Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Thống nhất quản lý nhà nước về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi cả nước;

b) Xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

c) Tham gia ý kiến đối với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi có yêu cầu, trong đó có việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện chương trình hoặc nội dung chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh;

d) Xây dựng, thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

đ) Tổ chức xây dựng, quản lý, cập nhật Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

e) Tổ chức đánh giá độc lập hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

g) Định kỳ 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức tổng kết, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm:

a) Cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa và gửi cho Bộ Tư pháp;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện nội dung chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý trong Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này;

c) Xây dựng mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cổng thông tin điện tử của mình và kết nối tới Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Tổng hợp, gửi báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý theo yêu cầu của Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Chính quyền địa phương cấp tỉnh:

a) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; gửi báo cáo kết quả hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương theo yêu cầu của Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

5. Tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có trách nhiệm:

a) Tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu về pháp luật, chủ trì, tham gia xây dựng, thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; huy động các nguồn lực để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thành viên;

c) Tham gia xây dựng, phản biện, triển khai chính sách liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tham gia đánh giá cơ sở dữ liệu về pháp luật và chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

d) Thực hiện cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật và điều lệ của tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

6. Tư vấn viên pháp luật có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật liên quan đến tư vấn viên pháp luật đó khi tham gia mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

7. Doanh nghiệp nhỏ và vừa có trách nhiệm:

a) Phối hợp với các cơ quan nhà nước và tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này;

b) Thực hiện đúng và đầy đủ các quy định có liên quan, trình tự, thủ tục để thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Nghị định này;

c) Thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.

Điều 15. Bảo đảm nguồn lực thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ làm đầu mối triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này, xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ.

Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm đầu mối thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định này; giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng và chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương.

2. Kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do ngân sách nhà nước đảm bảo, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được huy động, sử dụng kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung kiểm tra, giám sát bao gồm:

a) Chất lượng, đối tượng thụ hưởng của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

b) Việc thực hiện trình tự, thủ tục, nội dung hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; việc tiếp thu, phản hồi ý kiến phản ánh của doanh nghiệp về kết quả thực hiện hoạt động này;

c) Việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Điều 17. Đánh giá hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

1. Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về pháp luật, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tổ chức đánh giá kết quả thực hiện, tác động đối với đối tượng được hỗ trợ và công khai kết quả đánh giá tại mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cổng thông tin điện tử của mình.

2. Việc tổng hợp ý kiến phản hồi của doanh nghiệp nhỏ và vừa thụ hưởng hoạt động hỗ trợ pháp lý là cơ sở đánh giá hiệu quả của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Định kỳ 05 năm Bộ Tư pháp có trách nhiệm tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

  • Số hiệu: 55/2019/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/06/2019
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 01/07/2019
  • Số công báo: Từ số 517 đến số 518
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH