Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn

Chương 3.

PHÂN LOẠI CHẤT THẢI RẮN

Điều 19. Phân loại chất thải rắn tại nguồn

1. Chất thải rắn thông thường phải được kiểm soát, phân loại ngay tại nguồn và phải được lưu giữ trong các túi hoặc thùng được phân biệt bằng màu sắc theo quy định.

2. Các chất thải rắn nguy hại phải được phân loại tại nguồn và lưu giữ riêng theo quy định, không được để lẫn chất thải rắn thông thường. Nếu để lẫn chất thải rắn nguy hại vào chất thải rắn thông thường thì hỗn hợp chất thải rắn đó phải được xử lý như chất thải rắn nguy hại.

3. Tổ chức, cá nhân có hoạt động làm phát sinh chất thải rắn phải có trách nhiệm thực hiện phân loại chất thải tại nguồn theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.

Điều 20. Phân loại chất thải rắn thông thường

1. Chất thải rắn thông thường từ tất cả các nguồn thải khác nhau được phân loại theo hai nhóm chính:

a) Nhóm các chất có thể thu hồi để tái sử dụng, tái chế: phế liệu thải ra từ quá trình sản xuất; các thiết bị điện, điện tử dân dụng và công nghiệp; các phương tiện giao thông; các sản phẩm phục vụ sản xuất và tiêu dùng đã hết hạn sử dụng; bao bì bằng giấy, kim loại, thuỷ tinh, hoặc chất dẻo khác...;

b) Nhóm các chất thải cần xử lý, chôn lấp: các chất thải hữu cơ (các loại cây, lá cây, rau, thực phẩm, xác động vật,...); các sản phẩm tiêu dùng chứa các hoá chất độc hại (pin, ắc quy, dầu mỡ bôi trơn,...); các loại chất thải rắn khác không thể tái sử dụng.

2. Chất thải rắn xây dựng như bùn hữu cơ, đất đá, các vật liệu xây dựng thải ra trong quá trình tháo dỡ công trình… phải được phân loại:

a) Đất, bùn hữu cơ từ công tác đào đất, nạo vét lớp đất mặt có thể sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây;

b) Đất đá, chất thải rắn từ vật liệu xây dựng (gạch, ngói, vữa, bê tông, vật liệu kết dính quá hạn sử dụng) có thể tái chế hoặc tái sử dụng làm vật liệu san lấp cho các công trình xây dựng;

c) Các chất thải rắn ở dạng kính vỡ, sắt thép, gỗ, bao bì giấy, chất dẻo có thể tái chế, tái sử dụng.

Điều 21. Phân loại chất thải rắn nguy hại

1. Các Bộ, ngành hướng dẫn việc phân loại, bảo quản chất thải rắn nguy hại từ các hoạt động sản xuất, dịch vụ, nghiên cứu thử nghiệm thuộc các ngành do mình quản lý để phục vụ cho công tác thu gom, phân loại chất thải rắn.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành danh mục các chất thải rắn nguy hại.

Điều 22. Trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ nguồn thải chất thải rắn thông thường

1. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình:

a) Mọi cá nhân phải bỏ chất thải rắn đúng quy định nơi công cộng;

b) Các hộ gia đình phải phân loại chất thải rắn bằng các dụng cụ chứa hợp vệ sinh hoặc trong các túi có màu sắc phân biệt, đổ chất thải vào đúng nơi quy định;

c) Các hộ gia đình khi tiến hành các hoạt động cải tạo hoặc phá dỡ công trình xây dựng phải thực hiện đăng ký với các công ty môi trường đô thị hoặc ký hợp đồng trực tiếp với các đơn vị được phép vận chuyển chất thải rắn xây dựng để đổ chất thải đúng nơi quy định;

d) Các hộ gia đình tại các đô thị, làng nghề có tổ chức sản xuất tại nơi ở phải có trách nhiệm phân loại chất thải, hợp đồng với các chủ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn;

đ) Các hộ gia đình tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa có hệ thống thu gom phải thực hiện xử lý chất thải rắn theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, không được đổ chất thải ra đường, sông ngòi, suối, kênh rạch và các nguồn nước mặt. Các chất thải ở dạng bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất đã hết hạn sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được lưu giữ trong các túi riêng, được thu gom, vận chuyển và xử lý riêng;

e) Có nghĩa vụ nộp phí vệ sinh theo quy định của chính quyền địa phương.

2. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề:

a) Phải thực hiện thu gom, phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn bằng các dụng cụ hợp vệ sinh theo hướng dẫn của tổ chức thu gom, vận chuyển;

b) Phải ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; thanh toán toàn bộ kinh phí dịch vụ theo hợp đồng.

Điều 23. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn nguy hại

1. Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn nguy hại:

a) Thực hiện đăng ký với cơ quan nhà nước về bảo vệ môi trường của địa phương;

b) Phân loại, đóng gói, bảo quản và lưu giữ theo quy định về quản lý chất thải rắn nguy hại tại cơ sở cho đến khi vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định. Các chất thải rắn nguy hại phải được dán nhãn, ghi các thông tin cần thiết theo quy định.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải rắn nguy hại.

Nghị định 59/2007/NĐ-CP về việc quản lý chất thải rắn

  • Số hiệu: 59/2007/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 09/04/2007
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 03/05/2007
  • Số công báo: Từ số 290 đến số 291
  • Ngày hiệu lực: 18/05/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH