Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CON DẤU

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về con dấu trong phạm vi cả nước; trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành các quy định về quản lý và sử dụng con dấu.

2. Thống nhất quy định về mẫu con dấu của các cơ quan, tổ chức và chức danh nhà nước; biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý con dấu; quản lý, hướng dẫn hoạt động sản xuất con dấu.

3. Hướng dẫn, tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm về quản lý và sử dụng con dấu.

5. Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

6. Phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn việc đăng ký, quản lý và sử dụng con dấu cơ quan thuộc hệ thống tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

7. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý con dấu, bố trí kinh phí để tổ chức triển khai thực hiện dự án cơ sở dữ liệu về quản lý con dấu.

8. Tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác đăng ký, quản lý con dấu.

Điều 20. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký mẫu con dấu

1. Tiếp nhận hồ sơ, đăng ký mẫu con dấu mới, đăng ký lại mẫu con dấu, đăng ký thêm con dấu; đăng ký dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi; cấp, đổi, cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thu hồi con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu, hủy con dấu và hủy giá trị sử dụng con dấu, cấp giấy chứng nhận thu hồi con dấu theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Thông báo hủy giá trị sử dụng con dấu đối với trường hợp con dấu bị mất.

4. Cung cấp mẫu con dấu theo đề nghị của tổ chức giám định tư pháp về kỹ thuật hình sự trong Công an nhân dân để phục vụ công tác giám định theo quy định của pháp luật.

5. Hướng dẫn cơ sở thực hiện việc sản xuất con dấu theo quy định.

6. Hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

Điều 21. Trách nhiệm của các bộ có liên quan

1. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép giữ lại con dấu đã hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu lịch sử.

2. Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Công an quy định mẫu con dấu, tổ chức khắc dấu, đăng ký và quản lý con dấu của cơ quan, đơn vị các cấp trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm tiếp nhận thông báo mẫu con dấu cơ quan đại diện ngoại giao của nước ngoài theo quy định tại Điều 9 Nghị định này.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an quy định việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đăng ký mẫu con dấu theo quy định.

Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác đăng ký, quản lý con dấu.

2. Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng con dấu.

Điều 23. Trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động đối với cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước

1. Cơ quan có thẩm quyền khi ra quyết định thành lập hoặc cấp giấy đăng ký hoạt động hoặc cấp giấy phép hoạt động hoặc công nhận hoạt động và cho phép sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

2. Cơ quan có thẩm quyền khi ra quyết định chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động, kết thúc nhiệm vụ; quyết định thay đổi về tổ chức, đổi tên; quyết định thu hồi giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động thì trong quyết định phải ghi rõ thời hạn cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước phải giao nộp con dấu cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và đồng thời gửi quyết định cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu biết để thu hồi con dấu theo quy định.

3. Phối hợp với cơ quan đăng ký mẫu con dấu quy định tại Điều 12 Nghị định này trong việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm trong công tác quản lý và sử dụng con dấu.

Điều 24. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng con dấu

1. Chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 7 và Điều 8 Nghị định này có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu và ban hành quy định về quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức mình.

2. Đăng ký mẫu con dấu và thông báo mẫu con dấu cho cơ quan, tổ chức có liên quan biết trước khi sử dụng.

3. Chấp hành việc kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn của cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

4. Giao nộp con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu thuộc các trường hợp bị thu hồi theo quy định của pháp luật.

5. Con dấu phải được quản lý chặt chẽ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức; chỉ chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới được quyết định việc mang con dấu ra ngoài trụ sở để sử dụng giải quyết công việc.

6. Đóng dấu vào văn bản, giấy tờ phải theo đúng quy định của pháp luật.

7. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước bị mất con dấu, trong thời hạn 02 ngày kể từ khi phát hiện mất con dấu thì phải thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra mất con dấu.

8. Cơ quan, tổ chức bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động, giấy phép hoạt động hoặc bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu theo quy định.

9. Con dấu đang sử dụng bị biến dạng, mòn, hỏng hoặc có thay đổi tổ chức, đổi tên thì phải thực hiện thủ tục đăng ký lại mẫu con dấu, nộp lại con dấu và giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

10. Giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu bị mất phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu. Trường hợp bị hỏng phải thực hiện thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu và nộp lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu con dấu đã được cấp trước đó cho cơ quan đăng ký mẫu con dấu.

11. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước khi cần phải giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng để phục vụ công tác lưu trữ, nghiên cứu lịch sử phải có văn bản gửi Bộ Nội vụ để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

12. Việc in mẫu con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để phục vụ công tác phải được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực đó.

Điều 25. Kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu

1. Hình thức kiểm tra

a) Kiểm tra định kỳ

Kiểm tra định kỳ được thực hiện không quá 01 lần trong một năm. Trước khi thực hiện việc kiểm tra, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phải thông báo trước 03 ngày làm việc cho cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước được kiểm tra về thời gian, nội dung và thành phần đoàn kiểm tra.

b) Kiểm tra đột xuất

Kiểm tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước sử dụng con dấu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc quản lý và sử dụng con dấu. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra khi tiến hành kiểm tra con dấu phải thông báo rõ lý do. Cán bộ được giao nhiệm vụ kiểm tra phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan có thẩm quyền kiểm tra.

2. Thẩm quyền kiểm tra

a) Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội có thẩm quyền kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước thuộc thẩm quyền đăng ký mẫu con dấu;

b) Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức thuộc thẩm quyền đăng ký mẫu con dấu.

3. Cơ quan có thẩm quyền kiểm tra có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra việc quản lý và sử dụng con dấu của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước trước khi tổ chức thực hiện việc kiểm tra.

4. Cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước được kiểm tra phải chuẩn bị đầy đủ các nội dung kiểm tra đã được thông báo và bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm để làm việc với người có trách nhiệm kiểm tra khi nhận được thông báo về việc kiểm tra con dấu.

5. Việc kiểm tra định kỳ, đột xuất về quản lý và sử dụng con dấu phải lập biên bản kiểm tra về việc quản lý và sử dụng con dấu theo quy định.

Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu

  • Số hiệu: 99/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/07/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 02/08/2016
  • Số công báo: Từ số 807 đến số 808
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH