Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 77/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 05 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 150/2004/NĐ-CP NGÀY 29 THÁNG 07 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC KHOÁNG SẢN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 20 tháng 03 năm 1996 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 07 năm 2002;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 07 năm 2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản như sau:

1. Sửa đổi khoản 1 Điều 8 như sau:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không đăng ký kế hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định."

2. Sửa đổi khoản 1 Điều 10 như sau:

"1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi không thông báo kế hoạch thăm dò với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định."

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

"Điều 11. Vi phạm quy định về khai thác khoáng sản

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thông báo kế hoạch khai thác, không đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu hoạt động sản xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Không đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác theo quy định đối với hoạt động khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường trong phạm vi diện tích đất của dự án đầu tư công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác được chỉ sử dụng cho xây dựng công trình đó;

c) Không nộp thiết kế mỏ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo sai số liệu về hoạt động khai thác khoáng sản cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

b) Không lập bản đồ hiện trạng khai thác mỏ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin của nhà nước về kết quả thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư theo quy định khi đã được cơ quan nhà nước có thầm quyền thông báo bằng văn bản;

b) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về việc đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường, đất đai sau khai thác.

4. Các hành vi: không có thiết kế mỏ hoặc khai thác không đúng thiết kế mỏ đá được phê duyệt; không có giám đốc điều hành mỏ; khai thác khoáng sản ngoài khu vực hoặc vượt quá công suất quy định tại giấy phép khai thác thì bị xử phạt nhu sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; hoạt động khai thác than bùn, đá ốp lát và nước khoáng;

b) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong hoạt động khai thác lộ thiên các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

d) Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong hoạt động khai thác hầm lò các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

đ) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm;

e) Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại.

5. Các hành vi: khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn, trừ trường hợp đã nộp hồ sơ xin gia hạn đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định; khai thác khoáng sản theo giấy phép chuyển nhượng không đúng với quy định của pháp luật thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; khai thác than bùn, đá ốp lát và nước khoáng;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản làm nguyên liệu xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong hoạt động khai thác lộ thiên các loại khoáng sản, trừ các khoáng sản đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong hoạt động khai thác hầm lò các loại khoáng sản, trừ các khoáng sản đã quy định tại các điểm a, b, đ và điểm e khoản này;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm;

e) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này trong hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt và độc hại.

6. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 3 đến 6 tháng hoặc không thời hạn đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 và trường hợp khai thác khoáng sản theo giấy phép chuyển nhượng không đúng với quy định của pháp luật đã quy định tại khoản 5 Điều này;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này;

c) Buộc áp dụng các biện pháp tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định này để khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm gây ra".

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

"Điều 13. Vi phạm khác về quản lý khoáng sản

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi cản trở việc tiến hành hợp pháp các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản, khảo sát, thăm dò khoáng sản.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không ký hợp đồng thuê đất trong hoạt động khoáng sản.

3. Các hành vi mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ và tàng trữ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp thì bị xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường;

b) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này đối với các loại khoáng sản, trừ trường hợp đã quy định tại điểm a, c và điểm d khoản này;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này đối với khoáng sản quý, hiếm;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này đối với khoáng sản đặc biệt và độc hại.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Cất giấu, phá huỷ, làm tổn hại đến chất lượng hoặc mua, bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật địa chất, khoáng sản đặc biệt quý hiếm theo quy định của pháp luật về khoáng sản;

b) Khi phát hiện được các điểm khoáng sản mà không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản;

c) Tiết lộ thông tin về tài nguyên khoáng sản thuộc bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Cản trở các hoạt động kiềm tra, thanh tra về khoáng sản của người thi hành công vụ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Cản trở các hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản hợp pháp theo quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện đối với các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này và mẫu vật địa chất, khoáng sản đặc biệt quý hiếm bị mua, bán, vận chuyển trái phép.

b) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn 3 tháng hoặc không thời hạn đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này."

Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 77/2007/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 150/2004/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản

  • Số hiệu: 77/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/05/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 326 đến số 327
  • Ngày hiệu lực: 16/06/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 15/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản