năm 1928 đến năm 1929 vào Nam Kì dạy học tại Sa Đéc học đường và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia chủ trương “vô sản hóa” ở Đồng Tháp Mười, Cần Thơ. Năm 1930, ông được bầu vào Xứ ủy Nam kỳ, rồi Ủy viên Thường vụ Xứ ủy phụ trách tuyên huấn. Năm 1931, bị địch bắt tại Sài Gòn và bị xử án chung thân đày ra Côn Đảo. Năm 1936, ông được trả tự do, trở về hoạt động ở nhà máy xe lửa Trường Thi (Vinh), lãnh đạo công nhân đấu tranh, đình công đòi quyền lợi kinh tế. Ông bị Pháp bắt lại và xử 3 năm tù ngồi và 3 năm quản thúc.
Năm 1951, tại Đại hội Đảng lần thứ hai, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách tuyên huấn của Trung ương cục miền Nam. Từ năm 1956 đến năm 1987, ông đã giữ các chức vụ: Phó Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Ủy viên Trung ương Đảng khóa III, Bí thư Đảng đoàn Bộ Văn hóa và Hội Văn nghệ, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh. Năm 1982, ông được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Tên thật là Phan Đình Khải, quê ở làng Địch Lễ, huyện Mĩ Lộc, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định. Năm 1926, ông tham gia bãi khóa và dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ rất sớm, bị thực dân Pháp bắt và đày nhiều nơi như: Côn Đảo, Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình.
Cuối năm 1944, sau khi ra tù, ông liên tục đảm nhiệm nhiều trọng trách của Đảng. Từ năm 1948 đến năm 1954, ông công tác tại miền Nam, giữ những cương vị chủ chốt ở Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Nam. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và được bổ sung vào Bộ Chính trị, phụ trách công tác tổ chức của Trung ương Đảng, kiêm chức Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, vào Quân ủy Trung ương. Tháng 5 năm 1968, ông làm Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Paris, sau đó ông được cử làm Trưởng Ban miền Nam của Trung ương.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, ông được cử làm Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Nhà nước ta và Chính phủ một số nước đã tặng ông nhiều huân chương cao quý: Huân chương Sao vàng, Huân chương Cách mạng tháng Mười, Huân chương Ăngco.
Phường Trà An được thành lập ngày 02 tháng 01 năm 2008, theo Nghị định số 162/2007/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập xã, phường thuộc quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.
Phường Trà An thuộc quận Bình Thủy trên cơ sở điều chỉnh 565,67ha diện tích tự nhiên và 5.339 nhân khẩu của phường Trà Nóc.
Phường Trà An có diện tích tự nhiên là 565,67ha và có 5.339 nhân khẩu.
Địa giới hành chính phường Trà An: Phía Đông giáp phường Bình Thủy, phường Bùi Hữu Nghĩa và tỉnh Vĩnh Long; phía Tây giáp phường Thới An Đông; phía Nam giáp phường Bình Thủy, phường Long Hoà; phía Bắc giáp phường Trà Nóc và tỉnh Vĩnh Long./.
- 1Quyết định 4610/QĐ-UBND năm 2008 về việc đặt tên đường mới và sửa đổi tên đường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Quyết định 665/QĐ-UBND năm 2014 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành đến năm 2013 hết hiệu lực và còn hiệu lực thi hành
- 1Nghị định 91/2005/NĐ-CP về Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng
- 2Thông tư 36/2006/TT-BVHTT hướng dẫn thực hiện Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP do Bộ Văn hóa Thông tin ban hành
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5Nghị định 162/2007/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính xã, phường; thành lập xã, phường thuộc quận Bình Thuỷ, quận Ô Môn, huyện Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ
- 6Quyết định 4610/QĐ-UBND năm 2008 về việc đặt tên đường mới và sửa đổi tên đường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Nghị quyết 05/2013/NQ-HĐND về đặt tên đường và đổi tên công trình công cộng do thành phố Cần Thơ ban hành
- Số hiệu: 05/2013/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 05/07/2013
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Nguyễn Hữu Lợi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra