Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 595-NĐ-TC-TCCB

Hà Nội, ngày 18 tháng 10 năm 1957 

 

NGHỊ ĐỊNH

TỔ CHỨC VĂN PHÒNG BỘ TÀI CHÍNH

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Sắc lệnh số 07-SL  ngày 20-01-1950 về việc tổ chức văn phòng các Bộ;
Căn cứ Nghị định Thủ tướng Chính phủ số 269-TTg ngày 17 tháng 5 năm 1957 quy định nhiệm vụ văn phòng các Bộ;
Căn cứ Nghị định số 54-NĐ ngày 14 tháng 7 năm 1951 của Bộ Tài chính tổ chức lại Bộ Tài chính;
Xét đề nghị của các ông Chánh văn phòng, Trưởng phòng Tổ chức và cán bộ Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Nghị định này quy định lại tổ chức Văn phòng Bộ Tài chính

Điều 2. - Văn phòng Bộ Tài chính gồm có bốn phòng sau đây:

1) Phòng tổng hợp, pháp chế và tuyên truyền

2) Phòng biên dịch và chuyên gia

3) Phòng hành chính

4) Phòng quản trị.

Điều 3. - Nhiệm vụ của các phòng quy định như sau:

1) Phòng tổng hợp, pháp chế và tuyên truyền:

a) Bộ phận tổng hợp có nhiệm vụ giúp Chánh văn phòng:

Tổng hợp tình hình công tác của Bộ về mọi mặt.

 Dự thảo chương trình công tác của Bộ.

 Làm báo cáo và biên soạn các bản tin về tình hình công tác của Bộ.

Điều hòa, phối hợp công tác của các ngành thuộc Bộ; theo dõi, nhắc nhở việc thực hiện chương trình công tác của Bộ.

Lập và theo dõi nhắc nhở việc thực hiện kế hoạch kiến thiết cở bản của các cơ quan trực thuộc Bộ.

Phụ trách công tác thi đua của các cơ quan trung ương trực thuộc Bộ.

Phụ trách các công tác chưa thuộc Vụ, Sở nào phụ trách.

b) Bộ phận pháp chế có nhiệm vụ:

Tham gia ý kiến về phương diện pháp luật chung vào các dự án luật lệ mà Bộ ban hành hoặc gửi lên cấp trên ban hành.

Làm các thủ tục để ban hành các Nghị định, quyết định thông tư, chỉ thị, v.v... của Bộ.

Theo dõi các hoạt động của Bộ về mặt luật pháp.

Cùng với các Vụ, Sở góp ý kiến vào các dự án luật lệ do các cơ quan khác gửi đến.

c)Bộ phận tuyên truyền có nhiệm vụ:

Cùng các Vụ, Sở, Ban, Trưởng, Phòng lập và thực hiện kế hoạch tuyên truyền chính sách tài chính.

Cùng các Vụ, Sở, Ban, Trưởng, Phòng biên tập các tập san và tài liệu về chính sách và công tác tài chính.

Xuất bản các tập san và các tài liệu về chính sách và công tác tài chính.

2) Phòng biên dịch và chuyên gia:

Sưu tầm, biên dịch các tài liệu liên quan đến công tác tài chính.

Phụ trách mọi công tác liên quan đến chuyên gia (kế hoạch xin chuyên gia, kế hoạch học tập chuyên gia, báo cáo công tác chuyên gia…).

3) Phòng hành chính:

Nhận, phân phối và gửi công văn; giữ các con dấu, lưu trữ công văn.

Phụ trách giao thông liên lạc, điện thoại, mật mã.

Phụ trách cấp giấy công lệnh, giấy đi đường, giấy giới thiệu v.v....

Đánh máy, in roneo

Quản lý thư viện

Theo dõi nhân sự của văn phòng

4) Phòng quản trị:

Lập dự toán, quyết toán và quản lý các sự chỉ tiêu của tất cả các cơ quan trung ương thuộc Bộ.

Giữ kho, quỹ và quản lý các tài sản của các cơ quan trung ương thuộc Bộ.

Tổ chức chỗ ăn, ở, làm việc, hội nghị tiếp khách.

Cung cấp và tu sửa các phương tiện làm việc và vận chuyển.

Quản lý cấp dưỡng.

Phụ trách y tế, vệ sinh phòng bệnh, phục vụ, thường trực giữ trẻ.

Đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành nội quy cơ quan và giữ gìn trật tự chung của cơ quan.

Điều 4. - Văn phòng có một Chánh văn phòng điều khiển và có một hay hai phó văn phòng giúp việc.

Điều 5. - Mỗi phòng có một Trưởng phòng điều khiển và có thể có một Phó phòng giúp việc.

Riêng Phòng tổng hợp, pháp chế và tuyên truyền đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của một Phó văn phòng.

Điều 6. - Các văn bản đã ban hành trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 7. - Các ông Chánh văn phòng, Giám đốc các Vụ, Sở, Trưởng ban thanh tra tài chính, Hiệu trưởng trường cán bộ tài chính và Trưởng phòng tổ chức và cán bộ Bộ Tài chính chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH




Lê Văn Hiến