Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 49/2007/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2007

 

Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước, ký ngày 14 tháng 9 năm 2007 tại Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 14 tháng 10 năm 2007./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

THỎA THUẬN

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI CHO NGƯỜI, PHƯƠNG TIỆN, HÀNG HÓA QUA LẠI BIÊN GIỚI NHẰM ĐẨY MẠNH HƠN NỮA VIỆC KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN HỢP TÁC ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI GIỮA HAI NƯỚC

Căn cứ vào Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ký ngày 07 tháng 01 năm 2007 tại Hà Nội;

Với mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy, khuyến khích hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển và phù hợp với thông lệ quốc tế;

Trên tinh thần quan hệ hữu nghị đặc biệt, với sự quan tâm ưu tiên, ưu đãi giữa hai bên nhằm phát huy cao nhất khả năng và tiềm năng của mỗi nước,

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây được gọi là hai bên) thỏa thuận điều chỉnh bổ sung “Thỏa thuận Viêng-chăn năm 2002” đã ký ngày 13 tháng 8 năm 2002 với những nội dung cụ thể trong Thỏa thuận này cho phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển đầu tư, thương mại giữa hai nước sau đây:

1. Thủ tục cho người qua lại và cư trú:

1.1. Hai bên thỏa thuận công dân của hai nước thuộc các doanh nghiệp và các tổ chức có tư cách pháp nhân qua lại biên giới thực hiện các hợp đồng thương mại, lao động, đầu tư và các dự án hợp tác; học sinh, sinh viên, thực tập sinh theo chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ mang Hộ chiếu phổ thông được dán tem AB của Việt Nam hoặc ký hiệu SERVICE của Lào được miễn thị thực nhập cảnh vào nước bên kia và không phải gửi danh sách trước để đối chiếu tại cửa khẩu khi nhập cảnh.

Tem AB và ký hiệu SERVICE được cấp vào Hộ chiếu phổ thông trước khi đi đến nước bên kia được gia hạn và cấp lại trong trường hợp Hộ chiếu bị mất hoặc hỏng tại các cơ quan đại diện ngoại giao của mình ở nước bên kia.

Trong vòng 30 ngày sau khi nhập cảnh vào nước bên kia, đơn vị chủ quản hoặc người sử dụng lao động phải làm đầy đủ thủ tục để đăng ký lao động và lưu trú cho người lao động theo quy định tại Thông tư số 97/2006/TT-BTC ngày 16 tháng 10 năm 2006 hướng dẫn Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ Việt Nam và Thông tư số 1447/VPPTTg-VTK ngày 31 tháng 8 năm 2004, Thông tư hướng dẫn số 1003/LĐPLXH ngày 15 tháng 3 năm 2007 và Thông tư số 564/BTKCP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ Lào.

Giấy phép lao động và Thẻ tạm trú được cấp theo thời hạn của các hợp đồng thương mại, lao động, đầu tư, các dự án hợp tác và được gia hạn với thời hạn tối đa 12 tháng một lần. Công dân hai nước có Thẻ lao động và Thẻ tạm trú được miễn thị thực khi xuất cảnh, nhập cảnh trong thời hạn của Thẻ tạm trú.

1.2. Hai bên thỏa thuận thực hiện Hiệp định miễn thị thực cho người mang Hộ chiếu phổ thông giữa hai nước ký ngày 05 tháng 3 năm 2004 tại thành phố Hạ Long, Việt Nam.

Đối với công dân hai nước mang Hộ chiếu phổ thông không thuộc đối tượng tại Điểm 1.1 của Thỏa thuận này, nếu có nhu cầu cư trú quá 30 ngày phải xin cấp thị thực vào Việt Nam hoặc vào Lào và đăng ký lưu trú theo quy định. Thời hạn lưu trú được gia hạn tại nước cư trú tối đa hai lần, mỗi lần là 30 ngày. Lệ phí cấp hoặc gia hạn thị thực thống nhất hai bên là 20 USD/thị thực, thu bằng tiền VND và LAK hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi (theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Lào công bố tại thời điểm thu).

1.3. Hai bên nhất trí cho phép các công dân thuộc tỉnh bên này có chung đường biên giới với tỉnh bên kia được qua lại bằng Giấy thông hành biên giới do cơ quan công an cấp tỉnh cấp. Các cơ quan có thẩm quyền hai nước sẽ thông báo cho nhau qua đường ngoại giao mẫu Giấy thông hành biên giới sử dụng của mình. Nếu thay đổi mẫu mới phải thông báo trước 30 ngày cho nước bên kia. Người mang Giấy thông hành qua lại biên giới được phép lưu trú 15 ngày, có thể gia hạn thêm 01 lần không quá 15 ngày và chỉ có giá trị trong phạm vi tỉnh đối diện biên giới của mỗi nước. Nếu muốn đến các tỉnh khác phải được cơ quan công an cấp tỉnh nơi nhập cảnh cấp giấy phép và được xuất cảnh tại cửa khẩu thuận lợi nhất.

2. Quy chế quản lý phương tiện cơ giới, vật tư, thiết bị qua lại giữa hai nước:

2.1. Hai bên thỏa thuận thực hiện việc tính giá trị phương tiện cơ giới, vật tư, thiết bị tạm nhập tái xuất cả hai phía đưa vào thực hiện các dự án đầu tư ở nước bên kia bằng USD tại thời điểm kê khai. Phương tiện cơ giới, vật tư, thiết bị tạm nhập, tái xuất theo dự án đầu tư nếu bán hoặc sử dụng trái với mục đích của dự án sẽ phải tuân theo quy định hiện hành của mỗi nước.

2.2. Hai bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định và Nghị định vận tải đường bộ đã ký kết, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng mỗi bên và các cặp cửa khẩu giữa hai nước thực hiện các nội dung được bổ sung sau đây:

- Phương tiện được tạm nhập tái xuất vào mỗi nước trong thời hạn 30 ngày và được phép gia hạn một lần với thời hạn không quá 10 ngày trong trường hợp bất khả kháng hoặc vì lý do khách quan. Việc tái xuất không phụ thuộc vào cửa khẩu tạm nhập.

- Các phương tiện tạm nhập tái xuất vào mỗi nước được phép chở hàng hai chiều mà không cần xin phép tại địa phương nơi tái xuất, nhưng không được sử dụng vào mục đích kinh doanh, vận tải hàng hóa trong nội địa của nước cho tạm nhập.

- Hai bên thông báo cho nhau và công bố công khai tại cửa khẩu của mỗi nước về quy định tính tải trọng xe được phép lưu hành của nước mình và thống nhất mỗi bên chỉ kiểm tra tải trọng xe một lần (trừ trường hợp có nghi vấn).

2.3. Hai bên nhất trí cho phép các phương tiện cơ giới đưa vào phục vụ việc triển khai, thực hiện các chương trình, dự án đầu tư và hợp tác giữa hai nước của các doanh nghiệp hai bên được phép qua các cặp cửa khẩu chính (cửa khẩu quốc gia) và cửa khẩu quốc tế giữa hai nước.

Các loại phương tiện cơ giới trong danh mục quản lý của dự án tạm nhập để thực hiện các dự án đầu tư và các dự án hợp tác giữa hai Chính phủ phải được cấp loại giấy phép có ký hiệu riêng để làm cơ sở quản lý lưu hành tại mỗi nước.

3. Quá cảnh hàng hóa:

Hai bên cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Chính phủ về quá cảnh hàng hóa giữa hai nước đã ký ngày 23 tháng 4 năm 1994 và Hiệp định ký ngày 18 tháng 01 năm 2000 về sửa đổi một số điều của Hiệp định quá cảnh hàng hóa ký ngày 23 tháng 4 năm 1994; thường xuyên kiểm tra, giám sát và thông báo cho nhau kết quả thực hiện; thống nhất sớm nghiên cứu trao đổi và hoàn thiện Hiệp định này cho phù hợp với tình hình thực tế của mỗi nước.

4. Thuế, phí và lệ phí:

4.1. Hai bên tiếp tục nghiên cứu mở rộng danh mục chủng loại hàng hóa thuộc diện hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% và điều chỉnh hạn ngạch cho một số mặt hàng được hưởng thuế 0% theo hạn ngạch phù hợp với yêu cầu của mỗi bên trình Chính phủ hai bên đưa vào Hiệp định hàng năm.

4.2. Hai bên tạo điều kiện và hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai nước tham gia triển lãm và hội chợ ở mỗi nước được thuận lợi nhất, vận chuyển hàng hóa kịp thời, dành ưu đãi giảm mức giá thuê gian hàng triển lãm cho nhau và chỉ thu thuế các hàng hóa đã được bán hoặc sử dụng với mục đích khác tại nước trưng bày theo quy định của nước sở tại.

5. Thanh toán và chuyển tiền:

5.1. Hai bên thống nhất khuyến khích các doanh nghiệp hai nước sử dụng đồng Việt Nam và kíp Lào trong quan hệ thương mại, đầu tư.

5.2. Ngành tài chính và ngân hàng hai nước hai bên thực hiện việc chi trả cho các dự án sử dụng vốn viện trợ và vốn vay của Việt Nam dành cho Lào bằng đồng Việt Nam và kíp Lào.

6. Kiểm tra, kiểm soát:

6.1. Hai bên thống nhất ngoài việc kiểm tra, kiểm soát tại cửa khẩu và sẽ không kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường của mỗi bên trừ trường hợp khi có nghi vấn; cam kết tăng cường đầu tư trang thiết bị, nhân lực để giảm thiểu thời gian làm thủ tục qua lại tại các cửa khẩu.

6.2. Hai bên thỏa thuận niêm yết công khai các thủ tục, danh mục hàng cấm, hướng dẫn các mẫu tờ khai và thông tin cần thiết khác tại các cặp cửa khẩu biên giới hai nước.

6.3. Hai bên cam kết tập trung đầu tư hoàn thiện các điều kiện cần thiết để thực hiện đầy đủ mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” đã được thỏa thuận tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-xa-vẳn; tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm thực hiện mô hình này để mở rộng áp dụng kiểm tra “một cửa, một điểm dừng” tại các cặp cửa khẩu khác.

6.4. Hai bên tăng cường kiểm tra thường xuyên việc chống buôn lậu và ma túy giữa hai nước; kịp thời thông báo cho nhau những thông tin, phát hiện, phối hợp ngăn chặn kịp thời các hiện tượng, các tổ chức đường dây buôn lậu và buôn bán ma túy qua biên giới.

6.5. Hai bên nhất trí thực hiện giờ làm việc tại các trạm cửa khẩu biên giới Việt Nam và các trạm cửa khẩu biên giới Lào hàng ngày liên tục từ 07h00 đến 19h30, kể cả ngày lễ và ngày nghỉ cuối tuần. Ngoài ra, sẽ giải quyết các trường hợp đặc biệt qua lại biên giới vào bất cứ giờ nào. Hai bên thông báo mức thu phí ngoài giờ làm việc, ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần và niêm yết công khai, thống nhất tại các cửa khẩu.

6.6. Các đơn vị cửa khẩu hai nước hàng tuần gặp gỡ giao ban và định kỳ 3 tháng đánh giá, báo cáo việc thực hiện thỏa thuận, trong trường hợp cần thiết cần báo cáo ngay lên cơ quan quản lý trực tiếp của mình.

7. Cơ chế, chính sách khuyến khích thương mại, đầu tư giữa hai nước:

7.1. Hai bên nhất trí khuyến khích các doanh nghiệp hai nước đầu tư khai thác tiềm năng hiện có tại mỗi nước dưới hình thức đầu tư đổi công trình trên cơ sở kế hoạch, quy hoạch phát triển của mỗi nước.

7.2. Hai bên thỏa thuận trong điều kiện cho phép sẽ dành ưu tiên cho các doanh nghiệp mỗi nước thực hiện các dự án đầu tư tại mỗi bên.

7.3. Hai bên thỏa thuận thực hiện niêm yết công khai các loại thuế, phí, lệ phí áp dụng đối với các dự án đầu tư của hai bên vào mỗi bên. Các vật tư, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu nằm trong danh mục nhập khẩu của dự án đầu tư để xây dựng cơ sở vật chất ban đầu, tạo tài sản cố định của doanh nghiệp hoặc để đổi mới công nghệ của dự án được miễn thuế nhập khẩu.

7.4. Hai bên thỏa thuận cho phép các sản phẩm do các dự án đầu tư của Việt Nam sản xuất tại Lào và của Lào sản xuất tại Việt Nam được vận chuyển qua biên giới hai nước với thủ tục đơn giản nhất.

7.5. Hai bên thỏa thuận dành ưu tiên và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp và công dân hai nước triển khai các thủ tục đầu tư, trao đổi thương mại ở mỗi bên; thực hiện việc cấp phép đầu tư đồng thời với việc cấp phép kinh doanh cho dự án có thể hoạt động sớm nhất.

7.6. Hai bên thỏa thuận sẽ thường xuyên tiếp xúc và thông báo cho nhau các thông tin có liên quan đến thương mại, đầu tư giữa hai nước; thường xuyên tổ chức các cuộc tiếp xúc để nắm bắt và xử lý kịp thời các vấn đề do các doanh nghiệp hai nước yêu cầu.

8. Hai bên cam kết chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng liên quan, các đơn vị cửa khẩu của mỗi bên thực hiện nghiêm các nội dung đã được thỏa thuận tại văn kiện này. Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức Nhóm phối hợp liên ngành hai bên kiểm tra và báo cáo lên hai Chính phủ giải quyết các vướng mắc phát sinh.

9. Thỏa thuận này có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày ký và được gọi là “Thỏa thuận Hà Nội năm 2007” thay thế “Thỏa thuận Viêng-chăn năm 2002” đã ký ngày 13 tháng 8 năm 2002.

Thỏa thuận này làm tại Thủ đô Hà Nội, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 14 tháng 9 năm 2007 thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Lào, cả hai văn bản đều có giá trị như nhau./.

 

TM. CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
PHÓ THỦ TƯỞNG CHÍNH PHỦ




Nguyễn Sinh Hùng

TM. CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA DÂN CHỦ
NHÂN DÂN LÀO
PHÓ THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Xổm-xà-vạt Lênh-xa-vát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thỏa thuận số 49/2007/SL-LPQT giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích phát triển hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước

  • Số hiệu: 49/2007/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 14/09/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào, Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng, Xổm-Xa-Vạt Lêng-Xa-Vắt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 744 đến số 745
  • Ngày hiệu lực: 14/10/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản