Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

 

Số: 72/2010/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2010

 

Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, ký tại Hà Nội ngày 15 tháng 9 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 12 năm 2010./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Minh Nguyệt

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ THỰC HIỆN

HIỆP ĐỊNH TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ QUA LẠI BIÊN GIỚI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi là “các Bên ký kết”);

Căn cứ Hiệp định tạo Điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 23 tháng 4 năm 2009 tại Hà Nội (sau đây gọi là “Hiệp định”); đã thỏa thuận như sau:

Chương I

ĐĂNG KÝ VÀ KÝ HIỆU PHÂN BIỆT QUỐC GIA CỦA PHƯƠNG TIỆN

Điều 1. Nghĩa vụ đăng ký

Phương tiện cơ giới đường bộ (gọi tắt là phương tiện) sử dụng trong vận tải đường bộ qua lại giữa hai nước được đăng ký tại một Bên ký kết phù hợp với các quy định trong Nghị định thư này.

Điều 2. Sử dụng chữ số và ngôn ngữ

Giấy đăng ký và biển đăng ký của phương tiện, những thông tin chi tiết được ghi bằng tiếng Anh (bằng chữ viết hoa hoặc chữ thường) và chữ số Ả rập. Việc sử dụng tiếng Anh và các chữ số Ả rập không ngăn cấm việc sử dụng đồng thời ngôn ngữ quốc gia.

Điều 3. Giấy đăng ký phương tiện

Mọi phương tiện khi tham gia vận tải giữa hai nước phải có Giấy đăng ký phương tiện hợp lệ do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết có phương tiện cấp và phải có các nội dung sau:

1. Thông tin cơ bản

a) Tiêu đề: Giấy đăng ký phương tiện;

b) Tên của cơ quan cấp;

c) Chứng thực (ký tên/đóng dấu);

d) Ngày cấp giấy đăng ký phương tiện.

2. Các chi tiết đăng ký

a) Số đăng ký;

b) Ngày đăng ký lần đầu;

c) Thời hạn có hiệu lực nếu không phải là giấy đăng ký vô thời hạn.

3. Đặc điểm của chủ sở hữu/người đăng ký

a) Họ và tên;

b) Địa chỉ.

4. Các chi tiết về phương tiện

a) Loại phương tiện: xe tải, xe buýt, xe chở khách...

b) Thân xe:

b.1) Tên/nhãn hiệu của nhà sản xuất;

b.2) Kiểu/mã hiệu (nếu có);

b.3) Màu sơn (Ký hiệu RAL);

b.4) Năm sản xuất (nếu có);

b.5) Kích thước toàn bộ: Dài…… m; Rộng ……. m; Cao……. m;

b.6) Số khung;

b.7) Tổng số trục;

b.8) Khối lượng rỗng (tự trọng của xe) (đối với xe tải hoặc xe buýt);

b.9) Tải trọng (đối với xe tải): Hàng hóa:............ kg; (đối với xe khách): Số chỗ ngồi:....... đứng:........ nằm.

c) Động cơ:

c.1) Tên động cơ (nếu khác với thân xe);

c.2) Dung tích;

c.3) Công suất;

c.4) Số se ri.

Điều 4. Biển đăng ký phương tiện

Mọi phương tiện tham gia vận tải qua lại biên giới phải biểu thị số đăng ký trên tấm biển phẳng đặt thẳng đứng gắn cố định tại phía trước và phía sau phương tiện và vuông góc với mặt cắt dọc giữa xe, có thể đọc được từ khoảng cách 35 - 40 mét. Bề mặt của tấm biển có thể bằng chất liệu phản quang. Rơ moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc tối thiểu phải mang biển đăng ký ở phía sau.

Điều 5. Ký hiệu phân biệt quốc gia

Ký hiệu phân biệt quốc gia bao gồm từ 01 đến 03 ký tự bằng chữ hoa Latinh, chữ có chiều cao tối thiểu 0,08 mét và nét chữ có bề rộng tối thiểu là 0,01mét. Các chữ có màu đen trên một biển nền trắng có dạng hình elíp với trục chính (trục dài) nằm ngang.

Ký hiệu phân biệt quốc gia cho phương tiện của từng nước như sau:

- Việt Nam: VN

- Lào: LAO

Ký hiệu phân biệt quốc gia được gắn lên kính xe phía trước góc trên phía tay phải của người lái xe.

Điều 6. Công nhận lẫn nhau

Mỗi Bên ký kết công nhận biển đăng ký phương tiện, giấy đăng ký phương tiện, chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện và/hoặc tem kiểm định, giấy phép lái xe và giấy phép liên vận do cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia cấp.

Chương II

YÊU CẦU ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN

Điều 7. Yêu cầu chung

1. Các phương tiện thương mại và phi thương mại đủ điều kiện theo quy định của Hiệp định và Nghị định thư này được phép hoạt động qua lại giữa Việt Nam và Lào qua các cặp cửa khẩu quy định tại Điều 30 Nghị định thư này.

2. Phương tiện vận tải được tạm nhập - tái xuất vào mỗi Bên ký kết được phép lưu hành trong thời hạn 30 ngày và được phép gia hạn một lần với thời gian không quá 10 ngày trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan. Sở Giao thông vận tải địa phương nơi phương tiện gặp sự cố chịu trách nhiệm gia hạn. Việc tái xuất không phụ thuộc vào cửa khẩu tạm nhập.

3. Phương tiện hoạt động vận tải thương mại được cấp giấy phép liên vận gồm:

a) Vận tải hành khách theo tuyến cố định;

b) Vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch;

c) Vận tải hàng hóa;

d) Vận tải tự phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm vận tải phục vụ các công trình, dự án, hoạt động kinh doanh mà doanh nghiệp thực hiện.

4. Phương tiện vận tải phi thương mại được cấp giấy phép liên vận gồm:

a) Phương tiện đi công vụ, đi công tác;

b) Phương tiện của cá nhân đi việc riêng: là loại xe ô tô chở người dưới 09 (chín) chỗ, xe pick-up;

c) Phương tiện của các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế;

d) Xe cứu hỏa, cứu thương, cứu hộ, xe thực hiện sứ mệnh nhân đạo.

5. Phương tiện vận tải đường bộ nêu trong Nghị định thư này là loại xe có hệ thống tay lái nằm phía bên trái theo chiều xe chạy.

6. Phương tiện thương mại phải có niên hạn sử dụng phù hợp với quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.

7. Phương tiện cơ giới qua lại biên giới phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba phù hợp với luật pháp và các quy định của Nước sở tại.

Điều 8. Yêu cầu về giấy tờ

1. Các giấy tờ còn giá trị sau đây sẽ phải luôn được mang theo phương tiện khi thực hiện hoạt động vận tải gồm:

a) Đối với phương tiện vận tải hành khách:

a.1) Giấy đăng ký phương tiện;

a.2) Sổ chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

a.3) Giấy phép liên vận;

a.4) Danh sách hành khách: Đối với xe chạy tuyến cố định phải có xác nhận của Bến xe; đối với xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng, xe vận chuyển khách du lịch phải có xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải;

a.5) Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;

a.6) Giấy bảo hiểm hành khách;

a.7) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất.

b) Đối với phương tiện vận tải hàng hóa:

b.1) Giấy đăng ký phương tiện;

b.2) Sổ chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

b.3) Giấy phép liên vận;

b.4) Vận đơn;

b.5) Tờ khai hải quan đối với hàng hóa;

b.6) Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;

b.7) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất;

b.8) Giấy chứng nhận kiểm dịch động, thực vật (nếu vận chuyển hàng nông sản).

c) Đối với phương tiện khác:

c.1) Giấy đăng ký phương tiện;

c.2) Sổ chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;

c.3) Giấy phép liên vận;

c.4) Giấy bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với bên thứ ba;

c.5) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất.

2. Toàn bộ giấy tờ nêu trên cùng bản dịch tiếng Anh hoặc bản dịch tiếng quốc gia của Nước đến có chứng thực, phải luôn được mang theo khi ở trên lãnh thổ của Bên ký kết kia để trình cho các cơ quan hữu quan khi được yêu cầu.

Điều 9. Giấy phép liên vận

1. Mọi phương tiện đăng ký tại một Bên khi đi vào lãnh thổ của Bên kia phải có giấy phép liên vận do cơ quan có thẩm quyền của Bên có phương tiện cấp.

2. Đối với phương tiện vận tải theo tuyến cố định, cơ quan cấp phép phải ghi rõ tên các cặp cửa khẩu, điểm đi, điểm đến và tuyến đường vận tải nơi phương tiện được phép hoạt động.

3. Đối với phương tiện cá nhân đi việc riêng, cơ quan cấp phép phải ghi rõ họ tên, địa chỉ cá nhân đó.

4. Hai bên ký kết sẽ thông báo cho nhau danh sách doanh nghiệp tham gia hoạt động vận tải thương mại. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết này không chấp thuận cho doanh nghiệp hoặc phương tiện của Bên ký kết kia tham gia hoạt động vận tải qua lại biên giới phải thông báo lý do bằng văn bản.

5. Vận tải khách du lịch chỉ được thực hiện qua các cặp cửa khẩu quốc tế.

Điều 10. Mẫu giấy phép liên vận

1. Giấy phép liên vận gồm:

(a) Sổ Giấy phép liên vận và

(b) phù hiệu gắn trên phương tiện vận tải liên vận. Giấy phép liên vận được in thành hai thứ tiếng: tiếng Anh và tiếng quốc gia (tiếng Việt hoặc Lào). Giấy phép và phù hiệu của Bên ký kết nào thì in ngôn ngữ quốc gia của Bên ký kết đó ở trên và tiếng Anh ở dưới. Giấy phép liên vận sẽ tuân thủ theo mẫu quy định tại Phụ lục đính kèm.

2. Thời hạn của giấy phép liên vận cấp cho phương tiện thương mại được qua lại nhiều lần có giá trị 01 năm kể từ ngày cấp. Thời hạn giấy phép liên vận cấp cho xe vận tải hành khách theo hợp đồng và vận tải khách du lịch cũng có thể theo thời gian chuyến đi hoặc thời gian của chuyến du lịch nhưng không vượt quá 30 ngày.

3. Thời hạn của giấy phép liên vận cấp cho phương tiện phi thương mại là 30 ngày kể từ ngày cấp, riêng thời hạn giấy phép liên vận cấp cho phương tiện đi công vụ, phương tiện của các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế có thể có theo thời gian của chuyến đi nhưng không vượt quá 01 năm.

Chương III

TẠM NHẬP VÀ TÁI XUẤT PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI

Điều 11. Các khoản thuế, cấm và hạn chế nhập

Mỗi Bên cam kết cho phép tạm nhập vào trong lãnh thổ của mình phương tiện được đăng ký ở Bên kia mà không phải nộp thuế, phí nhập khẩu và không bị cấm hay bất kỳ hạn chế nào; phải tái xuất và tuân thủ các điều kiện khác quy định trong Nghị định thư này.

Điều 12. Mở rộng cho các hạng mục khác

Phụ tùng, đồ nghề và các vật dụng khác hợp thành các thiết bị thông thường của phương tiện và nhiên liệu chứa trong các bình nhiên liệu thông thường/nguyên gốc và dầu nhờn với khối lượng cần thiết để sử dụng trong chuyến đi và các thiết bị cần thiết để bảo dưỡng và bộ phận thay thế để sửa chữa phương tiện cũng được điều chỉnh theo chế độ tương tự. Những hạng mục này cần được khai báo hải quan và được miễn thuế.

Điều 13. Tái xuất

1. Phương tiện cơ giới tạm nhập vào Bên kia phải được tái xuất nguyên trạng, trừ hao mòn và hỏng hóc thông thường, trong phạm vi thời gian cho phép; nếu không có lý do chính đáng, phương tiện cơ giới sẽ bị coi như nhập khẩu bất hợp pháp vào Bên ký kết kia và phải bị xử lý bằng (các) biện pháp phù hợp theo luật pháp và các quy định quốc gia của Bên ký kết kia.

2. Những phụ tùng chưa sử dụng hoặc bị hỏng của phương tiện tạm nhập phải mang ra khỏi Bên ký kết kia.

3. Phương tiện tạm nhập đó bị hư hỏng nặng trong một tai nạn sẽ không phải tái xuất, với điều kiện:

a) Đã thanh toán các khoản thuế và phí nhập khẩu;

b) Phương tiện đã bị hủy bỏ và được cơ quan có thẩm quyền Bên ký kết kia chấp thuận;

c) Phương tiện được tiêu hủy dưới sự giám sát của Cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết kia bằng chi phí của người làm thủ tục tạm nhập phương tiện và bất cứ phụ tùng nào còn sử dụng được phải tái xuất hoặc trả thuế và phí nhập khẩu.

Điều 14. Bằng chứng của việc tạm nhập - tái xuất

Bằng chứng của việc tạm nhập và tái xuất phương tiện cơ giới đường bộ được ghi bằng Tờ khai hải quan tạm nhập - tái xuất phương tiện khi qua trạm kiểm soát biên giới.

Đối với xe chở khách (kể cả khách du lịch) khi qua cửa khẩu lái xe phải xuất trình bảng kê danh sách hành khách đi theo xe cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu.

Đối với xe chở hàng hóa, lái xe phải xuất trình bảng kê khai hàng hóa chở trên xe cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại cửa khẩu.

Chương IV

YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI QUA LẠI BIÊN GIỚI

Điều 15. Giấy tờ của người qua lại biên giới

Lái xe và người qua lại biên giới phải mang theo các loại giấy tờ sau:

1. Đối với lái xe

a) Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do Nước mình cấp theo yêu cầu;

b) Giấy phép lái xe quốc gia (hoặc quốc tế) còn giá trị;

c) Bản sao Hợp đồng lao động (có giá trị 01 năm trở lên) với đơn vị có tư cách pháp nhân tại Nước có phương tiện được đăng ký hoặc thẻ tạm trú hoặc chứng minh thư ngoại giao trong trường hợp hộ chiếu của lái xe và giấy đăng ký phương tiện không do cùng một Bên ký kết cấp.

2. Đối với hành khách và nhân viên phục vụ

Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của người mang hộ chiếu cấp và thị thực do cơ quan có thẩm quyền của nước đến cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực).

Điều 16. Kiểm tra y tế đối với người

1. Điều khoản chung: Mỗi bên ký kết sẽ áp dụng luật và các quy định quốc gia phù hợp với “Quy định y tế quốc tế” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

2. Nguyên tắc: Không kiểm tra y tế đối với những trường hợp sau:

a) Người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh phải kiểm dịch theo quy định của WHO nhưng có giấy chứng nhận tiêm chủng và các biện pháp dự phòng quốc tế;

b) Người không đến từ hoặc đi qua những khu vực có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh phải kiểm dịch theo quy định của WHO;

c) Không có những triệu chứng biểu hiện của các bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

3. Kiểm tra y tế sẽ được phép trong các trường hợp sau:

a) Người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh phải kiểm dịch theo quy định của WHO nhưng không có giấy chứng nhận tiêm chủng và các biện pháp dự phòng quốc tế;

b) Người đến từ hoặc đi qua những khu vực có bệnh dịch;

c) Người có những triệu chứng biểu hiện của các bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng.

4. Xử lý khi phát hiện những người bị mắc bệnh truyền nhiễm

Khi  phát  hiện  có  người  bị  mắc  bệnh  truyền  nhiễm,  cơ  quan  chức  năng  hữu quan:

a) Có thể từ chối nhập cảnh lãnh thổ hoặc khước từ cá nhân người nước ngoài nếu tình trạng sức khỏe vẫn cho phép họ trở về;

b) Bắt buộc áp dụng biện pháp tiêm chủng hoặc các biện pháp dự phòng phù hợp khác theo quy định của WHO;

c) Nếu tình trạng sức khỏe không cho phép người đó đi lại, thì thực hiện chăm sóc và điều trị y tế phù hợp trong vùng cách ly/kiểm dịch đối với cá nhân đó;

d) Phải thông báo kịp thời tới WHO thông qua các kênh phù hợp theo các quy định hiện hành.

Điều 17. Kiểm tra vệ sinh dịch tễ đối với hành lý cá nhân

Cơ quan có thẩm quyền của hai bên ký kết sẽ thực hiện các quy định về kiểm tra vệ sinh dịch tễ đối với hành lý cá nhân theo pháp luật của mỗi Bên ký kết và các điều ước quốc tế mà hai Bên tham gia.

Chương V

YÊU CẦU ĐỐI VỚI NGƯỜI VẬN TẢI

Điều 18. Giấy phép hoạt động vận tải quốc tế

1. Chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và Lào đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 19 được cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế để hoạt động vận tải thương mại giữa Việt Nam và Lào.

2. Mẫu giấy phép hoạt động vận tải đường bộ quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên ký kết quy định.

Điều 19. Tiêu chí cấp giấy phép hoạt động vận tải đường bộ quốc tế

Các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện sau đây được cấp giấy phép hoạt động vận tải đường bộ quốc tế:

1. Có đăng ký kinh doanh hoạt động vận tải đường bộ

2. Năng lực hoạt động

a) Có kinh nghiệm từ 3 năm trở lên trong hoạt động vận tải nội địa tại nước mình;

b) Đối với vận tải hành khách tuyến cố định, phải có đủ số lượng phương tiện phù hợp với phương án kinh doanh trên tuyến.

3. Năng lực chuyên môn

Bên ký kết của người vận tải phải làm rõ và khẳng định năng lực của người vận tải trong việc quản lý kinh tế, cung ứng dịch vụ có chất lượng, cạnh tranh lành mạnh và vận hành an toàn doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải. Nhằm mục đích này, Bên ký kết của người vận tải sẽ yêu cầu người vận tải phải có năng lực trong các lĩnh vực sau đây:

a) Các vấn đề về pháp lý liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ (ví dụ như hợp đồng, nghĩa vụ pháp lý của người vận tải, luật doanh nghiệp, luật kế toán, luật lao động, luật thuế);

b) Quản lý hoạt động vận tải (tính toán chi phí và giá thành, biện pháp thanh toán và cấp tài chính, quy định về giá, bảo hiểm, môi giới vận tải, kỹ năng quản lý, tiếp thị);

c) Các điều kiện và yêu cầu về khả năng tiếp cận thị trường nếu có (ví dụ tiếp cận chuyên môn, chứng từ vận tải, cạnh tranh bình đẳng/chống phá giá);

d) Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến hoạt động vận tải (kích cỡ và trọng lượng phương tiện, lựa chọn phương tiện, bảo dưỡng phương tiện, xếp dỡ hàng hóa, vận tải hàng nguy hiểm và hàng mau hỏng, các nguyên tắc bảo vệ môi trường trong giao thông đường bộ);

đ) An toàn đường bộ (như các quy tắc đường bộ, an toàn giao thông đường bộ, phòng chống và giảm thiểu tai nạn đường bộ).

Điều 20. Giá cước vận tải

1. Đối với các dịch vụ vận tải hành khách không theo tuyến cố định và vận tải hàng hóa, giá cước vận tải sẽ do thị trường tự do xác định nhưng phải thống nhất giữa người vận tải và người thuê vận tải.

2. Đối với các dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến cố định, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên tuyến của các Bên ký kết có liên quan sẽ thỏa thuận giá dịch vụ và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quản lý tuyến để thực hiện. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã cố tình không thực hiện đúng giá cước đã thống nhất thì cơ quan quản lý tuyến của hai Bên sẽ cùng thống nhất để yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng hoạt động trên tuyến.

Điều 21. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm của Người vận tải đối với hành khách

Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách phải mua bảo hiểm hành khách và công bố mức bảo hiểm hành khách trên vé hoặc trên hợp đồng vận chuyển.

Chương VI

VẬN CHUYỂN NGƯỜI QUA LẠI BIÊN GIỚI

Điều 22. Các định nghĩa

1. Vận tải hành khách theo tuyến cố định là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách có bến đi, bến đến, các điểm dừng đỗ theo hành trình và lịch trình nhất định.

2. Vận tải hành khách theo hợp đồng là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ôtô không theo tuyến cố định được thực hiện theo yêu cầu về lịch trình và hành trình của người hợp đồng vận chuyển.

3. Vận tải khách du lịch là việc cung cấp dịch vụ vận tải hành khách theo tuyến du lịch, chương trình du lịch và điểm du lịch.

Điều 23. Vận tải hành khách theo tuyến cố định

1. Tuyến vận tải hành khách phải xuất phát tại bến xe của một Bên ký kết và kết thúc tại bến xe của Bên ký kết kia. Các bến xe phải đạt tiêu chuẩn do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên quy định.

2. Việc mở tuyến vận tải hành khách cố định, chấp thuận cho doanh nghiệp, hợp tác xã và phương tiện khai thác trên tuyến, tổ chức hoạt động của tuyến... do cơ quan có thẩm quyền của hai Bên thống nhất quyết định. Cơ quan quản lý tuyến ghi rõ phương tiện, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động, hành trình, lịch trình trong văn bản chấp thuận của mình để doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện.

3. Mỗi chuyến xe phải có danh sách hành khách đi trên xe. Doanh nghiệp vận tải liệt kê danh sách hành khách trước khi xuất bến để Bến xe xác nhận; lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải ghi đầy đủ danh sách hành khách bổ sung dọc đường. Danh sách hành khách được cung cấp cho các cơ quan có liên quan kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và các cơ quan có liên quan khác khi được yêu cầu. Mẫu danh sách hành khách do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của hai Bên phát hành và thông báo cho nhau biết để thuận tiện kiểm tra, kiểm soát.

4. Mỗi hành khách được phép mang theo một kiện hành lý miễn cước có khối lượng tới 20 kg và với kích thước hợp lý. Người vận tải có thể thu cước đối với hành lý phụ trội. Giá cước tùy thuộc vào tuyến đường, nhưng không vượt quá 2% giá vé đủ chặng của hành khách cho một (01) kg phụ trội.

5. Vé hành khách và đại lý bán vé hành khách

a) Vé hành khách bao gồm thông tin tối thiểu sau đây bằng ngôn ngữ quốc gia và bằng tiếng Anh: điểm xuất phát và đích đến; ngày hành trình hoặc thời hạn có hiệu lực của vé; giá vé; bảo hiểm; thông báo về chế độ trách nhiệm của Người vận tải....

Vé phải ghi tên, số hộ chiếu của mỗi hành khách;

b) Việc tổ chức các đại lý bán vé của các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện theo quy định pháp luật của mỗi Bên ký kết.

Điều 24. Vận tải hành khách theo hợp đồng

Khi vận tải hành khách theo hợp đồng qua lại biên giới giữa hai Bên phải có:

1. Hợp đồng vận chuyển được in song ngữ bằng ngôn ngữ quốc gia (tiếng Việt hoặc tiếng Lào) và bằng tiếng Anh bao gồm các thông tin sau:

a) Tên và địa chỉ của người vận tải;

b) Điểm xuất phát và điểm đến; các điểm dừng nghỉ trên hành trình;

c) Thời gian của chuyến đi;

d) Giá vận chuyển;

đ) Một số quy định hoặc luật về trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia trong quá trình vận tải.

2. Danh sách hành khách

Phương tiện khi vận tải khách phải có danh sách hành khách đi trên xe do người thuê vận chuyển lập trước khi khởi hành; Danh sách hành khách được cung cấp cho các cơ quan có liên quan để kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và các cơ quan có liên quan khác khi được yêu cầu. Mẫu danh sách hành khách do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của hai Bên ký kết quy định và thông báo cho nhau biết để thuận tiện kiểm tra, kiểm soát.

Điều 25. Vận chuyển khách du lịch

Khi vận tải khách du lịch qua lại biên giới giữa hai Bên phải đảm bảo các nội dung sau:

1. Phương tiện vận tải khách du lịch phải đáp ứng tối thiểu tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, chất lượng dịch vụ và được cấp biển hiệu riêng theo mẫu thống nhất quy định của Cơ quan có thẩm quyền của mỗi bên ký kết.

2. Sử dụng người điều khiển và người phục vụ trên phương tiện chuyên vận tải khách du lịch có chuyên môn, sức khỏe phù hợp, được bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch.

3. Có biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản của khách du lịch trong quá trình vận tải; mua bảo hiểm hành khách cho khách du lịch theo phương tiện vận tải.

4. Có chương trình du lịch do công ty du lịch của một Bên ký kết xây dựng kèm theo danh sách hành khách để xuất trình cho các cơ quan kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và các cơ quan có liên quan khác khi được yêu cầu. Mẫu danh sách hành khách do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của hai Bên ký kết quy định và thông báo cho nhau biết để thuận tiện kiểm tra, kiểm soát.

Chương VII

VẬN CHUYỂN HÀNG HÓA QUA LẠI BIÊN GIỚI

Điều 26. Quy định chung

1. Phương tiện vận tải đường bộ chuyên chở hàng nguy hiểm hoặc hàng có trọng tải, kích thước vượt quá quy định, khi vào lãnh thổ của Bên ký kết kia phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Bên ký kết đó cấp giấy phép đặc biệt.

2. Các phương tiện vận tải đường bộ có giấy phép đặc biệt vẫn phải kèm theo Giấy phép liên vận.

3. Việc kiểm tra xe quá khổ, quá tải chỉ được thực hiện một lần tại cửa khẩu hoặc trạm kiểm tra tải trọng xe nơi gần biên giới nhất. Xe quá tải phải tổ chức hạ tải tại nơi kiểm tra. Chi phí hạ tải, lưu kho bãi và bảo quản hàng hóa do chủ phương tiện chi trả.

Điều 27. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa

Hợp đồng vận chuyển do các bên ký kết hợp đồng thống nhất trong đó phải bao gồm các thông tin sau:

1. Tên, địa chỉ người vận tải, người gửi hàng, người nhận hàng.

2. Các thỏa thuận về quá trình vận tải: thời gian nhận hàng, gửi hàng, hành trình, loại phương tiện...

3. Giá cước.

4. Các điều khoản về bồi thường hoặc không bồi thường.

Điều 28. Vận đơn

1. Hàng hóa khi vận chuyển trên phương tiện phải có vận đơn theo quy định.

2. Việc thất lạc vận đơn sẽ không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng vận chuyển nếu hợp đồng vận chuyển đó tuân thủ các điều khoản của Hiệp định và Nghị định thư này.

Điều 29. Vận chuyển hàng mau hỏng và hàng nguy hiểm

1. Khi vận chuyển hàng mau hỏng và hàng nguy hiểm các Bên ký kết phải tuân thủ quy định Luật pháp của nước mình và các Điều ước quốc tế mà hai Bên ký kết tham gia.

2. Hàng mau hỏng và hàng nguy hiểm vận chuyển trên phương tiện sẽ được hưởng cơ chế thông quan ưu tiên qua cửa khẩu.

Chương VIII

QUY ĐỊNH CÁC CẶP CỬA KHẨU BIÊN GIỚI, THỦ TỤC VÀ CÁC KHOẢN THU LIÊN QUAN ĐẾN VẬN TẢI QUA LẠI BIÊN GIỚI

Điều 30. Chỉ định các cặp cửa khẩu

Hai Bên ký kết thống nhất cấp phép liên vận thực hiện Hiệp định qua các cặp cửa khẩu dưới đây:

STT

Việt Nam

Lào

Tên cửa khẩu

Đường đến cửa khẩu

Tên cửa khẩu

Đường đến cửa khẩu

1

Tây Trang (Điện Biên)

Quốc lộ 279

Pang Hốc (Phông xả ly)

Quốc lộ 2E

2

Chiềng Khương (Sơn La)

Đường tỉnh 105

Bản Đán ( Hua phăn)

Quốc lộ 6B

3

Loóng Sập (Sơn La)

Quốc lộ 43

Pa Háng (Hua Phăn)

Quốc lộ 6B

4

Na Mèo (Thanh Hóa)

Quốc lộ 217

Nậm Xôi (Hua Phăn)

Quốc lộ 6A

5

Nậm Cắn (Nghệ An)

Quốc lộ 7

Nặm Cắn (Xiêng khoảng)

Quốc lộ 7

6

Cầu Treo (Hà Tĩnh)

Quốc lộ 8

Nặm  Phao  (Bo  li  khăm xay)

Quốc lộ 8

7

Cha Lo (Quảng Bình)

Quốc lộ 12A

Na Phàu (Khăm muôn)

Quốc lộ 12

8

Lao Bảo (Quảng Trị)

Quốc lộ 9

Đen  Sa  Vẳn  (Sa  văn  na khẹt)

Quốc lộ 9

9

La Lay (Quảng Trị)

Đường tỉnh Tà Rụt - La Lay

La Lay (Sa la văn)

Quốc lộ 15

10

Nam Giang (Quảng Nam)

 

Đắc Ta Oóc (Sê Kong)

Quốc lộ 18B

11

Bờ Y (Kon Tum)

Quốc lộ 40 - 18

Phu Cưa (At ta pư)

Quốc lộ 18

12

Huổi Puốc (Điện Biên)

 

Na Son (Luông Pha Băng)

 

13

Hồng  Vân  (Thừa  Thiên Huế)

Quốc lộ 49A

Cu Tai (Sa La Văn)

 

14

Tén Tần (Thanh Hóa)*

TL Hồi Xuân

Xổm Vẳng (Hua Phăn)

6B

15

A Đớt (Thừa Thiên Huế)*

Quốc lộ 49A

Tà Vàng (Sa La Văn)

 

* Hai cặp cửa khẩu Tén Tằn - Xổm Vắng và A Đớt - Tà Vàng sẽ thực hiện sau khi khai trương đi vào hoạt động.

Các Bên ký kết trao đổi, thỏa thuận danh sách các cặp cửa khẩu mới theo từng thời điểm và giao Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và Bộ Công chính và Vận tải Lào thống nhất và công bố các cặp cửa khẩu mới được phép vận tải qua lại biên giới theo từng thời điểm. Việc qua lại của người và phương tiện qua các cặp cửa khẩu phụ do hai tỉnh có chung biên giới thỏa thuận.

Điều 31. Thủ tục tại cửa khẩu

Thủ tục thông quan tại cửa khẩu như xuất nhập cảnh, hải quan, kiểm dịch (y tế, động vật và thực vật) phải thực hiện theo quy định pháp luật của mỗi Bên, thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà hai Bên ký kết đã tham gia.

Điều 32. Các khoản thu liên quan đến vận tải qua biên giới

1. Các Bên ký kết có thể thu các khoản thu sau đối với vận tải qua lại biên giới theo quy định của Nghị định thư này

a) Phí cầu đường: phí được thu trực tiếp cho việc sử dụng các tuyến đường, cầu, hầm và phà;

b) Lệ phí làm thủ tục hành chính;

c) Các loại thuế, phí tính vào giá nhiên liệu.

2. Các Bên ký kết sẽ không thu các khoản phí và lệ phí khác ngoài các khoản đã nêu trên.

Chương IX

XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 33. Quy định chung về xử lý vi phạm

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện và lái xe vi phạm các quy định của Hiệp định và Nghị định thư, ngoài việc bị xử lý theo quy định của Luật pháp quốc gia nơi vi phạm xảy ra, còn bị xử lý theo quy định tại Điều 34.

Điều 34. Xử lý vi phạm

Doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ phương tiện vi phạm các quy định về hoạt động vận tải hành khách và vận tải hàng hóa sẽ bị cơ quan có thẩm quyền quản lý vận tải của Bên ký kết xử lý tùy theo mức độ vi phạm như sau:

1. Nhắc nhở hoặc cảnh cáo bằng văn bản.

2. Thu hồi giấy phép liên vận của phương tiện vi phạm.

3. Từ chối cấp phép trong một thời gian hoặc từ chối cấp phép vĩnh viễn.

4. Thu hồi giấy phép vận tải quốc tế.

Hai bên phối hợp trao đổi và cung cấp thông tin cho nhau về phương tiện vi phạm để xử lý.

Chương X

CÁC ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

Điều 35. Nhóm công tác tạo thuận lợi

1. Mỗi Bên ký kết sẽ thành lập Nhóm công tác tạo thuận lợi vận tải do Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đối với Việt Nam và Lãnh đạo Bộ Công chính và Vận tải đối với Lào làm Trưởng nhóm, có thành viên là các cơ quan có liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định và Nghị định thư.

2. Nhóm công tác có trách nhiệm giúp các Bên ký kết trong việc chỉ đạo, phối hợp giữa các Bộ, ngành triển khai thực hiện việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa hai nước.

Điều 36. Cơ quan quản lý và cấp phép hoạt động vận tải qua biên giới

1. Cơ quan quản lý

- Phía Việt Nam: Bộ Giao thông vận tải Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan có liên quan.

- Phía Lào: Bộ Công chính và Vận tải Lào, Cục Vận tải Lào, Sở Công chính và

Vận tải các tỉnh, thủ đô và các cơ quan có liên quan.

2. Cơ quan cấp phép

- Phía Việt Nam: Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Phía Lào: Cục Vận tải Lào hoặc Sở Công chính và Vận tải các tỉnh, thủ đô.

3. Hàng năm, cơ quan cấp phép và quản lý hoạt động vận tải qua biên giới sẽ nhóm họp để bàn bạc đàm phán các vấn đề có liên quan đến vận tải đường bộ giữa hai nước bao gồm mở các tuyến vận tải mới, tổ chức vận tải khách theo hợp đồng và vận tải hàng hóa, các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, xử lý vi phạm và các vấn đề khác có liên quan... Thời gian và địa điểm tiến hành cuộc họp sẽ được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của hai Bên ký kết thỏa thuận trao đổi bằng văn bản.

Điều 37. Hiệu lực của Nghị định thư

1. Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau ba (3) tháng kể từ ngày ký và sẽ chấm dứt hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Hiệp định.

2. Nghị định thư sẽ mặc nhiên tiếp tục có hiệu lực trừ khi một Bên ký kết có thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia qua đường ngoại giao đề nghị thay thế hoặc bãi bỏ Nghị định thư này.

3. Kể từ khi có hiệu lực, Nghị định thư này là phần không thể tách rời của Hiệp định.

Điều 38. Bổ sung, sửa đổi Nghị định thư

Nghị định thư này có thể được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị bằng văn bản của một Bên ký kết. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị đó, các cơ quan có thẩm quyền của hai Bên ký kết sẽ gặp gỡ để thảo luận việc sửa đổi, bổ sung Nghị định thư.

Điều 39. Tạm đình chỉ thi hành Nghị định thư

Mỗi Bên ký kết có thể tạm thời đình chỉ thi hành toàn bộ hay một phần Nghị định thư này với hiệu lực tức thời trong các trường hợp khẩn cấp ảnh hưởng đến an toàn và an ninh quốc gia của nước mình. Bên ký kết đó sẽ thông báo ngay cho Bên ký kết kia về việc tạm đình chỉ thi hành Nghị định thư. Việc tạm đình chỉ thi hành sẽ chấm dứt sau khi bên ký kết đó có thông báo về việc chấm dứt các trường hợp khẩn cấp.

Điều 40. Quan hệ giữa Nghị định thư với các thỏa thuận quốc tế khác

Nghị định thư này hoặc bất kỳ một hành động nào được thực hiện trong khuôn khổ Nghị định thư này không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của hai Bên ký kết theo các thỏa thuận hoặc công ước quốc tế hiện hành mà các Bên ký kết tham gia.

Điều 41. Quan hệ giữa phụ lục và Nghị định thư

Phụ lục quy định Mẫu giấy phép liên vận là một phần không tách rời của Nghị định thư và có giá trị ràng buộc pháp lý như nhau.

Điều 42. Giải quyết tranh chấp

Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai Bên ký kết về việc giải thích hay áp dụng Nghị định thư này sẽ được giải quyết thông qua thảo luận, thương lượng thân thiện.

Những người ký tên dưới đây, được Chính phủ hai Bên ủy quyền đã ký Nghị định thư này.

Nghị định thư này được làm tại Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2010 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào. Các văn bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào đều có giá trị pháp lý như nhau./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Hồ Nghĩa Dũng

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ
NHÂN DÂN LÀO
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG CHÍNH VÀ VẬN TẢI




Sommad Pholsena

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định thư thực hiện Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho phương tiện cơ giới đường bộ qua lại biên giới giữa Việt Nam - Lào

  • Số hiệu: 72/2010/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 15/09/2010
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào
  • Người ký: Hồ Nghĩa Dũng, Sommad Pholsena
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 1 đến số 2
  • Ngày hiệu lực: 15/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản