Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

MỤC 2. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN DỊCH VỤ THEO HÌNH THỨC CHI TRẢ GIÁN TIẾP

Điều 11. Mức chi trả và xác định số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Đối với các cơ sở sản xuất thủy điện

a) Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất thủy điện là 20 đồng/1kwh điện thương phẩm. Sản lượng điện để tính tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là sản lượng điện của các cơ sở sản xuất thủy điện bán cho bên mua điện theo hợp đồng mua bán điện;

b) Xác định số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong kỳ hạn thanh toán (đ) bằng sản lượng điện trong kỳ hạn thanh toán (kwh) nhân với mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tính trên 1kwh (20đ/kwh).

2. Đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch:

a) Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng áp dụng đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 40 đ/m3 nước thương phẩm. Sản lượng nước để tính tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là sản lượng nước của các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch bán cho người tiêu dùng;

b) Xác định số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng

Số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong kỳ hạn thanh toán (đ) bằng sản lượng nước thương phẩm trong kỳ hạn thanh toán (m3) nhân với mức chi trả dịch vụ môi trường rừng tính trên 1m3 nước thương phẩm (40 đ/1m3).

3. Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước

Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng phải chi trả, mức chi trả, phương thức chi trả đối với loại dịch vụ này.

4. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

a) Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng tính bằng 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện trong kỳ;

b) Xác định số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng

Số tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng trong kỳ hạn thanh toán (đ) bằng doanh thu nhân với mức chi trả (từ 1 đến 2%).

c) Giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đối tượng phải chi trả bao gồm các tổ chức, cá nhân kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các đối tượng này thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

Điều 12. Đối tượng được miễn, giảm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 7 Nghị định này trong trường hợp gặp rủi ro, bất khả kháng thì được xem xét miễn, giảm tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng quy định tại Nghị định này.

2. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn việc miễn, giảm tiền phải chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Điều 13. Ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

1. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng được thành lập theo Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ là tổ chức tiếp nhận ủy thác tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đối với các địa phương không có đủ điều kiện thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

Đối với các tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét cho phép thành lập chi nhánh Quỹ bảo vệ và phát triển rừng đến cấp huyện để thực hiện chi trả tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng được thuận lợi cho người dân.

2. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, sử dụng dịch vụ này từ những khu rừng nằm trong phạm vi hành chính của một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của cấp tỉnh đó hoặc cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (sau đây gọi là Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh).

3. Trường hợp bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng, sử dụng dịch vụ môi trường rừng từ những khu rừng nằm trong phạm vi hành chính từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên thì tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng được chuyển về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

Điều 14. Căn cứ điều phối tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam

1. Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo các căn cứ sau đây:

a) Số tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng;

b) Diện tích rừng của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng, được xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đối với số tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng không xác định được hoặc chưa xác định được đối tượng nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, thì Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam điều phối số tiền đó cho các tỉnh có mức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng bình quân cho 01 ha rừng thấp hơn mức bình quân cả nước trong năm.

Điều 15. Sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

1. Sử dụng tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.

a) Được sử dụng tối đa 0,5% trên tổng số tiền nhận ủy thác từ các đối tượng phải chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hoạt động nghiệp vụ của Quỹ liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, gồm: chi quản lý hành chính văn phòng theo cơ chế ủy thác; chi cho các hoạt động tiếp nhận tiền và các hoạt động khác liên quan đến quản lý tài chính.

b) Số tiền còn lại được chuyển về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh hoặc cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh theo diện tích rừng của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

2. Sử dụng tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh:

Số tiền nhận được từ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và nhận trực tiếp từ bên chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được coi là 100% và được sử dụng như sau:

a) Được sử dụng tối đa 10% để chi cho các hoạt động, gồm: quản lý hành chính văn phòng theo cơ chế ủy thác, chi cho các hoạt động tiếp nhận tiền, thanh quyết toán, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến nghiệm thu, đánh giá rừng; hỗ trợ cho hoạt động kỹ thuật theo dõi chất lượng dịch vụ môi trường rừng; hỗ trợ cho các hoạt động liên quan đến việc chi trả dịch vụ môi trường rừng các cấp huyện, xã, thôn;

b) Trích một phần kinh phí không quá 5% so với tổng số tiền ủy thác chuyển về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, cộng với các nguồn kinh phí hợp pháp khác để dự phòng, hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn được giao, khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài trong trường hợp có thiên tai, khô hạn.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể việc sử dụng kinh phí được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này.

c) Số tiền còn lại để chi trả cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được coi là 100% và được sử dụng cho 2 trường hợp sau đây:

Đối với các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp thì được hưởng toàn bộ số tiền trên.

Đối với các chủ rừng là tổ chức Nhà nước có thực hiện khoán bảo vệ rừng, thì được sử dụng 10% số tiền trên để thực hiện các công việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, đánh giá chất lượng, số lượng rừng để thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm. Số tiền còn lại (90%) để chi trả cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

Trường hợp diện tích rừng còn lại chưa khoán bảo vệ rừng thì số tiền dịch vụ môi trường rừng chi trả cho diện tích rừng đó do chủ rừng quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức.

Điều 16. Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh

1. Đối tượng được chi trả là chủ rừng

a) Số tiền được chi trả của một loại dịch vụ cho chủ rừng được xác định bằng diện tích rừng có cung cấp dịch vụ của chủ rừng nhân với số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng và nhân với hệ số chi trả tương ứng với chủ rừng đó (sau đây gọi chung là hệ số K). Một khu rừng cung cấp được nhiều dịch vụ môi trường rừng thì được hưởng các khoản chi trả của các dịch vụ đó.

b) Số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng được xác định bằng: số tiền thu được của bên chi trả một loại dịch vụ môi trường rừng cụ thể, sau khi trừ khoản tiền quản lý, kinh phí dự phòng được quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 15 Nghị định này, chia cho tổng các diện tích rừng từng loại của các chủ rừng cùng tham gia cung cấp dịch vụ đó, nhân với hệ số K tương ứng với diện tích rừng từng loại của chủ rừng được chi trả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cách tính mức tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

2. Đối tượng được chi trả là hộ nhận khoán bảo vệ rừng.

a) Số tiền mà hộ nhận khoán được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được xác định bằng số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng nhân với diện tích rừng được chi trả (ha) và hệ số K;

b) Số tiền chi trả bình quân cho 1 ha rừng (đ/ha) được xác định bằng tổng số tiền còn lại quy định tại điểm c khoản 2 Điều 15 Nghị định này chia cho tổng các diện tích rừng từng loại được chi trả tại thời điểm được cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận nhân với hệ số K tương ứng với diện tích rừng từng loại được chi trả.

3. Hệ số K được xác định căn cứ vào các yếu tố sau:

a) Trạng thái rừng (là khả năng tạo dịch vụ môi trường rừng);

b) Loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất);

c) Nguồn gốc hình thành rừng (rừng tự nhiên, rừng trồng);

d) Mức độ khó khăn, thuận lợi đối với việc bảo vệ rừng (yếu tố xã hội và địa lý).

Đối với đối tượng được chi trả là chủ rừng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định hệ số K căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Đối với đối tượng được chi trả là hộ nhận khoán bảo vệ rừng, bên giao khoán và bên nhận khoán tính hệ số K theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và được thể hiện trong hợp đồng khoán.

Điều 17. Nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh

1. Phối hợp với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (bên phải trả tiền ủy thác về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng) xác định số tiền phải chi trả của từng đối tượng sử dụng dịch vụ theo kỳ thanh toán trên địa bàn.

2. Đại diện cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền ủy thác về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, xác định trách nhiệm của mỗi bên trong việc chi trả và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, là căn cứ để giám sát, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của mỗi bên trong việc chi trả và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

3. Tiếp nhận tiền ủy thác của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng do Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam chuyển đến và tiền chi trả từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng chuyển trực tiếp đến Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

4. Thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các chủ rừng trên cơ sở số lượng và chất lượng rừng của các chủ rừng có xác nhận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với chủ rừng là tổ chức), có xác nhận của cơ quan chuyên môn về lâm nghiệp cấp huyện do Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ định (đối với chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn) và chi trả tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng theo đề nghị của các chủ rừng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

5. Làm đầu mối giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra các chủ rừng trong việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng, việc thanh toán tiền cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, kiểm tra việc nộp tiền chi trả của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng.

6. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam về tình hình thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng của địa phương hàng năm.

7. Đối với những tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa có điều kiện thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, thì cơ quan, tổ chức làm thay nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều này.

Điều 18. Nhiệm vụ của Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam

1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định các đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền ủy thác về quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, được quy định tại khoản 3 Điều 13 Nghị định này; xác định số tiền phải chi trả của từng đối tượng sử dụng dịch vụ theo kỳ thanh toán.

2. Đại diện cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng ký hợp đồng với bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải trả tiền ủy thác về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, xác định trách nhiệm của mỗi bên trong việc chi trả và sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, là căn cứ để giám sát, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của mỗi bên trong việc chi trả và sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.

3. Tiếp nhận tiền chi trả của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng để chuyển đến Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

4. Điều phối số tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

5. Làm đầu mối giúp Tổng cục lâm nghiệp tổ chức kiểm tra việc nộp tiền chi trả của các đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải nộp tiền về Quỹ, việc sử dụng khoản tiền do Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam chuyển cho Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đúng mục đích và đúng đối tượng.

6. Tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng hàng năm của cả nước.

Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

  • Số hiệu: 99/2010/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/09/2010
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 10/10/2010
  • Số công báo: Từ số 585 đến số 586
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH