Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng

Mục 1: LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Điều 7. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng

1. Chủ đầu tư hoặc cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để có cơ sở xem xét, quyết định chủ trương đầu tư xây dựng. Trường hợp các dự án Nhóm A (trừ dự án quan trọng quốc gia) đã có quy hoạch được phê duyệt đảm bảo các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều này thì không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

2. Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện theo quy định tại Điều 53 của Luật Xây dựng năm 2014, trong đó phương án thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi gồm các nội dung sau:

a) Sơ bộ về địa điểm xây dựng; quy mô dự án; vị trí, loại và cấp công trình chính;

b) Bản vẽ thiết kế sơ bộ tổng mặt bằng dự án; mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt công trình chính của dự án;

c) Bản vẽ và thuyết minh sơ bộ giải pháp thiết kế nền móng được lựa chọn của công trình chính;

d) Sơ bộ về dây chuyền công nghệ và thiết bị công nghệ (nếu có).

Điều 8. Thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư xây dựng

1. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và quyết định chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Đối với các dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác (trừ các dự án quy định tại Khoản 1 của Điều này) chưa có trong quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng được duyệt, chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành, Bộ Xây dựng hoặc địa phương theo phân cấp để xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch trước khi lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo quy định.

Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có trách nhiệm lấy ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng của Bộ quản lý ngành và các cơ quan có liên quan để tổng hợp và trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Thời hạn có ý kiến chấp thuận về chủ trương đầu tư xây dựng không quá 20 (hai mươi) ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Điều 9. Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng

1. Chủ đầu tư tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 54 của Luật Xây dựng năm 2014 để trình người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định dự án, quyết định đầu tư, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 52 của Luật Xây dựng năm 2014 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

Riêng đối với dự án PPP, việc lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng do cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư thực hiện. Nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi được lập theo quy định của Nghị định này và Nghị định của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, chủ đầu tư tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định của Luật Đầu tư công.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng chưa có trong quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành, Bộ Xây dựng hoặc địa phương theo phân cấp để xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch ngành trước khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Thời gian xem xét, chấp thuận bổ sung quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng không quá 45 (bốn mươi lăm) ngày.

4. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng, công trình công nghiệp tại khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư đề nghị cấp giấy phép quy hoạch xây dựng theo quy định tại Điều 47 của Luật Xây dựng năm 2014 để làm cơ sở lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

5. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A có yêu cầu về bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thì khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, người quyết định đầu tư căn cứ điều kiện cụ thể của dự án có thể quyết định tách hợp phần công việc bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng và tái định cư để hình thành dự án riêng giao cho địa phương nơi có dự án tổ chức thực hiện. Việc lập, thẩm định, phê duyệt đối với dự án này được thực hiện như một dự án độc lập.

Điều 10. Thẩm quyền thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở

1. Đối với dự án quan trọng quốc gia: Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định riêng của pháp luật.

2. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định các nội dung quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 đối với dự án nhóm A, dự án từ nhóm B trở xuống do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội quyết định đầu tư. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc các Bộ này thực hiện việc thẩm định;

b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định đối với các nội dung quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 của các dự án quy mô từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các dự án quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;

c) Theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thẩm định dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.

3. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án nhóm A; dự án quy mô từ nhóm B trở xuống do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết định đầu tư. Đối với các dự án do Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức thẩm định thì cơ quan chuyên môn về xây dựng trực thuộc các Bộ này thực hiện việc thẩm định thiết kế cơ sở của dự án;

b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án quy mô từ nhóm B trở xuống được đầu tư xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh, trừ các dự án quy định tại Điểm a, Điểm c Khoản này;

c) Theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng (trừ phần thiết kế công nghệ) đối với dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư;

d) Cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế công nghệ (nếu có), các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 và tổng hợp kết quả thẩm định, trình phê duyệt dự án; chủ trì tổ chức thẩm định dự án sửa chữa, cải tạo, bảo trì và nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 5 (năm) tỷ đồng.

4. Đối với dự án PPP, cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Khoản 3 Điều này chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ); góp ý kiến về việc áp dụng đơn giá, định mức, đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng công trình của dự án; đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động PPP thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án chủ trì thẩm định các nội dung khác của Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế công nghệ (nếu có) và tổng hợp kết quả thẩm định thiết kế cơ sở do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện, trình phê duyệt dự án.

5. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác:

a) Cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình cấp đặc biệt, cấp I;

b) Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Điều 76 Nghị định này chủ trì tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở với các nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014 (trừ phần thiết kế công nghệ) của dự án đầu tư xây dựng công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng đối với công trình từ cấp II trở xuống được xây dựng trên địa bàn hành chính của tỉnh;

c) Người quyết định đầu tư tổ chức thẩm định toàn bộ nội dung dự án theo quy định tại Điều 58 của Luật Xây dựng năm 2014, trừ các nội dung thẩm định thiết kế cơ sở do cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện được quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.

6. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức liên quan về các nội dung của dự án. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm góp ý kiến bằng văn bản trong thời hạn quy định về các nội dung của thiết kế cơ sở; phòng chống cháy, nổ; bảo vệ môi trường; sử dụng đất đai, tài nguyên, kết nối hạ tầng kỹ thuật và các nội dung cần thiết khác.

7. Trong quá trình thẩm định, cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ và các nội dung khác của dự án, cụ thể như sau:

a) Cơ quan chủ trì thẩm định được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định từng phần dự án, từng phần thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ và các nội dung khác của dự án;

b) Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện công tác thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư được yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực phù hợp đã đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng để chủ đầu tư ký kết hợp đồng thẩm tra phục vụ công tác thẩm định. Trường hợp tổ chức, cá nhân tư vấn thẩm tra chưa đăng ký công khai thông tin năng lực hoạt động xây dựng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng thì phải được cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng chấp thuận bằng văn bản. Tổ chức tư vấn lập dự án không được thực hiện thẩm tra dự án do mình lập.

Điều 11. Trình tự thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở

1. Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

a) Chủ đầu tư gửi hồ sơ dự án đến người quyết định đầu tư, đồng thời gửi tới cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định này để tổ chức thẩm định dự án. Hồ sơ trình thẩm định Dự án đầu tư xây dựng công trình bao gồm: Tờ trình thẩm định dự án theo Mẫu số 01 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; hồ sơ dự án bao gồm phần thuyết minh và thiết kế cơ sở; các văn bản pháp lý có liên quan;

b) Trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ dự án, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo trích lục hồ sơ có liên quan đến các cơ quan, tổ chức theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định này để lấy ý kiến về nội dung liên quan đến dự án. Khi thẩm định dự án có quy mô nhóm A được đầu tư xây dựng trong khu vực đô thị, cơ quan chủ trì thẩm định phải lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở.

2. Đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, dự án sử dụng vốn khác có yêu cầu thẩm định thiết kế cơ sở:

a) Chủ đầu tư, đơn vị đầu mối quản lý về hoạt động PPP gửi hồ sơ thiết kế cơ sở của dự án đến người quyết định đầu tư, đồng thời gửi tới cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 10 Nghị định này để tổ chức thẩm định;

b) Trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ dự án, cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm gửi văn bản kèm theo hồ sơ đến các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Nghị định này để lấy ý kiến về nội dung liên quan đến thiết kế cơ sở của dự án.

3. Thời hạn có văn bản trả lời của cơ quan, tổ chức có liên quan đến dự án, thiết kế cơ sở theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều này quy định như sau: Không quá 30 (ba mươi) ngày đối với dự án quan trọng quốc gia; 20 (hai mươi) ngày đối với dự án nhóm A; 15 (mười lăm) ngày đối với dự án nhóm B và 10 (mười) ngày đối với dự án nhóm C. Nếu quá thời hạn, các cơ quan, tổ chức liên quan không có văn bản trả lời thì được xem như đã chấp thuận về nội dung xin ý kiến về thiết kế cơ sở và chịu trách nhiệm về lĩnh vực quản lý của mình.

4. Thời gian thẩm định dự án theo quy định tại Điều 59 của Luật Xây dựng năm 2014. Thời hạn thẩm định thiết kế cơ sở: Không quá 60 (sáu mươi) ngày đối với dự án quan trọng quốc gia, 30 (ba mươi) ngày đối với dự án nhóm A, 20 (hai mươi) ngày đối với dự án nhóm B và 15 (mười lăm) ngày đối với dự án nhóm C.

5. Trường hợp cơ quan chuyên môn về xây dựng yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn trực tiếp đơn vị tư vấn thẩm tra theo quy định tại Điểm b Khoản 7 Điều 10 Nghị định này, trong thời gian 5 (năm) ngày làm việc kể từ khi nộp hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn về xây dựng có văn bản thông báo cho chủ đầu tư các nội dung cần thẩm tra để chủ đầu tư lựa chọn và ký kết hợp đồng với tư vấn thẩm tra; thời gian thực hiện thẩm tra không vượt quá 30 (ba mươi) ngày đối với dự án quan trọng quốc gia; 20 (hai mươi) ngày đối với dự án nhóm A; 15 (mười lăm) ngày đối với dự án nhóm B và 10 (mười) ngày đối với dự án nhóm C. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi kết quả thẩm tra cho cơ quan chuyên môn về xây dựng, người quyết định đầu tư để làm cơ sở thẩm định dự án, thiết kế cơ sở.

6. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở có trách nhiệm tổ chức thẩm định theo cơ chế một cửa liên thông đảm bảo đúng nội dung và thời gian theo quy định của Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định này. Mẫu văn bản kết quả thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở thực hiện theo Mẫu số 0203 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 12. Phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng được phê duyệt tại quyết định đầu tư xây dựng. Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật Xây dựng năm 2014.

2. Nội dung chủ yếu của quyết định đầu tư xây dựng gồm:

a) Tên dự án;

b) Chủ đầu tư;

c) Tổ chức tư vấn lập dự án, khảo sát (nếu có), lập thiết kế cơ sở;

d) Mục tiêu, quy mô đầu tư xây dựng, tiến độ thực hiện dự án;

đ) Công trình xây dựng chính, các công trình xây dựng và cấp công trình thuộc dự án;

e) Địa điểm xây dựng và diện tích đất sử dụng;

g) Thiết kế cơ sở, thiết kế công nghệ (nếu có), quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng được lựa chọn;

h) Yêu cầu về nguồn lực, khai thác sử dụng tài nguyên (nếu có), vận hành sử dụng công trình; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, phương án bảo vệ môi trường (nếu có), phòng chống cháy nổ;

i) Tổng mức đầu tư và dự kiến phân bổ nguồn vốn sử dụng theo tiến độ;

k) Hình thức tổ chức quản lý dự án được áp dụng.

2. Bộ Xây dựng quy định chi tiết về hồ sơ trình thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở và mẫu quyết định đầu tư xây dựng.

Điều 13. Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng

1. Dự án đầu tư xây dựng chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này.

2. Hồ sơ trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm:

a) Tờ trình thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Nội dung Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 55 của Luật Xây dựng năm 2014.

3. Thẩm định, phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng quy định như sau:

a) Thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và thiết kế bản vẽ thi công, dự toán xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 10 Nghị định này; mẫu kết quả thẩm định Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định và trình hồ sơ dự án đến người quyết định đầu tư để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.

Điều 14. Điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở

1. Việc điều chỉnh dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định tại Điểm b, Điểm d Khoản 1 Điều 61 của Luật Xây dựng năm 2014 được quy định cụ thể như sau:

a) Chủ đầu tư phải có phương án giải trình, chứng minh hiệu quả bổ sung do việc điều chỉnh dự án mang lại gồm: Hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội đối với dự án sản xuất, kinh doanh, dự án có yêu cầu thu hồi vốn; hiệu quả trong giai đoạn xây dựng, hiệu quả kinh tế - xã hội đối với dự án không có yêu cầu thu hồi vốn;

b) Điều chỉnh thiết kế cơ sở của dự án khi quy hoạch xây dựng thay đổi có ảnh hưởng trực tiếp đến vị trí địa điểm xây dựng, hướng tuyến, quy mô, công năng sử dụng các công trình thuộc dự án;

c) Việc điều chỉnh dự án do yếu tố trượt giá xây dựng được thực hiện theo Nghị định của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

2. Việc thẩm định dự án, thiết kế cơ sở điều chỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định này.

3. Chủ đầu tư có trách nhiệm trình đề xuất điều chỉnh dự án, thiết kế cơ sở để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định.

Điều 15. Thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng

1. Công trình công cộng quy mô lớn, có yêu cầu kiến trúc đặc thù phải tổ chức thi tuyển hoặc tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc gồm:

a) Công trình công cộng cấp I, cấp đặc biệt;

b) Trụ sở cơ quan Đảng, Nhà nước, trung tâm hành chính - chính trị, trung tâm phát thanh, truyền hình;

c) Nhà ga đường sắt trung tâm cấp tỉnh, nhà ga hàng không dân dụng;

d) Công trình giao thông trong đô thị từ cấp II trở lên có yêu cầu thẩm mỹ cao (cầu qua sông, cầu vượt, ga đường sắt nội đô);

đ) Các công trình có vị trí quan trọng, có yêu cầu cao về kiến trúc (công trình tượng đài, điểm nhấn trong đô thị);

2. Bộ Xây dựng quy định chi tiết các công trình khác có ý nghĩa quan trọng trong đô thị và trên các tuyến đường chính cần tổ chức thi tuyển; quy định cụ thể về hình thức thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc xây dựng; quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc và chi phí cho việc thi tuyển, tuyển chọn thiết kế kiến trúc công trình xây dựng.

Tổ chức, cá nhân có phương án thiết kế kiến trúc được lựa chọn được ưu tiên thực hiện các bước thiết kế tiếp theo khi có đủ điều kiện năng lực thực hiện theo quy định.

Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng

  • Số hiệu: 59/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 18/06/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 30/06/2015
  • Số công báo: Từ số 641 đến số 642
  • Ngày hiệu lực: 05/08/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH