Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 53/2009/NĐ-CP về phát hành trái phiếu quốc tế

Chương 2.

PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ

Điều 9. Mục đích phát hành

Trái phiếu Chính phủ được phát hành với mục đích:

1. Huy động nguồn vốn cho đầu tư phát triển theo hình thức cho vay lại để thực hiện các công trình trọng điểm của Nhà nước, các dự án đầu tư có hiệu quả cao, có nhu cầu sử dụng vốn bằng ngoại tệ.

2. Huy động nguồn vốn để thực hiện việc cơ cấu lại danh mục nợ do Chính phủ quản lý.

Điều 10. Xây dựng đề án phát hành trái phiếu

1. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đề án phát hành trái phiếu quốc tế trình Chính phủ phê duyệt và ban hành Nghị quyết cho từng đợt phát hành.

2. Trị giá tương đương của mỗi đợt phát hành không dưới 500 triệu USD.

3. Đối với trái phiếu Chính phủ phát hành với mục đích cho vay lại, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu quốc tế cần gửi cho Bộ Tài chính đầy đủ tài liệu, hồ sơ về các chương trình, dự án đầu tư dự kiến thực hiện, phương án sử dụng vốn, quản lý dòng tiền và phương án trả nợ để Bộ Tài chính thẩm định và làm căn cứ xây dựng đề án phát hành trái phiếu quốc tế báo cáo Chính phủ phê duyệt.

4. Ngoài các nội dung cơ bản quy định tại Điều 3 Nghị định này trong đề án phát hành trái phiếu quốc tế phải phân tích các chỉ số nợ quốc gia khi vay trái phiếu quốc tế, bảo đảm các chỉ số này vẫn trong hạn mức vay nợ được Chính phủ phê duyệt.

5. Phương án sử dụng vốn cho các doanh nghiệp vay lại trong đề án phát hành trái phiếu quốc tế thực hiện theo Quy chế quản lý nguồn vốn trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính ban hành đối với từng đợt phát hành.

Điều 11. Tổ chức phát hành

Bộ Tài chính phối hợp với tổ hợp các ngân hàng bảo lãnh phát hành và các tư vấn trong nước và ngoài nước tiến hành thực hiện phát hành theo quy trình cụ thể nêu tại Điều 7 Nghị định này.

Điều 12. Quản lý nguồn vốn và chi phí phát hành

1. Tiền bán trái phiếu Chính phủ được phân bổ sử dụng theo đề án phát hành đã được phê duyệt và tuân thủ theo các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước hiện hành và Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ.

2. Toàn bộ chi phí phát sinh liên quan đến đợt phát hành:

a) Đối với trường hợp sử dụng cơ cấu lại danh mục nợ Chính phủ do ngân sách nhà nước chịu;

b) Đối với trường hợp cho vay lại, toàn bộ chi phí do Người vay lại chịu và chi phí này được phân bổ theo tỷ trọng nguồn vốn vay lại cho từng doanh nghiệp vay. Ngân sách nhà nước tạm ứng các khoản chi phí trong quá trình chuẩn bị phát hành và được hoàn trả bằng cách khấu trừ trực tiếp vào số tiền được phân bổ từ nguồn vốn trái phiếu trước khi chuyển cho người vay lại.

Đối với các khoản phí phát sinh thường niên, ngân sách nhà nước tạm ứng để thanh toán và phân bổ theo tỷ trọng sử dụng vốn. Người vay lại hoàn trả cho ngân sách nhà nước theo thông báo của Bộ Tài chính.

3. Các khoản chi phí liên quan đến đợt phát hành bao gồm:

a) Những khoản chi phí phát sinh một lần:

- Phí tư vấn bảo lãnh phát hành;

- Phí tư vấn pháp lý trong nước và ngoài nước cho Người phát hành và Người bảo lãnh phát hành;

- Phí xác nhận hệ số tín nhiệm trả cho các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm cho từng đợt phát hành (không bao gồm phí thường niên phải trả cho các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm quốc gia do Bộ Tài chính trả hàng năm);

- Phí trả cho các đại lý niêm yết, in ấn …;

- Các chi phí trong nước liên quan đến quá trình chuẩn bị phát hành, quảng bá chào bán trái phiếu và các khoản chi phí thực tế khác.

b) Các khoản phí thường niên: là các khoản phí phải trả hàng năm cho đại lý tài chính và thanh toán, đại lý chuyển nhượng và sở giao dịch chứng khoán nơi trái phiếu được niêm yết theo các thỏa thuận đại lý đã ký kết;

c) Các chi phí khác liên quan đến việc phát hành, trả nợ trái phiếu.

4. Quản lý, giám sát việc sử dụng nguồn vốn phát hành: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm ban hành Quy chế sử dụng và giám sát sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu Chính phủ cho từng đợt phát hành để hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện

Điều 13. Thanh toán gốc và lãi trái phiếu

1. Trường hợp sử dụng nguồn vốn phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ chính phủ: khi đến hạn thanh toán, Bộ Tài chính trực tiếp chuyển tiền từ ngân sách vào tài khoản của đại lý để thanh toán cho các người sở hữu trái phiếu.

2. Trường hợp cho vay lại, khi đến hạn thanh toán gốc, lãi, Người vay lại trả trực tiếp vào tài khoản của đại lý thanh toán hoặc chuyển trả vào tài khoản của Bộ Tài chính theo quy định cụ thể tại các hợp đồng cho vay lại để chuyển tiền cho đại lý thanh toán thực hiện chi trả cho người sở hữu trái phiếu.

Điều 14. Thực hiện các nghiệp vụ tài chính

Căn cứ vào điều kiện thực tế trên thị trường, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ các phương án sử dụng các công cụ tài chính để mua lại, hoán đổi đối với các trái phiếu đã phát hành và đang giao dịch trên thị trường vốn quốc tế, kể cả các khoản vay khác với mục tiêu cơ cấu lại danh mục Chính phủ nhằm giảm thiểu rủi ro và giảm nhẹ gánh nặng nợ cho ngân sách.

Điều 15. Cập nhật thông tin

Bộ Tài chính có trách nhiệm theo dõi giao dịch của các trái phiếu trên thị trường và phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp các thông tin cập nhật về tình hình kinh tế Việt Nam, tình hình của doanh nghiệp cho các đối tác và các nhà đầu tư nước ngoài theo thông lệ quốc tế sau khi phát hành.

Nghị định 53/2009/NĐ-CP về phát hành trái phiếu quốc tế

  • Số hiệu: 53/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/06/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 297 đến số 298
  • Ngày hiệu lực: 30/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH