Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69/2003/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 6 năm 2003

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 69/2003/NĐ-CP NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 2003 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH PHÁP LỆNH SỐ 01/2002/PL-UBTVQH11 NGÀY 04 THÁNG 10 NĂM 2002 SỬA ĐỔI ĐIỀU 22, ĐIỀU 23 CỦA PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG, LIỆT SĨ VÀ GIA ĐÌNH LIỆT SĨ, THƯƠNG BINH, BỆNH BINH, NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÁNG CHIẾN, NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Pháp lệnh ngày 29 tháng 8 năm 1994 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;
Căn cứ Pháp lệnh số 01/2002/PL-UBTVQH11 ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi Điều 22, Điều 23 của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Người có công giúp đỡ cách mạng, quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh sửa đổi Điều 22, Điều 23 Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, bao gồm :

1. Người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm thời kỳ trước ngày 19 tháng 8 năm 1945, được Nhà nước tặng Kỷ niệm chương ''Tổ quốc ghi công'' hoặc ''Bằng có công với nước''.

2. Người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến.

3. Người đã có thành tích giúp đỡ cách mạng trong lúc khó khăn, nguy hiểm thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc, từ ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến.

Điều 2.

1. Trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này được quy định như sau:

a) Trợ cấp hàng tháng mức 170.000 đồng/người;

b) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mức 420.000 đồng/người nếu sống cô đơn không nơi nương tựa;

c) Được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khoẻ, cải thiện nhà ở, giải quyết việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, phát triển kinh tế gia đình như đối với thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

2. Trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định này được quy định như sau :

a) Trợ cấp hàng tháng mức 110.000 đồng/người;

b) Trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng mức 320.000 đồng/người nếu sống cô đơn không nơi nương tựa.

3. Trợ cấp đối với người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này được quy định như sau :

Trợ cấp một lần mức 1.000.000 đồng/người.

4. Trợ cấp mai táng phí :

Người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp theo quy định tại điểm a và b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 2 Nghị định này, khi chết tổ chức hoặc cá nhân tổ chức mai táng được cấp tiền lễ tang, chôn cất mức 2.320.000 đồng.

5. Trợ cấp đối với các đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định này đã chết mà chưa được hưởng trợ cấp :

a) Người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Nghị định này chết từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà chưa được hưởng trợ cấp thì vợ hoặc chồng hoặc người thừa kế theo pháp luật của đối tượng được hưởng trợ cấp 1 lần mức 1.000.000 đồng;

b) Người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định này chết mà chưa được hưởng trợ cấp theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định này thì vợ hoặc chồng hoặc người thừa kế theo pháp luật của đối tượng được hưởng trợ cấp 1 lần mức 1.000.000 đồng.

6. Các khoản trợ cấp ưu đãi đối với người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại Điều 2 Nghị định này được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2003 do ngân sách nhà nước trả.

Điều 3.

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục lập và quản lý hồ sơ xác nhận giải quyết quyền lợi đối với người có công giúp đỡ cách mạng và kiểm tra việc thực hiện Nghị định này.

2. Bộ Tài chính đảm bảo nguồn ngân sách và hướng dẫn sử dụng kinh phí chi trả đối với người có công giúp đỡ cách mạng được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại Điều 2 Nghị định này.

3. Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chế độ ưu đãi quy định tại Nghị định này.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các chế độ quy định tại Nghị định này theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan.

Điều 4.

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

2. Các chế độ đối với người có công giúp đỡ cách mạng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 2 Nghị định này sẽ được điều chỉnh khi nhà nước điều chỉnh chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

3. Bãi bỏ Điều 60, Điều 61 Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.

Điều 5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 69/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh 01/2002/PL-UBTVQH11 sửa đổi Điều 22, 23 Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng

  • Số hiệu: 69/2003/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/06/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 01/07/2003
  • Số công báo: Từ số 69 đến số 70
  • Ngày hiệu lực: 16/07/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 20/06/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản