Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH ĐĂK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2010/NQ-HĐND

Gia Nghĩa, ngày 06 tháng 5 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA LỄ HỘI - HOA VĂN - CỒNG CHIÊNG VÀ NHẠC CỤ CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ, GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐĂK NÔNG
KHÓA I, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Xét Tờ trình số 979/TTr-UBND ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2015;

Sau khi nghe Báo cáo thẩm tra số 09/BC-VHXH ngày 29 tháng 4 năm 2010 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các đại biểu tham dự kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2010 - 2015 (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông khóa I, kỳ họp chuyên đề thông qua ngày 06 tháng 5 năm 2010.

 

 

CHỦ TỊCH




K’Beo

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA LỄ HỘI - HOA VĂN - CỒNG CHIÊNG VÀ NHẠC CỤ CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TẠI CHỖ TỈNH ĐĂK NÔNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 02/2010/NQ-HĐND ngày 06 tháng 5 năm 2010 của HĐND tỉnh Đăk Nông)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN

I. Các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về văn hóa:

Căn cứ Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) và kết luận Hội nghị lần thứ X của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX; Chương trình số 09-CTr/TU ngày 13 tháng 9 năm 2004 của Tỉnh ủy Đăk Nông về việc tiếp tục xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số: 22-NQ/TU ngày 22/12/2009 của Tỉnh ủy Đăk Nông về nhiệm vụ chủ yếu của năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 25/12/2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông về việc thông qua chương trình xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Đăk Nông năm 2010;

Căn cứ vào tình hình, thực trạng các di sản văn hóa dân gian trên địa bàn tỉnh và kết quả triển khai Đề án bảo tồn phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2005 - 2009;

II. Tên gọi đề án:

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2015.

III. Thực trạng văn hóa của các dân tộc bản địa tỉnh Đăk Nông:

1. Kết quả đạt được của Đề án Bảo tồn phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2005 - 2009:

Ngay sau khi tỉnh Đăk Nông được thành lập, Sở Văn hóa Thông tin (nay là sở VH, TT và DL) đã tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua Đề án Bảo tồn, phát huy Lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đăk Nông, giai đoạn 2005 - 2009. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án đã nhận được sự nhiệt tình ủng hộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh nên đạt được những kết quả sau:

Việc triển khai Đề án đã tạo được nhận thức trong cán bộ và nhân dân về tầm quan trọng trong công tác bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là đa số đồng bào dân tộc M’nông đều hết sức phấn khởi và tích cực tham gia.

Đề án đã trang bị 71 bộ cồng chiêng cho nhà văn hóa cộng đồng các huyện, thị; 120 bộ trang phục truyền thống và 180 loại nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông cấp cho đội văn nghệ dân gian cấp huyện, thị.

Tổ chức được 58 lớp truyền dạy cồng chiêng, 07 lớp chế tác nhạc cụ, 01 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 50 nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng và 01 lớp chỉnh chiêng cho 20 nghệ nhân... Các lớp học này đã tạo ra một lực lượng trẻ biết sử dụng số loại nhạc cụ dân gian, nhất là cồng chiêng. Đây là lực lượng nòng cốt để bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể trong tương lai. Từ đó đã thành lập được 07 đội văn nghệ dân gian cấp huyện, thị để phục vụ bà con tại cộng đồng. Các hoạt động này vừa có tác dụng động viên lòng tự hào về di sản mà đồng bào đang lưu giữ, vừa tạo điều kiện để họ có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn văn hóa của các dân tộc khác vừa là dịp để quảng bá các giá trị văn hóa phục vụ du lịch của tỉnh.

Bên cạnh các hoạt động nêu trên, đã khôi phục và tổ chức được 38 lượt văn hóa lễ hội tiêu biểu với nhiều quy mô khác nhau, nhiều nhất là các lễ hội cộng đồng. Việc tổ chức các lễ hội đã nhận được sự đồng tình và tham gia tích cực của công chúng. Ngoài ra còn tổ chức được 8 “Ngày hội văn hóa các dân tộc” ở cấp huyện, thị; 03 lần “Ngày hội văn hóa các dân tộc” ở cấp tỉnh. Những “lễ hội” và “ngày hội này” đã tạo được môi trường hoạt động thuận lợi cho các loại hình văn hóa, văn nghệ dân gian của các dân tộc được bảo tồn và phát huy.

Đề án đã lựa chọn 2 bon tiêu biểu để triển khai xây dựng bon bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống (bon NJriêng, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa và bon Pi Nao, xã Nhân Đạo huyện Đăk R’lấp). Nhưng với nguồn kinh phí hết sức hạn chế, chỉ đủ để 2 bon tiêu biểu này, có thể “khởi động” được một số hoạt động nhỏ lẻ và duy trì các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.

Về kinh phí thực hiện đề án là 5.681.400.000 đồng, nhưng thực tế nguồn vốn cấp cho Đề án trong 5 năm qua là 3.494.000.000 đồng, (đạt tỷ lệ 61,5% vốn so với kế hoạch).

Với những kết quả thiết thực từ việc triển khai Đề án đem lại, tỉnh ta là một tỉnh đầu tiên được tổ chức UNESCO tài trợ kinh phí (1.048.171.283 đồng) cho công tác nâng cao chất lượng hoạt động cồng chiêng, tập huấn nghệ nhân của đề án.

2. Thực trạng chung về văn hóa dân tộc bản địa tỉnh Đăk Nông hiện nay:

Do những tác động mạnh mẽ các dòng văn hóa tín ngưỡng, sự phát triển của xã hội đã làm thay đổi môi trường của văn hóa truyền thống, một bộ phận lớn người dân thờ ơ hoặc quay lưng với văn hóa truyền thống… Trong khi đó, số nghệ nhân ít, hầu hết đã già, điều kiện và phương tiện truyền dạy các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ còn quá thô sơ, đơn giản nên công tác bảo tồn văn hóa truyền thống càng khó khăn.

Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành và nhân dân các dân tộc thiểu số tại chỗ đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, nhưng kết quả đạt được còn ít so với di sản văn hóa dân tộc để lại, nhiều nghi lễ - lễ hội đã dần dần mất đi. Thậm chí, ngay cả những nghi lễ truyền thống như lễ cưới, lễ tang cũng đã bị mai một, không còn thể hiện được bản sắc và phong tục riêng của mỗi dân tộc. Những nhạc cụ dân tộc từ bao đời vốn là niềm kiêu hãnh của các dân tộc Tây Nguyên thì nay đã bị mai một và mất dần, tuy đã được khôi phục nhưng là số nhỏ trong các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Đăk Nông. Các lớp chế tác và hoạt động bảo tồn nhạc cụ mà Đề án đã triển khai cũng chưa khôi phục được bao nhiêu.

Theo số liệu thống kê của ngành Văn hóa và Du lịch năm 2007 trên 138 bon đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ thì các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh ta còn 31 lễ hội truyền thống, 436 bộ cồng chiêng (trong đó có 71 bộ mới cấp); nghệ nhân biết sử dụng cồng chiêng khoảng 618 người; nghệ nhân biết sử dụng các loại nhạc cụ khác là 121 người; nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ dân gian là 62 người và nghệ nhân biết sử thi, dân ca, dân vũ là 247 người. Đây là một con số quá khiêm tốn đối với di sản một nền văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông.

IV. Tính cấp thiết của Đề án:

1. Cần đầu tư mạnh hơn về nguồn lực, vật lực mới có thể duy trì và phát huy những kết quả mà Đề án bảo tồn phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2005 - 2009, nếu không tiếp tục đầu tư để duy trì và phát huy những kết quả đạt được, thì trong thời gian tới kết quả đó sẽ bị mất đi và những di sản của các dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê ngày càng mai một.

2. Số nghệ nhân khá, giỏi còn quá ít, phần lớn đã tuổi cao, sức yếu, cần phải chuyển giao gấp những kiến thức được lưu giữ của nghệ nhân, các kinh nghiệm và vốn di sản cho thế hệ trẻ. Trong khi đó, đội ngũ kế cận hoạt động văn hóa truyền thống thì năng lực còn yếu, nếu không có môi trường để thực hành sẽ “tái mù” và mất đi những giá trị văn hóa truyền thống. Mặt khác, các dòng văn hóa mang tính tiêu cực đã, đang tác động, chi phối lớn trong mọi tầng lớp nhân dân.

3. Tổ chức hoạt động giao lưu, giới thiệu, quảng bá đến rộng khắp các tầng lớp nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế về những giá trị của di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông, góp phần phục vụ phát triển du lịch là điều kiện để các di sản văn hóa này có thể tồn tại lâu dài, bền vững.

4. Cần phải tư liệu hóa các giá trị của di sản để bảo tồn, lưu giữ, nghiên cứu, phát huy trong đời sống xã hội.

Phần II

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu và chỉ tiêu của Đề án:

1. Mục tiêu Đề án:

Tạo ra một lực lượng nghệ nhân trẻ, nòng cốt để kế cận lớp nghệ nhân cha ông trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ; khôi phục môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống, kết hợp với các hoạt động văn hóa hiện đại để các nghệ nhân và lớp trẻ có điều kiện thuận lợi hoạt động, thực hành, hòa nhập với xu thế phát triển chung của toàn xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng của các dân tộc M’nông, Mạ, Ê Đê tỉnh Đăk Nông. Phát huy các giá trị văn hóa để phục vụ đời sống của cộng đồng, góp phần phục vụ phát triển ngành du lịch, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc tại chỗ trong tỉnh.

2. Chỉ tiêu Đề án:

2.1. Về lễ hội - ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số:

- Lễ hội: Tổ chức bảo tồn phát huy các lễ hội truyền thống tiêu biểu tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (tổ chức 3 lần/5 năm x 8 huyện, thị).

- Ngày hội văn hóa: Cấp tỉnh tổ chức 2 lần/5 năm và cấp huyện tổ chức 3 lần/5 năm x 8 huyện, thị.

2.2. Về hoa văn: Phục dựng trên cây nêu, cột lễ, hoa văn trên trang phục và hoa văn trang trí tại các lễ hội; điều tra sưu tầm phục dựng, lưu giữ bằng hình ảnh tư liệu hóa từ 15 - 20 mẫu hoa.

2.3. Cồng chiêng:

- Mua 75 bộ chiêng cấp cho 75 Nhà văn hóa cộng đồng; 25 bộ goong rung trang bị cho 8 nhà văn hóa huyện, thị, 09 đội văn nghệ dân gian, 8 câu lạc bộ cồng chiêng.

- Mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ, hát dân ca, trang trí cây nêu cột lễ mỗi bon tổ chức 5 lớp/5 năm.

- Mở lớp nâng cao năng lực diễn tấu cồng chiêng cho nghệ nhân 10 lớp/5 năm.

2.4. Ứng dụng kết quả nghiên cứu thực hành:

- Sáng tác 10 tác phẩm âm nhạc và xây dựng 01 chương trình nghệ thuật tiêu biểu khai thác từ chất liệu của dân tộc M’nông, Mạ, Ê Đê; Xây dựng đĩa DVD, xuất bản 3 đến 4 cuốn sách giới thiệu về văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc M’nông, Mạ, Ê Đê.

- Đầu tư trang thiết bị âm thanh, xây dựng nội dung, chương trình hoạt động văn hóa dân gian cho 2 bon điển hình để phục vụ du lịch (bon Njriêng, xã Đăk Nia và bon Pi Nao xã Nhân Đạo).

II. Nội dung và phạm vi đối tượng thực hiện Đề án:

1. Phạm vi đối tượng thực hiện đề án:

Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2015.

Tỉnh Đăk Nông có 3 dân tộc tại chỗ là M’nông, Mạ và Ê Đê, nhưng do điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn nên bước đầu mới triển khai đề án bảo tồn vốn văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc M’nông. Trong khi đó văn hóa của 2 dân tộc còn lại là Mạ và Ê Đê - cũng là dân tộc thiểu số tại chỗ nhưng chưa được bảo tồn. Do đó, cần bảo tồn bản sắc văn hóa, đồng thời khơi dậy lòng tự hào dân tộc và phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, tạo ra không gian văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều loại hình văn hóa tiêu biểu của các dân tộc M’nông, Mạ và Ê Đê. Đề án được triển khai đến tất cả các bon, buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, các trường dân tộc nội trú tỉnh Đăk Nông.

Đối với văn hóa tiên tiến của các dân tộc khác, tập trung tuyên truyền để bảo tồn, phát huy và tổ chức lồng ghép hoạt động giao lưu giữa các dân tộc trong tỉnh.

2. Nội dung thực hiện Đề án:

2.1. Về lễ hội:

Mỗi loại hình văn hóa đều tồn tại và phát triển trong một môi trường riêng biệt, nếu không có môi trường để hoạt động, các loại hình văn hóa sẽ bị mất đi. Trong khi đó, “Cộng đồng bon”, “Ngày hội văn hóa” và “Lễ hội” là môi trường thuận lợi nhất để các loại hình văn hóa phi vật thể (hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ) hoạt động và phát triển.

a) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và xây dựng chương trình, nội dung hoạt động cho 02 bon (dân tộc M’nông bon Pi Nao, xã Nhân Đạo huyện Đăk R’lấp và dân tộc Mạ bon N’Jriêng, xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa) nhằm khôi phục lại 4 giá trị văn hóa truyền thống (lễ hội, hoa văn, cồng chiêng, nhạc cụ) phục vụ khách du lịch. Đối với dân tộc Ê Đê buôn Buôr - xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút đã có Chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cơ sở hạ tầng trong những năm qua như: xây dựng nhà văn hóa, mua sắm trang thiết bị… nằm trong chương trình đầu tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, một số hoạt động lễ hội, truyền dạy cồng chiêng vẫn thực hiện.

b) Nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống tiêu biểu mang tính nhân văn cao đã được khảo sát và lựa chọn trong giai đoạn 2005 - 2009; duy trì, mở rộng mô hình “Ngày hội văn hóa” ở cấp tỉnh (2 lần/5 năm) và cấp huyện (mỗi huyện, thị tổ chức 3 lần/5 năm) cho các dân tộc thiểu số tại chỗ. Xây dựng và xuất bản các ấn phẩm (sách, tranh ảnh, băng đĩa) làm tài liệu, tư liệu bảo tồn, giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc bản địa đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, bạn bè trong nước và quốc tế.

c) Khôi phục và duy trì lễ hội: Cấp tỉnh chỉ tổ chức lễ hội đặc sắc, khôi phục và bảo tồn hoa văn trên trang phục, trên cây nêu, cột lễ, hoa văn trong trang trí lễ hội, biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ để quảng bá phục vụ khách du lịch (mỗi năm khôi phục 01 lễ hội). Tổ chức tại các xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

d) Khôi phục chương trình Văn nghệ dân gian, mua sắm trang phục, đạo cụ cho các đội văn nghệ dân gian đi phục vụ cộng đồng các dân tộc trong tỉnh.

2.2. Về truyền dạy và tập huấn:

Tổ chức truyền dạy là một hoạt động hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn để các nghệ nhân có thể chuyển giao, truyền lại những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình về di sản văn hóa cho thế hệ sau. Mở các lớp truyền dạy 3 môn chủ yếu: cồng chiêng, chế tác và sử dụng nhạc cụ, hát dân ca.

Mở lớp bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ làm công tác bảo tồn, giáo viên dạy hát nhạc trong các trường phổ thông và dân tộc nội trú, nâng cao năng lực cho các nghệ nhân truyền dạy, cụ thể:

a) Cấp tỉnh:

- Trong 5 năm, mở 3 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về di sản văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc tại chỗ. Đối tượng học viên là cán bộ làm công tác bảo tồn, học sinh trong các trường nội trú, giáo viên và hướng dẫn viên du lịch (mỗi lớp 100 học viên, thời gian học khoảng 7 - 10 ngày);

- Tập huấn nâng cao năng lực nghệ nhân cồng chiêng (chỉnh chiêng và truyền dạy đánh chiêng); sử dụng và chế tác nhạc cụ, làm cây nêu, cột lễ: 10 lớp/5 năm cho 200 nghệ nhân, thời gian tập huấn từ 10 - 15 ngày.

b) Cấp huyện:

- Tổ chức các lớp truyền dạy một trong các bộ môn: diễn tấu cồng chiêng, sử dụng và chế tác nhạc cụ, hát dân ca; làm cây nêu, cột lễ; dệt thổ cẩm, trang trí bằng hoa văn truyền thống… tại nhà văn hóa cộng đồng cho con em đồng bào dân tộc tại chỗ trong địa bàn, mỗi bon tổ chức được 05 lớp/5 năm (5 bộ môn: lớp cồng chiêng; lớp sử dụng và chế tác nhạc cụ; lớp hát dân ca; lớp trang trí hoa văn dân tộc; dệt thổ cẩm cho 50% trên tổng số bon, buôn toàn tỉnh, mỗi lớp khoảng 20 học viên, học trong 30 buổi (có thể học một ngày, nghỉ một ngày, kéo dài không quá 3 tháng);

- Tập huấn cho các đối tượng (già làng, trưởng bon, nghệ nhân tiêu biểu, ban chủ nhiệm các CLB văn nghệ dân gian…), mỗi huyện tổ chức được 1 lớp/5 năm cho 50 học viên/lớp, thời gian từ 4 đến 5 ngày.

c) Mua sắm thêm 75 bộ cồng chiêng trang bị cho 75 bon có Nhà Văn hóa cộng đồng chưa được cấp chiêng trong giai đoạn 2005 - 2009 và 25 bộ Goong Rung cấp cho 8 nhà văn hóa huyện, thị, 8 câu lạc bộ cồng chiêng; 09 đội văn nghệ dân gian các huyện, thị để tổ chức truyền dạy và bảo tồn.

2.3. Nghiên cứu và ứng dụng các giá trị văn hóa lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ:

a) Nghiên cứu và xây dựng 01 bộ tư liệu về di sản cồng chiêng (ký âm và phân tích sâu về phương diện âm nhạc và nghệ thuật diễn tấu khoảng 30 bài chiêng truyền thống của 3 dân tộc M’nông, Mạ và Ê Đê);

b) Sáng tác 10 tác phẩm âm nhạc khai thác từ chất liệu dân gian dân tộc M’nông, Mạ và Ê Đê.

2.4. Giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ:

a) Làm 01 DVD giới thiệu về âm nhạc dân gian của 3 dân tộc M’nông, Mạ và Ê đê tỉnh Đăk Nông;

b) In từ 3 đến 4 cuốn sách giới thiệu các gương mặt nghệ nhân, văn hóa phi vật thể và các hoạt động văn hóa dân gian tiêu biểu của tỉnh.

Phần III

BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

I. Những giải pháp chủ yếu:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động mọi tầng lớp nhân dân và cán bộ công chức nhà nước để tạo sự đồng thuận trong tổ chức, thực hiện đề án.

Tổ chức hoạt động giao lưu, giới thiệu, quảng bá để các tầng lớp nhân dân, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu, biết những giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông, nhằm mục đích bảo tồn bền vững và phục vụ du lịch.

2. Giải quyết cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các Nhà Văn hóa cộng đồng của đồng bào M’nông:

Từng địa phương cần dành cho cộng đồng bon quỹ đất để tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian với diện tích khoảng 2000 m2 (nhà sinh hoạt cộng đồng và sân tổ chức lễ hội).

Đối với các bon, buôn đã có Nhà văn hóa cộng đồng nhưng chưa có sân sinh hoạt văn hóa thể thao thì cần bổ sung quỹ đất là 1500m2 - 1700m2.

3. Huy động sức dân và các nguồn vốn khác:

Trên tinh thần “nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huy động sự đóng góp sức của nhân dân, cộng đồng dân cư, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm về kinh phí, ngày công lao động để thực hiện Đề án.

4. Phối hợp giữa các cơ quan hữu quan:

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, cần quan tâm phối hợp triển khai, đôn đốc, chỉ đạo, theo dõi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đề án.

5. Chế độ khuyến khích đối với các đối tượng tham gia bảo tồn:

5.1. Đối với các cán bộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trực tiếp thực hiện đề án, được hưởng các chế độ công tác phí theo chế độ hiện hành từ nguồn kinh phí của đề án này.

5.2. Đối với các đối tượng nghệ nhân và các cá nhân, tập thể là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ hoạt động tích cực cho công tác bảo tồn văn hóa được hưởng chế độ khen thưởng theo quy định nhà nước.

II. Kinh phí thực hiện Đề án (giai đoạn 2010 - 2015):

Đề án này chỉ tập trung những hoạt động bảo tồn với các di sản tiến bộ, thiết thực, những loại hình văn hóa lễ hội tiêu biểu, đầu tư có trọng điểm, chọn lọc và không trùng lặp với nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên của ngành văn hóa.

Nguồn vốn đầu tư cho đề án:

- Kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia và xin tài trợ: 1.000.000.000đ

- Kinh phí từ ngân sách địa phương: 9.310.000.000đ.

- Kinh phí huy động từ nhân dân: (bằng ngày công, hiện vật = 400.000.000đ)

Tổng kinh phí: 10.710.000.000đ

 (Bằng chữ: Mười tỷ bảy trăm mười triệu đồng chẵn)

 (Có bản chi tiết kèm theo)

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện đề án và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm.

 

PHỤ LỤC

VỀ CÁC LỄ HỘI CHÍNH CỦA DÂN TỘC M’NÔNG, MẠ, Ê ĐÊ
(Kèm theo Đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiềng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2010 - 2015)

1. Lễ hội của dân tộc M’nông, Mạ:

- Lễ hội mừng chiến thắng;

- Lễ cúng thần rừng;

- Lễ mừng lúa tốt - Chốt Yu (lúc lúa đang thì con gái);

- Lễ tuốt lúa - Rước hồn lúa - Tơm Kach;

- Lễ tắm lúa;

- Lễ kết vòng cho lúa;

- Lễ mừng được mùa;

- Lễ mừng lúa mới;

- Lễ hội nhập bon;

- Lễ hỏi cưới, lại mặt;

- Lễ phát rẫy;

- Lễ phát rẫy;

- Lễ hội cầu mưa;

- Lễ ăn cơm mới;

- Lễ cúng mừng sức khỏe già làng;

- Lễ cúng nhà mới, đón khách...;

- Lễ N’Sông bon (lễ cưới bon);

- Lễ Kách nang (kết nghĩa giữa các bon);

- Lễ Nglăp bon (lễ sum họp giữa các bon);

- Lễ Tăm Plang Phrang bon (lễ rào bon);

- Lễ hội Tằm Jun...;

- Lễ cúng bến nước.

2. Lễ hội của dân tộc Ê Đê:

- Lễ cúng Yàng: là nghi lễ đầu tiên trong các lễ cúng;

- Lễ cúng tổ tiên;

- Lễ đón khách, lễ cưới;

- Lễ cúng sức khỏe, cúng bến nước;

- Lễ thượng thọ (lên Gơng rai), mừng được mùa;

- Lễ rước Kpan;

- Lễ mừng nhà mới.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 02/2010/NQ-HĐND thông qua đề án bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ của các dân tộc thiểu số tại chỗ, giai đoạn 2010 - 2015

  • Số hiệu: 02/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/05/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông
  • Người ký: K’ Beo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản