Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 95/1998/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

Chương 3:

QUẢN LÝ CÔNG CHỨC

Điều 31. Ban tổ chức - Cán bộ chính phủ là cơ quan giúp Chính phủ quản lý về công chức có nhiệm vụ:

1- Xây dựng dự án Luật, Pháp lệnh về công chức để Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc Hội ban hành;

2- Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch xây dựng đội ngũ công chức và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức;

3 - Xây dựng trình Chính phủ ban hành chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ khác đối với công chức;

4- Quản lý về số lượng, bổ nhiệm, xếp lương và nâng bậc lương đối với công chức cao cấp (chuyên viên cao cấp và các ngạch tương đương);

5- Ban hành các quy chế thi tuyển, thi nâng ngạch và quy chế đánh giá công chức;

6- Ban hành, sửa đổi, bổ sung các chức danh và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức theo đề nghị của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

7- Xây dựng chỉ tiêu biên chế trình Thủ tướng Chính phủ và quản lý số lượng biên chế công chức thuộc Chính phủ quản lý trong cả nước.

8- Chủ trì tổ chức việc thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp và các ngạch tương đương khác;

9- Tổ chức việc thống kê công chức trong cả nước;

10- Thanh tra, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương và cơ sở thi hành các quy định của Nhà nước về công chức;

11- Chỉ đạo, tổ chức giải quyết các khiếu nại, tố cáo đối với công chức theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 32. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nhiệm vụ:

1- Quản lý về số lượng, bổ nhiệm, xếp lương và nâng bậc lương đối với công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống;

2- Xây dựng và đề nghị Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ ban hành các tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức theo ngành chuyên môn và hướng dẫn việc thực hiện ;

3- Tổ chức việc thi tuyển, đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định của Chính phủ;

4- Tổ chức thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự, từ cán sự lên chuyên viên, từ chuyên viên lên chuyên viên chính và các ngạch tương đương khác;

5- Phân bổ chỉ tiêu, quản lý biên chế, quỹ tiền lương và thực hiện các chính sách đãi ngộ khác đối với công chức thuộc các tổ chức do Bộ, ngành trực tiếp quản lý;

6- Tổ chức việc thống kê ngạch công chức ngành chuyên môn trong cả nước và công chức thuộc các tổ chức do Bộ, ngành trực tiếp quản lý;

7- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Nhà nước về công chức thuộc ngành chuyên môn trong cả nưóc và công chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành;

8- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 33. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao quản lý các ngạch công chức theo ngành chuyên môn như sau:

1- Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Hành chính, ngành Lưu trữ;

2- Thanh tra Nhà nước quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành thanh tra;

3- Bộ Tài chính quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Tài chính;

4- Bộ Tư pháp quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Tư pháp;

5- Ngân hàng Nhà nước quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Ngân hàng;

6- Tổng cục Hải quan quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Hải Quan;

7- Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Nông nghiệp, Kiểm lâm, Thuỷ lợi;

8- Bộ Xây dựng quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Xây dựng;

9- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Khoa học kỹ thuật;

10- Tổng cục Khí tượng thuỷ văn quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Khí tượng thuỷ văn;

11- Bộ Giáo dục và đào tạo quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Giáo dục đào tạo;

12- Bộ Y tế quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Y tế;

13 - Bộ Văn hoá thông tin quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Văn hoá thông tin;

14- Uỷ ban Thể dục thể thao quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Thể dục thể thao;

15- Cục Dự trữ quốc gia quản lý ngạch công chức chuyên môn ngành Dự trữ quốc gia.

Điều 34. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được Chính phủ giao quản lý ngạch công chức theo ngành chuyên môn quy định tại Điều 33 của Nghị định này có trách nhiệm thực hiện các nội dung sau đây, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ:

1- Nội dung thi tuyển công chức vào ngạch chuyên môn;

2- Nội dung thi nâng ngạch công chức của các ngạch chuyên môn quy định tại khoản 4 Điều 32 của Nghị định này;

3- Nội dung và tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng công chức các ngạch chuyên môn;

4- Nội dung và tổ chức các kỳ thi nâng ngạch công chức theo ngành chuyên môn do Bộ, ngành quản lý.

Điều 35. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) có nhiệm vụ:

1- Tổ chức quản lý công chức từ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở xuống;

2- Phân bổ chỉ tiêu, quản lý biên chế và quỹ tiền lương công chức thuộc tỉnh;

3- Tổ chức thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách đãi ngộ khác đối với công chức thuộc tỉnh;

4- Tổ chức việc thi tuyển công chức, thi nâng ngạch từ nhân viên lên cán sự, từ cán sự lên chuyên viên và các ngạch tương đương khác theo quy chế chung và nội dung thi của các Bộ quản lý ngạch công chức theo các ngành chuyên môn;

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng công chức theo quy định chung;

5- Tổ chức thống kê công chức thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;

6- Hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của Nhà nước về công chức thuộc phạm vi quản lý của tỉnh;

7- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức thuộc phạm vi tỉnh quản lý theo quy định của Pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 36. Cơ quan sử dụng công chức có nhiệm vụ:

1- Tổ chức sử dụng và phân công công chức đúng ngạch, vị trí công việc và thực hiện nghiêm chỉnh các Điều 16, 17, 18, 19 và 21 của Nghị định này.

2- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về công chức, các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với công chức;

3- Đề xuất với cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức các yêu cầu về tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, chuyển ngạch, điều động, biệt phái, để ra ngoài ngạch, đào tạo, bồi dưỡng đối với công chức trong cơ quan;

4- Đánh giá công chức thuộc quyền sử dụng theo quy định;

5- Thanh tra, kiểm tra công chức về việc thực hiện các quy định tại Chương III của Pháp lệnh Cán bộ, công chức;

6- Thống kê và báo cáo tình hình công chức thuộc quyền quản lý cho cơ quan quản lý công chức cấp trên theo quy định;

7- Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với công chức thuộc phạm vi cơ quan quản lý;

8- Thực hiện việc khen thưởng, kỷ luật công chức theo thẩm quyền và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật theo quy định.

Điều 37. Cơ quan sử dụng công chức lập và lưu giữ hồ sơ cá nhân của công chức. Mọi diễn biến trong quá trình công tác của công chức từ khi được tuyển dụng, bổ nhiệm đến khi thôi làm việc phải được thể hiện và lưu tại hồ sơ công chức.

Việc lập và lưu giữ hồ sơ công chức theo hướng dẫn của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

Nghị định 95/1998/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức

  • Số hiệu: 95/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 17/11/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 02/12/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH