Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp

Chương 2:

QUY HOẠCH THOÁT NUỚC

Điều 12. Quy định chung về quy hoạch thoát nước

1. Quy hoạch thoát nước được lập, phê duyệt làm cơ sở cho các hoạt động thoát nước tiếp theo. Mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thoát nước phải tuân theo quy hoạch thoát nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khi lập quy hoạch xây dựng phải tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch thoát nước như một bộ phận không tách rời của đồ án quy hoạch xây dựng và tuân theo các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

3. Đối với các khu công nghiệp, đô thị mới hình thành phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước mưa, nước thải riêng. Đối với các đô thị đã có hệ thống thoát nước, khu đô thị mới thì tuỳ điều kiện cụ thể của từng đô thị để nghiên cứu tổ chức quy hoạch hệ thống thoát nước chung, riêng hoặc nửa riêng.

4. Trong trường hợp sau đây quy hoạch thoát nước phải được tổ chức lập như một đồ án quy hoạch riêng:

a) Quy hoạch thoát nước vùng: cho một nhóm các đô thị, khu công nghiệp trong một tỉnh hoặc liên tỉnh có vị trí địa lý gần nhau, điều kiện tự nhiên thuận lợi về địa hình và nguồn tiếp nhận có khả năng xây dựng các công trình thoát nước chung mà chưa hoặc không tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng cho nhóm các đô thị, khu công nghiệp đó;

b) Quy hoạch thoát nước đô thị: cho các đô thị loại 2 trở lên (các đô thị khác nếu xét thấy cần thiết) nhằm cụ thể hoá các định hướng thoát nước đã được xác định trong quy hoạch chung xây dựng đô thị.

5. Quy hoạch thoát nước được lập như một đồ án quy hoạch riêng nêu tại khoản 4 Điều này phải tuân thủ các quy định từ Điều 13 đến Điều 20 Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

6. Bộ Xây dựng hướng dẫn chi phí lập quy hoạch thoát nước.

Điều 13. Giai đoạn và thời gian lập quy hoạch thoát nước

1. Quy hoạch thoát nước được lập cho giai đoạn ngắn hạn là 10 năm, giai đoạn dài hạn là 20 năm và dài hơn.

2. Thời gian lập đồ án quy hoạch thoát nước vùng không quá 18 tháng, quy hoạch thoát nước đô thị, khu công nghiệp không quá 12 tháng, kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 14. Nhiệm vụ lập quy hoạch thoát nước

1. Nội dung nhiệm vụ quy hoạch thoát nước:

a) Đánh giá, dự báo phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển và bố trí dân cư, công nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng của khu vực nghiên cứu quy hoạch.

b) Đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng cơ sở hạ tầng, dự báo diễn biến môi trường và khả năng tiêu thoát nước của các sông, hồ có liên quan;

c) Nhu cầu thoát nước bề mặt, thu gom, xử lý nước thải và tổ chức hệ thống thoát nước của khu vực nghiên cứu quy hoạch.

d) Bản vẽ sơ đồ, vị trí ranh giới, quy mô và mối liên hệ vùng, tỷ lệ 1/100.000 - 1/500.000 đối với quy hoạch thoát nước vùng và 1/25.000 - 1/100.000 đối với quy hoạch thoát nước đô thị.

2. Thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch thoát nước không quá 03 tháng đối với quy hoạch thoát nước vùng liên tỉnh, 02 tháng đối với quy hoạch thoát nước vùng trong một tỉnh và quy hoạch thoát nước đô thị kể từ ngày chính thức được giao nhiệm vụ.

Điều 15. Căn cứ lập quy hoạch thoát nước

1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành liên quan (nếu có).

2. Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và các định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Các kết quả điều tra, khảo sát và các số liệu, tài liệu có liên quan.

4. Quy chuẩn, tiêu chuẩn về thoát nước.

5. Nhiệm vụ quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt.

Điều 16. Nội dung quy hoạch thoát nước

Tuỳ theo đặc điểm, quy mô của khu vực nghiên cứu, quy hoạch thoát nước có những nội dung chủ yếu sau đây:

1. Điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực lập quy hoạch.

2. Điều tra, khảo sát và đánh giá diễn biến môi trường nước, khả năng tiêu thoát nước mưa, nước thải của các sông hồ có liên quan.

3. Xác định các lưu vực thoát nước của khu vực lập quy hoạch.

4. Xác định các chỉ tiêu, thông số cơ bản cho thoát nước bao gồm điều kiện khí tượng, thuỷ văn, hệ số thấm, quy chuẩn thoát nước sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ...

5. Xác định lưu lượng thoát nước mưa, nước thải.

6. Xác định các nguồn tiếp nhận, khả năng tiếp nhận nước mưa, nước thải.

7. Lựa chọn hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải.

8. Xác định chất lượng nước thải tại điểm đấu nối.

9. Xác định hướng, vị trí, kích thước các tuyến thoát nước chính.

10. Xác định các điểm xả, cao độ mức nước, lưu lượng xả tối đa, chất lượng nước thải tại các điểm xả.

11. Xác định vị trí, quy mô các trạm bơm nước mưa, nước thải, các nhà máy xử lý nước thải.

12. Đề xuất các biện pháp bảo tồn, tôn tạo hệ thống kênh mương, hồ có chức năng thoát nước, điều hoà và xử lý nước thải.

13. Phân kỳ đầu tư theo giai đoạn, khu vực; xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, đề xuất nguồn vốn, các dự án ưu tiên.

14. Đánh giá tác động môi trường, đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường.

15. Đề xuất phương án tổ chức quản lý hệ thống thoát nước.

Điều 17. Hồ sơ đồ án quy hoạch thoát nước

Tuỳ theo đặc điểm, quy mô của khu vực nghiên cứu, hồ sơ đồ án quy hoạch thoát nước bao gồm:

1. Bản vẽ:

a) Bản đồ vị trí và mối liên hệ vùng:

- Đối với quy hoạch thoát nước vùng: tỷ lệ 1/100.000 - l/500.000;

- Đối với quy hoạch thoát nước đô thị: tỷ lệ 1/25.000 - 1/100.000.

b) Bản đồ địa hình:

- Đối với quy hoạch thoát nước vùng: tỷ lệ 1/25.000 đến l/250.000;

- Đối với quy hoạch thoát nước đô thị: tỷ lệ 1/5.000 - 1/25.000.

c) Bản đồ hiện trạng hạ tầng kỹ thuật quy định như điểm b khoản này;

d) Bản đồ phân chia lưu vực thoát nước, tỷ lệ như điểm b khoản này;

đ) Bản đồ vị trí các trạm bơm, nhà máy xử lý, các tuyến truyền dẫn chính, tỷ lệ như điểm b khoản này.

2. Báo cáo tổng hợp gồm thuyết minh, các văn bản có giá trị pháp lý liên quan, tờ trình phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước.

Điều 18. Trách nhiệm lập, thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước

1. Trách nhiệm lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước:

a) Bộ Xây dựng tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng liên tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng, quy hoạch thoát nước đô thị trong địa giới hành chính do mình quản lý.

2. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước:

a) Đối với quy hoạch thoát nước vùng liên tỉnh, quy hoạch thoát nước đô thị loại đặc biệt:

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc ủy quyền cho Bộ Xây dựng phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng liên tỉnh, quy hoạch thoát nước đô thị loại đặc biệt trong thời hạn 25 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

Bộ Xây dựng chủ trì thẩm định các nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng liên tỉnh, quy hoạch thoát nước đô thị loại đặc biệt thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chỉnh phủ trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

b) Đối với quy hoạch thoát nước vùng trong một tỉnh, quy hoạch thoát nước đô thị thuộc tỉnh:

Ủy ban chân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng trong một tỉnh, quy hoạch thoát nước đô thị (trừ đô thị loại đặc biệt) thuộc địa giới hành chính do mình quản lý trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cơ quan thẩm định và ý kiến thoả thuận của Bộ Xây dựng.

Sở Xây dựng các tỉnh, Sở Giao thông Công chính các thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì thẩm định nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước vùng, quy hoạch thoát nước đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Điều 19. Quy định về quản lý quy hoạch thoát nước

Trên cơ sở nội dung bản vẽ, thuyết minh của đồ án quy hoạch thoát nước, các kiến nghị, giải pháp thực hiện quy hoạch thoát nước, người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước ban hành Quy định về quản lý quy hoạch thoát nước. Nội dung Quy định bao gồm:

1. Quy định về vị trí, vai trò, chức năng, quy mô các công trình thoát nước.

2. Quy định về phạm vi bảo vệ, hành lang an toàn đối với các công trình thoát nước.

3. Phân công và quy định trách nhiệm quản lý quy hoạch thoát nước.

4. Các quy định khác.

Điều 20. Điều chỉnh quy hoạch thoát nước

1. Quy hoạch thoát nước được điều chỉnh khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển ngành có liên quan;

b) Có biến động lớn về điều kiện tự nhiên ngoài dự báo.

2. Thời hạn xem xét điều chỉnh quy hoạch thoát nước theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước.

3. Nội dung điều chỉnh quy hoạch thoát nước phải dựa trên cơ sở phân tích đánh giá tình hình thực hiện đồ án quy hoạch thoát nước đã được phê duyệt trước đó, xác định những yếu tố ảnh hưởng đến việc điều chỉnh quy hoạch, phải bảo đảm tính kế thừa và chỉ điều chỉnh những nội dung thay đổi.

4. Người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch thoát nước phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch thoát nước.

Nghị định 88/2007/NĐ-CP về thoát nước đô thị và khu công nghiệp

  • Số hiệu: 88/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/05/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 23/06/2007
  • Số công báo: Từ số 406 đến số 407
  • Ngày hiệu lực: 08/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH