Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 76-CP năm 1996 hướng dẫn Bộ luật dân sự về quyền tác giả

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Nghị định này hướng dẫn thi hành một số quy định về quyền tác giả tại chương I phần thứ sáu trong Bộ luật Dân sự, dưới đây gọi tắt là Bộ luật.

Điều 2.- Tác giả:

1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra toàn bộ hoặc một phần tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

2. Người sưu tầm những tác phẩm đã công bố của người khác để làm tuyển tập, hợp tuyển, sắp xếp theo một chủ đề nhất định, có tính sáng tạo thì được công nhận là tác giả của tác phẩm tuyển tập hoặc hợp tuyển. Quyền tác giả này không làm ảnh hưởng đến quyền của tác giả tác phẩm gốc.

3. Để được công nhận là tác giả, những người quy định tại các khoản 1, 2 của Điều này phải đề tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm được công bố, phổ biến.

4. Người dịch, phóng tác, biên soạn, cải biên, chuyển thể phải ghi rõ tên tác giả tác phẩm gốc và không được ghi tên mình ngang hàng với tác giả tác phẩm gốc.

5. Cá nhân, tổ chức làm công việc hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả.

Điều 3.- Chủ sở hữu tác phẩm:

1. Chủ sở hữu tác phẩm có quyền chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền sở hữu tác phẩm cho cá nhân hoặc một pháp nhân khác, nhưng việc chuyển giao đó phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản. Việc chuyển giao một phần quyền sở hữu tác phẩm không ảnh hưởng đến phần còn lại của quyền sở hữu tác phẩm.

2. Cá nhân hoặc tổ chức chịu trách nhiệm cung cấp tài chính hoặc các điều kiện có tính chất quyết định cho việc phát triển phần mền máy tính là chủ sở hữu phần mềm máy tính đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Điều 4.- Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quy định tại Điều 747 của Bộ luật được hiểu như sau:

1. Tác phẩm viết thể hiện dưới hình thức chữ viết hoặc ký tự như: tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, bút ký, ký sự, tuỳ bút, hồi ký, thơ, trường ca, kịch bản, bản nhạc, công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật và các bài viết khác.

2. Các bài giảng, bài phát biểu được viết sẵn hoặc được trình bày bằng lời nói, song được ghi âm và lưu hành thành văn bản.

3. Tác phẩm sân khấu và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác được trình diễn trên sân khẩu như: vở diễn, ca nhạc, múa, xiếc, rối và các hình thức tương tự.

4. Tác phẩm điện ảnh, vi-di-ô có hoặc không có âm thanh kèm theo.

5. Tác phẩm phát thanh, truyền hình được tạo ra để truyền đến công chúng qua sóng điện từ.

6. Tác phẩm báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, bằng tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài.

7. Tác phẩm âm nhạc gồm thanh nhạc và khí nhạc được thể hiện bằng giọng hát, nhạc cụ.

8. Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian đã hoặc chưa xây dựng.

9. Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng gồm hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, mỹ thuật ứng dụng hoặc các hình thức tương tự.

10. Tác phẩm nhiếp ảnh thể hiện hình ảnh của vật thể khách quan trên vật liệu bắt sáng.

11. Công trình khoa học, sách giáo khoa, giáo trình thuộc các lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, huấn luyện.

12. Các bức hoạ đồ, bản vẽ, sơ đồ, bản đồ có liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học.

13. Tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển tập, hợp tuyển:

a) Tác phẩm dịch chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, từ chữ Nôm ra chữ Quốc ngữ.

b) Tác phẩm phóng tác được sáng tạo ra dựa theo nội dung của một tác phẩm đã có.

c) Tác phẩm cải biên được sáng tạo ra trên cơ sở một tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt.

d) Tác phẩm chuyển thể từ loại hình này sang loại hình khác.

đ) Tác phẩm biên soạn được tuyển chọn theo một chủ đề có thể có bình luận, đánh giá.

e) Tác phẩm chú giải làm rõ nghĩa một số từ, câu hoặc địa danh của một tác phẩm đã có.

g) Tác phẩm tuyển tập tập hợp những tác phẩm hoặc bài viết được chọn lọc của một hoặc nhiều tác giả.

h) Tác phẩm hợp tuyển được tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của nhiều tác giả theo một yêu cầu nhất định.

14. Phần mềm máy tính gồm chương trình máy tính, tài liệu mô tả chương trình, tài liệu hỗ trợ, cơ sở dữ liệu.

Điều 5.- Công bố, phổ biến tác phẩm:

Việc công bố, phổ biến tác phẩm là trình bày tác phẩm trước công chúng dưới dạng thuyết trình, trưng bày, xuất bản, biểu diễn, phát thanh, truyền hình và các hình thức khác.

Điều 6.- Thời điểm phát sinh quyền tác giả:

Quyền tác giả đối với tác phẩm phát sinh thời điểm tác phẩm sáng tạo được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt tác phẩm đã công bố hoặc chưa công bố, đã đăng ký bảo hộ hoặc chưa đăng ký bảo hộ.

Điều 7.- Quyền yêu cầu được bảo hộ:

Tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm quy định tại Điều 747, người biểu diễn, tổ chức sản xuất băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình, tổ chức phát thanh, truyền hình quy định tại các Điều 775, 777, 779 của Bộ luật có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bảo hộ khi các quyền của mình bị xâm phạm.

Nghị định 76-CP năm 1996 hướng dẫn Bộ luật dân sự về quyền tác giả

  • Số hiệu: 76-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/11/1996
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH