Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 85/2022/NĐ-CP về cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

1. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam:

a) Bảo đảm thanh toán khoản tiền bù giá cho Công ty LHD Nghi Sơn không vượt quá sản lượng theo Hợp đồng bao tiêu (theo sản lượng bao tiêu quy định tại thời điểm ký Hợp đồng bao tiêu lần đầu ngày 15 tháng 01 năm 2013) và không bao tiêu đối với sản lượng không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định tại Hợp đồng bao tiêu, không đạt QCVN của Việt Nam theo quy định của pháp luật.

b) Chịu trách nhiệm về kết quả đàm phán, ký kết hợp đồng bao tiêu, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sau bao tiêu (trong đó có điều khoản về công thức giá bao tiêu, giá bán ra) và hiệu quả hoạt động thực hiện chuỗi bao tiêu, bảo đảm kết thúc thời gian thực hiện cơ chế tài chính theo quy định tại Nghị định này, PVNDB không phát sinh lỗ lũy kế. Việc xác định lãi/lỗ hằng năm của PVNDB phục vụ đánh giá của PVN đối với PVNDB quy định tại điểm này theo nguyên tắc đã loại trừ số lỗ tương ứng số tiền tối đa Nhà nước phải xử lý tài chính cho PVN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này nhưng ghi nhận chênh lệch dương có được do chênh lệch giữa Phụ phí thị trường/Điều chỉnh giá (đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt - nếu có) mà các thương nhân đầu mối hoặc bên mua khác có nghĩa vụ thanh toán cho PVNDB tại khâu bán ra so với khoản tiền bù giá trong bao tiêu tương đương Phụ phí thị trường/Điều chỉnh giá (đã bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) PVNDB có nghĩa vụ thanh toán cho Công ty LHD Nghi Sơn tại khâu bao tiêu tương ứng với sản lượng bao tiêu bán ra. Trường hợp số tiền Nhà nước xử lý tài chính cho PVN xác định theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này bằng (=) khoản tiền bù giá trong bao tiêu theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 4 Nghị định này, thì việc xác định lãi/lỗ hằng năm của PVNDB phục vụ đánh giá của PVN đối với PVNDB quy định tại điểm này theo nguyên tắc đã loại trừ số lỗ tương ứng khoản tiền bù giá trong bao tiêu theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 4 Nghị định này và số thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) phát sinh trên khoản bù tiền bù giá này.

c) Xác định số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu xăng, dầu, LPG của Dự án LHD Nghi Sơn theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 12, khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Nghị định này và thực hiện lập quyết toán chi từ ngân sách nhà nước tương ứng số tiền Nhà nước xử lý tài chính theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này.

d) Xác định doanh thu, chi phí, kết quả thực hiện chuỗi bao tiêu theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và số lỗ thực hiện chuỗi bao tiêu không được xử lý bằng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ của Công ty mẹ - PVN (nếu có) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này để thực hiện kê khai, nộp thuế và hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật thuế, pháp luật về kế toán và quy chế tài chính của Công ty mẹ - PVN.

đ) Kiểm tra, giám sát giá bán ra và quản lý chi phí thực hiện chuỗi bao tiêu, phụ phí thị trường quy định tại Điều 4 Nghị định này theo quy chế quản trị nội bộ của Tập đoàn và quy định của pháp luật.

e) Báo cáo Bộ Tài chính và Kiểm toán nhà nước đối với số tiền Nhà nước xử lý tài chính cho PVN theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

g) Báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để giám sát việc PVN tạm sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh của Công ty mẹ - PVN thanh toán khoản tiền bù giá theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

h) Báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Công Thương Nghị quyết của Hội đồng thành viên Tập đoàn thông qua dự toán số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này để phục vụ giám sát, phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và xây dựng kế hoạch cung ứng sản phẩm xăng dầu hằng năm.

i) Tạm ứng, thanh toán cho PVNDB đầy đủ, kịp thời nguồn vốn phục vụ thực hiện chuỗi bao tiêu và thanh toán khoản tiền bù giá trong trường hợp đáp ứng quy định tại điểm a khoản này, xử lý các vấn đề phát sinh hằng năm theo quy định của Hợp đồng bao tiêu và các hợp đồng khác có liên quan.

2. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

Giám sát, kiểm tra việc PVN, PVNDB tổ chức thực hiện chuỗi bao tiêu, thanh toán khoản tiền bù giá và tạm sử dụng nguồn vốn sản xuất kinh doanh để thanh toán khoản tiền bù giá theo quy định tại khoản 4 Điều 6, khoản 1 Điều 7 Nghị định này.

3. Bộ Tài chính:

a) Tổng hợp vào dự toán NSTW và thực hiện thủ tục báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước hàng năm đối với nhu cầu số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính được PVN xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định này.

b) Tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước số tiền Nhà nước xử lý tài chính cho PVN theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này trên cơ sở kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và phê duyệt báo cáo quyết toán của Hội đồng thành viên PVN.

4. Bộ Công Thương:

a) Giám sát kế hoạch sản xuất của Công ty LHD Nghi Sơn và việc PVN, PVNDB tổ chức thực hiện chuỗi bao tiêu sản phẩm xăng, dầu và LPG của Công ty LHD Nghi Sơn đồng bộ với cam kết tại GGU.

b) Thông báo thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án LHD Nghi Sơn trên cơ sở báo cáo của PVN, gửi các cơ quan, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 2 Nghị định này để tổ chức thực hiện và giám sát, theo dõi theo quy định tại Nghị định này.

5. Kiểm toán nhà nước:

a) Kiểm toán số tiền PVN đề nghị Nhà nước xử lý tài chính cho PVN trước khi trình Quốc hội báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định này.

b) Có ý kiến tham gia về dự toán nhu cầu số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính cho PVN khi thực hiện khoản 5 Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước trên cơ sở báo cáo của PVN theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định này.

Điều 12. Điều khoản chuyển tiếp

Việc xử lý tài chính đối với giai đoạn từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án LHD Nghi Sơn theo thông báo của Bộ Công Thương quy định tại điểm b khoản 4 Điều 11 Nghị định này đến hết năm 2022 (sau khi được Quốc hội phê duyệt bổ sung dự toán NSTW năm 2022), được thực hiện như sau:

1. Khoản lợi nhuận chưa phân phối từ kết quả thực hiện chuỗi bao tiêu phát sinh từ năm 2018 đến hết năm 2021 (chưa tính đến số tiền Nhà nước phải xử lý tài chính cho PVN theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định này) được sử dụng để bù trừ số tiền Nhà nước phải xử lý tài chính cho PVN phát sinh trong giai đoạn từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án LHD Nghi Sơn đến hết năm 2022.

2. Bổ sung dự toán chi NSTW năm 2022 số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính cho PVN (bao gồm số thực tế phát sinh từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án đến hết năm 2021 và theo kế hoạch thực hiện trong năm 2022) bằng nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ năm 2022 của Công ty mẹ - PVN như sau:

a) Dự toán chi NSTW bổ sung trong năm 2022 được xác định theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và sau khi bù trừ khoản lợi nhuận chưa phân phối theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng không vượt quá dự toán thu NSTW từ lợi nhuận sau thuế sau trích các quỹ của Công ty mẹ - PVN trong năm 2022.

b) Trường hợp không đủ nguồn để xử lý cho số phát sinh đến hết năm 2022, bố trí dự toán NSTW năm 2023 để xử lý tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định này.

c) Việc tổng hợp, quyết toán ngân sách nhà nước và kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước đối với số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính phát sinh trong giai đoạn từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án đến hết năm 2022, thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.

d) Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 đối với số tiền Nhà nước xử lý tài chính cho PVN theo số bổ sung dự toán chi NSTW năm 2022.

3. Về xác định giá trị hàng tồn kho

a) PVN và PVNDB không phải hồi tố quy định về xác định giá trị hàng tồn kho theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 4 Nghị định này trên sổ kế toán và báo cáo tài chính trong giai đoạn từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án đến hết năm 2021.

b) Toàn bộ ảnh hưởng đối với giá vốn hàng bán trong giai đoạn từ thời điểm PVN chính thức bao tiêu sản phẩm của Dự án đến hết năm 2021 do thay đổi phương pháp tính giá trị hàng tồn kho theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 4 Nghị định này được phản ánh vào kết quả hoạt động kinh doanh của PVN và PVNDB năm 2022 làm cơ sở lập dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022, tương ứng số tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính cho PVN.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Hiệu lực thi hành:

a) Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

b) Nghị định này hết hiệu lực kể từ ngày hoàn thành quyết toán ngân sách nhà nước sổ tiền đề nghị Nhà nước xử lý tài chính cho PVN theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan (bao gồm xử lý đối với sản lượng tồn kho tại thời điểm kết thúc nghĩa vụ bù giá cho Công ty LHD Nghi Sơn).

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Kiểm toán nhà nước; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Nghị định 85/2022/NĐ-CP về cơ chế xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn

  • Số hiệu: 85/2022/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/10/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: 01/11/2022
  • Số công báo: Từ số 803 đến số 804
  • Ngày hiệu lực: 24/10/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH