Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Chương III

THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Mục 1: THIẾT KẾ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 23. Các bước thiết kế xây dựng

1. Thiết kế xây dựng gồm các bước: Thiết kế sơ bộ (trường hợp lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án.

2. Dự án đầu tư xây dựng gồm một hoặc nhiều loại công trình, mỗi loại công trình có một hoặc nhiều cấp công trình. Tùy theo loại, cấp của công trình và hình thức thực hiện dự án, việc quy định số bước thiết kế xây dựng công trình do người quyết định đầu tư quyết định, cụ thể như sau:

a) Thiết kế một bước là thiết kế bản vẽ thi công được áp dụng đối với công trình có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

b) Thiết kế hai bước gồm thiết kế cơ sở và thiết kế bản vẽ thi công được áp dụng đối với công trình phải lập dự án đầu tư xây dựng;

c) Thiết kế ba bước gồm thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công được áp dụng đối với công trình phải lập dự án đầu tư xây dựng, có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật và điều kiện thi công phức tạp;

d) Thiết kế theo các bước khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế.

3. Công trình thực hiện trình tự thiết kế xây dựng từ hai bước trở lên thì thiết kế bước sau phải phù hợp với các nội dung, thông số chủ yếu của thiết kế ở bước trước.

4. Trường hợp thiết kế ba bước, nếu nhà thầu thi công xây dựng có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thì được phép thực hiện bước thiết kế bản vẽ thi công.

Điều 24. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước

1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước); thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp I; công trình do Thủ tướng Chính phủ giao và các công trình thuộc dự án do mình quyết định đầu tư;

b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước); thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình từ cấp II trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các công trình quy định tại Điểm a Khoản này.

2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng:

a) Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trường hợp thiết kế ba bước; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trường hợp thiết kế hai bước;

b) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trường hợp thiết kế ba bước.

Điều 25. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách

1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước) và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp I; công trình từ cấp III trở lên của dự án thuộc chuyên ngành do tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình quyết định đầu tư; công trình do Thủ tướng Chính phủ giao và các công trình thuộc dự án do mình quyết định đầu tư;

b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế ba bước) và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình từ cấp III trở lên được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các công trình quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán phần công nghệ (nếu có) đối với các công trình quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này; tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng các công trình còn lại và công trình lưới điện trung áp.

Người quyết định đầu tư chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định do mình thực hiện và có trách nhiệm gửi kết quả thẩm định (trừ phần công nghệ) đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp tại Khoản 1 Điều 24 Nghị định này để theo dõi, quản lý.

2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng:

a) Người quyết định đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước;

b) Chủ đầu tư phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế ba bước; thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng trong trường hợp thiết kế hai bước;

c) Đối với dự án đầu tư theo hình thức PPP, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình.

Điều 26. Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng công trình thuộc dự án sử dụng vốn khác

1. Thẩm quyền thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình cấp đặc biệt, cấp I, công trình theo tuyến đi qua hai tỉnh trở lên và công trình do Thủ tướng Chính phủ giao;

b) Sở Xây dựng, các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế kỹ thuật (trường hợp thiết kế ba bước), thiết kế bản vẽ thi công (trường hợp thiết kế hai bước) của công trình công cộng từ cấp III trở lên, công trình xây dựng có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn cộng đồng được xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các công trình quy định tại Điểm a Khoản này;

c) Người quyết định đầu tư tự tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng của các công trình còn lại (trừ các công trình quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này), phần thiết kế công nghệ (nếu có) và dự toán xây dựng.

2. Thẩm quyền phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng:

Người quyết định đầu tư, chủ đầu tư phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình.

Điều 27. Nội dung thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng

1. Nội dung thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 83 của Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định này và Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Kết quả thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng được lập theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 28. Nội dung phê duyệt thiết kế xây dựng

1. Các thông tin chung về công trình: Tên công trình, hạng mục công trình (nêu rõ loại và cấp công trình); chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình; địa điểm xây dựng, diện tích sử dụng đất.

2. Quy mô, công nghệ, các thông số kỹ thuật và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu của công trình.

3. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn chủ yếu được áp dụng.

4. Các giải pháp thiết kế chính của hạng mục công trình và toàn bộ công trình.

5. Dự toán xây dựng công trình.

6. Những yêu cầu phải hoàn chỉnh bổ sung hồ sơ thiết kế và các nội dung khác (nếu có).

Điều 29. Hồ sơ thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng

Chủ đầu tư gửi hồ sơ thiết kế tới cơ quan chuyên môn về xây dựng để thẩm định, gồm:

1. Tờ trình thẩm định thiết kế theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan.

3. Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kèm theo hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình, trừ công trình nhà ở riêng lẻ.

4. Bản sao hồ sơ về điều kiện năng lực của các chủ nhiệm, chủ trì khảo sát, thiết kế xây dựng công trình; văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có).

5. Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư về sự phù hợp của hồ sơ thiết kế so với quy định hợp đồng.

6. Dự toán xây dựng công trình đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách.

Điều 30. Quy trình thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình

1. Sau khi nhận được hồ sơ, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng công trình theo các nội dung quy định tại Điều 27 Nghị định này.

2. Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định các nội dung của thiết kế, dự toán xây dựng công trình. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp tham gia thẩm định từng phần thiết kế xây dựng, thiết kế công nghệ, dự toán xây dựng công trình để phục vụ công tác thẩm định của mình.

Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định. Trường hợp tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra chưa đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thì phải được cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản. Tổ chức tư vấn thiết kế không được thực hiện thẩm tra công trình do mình thiết kế.

3. Trong quá trình thẩm định thiết kế xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật.

Thời hạn có văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định về môi trường, phòng, chống cháy, nổ và nội dung khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành nhưng không được vượt quá thời gian thẩm tra thiết kế, dự toán xây dựng quy định tại Khoản 4 Điều này. Nếu quá thời hạn, các cơ quan, tổ chức liên quan không có văn bản trả lời thì được xem như đã chấp thuận về nội dung thẩm định và chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý của mình.

4. Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp đơn vị tư vấn thẩm tra theo quy định tại Khoản 2 Điều này, trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về xây dựng có văn bản thông báo cho chủ đầu tư các nội dung cần thẩm tra để chủ đầu tư lựa chọn, ký hợp đồng với tư vấn thẩm tra; thời gian thực hiện thẩm tra không vượt quá 20 (hai mươi) ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt; 15 (mười lăm) ngày đối với công trình cấp II và cấp III; 10 (mười) ngày đối với các công trình còn lại. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi kết quả thẩm tra cho cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư để làm cơ sở thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng.

5. Trong trường hợp dự án đầu tư xây dựng công trình gồm nhiều công trình có loại và cấp khác nhau thì cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện thẩm định là cơ quan có trách nhiệm thực hiện thẩm định đối với công trình, hạng mục công trình chính của dự án đầu tư xây dựng công trình.

6. Đối với các công trình bí mật nhà nước, công trình theo lệnh khẩn cấp và công trình tạm thì việc thẩm định, phê duyệt thiết kế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù.

7. Cơ quan, tổ chức, cá nhân thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm tra, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng do mình thực hiện.

8. Thời gian thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:

a) Không quá 40 (bốn mươi) ngày đối với công trình cấp I, cấp đặc biệt;

b) Không quá 30 (ba mươi) ngày đối với công trình cấp II và cấp III;

c) Không quá 20 (hai mươi) ngày đối với các công trình còn lại.

Mục 2: QUẢN LÝ THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 31. Nội dung quản lý thi công xây dựng công trình

Quản lý thi công xây dựng công trình bao gồm:

1. Quản lý chất lượng xây dựng công trình.

2. Quản lý tiến độ xây dựng thi công xây dựng công trình.

3. Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình.

4. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng trong quá trình thi công xây dựng.

5. Quản lý hợp đồng xây dựng.

6. Quản lý an toàn lao động, môi trường xây dựng.

Điều 32. Quản lý tiến độ thi công xây dựng công trình

1. Công trình xây dựng trước khi triển khai phải có tiến độ thi công xây dựng. Tiến độ thi công xây dựng công trình do nhà thầu lập phải phù hợp với tiến độ tổng thể của dự án được chủ đầu tư chấp thuận.

2. Đối với công trình xây dựng có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài thì tiến độ xây dựng công trình được lập cho từng giai đoạn theo tháng, quý, năm.

3. Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng và các bên có liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát tiến độ thi công xây dựng công trình và điều chỉnh tiến độ trong trường hợp tiến độ thi công xây dựng ở một số giai đoạn bị kéo dài nhưng không được làm ảnh hưởng đến tiến độ tổng thể của dự án.

4. Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định điều chỉnh tiến độ tổng thể của dự án.

Điều 33. Quản lý khối lượng thi công xây dựng công trình

1. Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo khối lượng của thiết kế được duyệt.

2. Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng, tư vấn giám sát theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.

3. Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý.

Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán công trình.

4. Nghiêm cấm việc khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán.

Điều 34. Quản lý an toàn lao động trên công trường xây dựng

1. Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người lao động, thiết bị, phương tiện thi công và công trình trước khi thi công xây dựng. Trường hợp các biện pháp an toàn liên quan đến nhiều bên thì phải được các bên thỏa thuận.

2. Các biện pháp an toàn và nội quy về an toàn phải được thể hiện công khai trên công trường xây dựng để mọi người biết và chấp hành; những vị trí nguy hiểm trên công trường phải được bố trí người hướng dẫn, cảnh báo đề phòng tai nạn.

3. Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư và các bên có liên quan phải thường xuyên kiểm tra giám sát công tác an toàn lao động trên công trường. Khi xảy ra sự cố mất an toàn phải tạm dừng hoặc đình chỉ thi công đến khi khắc phục xong mới được tiếp tục thi công, Người để xảy ra vi phạm về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Nhà thầu xây dựng có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, phổ biến, tập huấn các quy định về an toàn lao động. Đối với một số công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thì người lao động phải có giấy chứng nhận huấn luyện an toàn lao động theo quy định của pháp luật về an toàn lao động. Nghiêm cấm sử dụng người lao động chưa được huấn luyện và chưa được hướng dẫn về an toàn lao động.

5. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các trang thiết bị bảo vệ cá nhân, an toàn lao động cho người lao động theo quy định khi sử dụng lao động trên công trường.

6. Nhà thầu thi công có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động như sau:

a) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp đến dưới 50 (năm mươi) người thì cán bộ kỹ thuật thi công có thể kiêm nhiệm làm công tác an toàn, vệ sinh lao động;

b) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp từ 50 (năm mươi) người trở lên thì phải bố trí ít nhất 1 (một) cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động;

c) Đối với công trường của nhà thầu có tổng số lao động trực tiếp từ 1.000 (một nghìn) người trở lên thì phải thành lập phòng hoặc ban an toàn, vệ sinh lao động hoặc bố trí tối thiểu 2 (hai) cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn, vệ sinh lao động;

d) Người làm công tác chuyên trách về an toàn, vệ sinh lao động phải có chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 51 Nghị định này.

7. Số lượng cán bộ chuyên trách làm công tác an toàn quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 6 Điều này cần được bố trí phù hợp với quy mô công trường, mức độ rủi ro xảy ra tai nạn lao động của công trường cụ thể.

8. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng theo phân cấp quản lý có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác quản lý an toàn lao động trên công trường của chủ đầu tư và các nhà thầu. Trường hợp công trình xây dựng thuộc đối tượng cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu thì công tác kiểm tra an toàn lao động được phối hợp kiểm tra đồng thời.

9. Bộ Xây dựng quy định về công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng.

Điều 35. Quản lý môi trường xây dựng

1. Nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm về môi trường cho người lao động trên công trường và bảo vệ môi trường xung quanh, bao gồm có biện pháp chống bụi, chống ồn, xử lý phế thải và thu dọn hiện trường. Đối với những công trình xây dựng trong khu vực đô thị, phải thực hiện các biện pháp bao che, thu dọn phế thải đưa đến đúng nơi quy định.

2. Trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn bảo đảm an toàn, vệ sinh môi trường.

3. Nhà thầu thi công xây dựng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm tra giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường xây dựng, đồng thời chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường. Trường hợp nhà thầu thi công xây dựng không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường thì chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có quyền đình chỉ thi công xây dựng và yêu cầu nhà thầu thực hiện đúng biện pháp bảo vệ môi trường.

4. Người để xảy ra các hành vi làm tổn hại đến môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Điều 36. Quản lý các công tác khác

1. Quản lý chất lượng xây dựng công trình

Việc quản lý chất lượng xây dựng công trình được thực hiện theo quy định của Nghị định này, Nghị định về quản lý chất lượng công trình xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

2. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của Nghị định này, Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

3. Quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng

Việc quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo quy định của Nghị định này, Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Mục 3: KẾT THÚC XÂY DỰNG ĐƯA CÔNG TRÌNH CỦA DỰ ÁN VÀO KHAI THÁC SỬ DỤNG

Điều 37. Nghiệm thu đưa công trình và khai thác sử dụng

1. Công trình xây dựng được đưa vào khai thác sử dụng khi đã xây dựng hoàn chỉnh theo thiết kế được duyệt, vận hành đúng yêu cầu kỹ thuật và nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng.

2. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng công trình, trong quá trình xây dựng có thể tiến hành bàn giao từng phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành thuộc dự án hoặc dự án thành phần để khai thác theo yêu cầu của chủ đầu tư.

3. Biên bản nghiệm thu bàn giao từng phần công trình, hạng mục công trình, toàn bộ công trình hoàn thành là văn bản pháp lý để chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác sử dụng và quyết toán vốn đầu tư.

4. Hồ sơ bàn giao công trình gồm: Hồ sơ hoàn thành công trình; tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành; quy định bảo trì công trình.

5. Hồ sơ xây dựng công trình phải được nộp lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ nhà nước.

Điều 38. Kết thúc xây dựng công trình

1. Kết thúc xây dựng công trình khi chủ đầu tư đã nhận bàn giao toàn bộ công trình và công trình đã hết thời gian bảo hành theo quy định.

2. Trước khi bàn giao công trình, nhà thầu xây dựng phải di chuyển hết tài sản của mình ra khỏi khu vực công trường xây dựng.

Điều 39. Vận hành công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng

1. Sau khi nhận bàn giao công trình xây dựng, dự án đầu tư xây dựng chủ đầu tư hoặc tổ chức được giao quản lý sử dụng công trình xây dựng có trách nhiệm vận hành, khai thác đảm bảo hiệu quả công trình, dự án theo đúng mục đích và các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Chủ đầu tư hoặc tổ chức được giao quản lý sử dụng công trình xây dựng có trách nhiệm thực hiện duy tu, bảo dưỡng, bảo trì công trình theo quy định.

Mục 4: GIẤY PHÉP XÂY DỰNG

Điều 40. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng

1. Điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với các trường hợp cụ thể được quy định tại Điều 91, Điều 92 và Điều 93 của Luật Xây dựng năm 2014.

2. Trường hợp dự án đầu tư xây dựng trong đô thị tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc không yêu cầu lập quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị thì giấy phép quy hoạch xây dựng hoặc thông tin quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp là cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng.

Điều 41. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng

1. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới; sửa chữa, cải tạo; di dời công trình; nhà ở riêng lẻ; công trình không theo tuyến; công trình theo tuyến trong đô thị; công trình tôn giáo; công trình tượng đài, tranh hoành tráng; công trình quảng cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 95, Điều 96 và Điều 97 của Luật Xây dựng năm 2014.

2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình tín ngưỡng:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng;

b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Bản vẽ thiết kế xây dựng đã được thẩm định theo quy định;

d) Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng, kèm theo bản sao chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế.

3. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với công trình của các cơ quan ngoại giao và tổ chức quốc tế:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo mẫu quy định của Bộ Xây dựng;

b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Bản vẽ thiết kế xây dựng đã được thẩm định theo quy định;

d) Các tài liệu khác theo quy định của hiệp định hoặc điều ước quốc tế đã được ký kết với Chính phủ Việt Nam.

4. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn như quy định đối với từng loại công trình, nhà ở riêng lẻ quy định tại Khoản 1 Điều này.

5. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép theo giai đoạn:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng;

b) Bản sao một trong những giấy tờ hợp pháp về đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai;

c) Bản vẽ thiết kế xây dựng theo quy định, văn bản thẩm định thiết kế của cơ quan chuyên môn về xây dựng theo từng giai đoạn (nếu có);

d) Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình quy định phải lập dự án.

6. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho dự án:

a) Tài liệu quy định tại các Điểm a, b, c và đ Khoản 2 Điều 95 của Luật Xây dựng năm 2014;

b) Bản vẽ thiết kế của từng công trình đề nghị cấp giấy phép xây dựng, văn bản thẩm định thiết kế đối với công trình có yêu cầu do cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định.

Mục 5: QUẢN LÝ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐẶC THÙ

Điều 42. Công trình xây dựng đặc thù

Công trình xây dựng đặc thù theo quy định tại Điều 128 của Luật Xây dựng năm 2014 gồm:

1. Công trình bí mật nhà nước:

a) Công trình bí mật nhà nước gồm: Công trình xây dựng có yêu cầu phải tuân thủ bảo đảm bí mật trong các hoạt động đầu tư xây dựng thuộc các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực đặc thù khác; công trình xây dựng được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;

b) Thủ tướng Chính phủ quyết định việc xây dựng công trình bí mật nhà nước khi có yêu cầu đầu tư xây dựng.

2. Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, cấp bách gồm:

a) Công trình có yêu cầu triển khai cấp bách nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn sinh mạng cộng đồng;

b) Công trình thuộc dự án có yêu cầu cấp bách về an ninh, an toàn năng lượng, an toàn về môi trường, dự trữ quốc gia, khoa học công nghệ được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận bằng văn bản;

c) Công trình có yêu cầu triển khai xây dựng ngay để tránh gây thảm họa trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng hoặc để không ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến các công trình lân cận, công trình liền kề;

d) Công trình có yêu cầu xây dựng ngay theo lệnh khẩn cấp để khắc phục hoặc ứng cứu kịp thời hoặc ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do sự cố bất khả kháng, sự cố công trình xây dựng hoặc ứng phó sự cố môi trường đặc biệt nghiêm trọng;

đ) Công trình thuộc các dự án có yêu cầu cấp bách phải triển khai thực hiện khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Công trình xây dựng tạm gồm:

a) Công trình được xây dựng để phục vụ thi công xây dựng công trình chính được quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Các công trình hỗ trợ hoặc bổ trợ cho công trình chính được quy định tại các Điểm c và d Khoản 2 Điều này.

Điều 43. Quản lý đầu tư xây dựng công trình xây dựng đặc thù

1. Đối với công trình bí mật nhà nước:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư xây dựng công trình bí mật nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương đầu tư công trình bí mật nhà nước;

b) Người quyết định đầu tư xây dựng công trình bí mật nhà nước có quyền quyết định hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng và được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

2. Đối với công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách:

a) Người quyết định đầu tư xây dựng công trình theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách tự quyết định về trình tự thực hiện đầu tư xây dựng và hình thức quản lý dự án; tự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và dự toán xây dựng, giám sát thi công và nghiệm thu bàn giao công trình hoàn thành phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng;

b) Công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014;

c) Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép người quyết định đầu tư xây dựng công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách quyết định hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định, chịu trách nhiệm về việc tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng và được giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

3. Đối với công trình xây dựng tạm:

a) Chủ đầu tư tự tổ chức quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng phù hợp với quy định của Nghị định này; tự tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; tự quyết định giao nhận thầu xây dựng công trình hoặc tự thực hiện xây dựng;

b) Chủ đầu tư hoặc nhà thầu xây dựng công trình chính có trách nhiệm phá dỡ, thu dọn công trình xây dựng tạm (nếu có) để khôi phục mặt bằng nguyên trạng khi bàn giao công trình hoàn thành.

Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng

  • Số hiệu: 59/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 30/06/2015
  • Số công báo: Từ số 641 đến số 642
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH