Hệ thống pháp luật

Điều 10 Nghị định 85/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

Điều 10. Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu

Việc phân chia dự án thành các gói thầu được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 của Luật Đấu thầu, bảo đảm quy mô gói thầu không quá nhỏ hoặc quá lớn làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Nội dung của từng gói thầu bao gồm:

1. Tên gói thầu

Tên gói thầu thể hiện tính chất, nội dung và phạm vi công việc của gói thầu, phù hợp với nội dung nêu trong dự án. Trường hợp đủ điều kiện và căn cứ đặc thù của dự án, gói thầu có thể bao gồm các nội dung công việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế kỹ thuật. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt (nhiều lô), trong kế hoạch đấu thầu cần nêu tên thể hiện nội dung cơ bản của từng phần.

2. Giá gói thầu

a) Giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc tổng vốn đầu tư, dự toán được duyệt (nếu có) và các quy định liên quan;

b) Đối với các gói thầu dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, giá gói thầu được xác định trên cơ sở các thông tin sau: giá trung bình theo thống kê các dự án đã thực hiện liên quan của ngành trong khoảng thời gian xác định; ước tính tổng mức đầu tư theo định mức suất đầu tư của các dự án thuộc từng lĩnh vực chuyên ngành; sơ bộ tổng mức đầu tư;

c) Trường hợp gói thầu gồm nhiều lô thì nêu rõ giá trị ước tính cho từng phần trong giá gói thầu.

3. Nguồn vốn

Đối với mỗi gói thầu phải nêu rõ nguồn vốn hoặc phương thức thu xếp vốn để thanh toán cho nhà thầu; trường hợp sử dụng vốn ODA thì phải nêu rõ tên nhà tài trợ vốn và cơ cấu nguồn vốn (ngoài nước, trong nước).

4. Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu

Nêu hình thức lựa chọn nhà thầu (nêu rõ trong nước, quốc tế, sơ tuyển, mời quan tâm, lựa chọn tư vấn cá nhân, nếu có) theo quy định từ Điều 18 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 của Luật sửa đổi và Điều 97 của Luật Xây dựng; phương thức đấu thầu theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu.

5. Thời gian lựa chọn nhà thầu

Nêu thời gian tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu để bảo đảm tiến độ của gói thầu. Thời gian lựa chọn nhà thầu được tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng. Trường hợp đấu thầu rộng rãi có áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách ngắn, thời gian lựa chọn nhà thầu được tính từ ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm đến ngày ký kết hợp đồng.

6. Hình thức hợp đồng

Tùy theo tính chất của gói thầu, xác định các hình thức hợp đồng áp dụng đối với hợp đồng cho gói thầu theo quy định từ Điều 49 đến Điều 53 của Luật Đấu thầu và Điều 107 của Luật Xây dựng. Trường hợp trong một gói thầu có nhiều công việc tương ứng với nhiều hình thức hợp đồng thì hợp đồng đối với gói thầu đó có thể bao gồm nhiều hình thức hợp đồng.

7. Thời gian thực hiện hợp đồng

Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định trong hợp đồng, bảo đảm việc thực hiện gói thầu phù hợp với tiến độ thực hiện dự án.

Nghị định 85/2009/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

  • Số hiệu: 85/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/10/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 489 đến số 490
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH