Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/NQ-HĐND

Cà Mau, ngày 12 tháng 7 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ BA

(Từ ngày 11 đến ngày 12 tháng 7 năm 2012)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Du lịch năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch;

Xét Tờ trình số 48/TTr-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và Báo cáo thẩm tra số 18/BC- HĐND ngày 06 tháng 7 năm 2012 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Cà Mau;

Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khóa VIII, kỳ họp thứ Ba đã thảo luận và thống nhất,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

a) Quan điểm phát triển

Phát triển du lịch tỉnh Cà Mau nhanh, đồng bộ và vững chắc trên cơ sở phát huy nội lực, sức mạnh tổng hợp của các ngành, các thành phần kinh tế, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho ngành du lịch nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Phát triển du lịch gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời phải đặt trong mối quan hệ với sự phát triển du lịch các địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là mối quan hệ với thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và thành phố Hồ Chí Minh.

b) Mục tiêu phát triển

- Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong nền kinh tế, là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh; là một công cụ phục vụ nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu lịch sử, văn hóa,... cho du khách trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của nhân dân địa phương.

Khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng du lịch để hình thành các sản phẩm du lịch có thương hiệu và mang tính đặc thù của địa phương.

Phát triển du lịch, sử dụng nguồn thu từ hoạt động du lịch để góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hoá, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

Cơ cấu GDP du lịch so với toàn khối thương mại - dịch vụ là 4% vào năm 2015 và 4,5% vào năm 2020.

- Các chỉ tiêu cụ thể:

Phấn đấu thu hút khách du lịch đến năm 2015 đón 1,2 triệu lượt khách nội địa và 30.000 lượt khách quốc tế; năm 2020 đón 1,7 triệu lượt khách nội địa và 50.000 lượt khách quốc tế; đến năm 2030 thu hút khoảng 2,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 110 ngàn khách quốc tế.

Phấn đấu nâng cao doanh thu từ du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 1.150 tỷ đồng; năm 2020 đạt khoảng 2.610 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 7.160 tỷ đồng.

2. Tổ chức không gian du lịch gắn với các sản phẩm du lịch đặc thù của từng khu vực

a) Không gian du lịch trung tâm đóng vai trò đầu mối điều hành hoạt động du lịch toàn tỉnh, bao gồm thành phố Cà Mau và khu vực phụ cận với các sản phẩm du lịch đặc thù như tham quan nghiên cứu các di tích lịch sử văn hoá, làng nghề, sân chim; du lịch công vụ, thương mại; vui chơi giải trí, mua sắm.

b) Không gian du lịch phía Tây bao gồm huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân với sản phẩm du lịch đặc thù như tham quan, nghiên cứu cảnh quan hệ sinh thái vườn quốc gia U Minh Hạ và rừng ngập mặn ven biển; tham quan biển đảo, Lễ hội Nghinh Ông, nghỉ dưỡng.

c) Không gian du lịch phía Nam bao gồm huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Hướng phát triển quan trọng của không gian này là mở rộng về phía Bắc lên huyện Đầm Dơi vào sau giai đoạn năm 2015 - 2020. Sản phẩm du lịch đặc thù như tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu tự nhiên vùng Mũi Cà Mau; nghỉ dưỡng biển; tham quan các di tích lịch sử văn hóa.

d) Không gian du lịch phía Bắc thuộc địa bàn huyện Thới Bình, là không gian du lịch gắn với truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh. Sản phẩm du lịch đặc thù như tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, truyền thống cách mạng.

3. Các nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Về đầu tư phát triển: Tập trung đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo hướng đồng bộ có trọng tâm làm cơ sở kích thích du lịch phát triển. Ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các trọng điểm phát triển du lịch, các khu du lịch, các điểm du lịch mũi nhọn của tỉnh. Thực hiện xã hội hóa phát triển du lịch, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau.

b) Đa dạng hoá sản phẩm: Ngoài sản phẩm du lịch mũi nhọn, phải đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ, nhằm nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm chủ đạo, tăng tính cạnh tranh, đa dạng hóa thị trường khách, đảm bảo tính ổn định, bền vững.

c) Công tác xúc tiến, quảng bá: Tăng cường thực hiện nhiều biện pháp, sử dụng nhiều phương tiện, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ngành kinh tế du lịch trong các cấp, các ngành và nhân dân; xây dựng và nâng cao hình ảnh của du lịch Cà Mau trong khu vực, cả nước và thế giới, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư và du khách đến Cà Mau.

d) Về ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp du lịch đạt hiệu quả; tăng cường tính chủ động trong việc hội nhập và hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài, góp phần đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra.

đ) Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước: Xây dựng và ban hành các văn bản nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để quản lý và khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn; quản lý chặt chẽ việc xây dựng theo quy hoạch ở các khu du lịch trọng điểm; xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách phát triển du lịch của tỉnh.

e) Đào tạo nguồn nhân lực: Bên cạnh việc đào tạo nhân lực tại các trường nghiệp vụ, cần khuyến khích doanh nghiệp tổ chức đào tạo tại chỗ nhằm nhanh chóng cung cấp nguồn nhân lực du lịch cho địa phương; chú trọng thu hút con em địa phương đang học tập và làm việc tại nơi khác trong lĩnh vực du lịch, tài nguyên môi trường về công tác và cống hiến tại tỉnh nhà.

g) Bảo vệ tài nguyên - môi trường, đảm bảo phát triển bền vững: Khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở những luận cứ khoa học vững chắc có tính đến mối quan hệ với các ngành kinh tế có liên quan và các tác động đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội của khu vực. Thực hiện nghiêm túc Luật bảo vệ Môi trường và các quy định khác về bảo vệ môi trường.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh hoàn chỉnh và phê duyệt Quy hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau khoá VIII, kỳ họp thứ Ba thông qua ngày 12 tháng 7 năm 2012./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh;
- BTT. UBMTTQ VN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT. HĐND, UBND các huyện, tp;
- Cổng Thông tin Điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Bùi Công Bửu