Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 69/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 69/2001/NĐ-CP NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2001 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh số 13/1999/PL-UBTVQH10 ngày 27 tháng 4 năm 1999 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 27 tháng 4 năm 1999.

Điều 2.

1. Những quy định của Nghị định này điều chỉnh đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt và nhu cầu công việc của tổ chức, cá nhân, gia đình.

2. Người mua sử dụng hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và nhu cầu công việc của tổ chức, cá nhân, gia đình bao gồm :

a) Người mua và là người sử dụng hàng hoá, dịch vụ đã mua cho chính bản thân mình;

b) Người mua hàng hoá, dịch vụ cho người khác, cho gia đình hoặc cho tổ chức sử dụng;

c) Cá nhân, gia đình, tổ chức sử dụng hàng hoá, dịch vụ do người khác mua hoặc do được cho, tặng.

Điều 3. Người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

Chương 2:

THỰC HIỆN BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 4. Mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh) có trách nhiệm :

1. Bảo đảm cung cấp hàng hoá, dịch vụ để người tiêu dùng tự do lựa chọn; tự do mua hoặc không mua; chấp nhận hoặc không chấp nhận bất kỳ kiểu, loại hàng hoá, phương thức, điều kiện dịch vụ nào đó.

2. Tạo điều kiện để người tiêu dùng thực hiện việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp và kèm theo các biện pháp bảo hành, sửa chữa theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo cam kết đã thoả thuận với người tiêu dùng.

4. Công bố tiêu chuẩn chất lượng và bảo đảm đúng tiêu chuẩn, chất lượng đã công bố đối với hàng hoá thuộc Danh mục phải công bố phù hợp tiêu chuẩn; thực hiện đúng quy định về ghi nhãn hàng hoá, kiểm tra về vệ sinh, an toàn, chất lượng; thực hiện việc cân, đong, đo đếm chính xác đối với hàng hoá, dịch vụ của mình theo quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm chất lượng, vệ sinh, an toàn trong trường hợp sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không thuộc đối tượng phải công bố phù hợp tiêu chuẩn chất lượng.

6. Cung cấp các thông tin chính xác, trung thực về xuất xứ, nhãn hiệu hàng hoá, nơi sản xuất, công dụng, đặc tính, tiêu chuẩn, cấp hạng, các thành phần chính, ngày sản xuất, chứng chỉ đã được kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, hướng dẫn việc vận hành, sử dụng, bảo quản hàng hoá dịch vụ; công khai niêm yết giá cả các loại hàng hoá, dịch vụ tại các cửa hàng của mình; giao hoá đơn bán hàng hoá, hoá đơn thu tiền dịch vụ theo đúng các quy định của cơ quan thuế cho người tiêu dùng.

7. Cung cấp hàng hoá, dịch vụ đảm bảo an toàn, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khoẻ của người tiêu dùng.

Đối với hàng hoá, dịch vụ khi sử dụng có thể gây tác hại về sức khoẻ, ảnh hưởng xấu đến môi trường, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải lưu ý cảnh báo trước cho người tiêu dùng; giải thích rõ ràng và chỉ dẫn cách sử dụng hàng hoá cùng các biện pháp phòng tránh các tác hại có thể xảy ra.

Điều 5. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không được đưa ra các quy tắc trái pháp luật và ép buộc người tiêu dùng trong cam kết, trong các quy ước bán hàng, quy ước phục vụ; không được trì hoãn hoặc kéo dài việc thực hiện trách nhiệm dân sự khi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng. Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ bảo hành, sửa chữa, đổi lại hàng hoá, trả lại tiền, nhận lại hàng hoá đã bán hoặc chịu các trách nhiệm khác với người tiêu dùng theo đúng các cam kết đã thoả thuận, không được trì hoãn hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ này.

Điều 6. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tiếp thu ý kiến góp ý, phê bình, kiến nghị của người tiêu dùng về việc thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều 7. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải có biện pháp hướng dẫn để người tiêu dùng sử dụng hàng hoá, dịch vụ hợp lý, tiết kiệm, phải khuyến cáo và yêu cầu người tiêu dùng thực hiện trách nhiệm tự bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Chương 3:

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 8. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi cả nước.

Điều 9. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có quyền hạn và nhiệm vụ cụ thể sau đây :

1. Tổ chức nghiên cứu, lập quy hoạch, kế hoạch chương trình dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trình cơ quan nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện.

2. Tổ chức điều hoà, phối hợp với các cơ quan có liên quan thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan, các địa phương tổ chức tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra tổ chức và các cá nhân trong việc thi hành pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết các khiếu nại, tố cáo; xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi thẩm quyền.

5. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm soát thông tin, quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo thẩm quyền được phân cấp.

Điều 10. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện những nhiệm vụ sau đây :

1. Xây dựng trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực của mình quản lý có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi ngành, lĩnh vực của mình quản lý.

3. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp.

4. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi ngành, lĩnh vực do Bộ, ngành phụ trách.

Điều 11. Đối với một số hàng hoá, dịch vụ đặc thù có liên quan đến môi trường sống, chất lượng, giá cả, vệ sinh, an toàn, sức khoẻ và tính mạng của người tiêu dùng, Chính phủ giao trách nhiệm cụ thể như sau :

1. Bộ Thương mại chủ trì và phối hợp với các Bộ có liên quan thực hiện quản lý, kiểm tra, thanh tra việc lưu thông trên thị trường đối với các loại hàng hoá, dịch vụ bị cấm sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hoặc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu có điều kiện; đối với việc niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ và thực hiện theo giá đã niêm yết; tiến hành xử lý nhằm ngăn chặn việc lưu thông trên thị trường các loại hàng giả, hàng chất lượng kém, hàng hoá vi phạm Quy chế ghi nhãn hàng hoá, các loại hàng hoá và dịch vụ không đảm bảo an toàn, gây nguy hại đến sức khoẻ người tiêu dùng; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quảng cáo thương mại theo thẩm quyền.

2. Bộ Y tế thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra đối với dược phẩm, dược liệu, trang thiết bị, dụng cụ y tế, các loại mỹ phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, chất lượng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến công nghiệp; các loại nước uống, rượu và thuốc lá.

3. Bộ Xây dựng thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra trong tất cả các khâu từ quy hoạch, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng dân dụng.

4. Bộ Giao thông vận tải thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng các phương tiện giao thông vận tải đường thủy, đường bộ, đường sắt, ga đường sắt, bến cảng và các trang thiết bị sử dụng cùng với phương tiện vận tải nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng trong các dịch vụ về vận chuyển hoặc khi người tiêu dùng mua để sử dụng các phương tiện, thiết bị này.

5. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra các phương tiện vận chuyển hàng không, sân bay, cảng hàng không và các phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ vận chuyển hàng không.

6. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ chuyên ngành thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra các hoạt động tuyên truyền, thông tin, quảng cáo về hàng hoá, văn hóa phẩm và dịch vụ trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoạt động về báo chí, xuất bản theo quy định của pháp luật.

7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây, giống con, các sản phẩm sinh học phục vụ trồng trọt và chăn nuôi, thức ăn gia súc.

8. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng theo quy định của pháp luật đối với các loại hàng hóa vật liệu nổ công nghiệp, các loại hóa chất công nghiệp, hàng hóa, máy móc, trang thiết bị công nghiệp.

9. Bộ Thủy sản chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra chất lượng các chủng loại động, thực vật thủy sản, thức ăn cho thủy sản, hải sản, thuốc bảo vệ và thuốc thú y thủy sản, ngư lưới, dịch vụ đánh cá.

10. Tổng cục Bưu điện thực hiện việc quản lý, kiểm tra, thanh tra giá cả, chất lượng dịch vụ, mạng lưới, vật tư, thiết bị, công trình bưu chính viễn thông, mạng Internet.

11. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện việc thống nhất quản lý, kiểm tra, thanh tra hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu công nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Việc phân công trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định tại Điều này sẽ được Chính phủ xem xét, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo đề nghị của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan.

Điều 12. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước trong phạm vi địa phương về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

1. Chỉ đạo, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.

2. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.

4. Tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và các kiến nghị về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong phạm vi quyền hạn hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Điều 13. Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương.

Chương 4:

TỔ CHỨC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 14. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức xã hội được thành lập trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt thành phần kinh tế, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ, nghề nghiệp; là tổ chức đại diện để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Hoạt động của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Phải là tổ chức đại diện cho người tiêu dùng.

2. Không được liên quan đến việc khuyếch trương thương mại cho bất kỳ tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nào khác.

3. Không được quảng cáo cho bất kỳ mục đích thương mại nào trong các hoạt động của mình.

4. Không được khai thác các thông tin, hướng dẫn người tiêu dùng nhằm mục đích kinh doanh.

5. Không bị ảnh hưởng hoặc bị lệ thuộc bởi việc nhận tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong mọi hoạt động.

Điều 16. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được phép đăng ký hoạt động tại ủy ban nhân dân địa phương các cấp và phải tuân thủ theo quy định tại các Điều 14, Điều 15 của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật.

Chương 5:

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 17. Khi quyền lợi của mình bị xâm phạm thì người tiêu dùng trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 18. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm tiếp thu, xử lý và trả lời các khiếu nại của người tiêu dùng hoặc của Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của mình; thực hiện trách nhiệm bảo hành hàng hoá, dịch vụ đối với khách hàng.

Điều 19. Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền tiếp nhận các khiếu nại của người tiêu dùng và tổ chức hoà giải giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Theo yêu cầu của người tiêu dùng, Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ người tiêu dùng hoặc đại diện cho người tiêu dùng đưa khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Người tiêu dùng có trách nhiệm phát hiện, tố cáo với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về những hành vi của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, về những hành vi vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước hay viên chức chịu trách nhiệm về bảo vệ người tiêu dùng; có quyền đưa ra ý kiến phê bình hay kiến nghị về việc thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm giải quyết nhanh chóng, kịp thời các khiếu nại, tố cáo của người tiêu dùng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 21. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì tùy theo tính chất, mức độ, đối tượng vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 23. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 24. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

DANH MỤC
VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC ÁP DỤNG ĐỂ XỬ LÝ VÀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG VIỆC BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG

I.

Bộ luật Dân sự năm 1995 :

Điều 294.

Thực hiện nghĩa vụ giao vật.

Điều 295.

Thực hiện nghĩa vụ trả tiền.

Điều 310.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 311.

Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật.

Điều 312.

Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ phải làm một công việc hoặc không được làm một công việc.

Điều 313.

Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Điều 314.

Trách nhiệm do chậm tiếp nhận thực hiện nghĩa vụ dân sự.

Điều 423.

Chất lượng của vật mua bán.

Điều 428.

Trách nhiệm do giao vật không đúng số lượng.

Điều 429.

Trách nhiệm do giao vật không đồng bộ.

Điều 430.

Trách nhiệm giao vật không đúng chủng loại.

Điều 464.

Trách nhiệm do cố ý tặng, cho tài sản không thuộc sở hữu của mình.

Điều 549.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Điều 612.

Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm.

Điều 613.

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm.

Điều 614.

Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm.

Điều 616.

Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm.

Điều 632.

Bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.

II.

Luật Thương mại năm 1997 :

Điều 9.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, người tiêu dùng.

Khoản 4.

Người tiêu dùng được thành lập tổ chức để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 245.

Nội dung quản lý nhà nước về thương mại.

Khoản 4.

Hướng dẫn tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm.

Khoản 6.

Quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trong nước và hàng hoá xuất nhập khẩu.

III.

Bộ luật hình sự :

Điều 156.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Điều 157.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Điều 158.

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.

Điều 159.

Tội kinh doanh trái phép.

Điều 171.

Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Điều 180.

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả.

Điều 181.

Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả khác.

IV.

Pháp lệnh :

1.

Pháp lệnh thú y ngày 04 tháng 02 năm 1993.

2.

Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 04 tháng 02 năm 1993.

3.

Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 17 tháng 4 năm 1993.

4.

Pháp lệnh về hành nghề y dược tư nhân ngày 30 tháng 9 năm 1993.

5.

Pháp lệnh giải quyết các vụ án kinh tế ngày 16 tháng 3 năm 1994.

6.

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 06 tháng 7 năm 1996.

7.

Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính ngày 21 tháng 5 năm 1996.

8.

Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 27 tháng 4 năm 1999.

9

Pháp lệnh Đo lường ngày 06 tháng 10 năm 1999.

10.

Pháp lệnh chất lượng hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999.

V.

Nghị định của Chính phủ liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.

1.

Nghị định số 49/CP ngày 26 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị.

2.

Nghị định số 88/CP ngày 14 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá và phòng chống một số tệ nạn xã hội.

3.

Nghị định số 01/CP ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế.

4.

Nghị định số 16/CP ngày 20 tháng 3 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan

5.

Nghị định số 22/CP ngày 17 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

6.

Nghị định số 24/CP ngày 18 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng.

7.

Nghị định số 26/CP ngày 26 tháng 4 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực về bảo vệ môi trường.

8

Nghị định số 77/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

9.

Nghị định số 78/CP ngày 29 tháng 11 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

10.

Nghị định số 38/CP ngày 25 tháng 6 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật lao động.

11.

Nghị định số 49/CP ngày 15 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự.

12.

Nghị định số 46/CP ngày 06 tháng 8 năm 1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về y tế.

13.

Nghị định số 48/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

14.

Nghị định số 04/CP ngày 10 tháng 01 năm 1996 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.

15.

Nghị định số 35/CP ngày 23 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về khoáng sản

16.

Nghị định số 48/CP ngày 05 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị.

17.

Nghị định số 57/CP ngày 31 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hoá.

18.

Nghị định số 79/CP ngày 19 tháng 6 năm 1997 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông và tần số vô tuyến điện.

19.

Nghị định số 18/CP ngày 24 tháng 02 năm 1997 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Ngân hàng.

20.

Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 1999 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp.

21.

Nghị định số 49/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 1999 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

22.

Nghị định số 93/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 1999 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê.

23.

Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 69/2001/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh bản vệ quyền lợi người tiêu dùng

  • Số hiệu: 69/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 02/10/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 41
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản