Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam

Chương V.

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ VIỆN TRỢ

Điều 27. Nội dung quản lý nhà nước về viện trợ

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ theo luật pháp Việt Nam.

2.Cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

3. Giám sát, đánh giá tình hình, kết quả quản lý, sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này theo quy định hiện hành của pháp luật.

4. Xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý và sử dụng viện trợ.

5. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và Bên cung cấp viện trợ có thành tích trong hoạt động cung cấp, quản lý và sử dụng khoản viện trợ.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư

1. Là cơ quan đầu mối có nhiệm vụ quản lý nhà nước về viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

2. Chủ trì soạn thảo, trình ban hành hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng viện trợ theo thẩm quyền.

3. Chủ trì thẩm định và tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt các khoản viện trợ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

4. Trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo tổng hợp hằng năm về tình hình quản lý và sử dụng viện trợ; kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

5. Kiểm tra việc tuân thủ quy định về tiếp nhận, phê duyệt, triển khai thực hiện theo thẩm quyền đối với các cơ quan, đơn vị tiếp nhận viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 29. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng chế độ hướng dẫn về quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ.

2. Tham gia ý kiến đối với các khoản viện trợ theo quy định.

3. Quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

4. Tổng hợp tình hình quản lý tài chính đối với khoản viện trợ. Định kỳ hàng năm gửi báo cáo tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Kiểm tra giám sát tình hình quản lý tài chính và tuân thủ quy định tài chính đối với các tổ chức, đơn vị tiếp nhận viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Ngoại giao

1. Tham gia góp ý kiến các khoản viện trợ theo quy định.

2. Tham gia giám sát việc thực hiện các khoản viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo cam kết viện trợ và thực hiện đúng hoạt động đã đăng ký của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Cung cấp thường xuyên, đầy đủ thông tin về tình hình cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung Giấy đăng ký và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để làm cơ sở cho việc tiến hành vận động và thẩm định viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài theo quy định tại Nghị định này.

Điều 31. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an

1. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

2. Tham gia thẩm định và góp ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các khoản viện trợ liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định; tham gia thẩm định và góp ý kiến.

3. Phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận và sử dụng viện trợ đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

4. Tiến hành các nhiệm vụ theo thẩm quyền khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan tới việc tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ.

5. Cung cấp các thông tin liên quan làm cơ sở xem xét trong quá trình thẩm định khoản viện trợ tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ.

Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nội vụ

1. Chủ trì thẩm định theo thẩm quyền phê duyệt; tham gia thẩm định và góp ý kiến về việc tiếp nhận các khoản viện trợ có nội dung liên quan.

2. Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, tổ chức Việt Nam chấp hành thực hiện đường lối, chính sách tôn giáo của Nhà nước trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ.

3. Tổng hợp hàng năm về tình hình quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam về hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Báo cáo định kỳ hằng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4. Kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện theo thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Điều 33. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan chủ quản

Ngoài các nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại các Chương I, II, III, IV Nghị định này, cơ quan chủ quản có nhiệm vụ và quyền hạn:

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp trong công tác quản lý và sử dụng viện trợ thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia ý kiến trong quá trình thẩm định, phê duyệt các khoản viện trợ về lĩnh vực chuyên môn do cơ quan quản lý theo phân công của Chính phủ.

3. Người đứng đầu cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm phê duyệt khoản viện trợ theo thẩm quyền được quy định tại Nghị định này và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định phê duyệt của mình.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối về quản lý và sử dụng các khoản viện trợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

5. Ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ trong nội bộ cơ quan trên cơ sở quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng viện trợ theo các quy định hiện hành, thực hiện đúng cam kết với Bên cung cấp viện trợ.

7. Giám sát, đánh giá việc tiếp nhận và thực hiện các khoản viện trợ do Thủ trưởng cơ quan phê duyệt; kịp thời phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, khó khăn, những vi phạm trong quá trình triển khai công tác tiếp nhận và sử dụng viện trợ hoặc thông báo với các cơ quan quản lý nhà nước về viện trợ liên quan được nêu tại Chương này để xử lý.

8. Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn chuẩn bị và vốn đối ứng thực hiện các chương trình, dự án viện trợ phù hợp với những quy định trong văn kiện chương trình, dự án đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

9. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về chất lượng, hiệu quả và tiến độ thực hiện các chương trình, dự án viện trợ phù hợp với các quy định của pháp luật.

10. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo quy định.

Nghị định 80/2020/NĐ-CP về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam

  • Số hiệu: 80/2020/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 08/07/2020
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 22/07/2020
  • Số công báo: Từ số 707 đến số 708
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH