Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 63/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Chương 3.

CẬP NHẬT QUY PHẠM PHÁP LUẬT MỚI BAN HÀNH, ĐỀ MỤC MỚI VÀO BỘ PHÁP ĐIỂN

Điều 16. Xác định quy phạm pháp luật mới ban hành

Quy phạm pháp luật mới ban hành theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật là các quy phạm pháp luật được ban hành sau ngày có kết luận của Hội đồng thẩm định đối với kết quả pháp điển theo đề mục.

Điều 17. Pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành

Việc pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành được thực hiện như sau:

1. Trường hợp có văn bản mới ban hành sửa đổi, bổ sung nội dung trong phạm vi từng điều của văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung của điều trong Bộ pháp điển được sửa đổi, bổ sung; vị trí và nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

2. Trường hợp có văn bản bổ sung điều mới vào văn bản đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí, nội dung của điều mới trong Bộ pháp điển, đánh số, ký hiệu, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định quy phạm pháp luật có nội dung liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

3. Trường hợp có văn bản hủy bỏ, bãi bỏ phần, chương, mục, điều, khoản, điểm của văn bản đã được pháp điển hoặc bãi bỏ toàn bộ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và nội dung bị hủy bỏ, bãi bỏ trong Bộ pháp điển và ghi rõ lý do hủy bỏ, bãi bỏ.

4. Trường hợp có văn bản mới thay thế toàn bộ văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển, xây dựng lại đề mục theo quy định tại Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

5. Trường hợp có văn bản mới thay thế văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được pháp điển thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định vị trí và các nội dung trong Bộ pháp điển bị thay thế; vị trí và nội dung của các quy phạm pháp luật mới trong Bộ pháp điển, đánh số, tên của điều theo vị trí đã xác định trong Bộ pháp điển, ghi chú, xác định các quy phạm pháp luật có liên quan theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 11, Điều 12 và Điều 13 của Nghị định này.

6. Trường hợp văn bản có tên gọi được sử dụng làm tên gọi của đề mục bị bãi bỏ toàn bộ mà không có văn bản thay thế thì cơ quan thực hiện pháp điển xác định đề mục tương ứng trong Bộ pháp điển và đề nghị Bộ Tư pháp loại bỏ đề mục khỏi Bộ pháp điển.

7. Việc thực hiện pháp điển các quy phạm pháp luật mới ban hành đối với các trường hợp khác được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Điều 18. Đề nghị cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành

1. Chậm nhất là 20 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới ban hành có hiệu lực đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 5 và Khoản 6 Điều 17 của Nghị định này thì cơ quan thực hiện pháp điển gửi về Bộ Tư pháp 01 bộ hồ sơ đề nghị cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới bằng văn bản kèm bản điện tử. Hồ sơ gồm:

a) Văn bản đề nghị cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới của cơ quan thực hiện pháp điển;

b) Kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới bằng văn bản do Thủ trưởng cơ quan thực hiện pháp điển ký xác thực và đóng dấu của cơ quan thực hiện pháp điển;

c) Văn bản chứa quy phạm pháp luật mới ban hành.

2. Trường hợp xây dựng lại đề mục theo quy định tại Khoản 4 Điều 17 của Nghị định này thì cơ quan thực hiện pháp điển gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, hoàn thiện, ký xác thực kết quả xây dựng lại đề mục đến Bộ Tư pháp theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này trong thời hạn sau:

a) Chậm nhất là 60 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành có hiệu lực thi hành;

b) Chậm nhất là 35 ngày, trước ngày quy phạm pháp luật mới trong các văn bản không thuộc Điểm a Khoản này có hiệu lực thi hành.

Điều 19. Kiểm tra, cập nhật kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành

1. Bộ Tư pháp kiểm tra tính đầy đủ, chính xác của kết quả pháp điển quy phạm pháp luật mới ban hành đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 18 của Nghị định này. Trong trường hợp phát hiện kết quả pháp điển các quy phạm pháp luật mới ban hành chưa đầy đủ, chính xác, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan thực hiện pháp điển chỉnh lý.

Cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm chỉnh lý kết quả pháp điển theo đề nghị của Bộ Tư pháp và gửi kết quả chỉnh lý đến Bộ Tư pháp trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị.

2. Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này, Bộ Tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

3. Bộ Tư pháp cập nhật kết quả pháp điển các quy phạm pháp luật mới ban hành vào Bộ pháp điển tại thời điểm quy phạm pháp luật mới có hiệu thi hành và loại bỏ các quy phạm pháp luật hết hiệu lực khỏi Bộ pháp điển.

Điều 20. Đề xuất và phân công xây dựng đề mục mới

1. Trong trường hợp có các quy phạm pháp luật mới được ban hành theo quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật thì chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày văn bản mới được thông qua hoặc ban hành, cơ quan thực hiện pháp điển có trách nhiệm đề nghị xây dựng đề mục mới gửi Bộ Tư pháp. Việc đề nghị xây dựng đề mục mới được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra đề nghị xây dựng đề mục mới; trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và phân công cơ quan thực hiện pháp điển đề mục mới.

Điều 21. Thực hiện pháp điển, thẩm định, cập nhật đề mục mới

1. Căn cứ quyết định phân công của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan được phân công tiến hành pháp điển đề mục mới theo quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này.

2. Việc gửi Hồ sơ đề nghị thẩm định, ký xác thực kết quả pháp điển đề mục mới được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Nghị định này.

3. Việc kiểm tra và cập nhật kết quả pháp điển theo đề mục mới được thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Khoản 3 Điều 19 của Nghị định này.

Nghị định 63/2013/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

  • Số hiệu: 63/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/06/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 399 đến số 400
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH