Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2023/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 28 tháng 02 năm 2023

 

NGHỊ QUYẾT

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHÓA XV, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 16 tháng 8 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BTTTT ngày 30 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quy định hướng dẫn thực hiện nội dung số 09 thuộc thành phần số 02 và nội dung số 02 thuộc thành phần số 08 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Căn cứ Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.

Căn cứ Thông tư số 05/2022/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Căn cứ Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04 tháng 3 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xét Tờ trình số 481/TTr-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Nghị quyết Quy định một số nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Báo cáo thẩm tra số 58/BC-HĐND ngày 25 tháng 02 năm 2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao

1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện.

2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Lai Châu Khóa XV, kỳ họp thứ mười ba thông qua ngày 28 tháng 02 năm 2023 và có hiệu lực từ ngày 10 tháng 3 năm 2023./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, ngành: Nông nghiệp và PTNT; Lao động - TBXH, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ủy ban Dân tộc;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Giàng Páo Mỷ

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Kèm theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này Quy định một số nội dung, mức hỗ trợ một số nội dung chi thuộc kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng và thụ hưởng nguồn kinh phí sự nghiệp ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Các mức chi tại Quy định này là mức hỗ trợ. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thực hiện phải triển khai đầy đủ các nội dung, hoạt động theo quy định, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của các chương trình mục tiêu quốc gia và quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Các mức hỗ trợ tại Quy định này được thực hiện thống nhất, phù hợp với đối tượng, nội dung, điều kiện, cơ chế thực hiện từng chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế từng nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phù hợp với khả năng bố trí vốn ngân sách của trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 và không được vượt quá kinh phí được cấp có thẩm quyền phân bổ.

3. Việc lựa chọn danh mục, nội dung hỗ trợ phải được thực hiện từ cơ sở nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. MỘT SỐ NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Điều 3. Hỗ trợ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 51/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.

Điều 4. Hỗ trợ mua sắm, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã, phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện

1. Mua sắm, sửa chữa, thay thế thiết bị hư hỏng của đài truyền thanh xã để đảm bảo yêu cầu của công tác thông tin, truyền thông theo điểm a khoản 1 và điểm a khoản 4 Điều 3 Thông tư số 05/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quy định hướng dẫn thực hiện nội dung số 09 thuộc thành phần số 02 và nội dung số 02 thuộc thành phần số 08 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Điều 4, Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 50 triệu đồng/đài truyền thanh xã (chưa bao gồm cụm loa tại các thôn, bản); tối đa 30 triệu đồng/cụm loa của đài truyền thanh xã đặt tại các thôn, bản.

2. Mua sắm phương tiện sản xuất các sản phẩm thông tin, tuyên truyền cho cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện để đáp ứng yêu cầu của công tác thông tin, truyền thông theo điểm b khoản 4 Điều 3 Thông tư số 05/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông về quy định hướng dẫn thực hiện nội dung số 09 thuộc thành phần số 02 và nội dung số 02 thuộc thành phần số 08 của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, tối đa 500 triệu đồng/huyện.

Điều 5. Hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn, bản

Nội dung hỗ trợ phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp thôn, bản thực hiện theo Điều 8 Thông tư số 05/2022/TT-BNN ngày 25/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6. Hỗ trợ tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân, tổ chức; Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh

1. Hỗ trợ 100% chi phí tư vấn, giám sát và gắn mã vùng trồng cho các cá nhân tổ chức, tối đa 50 triệu đồng/mã vùng trồng.

2. Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã, huyện, tỉnh: Áp dụng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 09/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ tài chính trong chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và các hoạt động khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Điều 7. Hỗ trợ đối với các dự án liên kết, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã, huyện, tỉnh

1. Mức hỗ trợ cụ thể các nội dung trong 01 dự án liên kết, kế hoạch liên kết

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết: Áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019).

b) Hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông: Áp dụng theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019.

c) Hỗ trợ đào tạo kỹ thuật sản xuất; tập huấn nghiệp vụ quản lý, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường: Áp dụng theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 63/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của HĐND tỉnh Ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 63/2122/NQ-HĐND ngày 09/12/2022).

d) Hỗ trợ giống, vật tư

- Đối với cây trồng (bao gồm cả cây dược liệu): Hỗ trợ 100% chi phí mua giống; 50% chi phí vật tư thiết yếu (bao gồm: các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức kinh tế kỹ thuật của cấp có thẩm quyền ban hành).

- Đối với chăn nuôi: Hỗ trợ 70% chi phí mua con giống (trâu, bò, lợn, dê, ngựa), 100% chi phí vắc xin phòng bệnh đối với các đối tượng tham gia liên kết.

- Đối với nuôi ong: Áp dụng theo quy định tại điểm a mục 5.9 khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025.

đ) Hỗ trợ bao bì, nhãn mác sản phẩm: Hỗ trợ một lần 100% chi phí bao bì, nhãn mác sản phẩm, tối đa 10 triệu đồng/sản phẩm.

e) Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi: Áp dụng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019.

f) Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ: Áp dụng theo quy định điểm d khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 63/2022/NQ- HĐND ngày 09/12/2022.

2. Tổng mức hỗ trợ cho các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này: 80% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch trên địa bàn đặc biệt khó khăn; 70% tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch trên địa bàn khó khăn; 50%) tổng chi phí thực hiện một (01) dự án, kế hoạch trên địa bàn khác thuộc phạm vi đầu tư của các chương trình. Nếu dự án/kế hoạch thực hiện trên nhiều địa bàn khác nhau thì nội dung của dự án thuộc địa bàn nào thì hưởng mức hỗ trợ của địa bàn đó.

Điều 8. Hỗ trợ cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại

Hỗ trợ 01 lần bằng 50%o kinh phí thực hiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho 01 cơ sở, tổ chức, cá nhân.

Điều 9. Hỗ trợ bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn

1. Điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các làng nghề truyền thống và đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, xét công nhận. Mức hỗ trợ: 100% kinh phí thực hiện.

2. Xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Mức hỗ trợ: 100% kinh phí thực hiện.

3. Hỗ trợ các làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng. Mức hỗ trợ: 100% theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 10. Hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn và sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền

1. Hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn

a) Định hướng, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, điểm du lịch nông thôn phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của vùng, địa phương. Mức hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/điểm du lịch.

b) Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái. Mức hỗ trợ tối đa 70% dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

c) Bố trí và xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm đạt chất lượng phục vụ khách du lịch. Mức hỗ trợ tối đa 50% chi phí xây dựng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

d) Xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng nghỉ, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản, nông sản, ăn uống, giải khát, vệ sinh) dọc theo các tuyến đường giao thông gắn với điểm du lịch với khoảng cách hợp lý. Mức hỗ trợ tối đa 70% dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt/01 điểm.

đ) Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (nhà vệ sinh, điểm và bãi đỗ xe, thu gom và xử lý rác thải, nước thải) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa vùng miền. Mức hỗ trợ tối đa 70% dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền

a) Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng, miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao, theo định hướng của thị trường và phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng du khách (theo khách quốc tế, nội địa; theo độ tuổi); đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng phát triển sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao, bắt kịp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch. Mức hỗ trợ tối đa 70% dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt/01 sản phẩm du lịch.

b) Hỗ trợ nâng cấp, hoàn thiện các cơ sở lưu trú homestay và các công trình dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ, hạn chế tác động đến môi trường. Mức hỗ trợ tối đa 70% dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt/01 cơ sở.

c) Hỗ trợ bảo tồn, phục dựng và phát triển các làng nghề, ẩm thực, trang phục truyền thống và hoạt động nông nghiệp, loại hình biểu diễn văn hóa, thể thao; phục dựng mô hình sản xuất các sản phẩm đặc sản, truyền thống để phục vụ khách du lịch thông qua các trải nghiệm thực tế: Áp dụng theo quy định tại điểm a, b, khoản 1 Điều 34 Thông tư số 15/2022/TT-BTC ngày 04/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, tối đa 200 triệu đồng/nội dung. Hỗ trợ phát triển nghệ nhân: Áp dụng theo khoản 4, Điều 34 Thông tư số 15/2022/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

d) Xây dựng và số hóa thông tin, tài liệu thuyết minh về các di tích văn hóa, lịch sử, điểm du lịch sinh thái và làng nghề truyền thống gắn với du lịch nông thôn. Hỗ trợ 100% dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 50 triệu đồng/01 điểm du lịch, sản phẩm du lịch.

3. Hỗ trợ xây dựng và triển khai mô hình thí điểm phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mức hỗ trợ 70% kinh phí thực hiện mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 11. Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở

1. Mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, cấp xã, thôn, bản phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tối đa:

a) Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện: 500 triệu đồng/thiết chế.

b) Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã: 80 triệu đồng/thiết chế.

c) Nhà Văn hóa - Khu thể thao thôn, bản: 50 triệu đồng/thiết chế.

2. Hỗ trợ xây dựng tủ sách cho Thư viện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện, Nhà Văn hóa xã, Nhà Văn hóa thôn, bản. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tối đa:

a) Tủ sách cho Thư viện, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông cấp huyện: 100 triệu đồng/01 tủ sách/01 Thư viện, Trung tâm.

b) Tủ sách cho Nhà Văn hóa xã: 50 triệu đồng/01 tủ sách/xã.

c) Tủ sách cho Nhà Văn hóa thôn, bản: 30 triệu đồng/tủ sách/01 thôn, bản.

3. Hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với thiết chế văn hóa, thể thao xã, thôn, bản và hỗ trợ kinh phí tổ chức giải thể thao cấp xã, thôn, bản. Mức hỗ trợ tối đa:

a) Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã: 50 triệu đồng/01 năm.

b) Nhà văn hóa - Khu thể thao thôn, bản: 30 triệu đồng/01 năm.

Điều 12. Hỗ trợ tổ chức các hoạt động xây dựng mô hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp theo hướng dẫn của Trung ương Hội nông dân Việt Nam

Hỗ trợ 100% chi phí thực hiện. Hội Nông dân các cấp xây dựng mô hình trình UBND cùng cấp phê duyệt làm căn cứ thực hiện.

Mục 2. MỘT SỐ NỘI DUNG, MỨC HỖ TRỢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

Điều 13. Hỗ trợ thiết lập cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới

Hỗ trợ thiết lập cụm thông tin điện tử công cộng phục vụ thông tin, tuyên truyền đối ngoại tại cửa khẩu biên giới thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 06/2022/TT-BTTTT ngày 30/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt, tối đa 3,5 tỷ đồng/cụm.

Điều 14. Hỗ trợ duy trì, vận hành điểm cung cấp dịch vụ thông tin công cộng phục vụ tiếp cận thông tin của nhân dân ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

Thuê dịch vụ internet băng thông rộng để người dân khai thác các thông tin thiết yếu, đọc các xuất bản phẩm điện tử, báo điện tử, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; chi tiền điện; chi tiền nước uống và chi khác. Mức hỗ trợ: Tối đa 10 triệu đồng/điểm/năm.

Điều 15. Hỗ trợ tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động đài truyền thanh tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

1. Thiết lập mới, nâng cấp đài truyền thanh xã: Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 50 triệu đồng/đài truyền thanh xã (chưa bao gồm cụm loa tại các thôn, bản).

2. Mở rộng hoạt động của đài truyền thanh xã để đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền: Mở rộng hệ thống cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đối với các thôn, bản trong xã để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin thiết yếu đến các hộ dân; thay thế cụm loa có dây, không dây FM bị hỏng, không còn sử dụng được sang cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Mức hỗ trợ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 30 triệu đồng/cụm loa.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND quy định nội dung, mức hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu

  • Số hiệu: 03/2023/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 28/02/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lai Châu
  • Người ký: Giàng Páo Mỷ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/03/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản