Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp

Chương 5:

QUẢN LÝ, VẬN HÀNH HỆ THÔNG THOÁT NƯỚC

Điều 27. Lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành

1. Đối với địa bàn đã có tổ chức, cá nhân đang thực hiện dịch vụ thoát nước thì tổ chức, cá nhân đó được ưu tiên chỉ định để thực hiện hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn.

2. Đối với địa bàn chưa có đơn vị thoát nước thì việc lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước thực hiện theo các quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thành lập mới nếu đấu thầu không thành công.

3. Một đơn vị thoát nước có thể được lựa chọn để quản lý một hoặc nhiều lưu vục thoát nước khác nhau, mỗi lưu vực thoát nước chỉ do một đơn vị thoát nước được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành.

4. Thẩm quyền lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước: chủ sở hữu tổ chức lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn do mình quản lý.

Điều 28. Hợp đồng quản lý, vận hành

1. Hợp đồng quản lý, vận hành là văn bản pháp lý được ký kết giữa chủ sở hữu và đơn vị được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.

2. Hợp đồng quản lý, vận hành bao gồm những nội dung cơ bản sau đây:

a) Các chủ thể hợp đồng;

b) Đối tượng hợp đồng;

c) Phạm vi, nội dung công việc;

d) Các yêu cầu kỹ thuật;

đ) Giá hợp đồng, nguyên tắc điều chỉnh giá;

e) Thanh toán, phương thức thanh toán;

g) Nghĩa vụ, quyền hạn các bên liên quan.

Điều 29. Chuyển nhượng hợp đồng quản lý, vận hành

Đơn vị thoát nước được phép chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong hợp đồng quản lý, vận hành cho bên thứ ba khi có sự thoả thuận của chủ sở hữu công trình thoát nước.

Điều 30. Xác định giá dự toán hợp đồng quản lý, vận hành

Giá dự toán hợp đồng quản lý, vận hành được xác định để làm cơ sở lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành.

1. Nguyên tắc tính giá dự toán hợp đồng:

a) Giá dự toán hợp đồng được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý bảo đảm việc quản lý, vận hành hệ thống thoát nước đáp ứng các quy chuẩn, quy trình quản lý, vận hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt;

b) Bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, đơn vị thoát nước và cộng đồng.

2. Căn cứ xác định giá dự toán hợp đồng:

a) Phạm vi, khối lượng công việc;

b) Quy chuẩn, quy trình quản lý, vận hành;

c) Định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;

d) Điều kiện cụ thể của địa phương.

3. Lập, trình và phê duyệt giá dự toán hợp đồng:

Chủ sở hữu công trình thoát nước tổ chức lập giá dự toán hợp đồng (sử dụng cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc thuê tư vấn) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Thẩm quyền phê duyệt giá dự toán hợp đồng:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt giá dự toán hợp đồng đối với các công trình thoát nước thành phố, thị xã thuộc quyền quản lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt giá dự toán hợp đồng đối với các công trình thoát nước thị trấn thuộc quyền quản lý.

Điều 31. Giá bạn đồng quản lý, vận hành

Giá hợp đồng quản lý, vận hành là giá thoả thuận sau khi đã thương thảo giữa chủ sở hữu với đơn vị quản lý, vận hành công trình thoát nước được lựa chọn và bảo đảm không được vượt giá dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 32. Điều chỉnh giá hợp đồng quản lý, vận hành

1. Giá hợp đồng quản lý, vận hành được điều chỉnh trong những trường hợp sau đây:

a) Có sự đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước;

b) Có biến động lớn về thị trường;

c) Có thay đổi về cơ chế chính sách của Nhà nước.

2. Đơn vị thoát nước lập và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh giá hợp đồng sau khi đã thoả thuận với chủ sở hữu công trình thoát nước. Người có thẩm quyền phê duyệt giá dự toán hợp đồng phê duyệt điều chỉnh giá hợp đồng.

Điều 33. Thời hạn hợp đồng

Hợp đồng quản lý, vận hành có thời hạn ngắn nhất là 05 năm và dài nhất là 10 năm. Trường hợp muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng, trước khi kết thúc thời hạn hợp đồng ít nhất là 01 năm thì các bên tham gia hợp đồng phải tiến hành thương thảo việc kéo dài hợp đồng quản lý, vận hành.

Điều 34. Chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng quản lý, vận hành được chấm dứt trong những trường hợp sau đây:

1. Một trong các bên vi phạm các điều khoản cam kết của hợp đồng.

2. Khi hết thời hạn hợp đồng mà một trong hai bên không muốn tiếp tục kéo dài hợp đồng.

3. Những trường hợp bất khả kháng hoặc các lý do khác được quy định trong hợp đồng.

Điều 35. Nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng

1. Hợp đồng quản lý, vận hành được thanh toán chi phí định kỳ theo thoả thuận.

2. Phương thức thanh toán do hai bên thoả thuận.

3. Trong trường hợp chậm thanh toán quá 15 ngày so với thời hạn được thỏa thuận trong hợp đồng thì đơn vị thoát nước được hưởng lãi suất cao nhất của ngân hàng nơi mở tài khoản giao dịch tại thời điểm thanh toán đối với số tiền chậm thanh toán.

4. Chủ sở hữu công trình thoát nước chịu trách nhiệm tổ chức giám sát, nghiệm thu và thanh toán cho đơn vị thoát nước theo hợp đồng.

5. Hợp đồng quản lý, vận hành được thanh toán từ nguồn thu phí thoát nước, kế hoạch ngân sách hàng năm của chủ sở hữu công trình thoát nước.

Điều 36. Nội dung quản lý hệ thống thoát nước mưa

1. Quản lý hệ thống thoát nước mưa bao gồm quản lý các công trình từ cửa thu nước mưa, các tuyến cống dẫn nước mưa khu vực, các kênh mương thoát nước chính, hồ điều hoà nước mưa, chống úng ngập, các trạm bơm... các van ngăn triều (nếu có) đến các điểm xả ra môi trường.

2. Các tuyến cống, mương, hố ga phải được nạo vét, duy tu, bảo trì định kỳ, bảo đảm dòng chảy theo thiết kế. Thường xuyên kiểm tra, bảo trì nắp hố ga, cửa thu nước mưa. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng các tuyến cống, các công trình thuộc mạng lưới để đề xuất phương án thay thế, sửa chữa.

3. Thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước mưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định.

4. Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới theo lưu vực.

Điều 37. Nội dung quản lý hệ thống thoát nước thải

1. Quản lý hệ thống thoát nước thải bao gồm quản lý các điểm đấu nối, các tuyến cống thu gom, truyền dẫn đến nhà máy xử lý nước thải và từ nhà máy xử lý nước thải đến các điểm xả ra môi trường. Nội dung quản lý thoát nước bao gồm:

a) Định kỳ kiểm tra độ kín, lắng cặn tại các điểm đấu nối, hố ga và tuyến cống để lập kế hoạch nạo vét, sửa chữa, bảo trì cống và công trình trên mạng lưới;

b) Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa mạng lưới thoát nước và các công trình trên mạng lưới;

c) Thiết lập quy trình quản lý hệ thống thoát nước thải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật quản lý, vận hành theo quy định;

d) Đề xuất các phương án phát triển mạng lưới theo lưu vực.

2. Trong trường hợp mạng lưới thoát nước chung thì việc quản lý hệ thống thoát nước được thực hiện như quy định tại Điều 36 và khoản 1 Điều 37 Nghị định này.

Điều 38. Nội dung quản lý hệ thống hồ điều hòa

1. Quản lý hệ thống hồ điều hòa trong hệ thống thoát nước nhằm điều hòa nước mưa, đồng thời tạo cảnh quan môi trường sinh thái kết hợp làm nơi vui chơi giải trí, nuôi trồng thủy sản.

2. Kiểm soát các hành vi xả nước thải sinh hoạt và nước thải sinh ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ trực tiếp vào hồ điều hòa.

3. Kiểm tra, giám sát việc khai thác, sử dụng hồ điều hoà vào các mục đích khác nhau được cấp có thẩm quyền cho phép (vui chơi giải trí, nuôi trồng thuỷ sản, du lịch...) tuân thủ theo các quy định để bảo đảm chức năng điều hoà nước mưa và môi trường.

4. Duy trì mực nước ổn định của hồ điều hòa, bảo đảm tốt nhiệm vụ điều hòa nước mưa và các yêu cầu khác.

5. Định kỳ nạo vét đáy hồ, vệ sinh lòng hồ và bờ hồ.

6. Lập quy trình quản lý, các quy định khai thác, sử dụng hồ điều hòa.

Điều 39. Nội dung quản lý các công trình đầu mối

1. Vận hành các trạm bơm, các tuyến ống áp lực, nhà máy xử lý nước thải, các điểm xả ra môi trường tuân thủ các quy trình vận hành, bảo trì đã được phê duyệt.

2. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đầu mối bảo đảm khả năng hoạt động liên tục của hệ thống, đề xuất các biện pháp thay thế, sửa chữa và kế hoạch phát triển.

Điều 40. Quản lý tài sản

Đơn vị thoát nước được giao quản lý, vận hành hệ thống thoát nước có trách nhiệm quản lý tài sản được đầu tư từ nguồn vốn của chủ sở hữu:

1. Lập danh mục tài sản được giao quản lý.

2. Tổ chức bảo vệ tài sản được giao quản lý.

3. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng tài sản.

4. Lập kế hoạch bảo trì công trình, thay thế và mua sắm trang thiết bị mới.

Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp

  • Số hiệu: 88/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/05/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/06/2007
  • Số công báo: Từ số 406 đến số 407
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH