Hệ thống pháp luật

Điều 15 Nghị định 58/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

Điều 15. Chuẩn bị đấu thầu

1. Lựa chọn danh sách nhà thầu để mời tham gia đấu thầu

Tùy theo tính chất và điều kiện cụ thể của từng gói thầu, khi thực hiện đấu thầu rộng rãi, chủ đầu tư có thể thông báo mời thầu ngay theo quy định tại khoản 4 Điều này hoặc áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách nhà thầu tư vấn để mời tham gia đấu thầu song phải được người quyết định đầu tư phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu. Thủ tục lựa chọn danh sách nhà thầu tư vấn để mời tham gia đấu thầu được thực hiện bao gồm:

a) Đối với đấu thầu rộng rãi:

- Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời quan tâm bao gồm các nội dung yêu cầu về năng lực chuyên môn và số lượng chuyên gia; yêu cầu về kinh nghiệm;

- Tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ quan tâm được xây dựng theo tiêu chí “đạt”, “không đạt” và cần được nêu trong hồ sơ mời quan tâm, bao gồm tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn và số lượng chuyên gia; tiêu chuẩn về kinh nghiệm;

- Thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm phải được đăng tải trên Báo Đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu; đối với đấu thầu quốc tế thì còn phải đăng tải đồng thời trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi. Ngoài việc đăng tải theo quy định trên có thể đăng tải đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;

- Kể từ ngày đăng tải đầu tiên thông báo mời nộp hồ sơ quan tâm, bên mời thầu phát hành miễn phí hồ sơ mời quan tâm cho các nhà thầu có nhu cầu tham gia đến trước thời điểm hết hạn nộp hồ sơ quan tâm;

- Thời gian để nhà thầu chuẩn bị hồ sơ quan tâm tối thiểu là 15 ngày đối với đấu thầu trong nước và 20 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày đầu tiên phát hành hồ sơ mời quan tâm;

- Bên mời thầu đánh giá hồ sơ quan tâm do nhà thầu nộp theo tiêu chuẩn đánh giá, lựa chọn và trình chủ đầu tư phê duyệt danh sách nhà thầu mời tham gia đấu thầu.

b) Đối với đấu thầu hạn chế:

Bên mời thầu lựa chọn tối thiểu 5 nhà thầu được coi là đủ năng lực, kinh nghiệm (theo quy định tại Điều 19 của Luật Đấu thầu) và có nhu cầu tham gia đấu thầu trình chủ đầu tư phê duyệt danh sách các nhà thầu này để mời tham gia đấu thầu. Trường hợp thực tế không có đủ số lượng tối thiểu 5 nhà thầu thì chủ đầu tư báo cáo người quyết định đầu tư hoặc người được ủy quyền xem xét, quyết định theo hướng hoặc là mời ngay danh sách các nhà thầu thực tế hiện có hoặc là gia hạn thời gian để tìm kiếm thêm nhà thầu. Trong trường hợp đã gia hạn nhưng không tìm kiếm thêm được nhà thầu thì mời các nhà thầu thực tế hiện có.

2. Lập hồ sơ mời thầu

a) Căn cứ lập hồ sơ mời thầu:

- Quyết định đầu tư và các tài liệu để ra quyết định đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đầu tư;

- Kế hoạch đấu thầu được duyệt;

- Các quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan; điều ước quốc tế hoặc văn bản thỏa thuận quốc tế (nếu có) đối với các dự án sử dụng vốn ODA;

- Các chính sách của Nhà nước về thuế, tiền lương, ưu đãi trong đấu thầu quốc tế hoặc các quy định khác liên quan.

Trường hợp gói thầu cần thực hiện trước khi có quyết định đầu tư thì tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án căn cứ các văn bản liên quan để lập hồ sơ mời thầu trình người đứng đầu cơ quan chuẩn bị dự án phê duyệt.

b) Nội dung hồ sơ mời thầu:

Hồ sơ mời thầu phải bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 32 của Luật Đấu thầu và mẫu hồ sơ mời thầu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành; trong đó phải bao gồm các yêu cầu quan trọng (điều kiện tiên quyết) làm căn cứ để loại bỏ hồ sơ dự thầu, cụ thể như sau:

- Nhà thầu không có tên trong danh sách mua hồ sơ mời thầu hoặc không đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định này;

- Nhà thầu không bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Điều 7, Điều 8 của Luật Đấu thầu;

- Nhà thầu không bảo đảm điều kiện năng lực theo quy định của Luật Xây dựng;

- Không có bản gốc hồ sơ dự thầu;

- Đơn dự thầu không hợp lệ;

- Hiệu lực của hồ sơ dự thầu không bảo đảm yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;

- Nhà thầu có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);

- Nhà thầu vi phạm một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định tại Điều 12 của Luật Đấu thầu;

- Các yêu cầu quan trọng khác có tính đặc thù của gói thầu.

Nhà thầu vi phạm chỉ một trong số các điều kiện tiên quyết quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ bị loại và hồ sơ dự thầu không được xem xét tiếp.

3. Phê duyệt hồ sơ mời thầu

Người quyết định đầu tư phê duyệt hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu theo quy định tại Điều 60 của Luật Đấu thầu trên cơ sở báo cáo thẩm định của cơ quan, tổ chức thẩm định.

4. Mời thầu

a) Thông báo mời thầu:

Trường hợp không áp dụng thủ tục lựa chọn danh sách nhà thầu tư vấn để mời tham gia đấu thầu, chủ đầu tư thông báo mời thầu (theo Mẫu hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trên Báo Đấu thầu 3 kỳ liên tiếp và trên trang thông tin điện tử về đấu thầu; đối với đấu thầu quốc tế thì còn phải đăng tải đồng thời trên một tờ báo tiếng Anh được phát hành rộng rãi. Ngoài việc đăng tải theo quy định trên có thể đăng tải đồng thời trên các phương tiện thông tin đại chúng khác.

b) Gửi thư mời thầu:

Bên mời thầu gửi thư mời thầu tới các nhà thầu trong danh sách mời tham gia đấu thầu theo quy định tại khoản 1 Điều này. Nội dung thư mời thầu lập theo mẫu nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định này. Thời gian từ khi gửi thư mời thầu đến khi phát hành hồ sơ mời thầu tối thiểu là 5 ngày đối với đấu thầu trong nước, 7 ngày đối với đấu thầu quốc tế.

Nghị định 58/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng

  • Số hiệu: 58/2008/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/05/2008
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 267 đến số 268
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH