Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 59-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH KHOẢN PHỤ CẤP CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN Y TẾ LÀM VIỆC TRONG ĐIỀU KIỆN DỄ BỊ TRUYỀN NHIỄM VÀ CÓ HẠI SỨC KHỎE

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị định số 25-CP ngày 05-7-1960 của Hội đồng Chính phủ quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính sự nghiệp;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 28-9-1960;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Những cán bộ, nhân viên trong ngành Y tế làm việc trong điều kiện dễ bị truyền nhiễm và có hại đến sức khỏe, được hưởng thêm một khoản phụ cấp ngoài lương chính theo những quy định của nghị định này.

Điều 2. – Cán bộ, nhân viên trực tiếp làm công tác điều trị, phục vụ bệnh nhân hủi tại các trại hủi, bệnh viện hủi thì trong 3 năm đầu được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 40% lương chính; nếu công tác liên tục từ 4 năm trở lên thì cứ thêm một năm, khoản phụ cấp hàng tháng được tăng thêm 5% lương chính nhưng mức phụ cấp tối đa mỗi tháng không được quá 60% lương chính.

Cán bộ, nhân viên không trực tiếp làm công tác điều trị, phục vụ bệnh nhân hủi, nhưng thường ngày phải làm việc trong khu vực bệnh nhân hủi và có tiếp xúc với bệnh nhân hủi hoặc ít hoặc nhiều, thì trong 3 năm đầu được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 20% lương chính; nếu công tác liên tục từ 4 năm trở lên thì cứ thêm một năm, khoản phụ cấp hàng tháng được tăng thêm 5% lương chính, nhưng mức phụ cấp tối đa mỗi tháng không được quá 40% lương chính.

Điều 3. – Những cán bộ, nhân viên công tác trong những điều kiện sau đây được hưởng một khoản phụ cấp ấn định là 15 đồng một tháng:

a) Cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp trong các buồng máy điện quang, ở gần bóng quang tuyến đang phát ra tia Roentgen hoặc phải đứng thường xuyên cạnh máy khi máy chạy; cán bộ, nhân viên phục vụ tại các cơ sở điều trị bằng chất đồng vị phóng xạ Cobalt 60.

b) Cán bộ, nhân viên làm công tác điện quang tại các cơ sở điều trị bệnh nhân lao, chuyên trách việc chiếu, chụp điện quang cho những bệnh nhân mắc bệnh lao.

c) Cán bộ, nhân viên phụ trách đặt, cắm, hoặc chuẩn bị các ống hay kim radium và cobalt để làm công tác điều trị bệnh nhân.

Điều 4. – Những cán bộ, nhân viên công tác trong những điều kiện sau đây được hưởng một khoản phụ cấp ấn định là 12 đồng một tháng:

a) Cán bộ, nhân viên trực tiếp điều khiển máy điện quang tại các tủ điều khiển đặt riêng ở phòng nhỏ cạnh phòng để máy, hay đặt trong phòng để máy, nhưng có bình phong chì bảo vệ đặt trước tủ điều khiển. Cán bộ, nhân viên phụ trách đặt trạm và điều khiển máy điện quang để điều trị ung thư hay các bệnh khác.

b) Cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp trong các buồng bệnh nhân lao của các bệnh viện chuyên khoa lao, phân viện lao, viện điều dưỡng lao hoặc các bệnh viện khác có khu bệnh nhân lao từ 60 giường bệnh trở lên giành riêng cho bệnh nhân lao.

Điều 5. – Những cán bộ, nhân viên công tác trong những điều kiện sau đây được hưởng một khoản phụ cấp ấn định là 10 đồng một tháng:

a) Cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp trong các buồng bệnh nhân thuộc khu lây của bệnh viện Bạch mai và các khu cách ly của các bệnh viện khác có từ 6 giường trở lên giành riêng cho những người mắc bệnh truyền nhiễm (lao, lây).

b) Cán bộ, nhân viên làm công tác trực tiếp mổ xác chết để thí nghiệm vi trùng ở các khoa bệnh lý giải phẫu; các nhân viên chuyên trách xét nghiệm vi trùng lao của bệnh nhân lao tại các bệnh viện chuyên khoa lao, và những nhân viên làm công tác khám bệnh, điều trị bệnh nhân lao, hủi ngoại trú thuộc các phòng khám bệnh lao, hủi.

c) Nhân viên trong các bệnh viện chuyên khoa lao, phân viện lao, viện điều dưỡng lao, và khu lao của bệnh viện Bạch mai làm công tác vệ sinh nhà xác, vệ sinh hố xí, cống rãnh, giặt quần áo, rửa bát đĩa của bệnh nhân lao; nhân viên phụ trách bể ướp xác tại Viện Giải phẫu của trường Đại học Y dược khoa; nhân viên phụ trách vệ sinh nhà xác của thành phố Hà Nội.

Điều 6. – Những cán bộ, nhân viên công tác trong những điều kiện sau đây được hưởng một khoản phụ cấp ấn định là 5 đồng một tháng:

a) Cán bộ, nhân viên làm việc với những hóa chất độc trong các phòng hóa nghiệm, làm công tác nuôi cấy vi trùng, nuôi cấy súc vật để thí nghiệm vi trùng, hàng ngày phải làm việc trong các phòng kín nóng bức, thiếu không khí, thuộc Viện Vi trùng.

b) Nhân viên làm công tác nhà xác, chôn liệm các xác chết ở các bệnh viện.

c) Các cán bộ, nhân viên khác không thuộc các trường hợp quy định trong các điều kiện, nhưng thường ngày phải làm việc trong phạm vi chịu ảnh hưởng truyền nhiễm của bệnh nhân lao, hoặc chịu ảnh hưởng của tia Roentgen.

Điều 7. – Cách tính phụ cấp quy định như sau:

1. Công tác liên tiếp trên 5 ngày, dưới 10 ngày thì được hưởng 1/3 mức phụ cấp hàng tháng.

2. Công tác liên tiếp trên 10 ngày, dưới 20 ngày thì được hưởng 2/3 mức phụ cấp hàng tháng.

3. Công tác liên tiếp trên 20 ngày thì được hưởng cả mức phụ cấp hàng tháng.

Điều 8. – Sinh viên trong thời gian thực tập, công nhân, nhân viên ngoài biên chế nếu công tác trong điều kiện quy định ở các điều 2, 3, 4, 5, 6 của nghị định này, thì cũng được hưởng phụ cấp.

Điều 9. – Nghị định này thi hành từ 01 tháng 9 năm 1960. Các văn bản quy định về chế độ phụ cấp của ngành Y tế ban hành từ trước đều bãi bỏ.

Điều 10. – Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng