Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49-HĐBT

Hà Nội, ngày 04 tháng 3 năm 1991

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 49-HĐBT NGÀY 4-3-1991 QUY ĐỊNH CHI TIẾT VIỆC THI HÀNH PHÁP LỆNH CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI VÀO VIỆT NAM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội Đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 29 tháng 12 năm 1987 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ngày 30 thang 6 năm 1990;
Căn cứ Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam ngày 10 tháng 12 năm 1988;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Nghị định này cụ thể hoá Pháp lệnh chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam (dưới đây viết tắt là Pháp lệnh) nhằm thực hiện Pháp lệnh.

Điều 2.

Các bên tham gia chuyển giao công nghệ.

1. "Bên giao công nghệ" nói ở khoản 1 điều 2 của Pháp lệnh gồm:

- Pháp nhân nước ngoài (tổ chức kinh tế, tài chính, khoa học, công ty, xí nghiệp);

- Tổ chức phi chính phủ;

- Cá nhân nước ngoài;

- Các xí nghiệp và công ty có vốn nước ngoài là pháp nhân Việt Nam;

- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. "Bên nhận công nghệ" nói ở khoản 2 điều 2 của pháp lệnh gồm:

- Pháp nhân Việt Nam (tổ chức kinh tế, khoa học, công ty, xí nghiệp, các đơn vị kinh tế quốc doanh, tập thể và tư nhân, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội);

- Xí nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài là pháp nhân Việt Nam;

- Cá nhân Việt Nam.

Điều 3.

- Nội dung chuyển giao công nghệ.

Các hoạt động dưới đây được coi là hoạt động chuyển giao công nghệ:

1. Chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp như:

- Sáng chế;

- Kiểu dáng công nghiệp;

- Nhãn hiệu hàng hoá.

Các đối tượng trên được hiểu theo điều 4, chương I, Pháp lệnh bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp ngày 28-1-1989.

Hoạt động mua bán nhãn hiệu hàng hoá mà không kèm theo việc chuyển giao các quyền sở hữu công nghiệp khác thì không được coi là chuyển giao công nghệ.

2. Chuyển giao thông qua việc mua bán, cung cấp các đối tượng sau (có thể có hoặc không có thiết bị đi kèm):

- Bí quyết kỹ thuật;

- Phương án công nghệ, quy trình công nghệ;

- Tài liệu thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật;

- Công thức, bản vẽ, sơ đồ, bảng, biểu;

- Thông số kỹ thuật hoặc kiến thức kỹ thuật chuyên môn khác.

3. Thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ và tư vấn sau:

- Hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền công nghệ;

- Nghiên cứu, phân tích, đánh giá, nghiên cứu cơ hội, nghiên cứu tiền khả thi và khả thi các dự án đầu tư và đổi mới công nghệ;

- Tư vấn về quản lý công nghệ, tổ chức và vận hành các quá trình công nghệ và sản xuất;

- Đào tạo, huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân;

- Thực hiện dịch vụ về thu nhập, xử lý và cung cấp thông tin về thị trường, công nghệ, pháp lý, tài nguyên và môi trường.

Các hoạt động thuần tuý nhập khẩu máy móc, thiết bị vật tư thông thường không được coi là chuyển giao công nghệ và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh.

Điều 4.

- Yêu cầu cơ bản đối với các công nghệ được chuyển giao vào Việt Nam.

1. Công nghệ được chuyển giao phải đáp ứng một trong các yêu cầu sau:

a. Nâng cao trình độ công nghệ của sản xuất:

- Nâng cao năng suất lao động;

- Sử dụng tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng;

- Cải tiến kiểu dáng, nâng cao chất lượng sản phẩm;

- Tạo ra sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu.

b. Khai thác hợp lý các nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu tại chỗ, sử dụng được nguồn lao động dồi dào, tạo công ăn việc làm, khai thác hợp lý và phát triển các tài nguyên tái tạo được.

2. Công nghệ được chuyển giao phải bảo đảm:

a. Không gây ra những tác động làm ảnh hưởng hoặc đưa đến hậu quả xấu cho môi trường như:

- Ô nhiễm đất, nước, không khí;

- Gây hại cho hệ thực vật và động vật;

- Làm mất cân bằng sinh thái nói chung;

- Làm ảnh hưởng xấu tới môi trường dân cư về mặt văn hoá và xã hội.

b. Yêu cầu về an toàn lao động, điều kiện và môi trường công nghiệp cho người lao động.

Trong trường hợp do tính chất của công nghệ, có khả năng xuất hiện những tác động nêu tại các điểm nói trên, làm ảnh hưởng đến người lao động và môi trường, hai bên chuyển giao công nghệ phải có các giải pháp phòng ngừa cụ thể. Các giải pháp này phải được coi như một phần của công nghệ được chuyển giao và được giải trình chi tiết trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Chương 2:

HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 5.

Mọi hoạt động chuyển giao công nghệ giữa hai Bên giao công nghệ và nhận công nghệ có tính chất thương mại hoặc có những ràng buộc về quyền và nghĩa vụ phải được tiến hành thông qua việc ký kết một văn bản hợp đồng viết về chuyển giao công nghệ (sau đây gọi tắt là hợp đồng).

Văn bản hợp đồng này sẽ là cơ sở cho các Bên thực hiện các cam kết, bảo đảm pháp lý cho việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị, thanh toán và giải quyết tranh chấp.

Các thoả thuận giao và nhận công nghệ không được thể hiện bằng hợp đồng đều không có giá trị pháp lý.

Điều 6.

- Các khoản chính của hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ phải bao gồm các điều khoản chủ yếu sau đây:

1. Tên, địa chỉ của Bên giao và Bên nhận công nghệ; tên, chức vụ người đại diện của các Bên.

2. Các định nghĩa sử dụng trong hợp đồng.

3. Đối tượng chuyển giao công nghệ:

- Tên (công nghệ hoặc dịch vụ);

- Mô tả chi tiết những nội dung chủ yếu (theo cách phân loại các nội dung hoạt động chuyển giao công nghệ xác định ở Điều 3, Chương I);

- Giá trị kinh tế và kỹ thuật của mỗi nội dung công nghệ được chuyển giao;

- Kết quả dự kiến sẽ đạt sau khi thực hiện chuyển giao công nghệ (về mặt kinh tế, kỹ thuật, xã hội).

4. Các điều khoản liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp, trong đó có việc cung cấp các tài liệu mô tả đối tượng sở hữu công nghiệp và các văn bản pháp lý chứng nhận các quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ.

5. Thời hạn, tiến độ và địa điểm cung cấp công nghệ.

Trường hợp chuyển giao công nghệ có kèm theo thiết bị cần có danh mục thiết bị, tiến độ cung cấp, địa điểm bàn giao cho từng loại thiết bị.

Trường hợp chuyển giao công nghệ trong đầu tư hoặc hoặc cùng với việc xây dựng nhà máy, cần xác định rõ các mối tương quan giữa tiến độ thực hiện hợp đồng chuyển giao công nghệ với tiến độ đầu tư hoặc xây dựng nhà máy.

6. Thanh toán.

Giá cả, điều kiện và phương thức thanh toán (loại tiền thanh toán, địa điểm thanh toán, thời hạn và các tỷ lệ v.v..).

Trường hợp công nghệ được chuyển giao gồm nhiều nội dung khác nhau, phải ghi rõ phần thanh toán cho mỗi nội dung chuyển giao theo hợp đồng.

Khi một nội dung hoặc một phần nào đó của công nghệ được chuyển giao không còn hiệu lực (do quyền sở hữu công nghiệp hết hạn được bảo hộ, do bí quyết kỹ thuật không còn là bí mật nữa), hai Bên phải thảo luận lại các điều khoản về thanh toán.

7. Cam kết của hai Bên về:

- Chất lượng của công nghệ;

- Độ tin cậy của công nghệ;

- Thời hạn bảo hành;

- Bảo đảm bí mật trong thời hạn hiệu lực của hợp đồng;

- Bảo vệ môi trường, an toàn lao đông;

- Những cam kết khác của hai Bên nhằm bảo đảm không có sai sót trong chuyển giao công nghệ.

8. Chương trình đào tạo cần thiết liên quan đến công nghệ được chuyển giao:

- Trách nhiệm của hai Bên trong việc tổ chức đào tạo;

- Hình thức nội dung và lĩnh vực đào tạo;

- Thời hạn, địa điểm của chương trình đào tạo;

- Chi phí cho đào tạo và các điều khoản liên quan khác;

- Mục tiêu và trình độ đạt được sau khi đào tạo.

9. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng và những điều kiện liên quan đến việc hai Bên mong muốn sửa đổi thời hạn hiệu lực hoặc kết thúc hợp đồng.

10. Các vấn đề liên quan đến những tranh chấp phát sinh từ hợp đồng:

- Luật áp dụng;

- Hình thức xử lý tranh chấp;

- Cơ quan xét xử tranh chấp.

Điều 7. Khi xem xét nội dung chuyển giao công nghệ, hai Bên phải xác định rõ những nội dung công nghệ, kỹ năng, kiến thức chuyên môn, dịch vụ tư vấn, những loại nguyên liệu, vật liệu, máy móc mà các cơ sở trong nước Việt Nam có thể cung cấp, điều kiện sử dụng chúng để thay thế nhập khẩu và lịch trình thay thế.

Điều 8.

Những điều khoản không được đưa vào hợp đồng.

Những điều khoản sau không được đưa vào hợp đồng chuyển giao công nghệ:

1. Buộc Bên nhận công nghệ phải mua hoặc phải tiếp nhận có điều kiện (về số lượng, chất lượng, quy cách) từ Bên giao công nghệ hoặc từ một Bên do Bên giao công nghệ chỉ định những đối tượng sau:

- Nguyên liệu, vật liệu;

- Tư liệu sản xuất, như máy móc, thiết bị, xe cộ;

- Sản phẩm trung gian;

- Lao động đơn giản.

Trường hợp do yêu cầu của công nghệ cần có những đảm bảo đặc biệt về nguyên liệu, vật liệu, các phụ kiện, tư liệu sản xuất hoặc nhân lực có trình độ kỹ thuật kèm theo phải được giải trình chi tiết và phải được cả hai Bên thoả thuận.

2. Buộc Bên nhận công nghệ phải chấp nhận và tuân theo một số hạn mức nhất định về:

- Quy mô sản xuất, số lượng sản phẩm (hoặc nhóm sản phẩm) cho một thời hạn nhất định;

- Giá cả, khối lượng và phạm vi tiêu thụ sản phẩm;

- Chọn đại lý tiêu thụ sản phẩm hoặc đại diện thương mại của Bên nhận công nghệ, kể cả cơ chế hoạt động và quan hệ giữa Bên nhận công nghệ và các đại diện này.

3. Hạn chế thị trường xuất khẩu của Bên nhận công nghệ:

- Thị trường không được xuất khẩu;

- Thị trường bắt buộc xuất khẩu;

- Khối lượng và cơ cấu các nhóm sản phẩm được xuất khẩu theo từng thị trường và từng thời điểm.

Trong trường hợp Bên giao công nghệ đang sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tương tự tại một thị trường nhất định, hoặc đã cấp giấy phép sử dụng các quyền sở hữu công nghiệp độc quyền (lixăng độc quyền) cho một Bên thứ ba khác tiếp nhận công nghệ tương tự, việc sản xuất và xuất khẩu sản phẩm phải tuân theo các thoả thuận trong hợp đồng phù hợp với các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp của Việt Nam và quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

4. Quy định Bên nhận công nghệ không được nghiên cứu và phát triển tiếp tục công nghệ được chuyển giao hoặc không được tiếp nhận từ các nguồn khác những công nghệ tương tự.

5. Ngăn cấm Bên nhận tự do sử dụng công nghệ sau khi hợp đồng hết hiệu lực hoặc sau khi hết thời hạn của những quyền sở hữu công nghiệp ghi trong hợp đồng.

Trong trường hợp xét thấy có nhu cầu đặc biệt (do tính năng của công nghệ được chuyển giao, do sự cần thiết của nền kinh tế quốc dân) cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyển giao công nghệ có thể xem xét và cho phép đưa một số điều khoản hạn chế nói trên vào hợp đồng.

Điều 9. Giá của công nghệ được chuyển giao.

Giá của công nghệ được chuyển giao do hai Bên thoả thuận trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi. Phương thức định giá phải phù hợp với giá trị của công nghệ, giá và phương thức định giá của loại công nghệ tương tự trên thị trường thế giới tại thời điểm tính toán.

Điều 10. Phương thức thanh toán.

Việc thanh toán có thể được thực hiện dưới phương thức trả gọn hoặc trả kỳ vụ hoặc kết hợp cả hai phương thức. Mức trả kỳ vụ tuỳ thuộc vào tính chất của công nghệ, nhưng không được vượt quá 5 phần trăm (5%) giá bán tịnh của sản phẩm được sản xuất hoặc dịch vụ được thực hiện trên cơ sở công nghệ được chuyển giao.

Hai bên có thể thoả thuận về việc chọn một đồng tiền thanh toán hoặc thanh toán bằng hiện vật. Việc thanh toán bằng tiền và chuyển tiền được thực hiện phù hợp với các quy định của Nhà nước Việt Nam.

Trường hợp thanh toán bằng hiện vật (hàng hoá), tuỳ thuộc mặt hàng cụ thể (nằm trong hoặc ngoài danh mục cấp hạn ngạch), hai Bên cần xác định rõ trong hợp đồng và thực hiện theo quy định về chế độ và tổ chức quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu của Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam.

Điều 11. Thời hạn của hợp đồng.

1. Thời hạn của hợp đồng là khoản thời gian mà hợp đồng có hiệu lực kể từ khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyển giao công nghệ của Việt Nam hoặc các cơ quan được phân cấp trong Điều 15 và 20 của Nghị định này chuẩn y và cấp giấy phếp chuyển giao công nghệ.

2. Thời hạn của hợp đồng do hai Bên thoả thuận, nhưng không dài quá 7 năm.

3. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyển giao công nghệ có thể chuẩn y cho hợp đồng có thời hạn dài hơn bảy năm trong những trường hợp đặc biệt theo yêu cầu của hai Bên.

Điều 12. Thông báo cải tiến và đổi mới công nghệ.

Trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, nếu Bên giao hoặc Bên nhận công nghệ tạo ra được những cải tiến hoặc đổi mới có liên quan đến công nghệ được chuyển giao, mỗi Bên có thể chính thức yêu cầu Bên kia thông báo về sự tồn tại và những nội dung sơ bộ của những thay đổi này, đồng thời, nếu thấy cần thiết có thể chính thức đề nghị đàm phán để mua hoặc tiếp nhận những cải tiến và đổi mới nói trên.

Điều 13. Cung cấp cải tiến và đổi mới công nghệ được chuyển giao.

1. Khi được yêu cầu cung cấp các thông tin về cải tiến và đổi mới, mỗi Bên có nghĩa vụ ưu tiên chuyển giao cho Bên kia trên cơ sở thoả thuận, bình đẳng cùng có lợi.

Trường hợp một Bên cố tình không chuyển giao, gây sức ép, hoặc chuyển giao cho Bên thứ ba với các điều kiện ưu đãi, gây ra những thiệt hại về vật chất cho Bên kia, mỗi Bên có thể chính thức đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyển giao công nghệ can thiệp, hoặc coi như tranh chấp vi phạm hợp đồng và giải quyết theo điều 14 dưới đây.

2. Việc chuyển giao những cải tiến hoặc đổi mới được thực hiện như việc chuyển giao một công nghệ bình thường, và có thể thông qua một hợp đồng chuyển giao công nghệ mới hoặc một hợp đồng chuyển giao công nghệ bổ sung, theo những điều kiện đã được ghi từ trước trong hợp đồng đầu tiên.

Điều 14. Giải quyết tranh chấp.

1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các tranh chấp phát sinh giữa hai Bên trước hết nên được giải quyết thông qua thương lượng và hoà giải.

2. Trường hợp hai Bên không thoả thuận được với nhau về giải pháp cho vụ tranh chấp, việc giải quyết tranh chấp sẽ được đưa ra xem xét tại cơ quan xét xử và luật áp dụng do hai Bên lựa chọn và thoả thuận trong nội dung của hợp đồng như mục 10 Điều 6 của Nghị định này đã quy định. Các Bên tranh chấp có thể lựa chọn một trong những hình thức trọng tài sau:

- Hội đồng Trọng tài ngoại thương bên cạnh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam hoặc trọng tài một nước thứ 3 hoặc trọng tài quốc tế.

- Một Hội đồng Trọng tài do hai Bên thoả thuận thành lập.

Chương 3:

QUẢN LÝ VÀ CHUẨN Y HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 15.

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thống nhất quản lý các hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam là Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Việc chuẩn y các hợp đồng chuyển giao công nghệ được phân cấp theo điều 20 của Nghị định này.

Điều 16. Hồ sơ xin chuẩn y hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Cả hai Bên, hoặc mỗi Bên giao công nghệ và nhận công nghệ đều có thể gửi đơn xin chuẩn y hợp đồng.

Khi xin chuẩn y hợp đồng, các Bên phải nộp những tài liệu sau:

1. Đơn xin chuẩn y hợp đồng theo mẫu thống nhất do Uỷ ban Khoa học Nhà nước quy định;

2. Hợp đồng chuyển giao công nghệ và các phụ lục kèm theo;

3. Bản giải trình về mục tiêu và khả năng thực hiện của công nghệ được chuyển giao.

Bản giải trình có thể do một trong hai Bên lập, dưới dạng một nghiên cứu khả thi, trong đó thể hiện các luận cứ cho hợp đồng, bổ sung các phân tích và tính toán về thị trường, về nguyên liệu, công nghệ, về kinh tế, tài chính và hiệu quả của chuyển giao công nghệ.

4. Những thông tin bảo đảm về tư cách pháp nhân, các quyền sở hữu và các thông tin kiểm tra khác về hai Bên tham gia hợp đồng chuyển giao công nghệ như:

- Tên, địa chỉ công ty;

- Người bảo đảm hoặc tổ chức bảo lãnh;

- Tài khoản, ngân hàng bảo lãnh, số vốn;

- Các tài liệu chứng thực về quyền sở hữu công nghiệp.

Ngôn ngữ của hợp đồng và các văn bản kèm theo là tiếng Việt Nam và một thứ tiếng nước ngoài thông dụng do hai Bên thoả thuận trong hợp đồng. Hai bản có giá trị pháp lý ngang nhau .

Điều 17. Quyết định chuẩn y hợp đồng.

Uỷ ban Khoa học Nhà nước hoặc các cơ quan được phân cấp chuẩn y hợp đồng chuyển giao công nghệ sẽ thông báo quyết định chuẩn y hoặc từ chối hợp đồng chuyển giao công nghệ sau khi nhận đầy đủ hồ sơ theo quy định ở Điều 16 của Nghị định này trong thời hạn ba tháng.

Việc thông báo quyết định chuẩn y được thực hiện qua việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ. Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành mẫu giấy phép chuyển giao công nghệ thống nhất cho tất cả các loại hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Điều 18.

- Khai man và xử lý khai man.

1. Khi các cơ quan Nhà nước Việt Nam thấy có đầy đủ chứng cớ về việc khai man, giấy phép chuyển giao công nghệ sẽ bị thu hồi, hợp đồng đương nhiên không còn giá trị. Trong trường hợp hợp đồng bị huỷ bỏ, mọi trách nhiệm về kinh tế, tài chính đều do Bên vi phạm chịu.

2. Trường hợp do thông báo về khai man hoặc nghi vấn khai man, một hợp đồng phải dừng lại hoặc kéo dài thời gian xem xét và kết quả chứng minh được không có sự khai man trong thực tế, người hoặc cơ quan thông báo phải chịu trách nhiệm về pháp lý và toàn bộ hậu quả về tài chính, kinh tế, xã hội do thông báo của mình gây ra.

Điều 19. Thay đổi hợp đồng.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ có thể được bổ sung, sửa đổi, thay thế hoặc huỷ bỏ từng phần khi được cả hai Bên nhất trí thoả thuận và kiến nghị bằng văn bản gửi cơ quan ra quyết định chuẩn y hợp đồng (cơ quan cấp giấy phép chuyển giao công nghệ). Cơ quan ra quyết định chuẩn y hợp đồng phải thông báo kết quả bằng văn bản chậm nhất là một tháng sau khi nhận được đề nghị thay đổi hợp đồng.

Việc bổ sung, sửa đổi, thay thế hoặc huỷ bỏ từng phần hợp đồng chỉ có hiệu lực sau khi có thông báo nói trên.

Điều 20. Phân cấp chuẩn y hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Việc phân cấp chuẩn y hợp đồng chuyển giao công nghệ theo điều 18 của Pháp lệnh là nhằm tạo thêm điều kiện thuận lợi, bảo đảm tính thời gian cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng.

1. Uỷ ban Khoa học Nhà nước trực tiếp xem xét, thẩm định chuẩn y và cấp giấy phép cho những hợp đồng sau:

- Hợp đồng trị giá trên 1 triệu đô-la Mỹ (bất kể thanh toán bằng nguồn nào);

- Hợp đồng có nguồn thanh toán từ ngân sách Nhà nước (trung ương và địa phương), có giá trị trên 500.000 đô-la Mỹ;

- Hợp đồng thuộc các ngành cần bảo đảm an ninh quốc gia như quốc phòng, nội vụ;

- Các hợp đồng có thể có hậu quả đặc biệt.

2. Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương xem xét, thẩm định, chuẩn y và cấp giấy phép cho những hợp đồng sau đây, sau khi tham khảo ý kiến Uỷ ban Khoa học Nhà nước:

- Hợp đồng có nguồn thanh toán ngoài ngân sách Nhà nước có giá trị dưới 1 triệu đô-la Mỹ;

- Hợp đồng thanh toán từ ngân sách Nhà nước có giá trị dưới 500.000 đô-la Mỹ.

3. Việc chuẩn y các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong khuôn khổ đầu tư nước ngoài được thực hiện theo các Điều trong Chương V của Nghị định này.

Điều 21. Đăng ký hợp đồng.

Các Bộ, Uỷ ban, sau khi ra quyết định chuẩn y và cấp giấy phép cho các hợp đồng chậm nhất sau 2 tuần phải sao gửi toàn bộ hồ sơ có liên quan về Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Điều 22. Quản lý và hướng dẫn thực hiện hợp đồng.

Uỷ ban Khoa học Nhà nước có trách nhiệm quản lý, lưu trữ, phân loại các hợp đồng chuyển giao công nghệ, định kỳ thông báo cho các cơ quan có liên quan để tạo điều kiện dễ dàng cho việc thực hiện các hợp đồng và để tránh nhập lại các công nghệ đã có trong nước.

Các Bộ và Uỷ ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được chuẩn y và thông báo cho Ngân hàng Ngoại thương có liên quan nhằm tạo điều kiện cho việc huy động ngoại tệ thanh toán các khoản trả kỳ vụ. Việc theo dõi thực hiện các hợp đồng còn phải giúp đánh giá trình độ nắm vững công nghệ đã chuyển giao, đặc biệt là lúc xem xét gia hạn hợp đồng.

Chương 4:

QUYỀN LỢI VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ

Điều 23. Thuế chuyển giao công nghệ.

1. Bên giao công nghệ phải nộp thuế thu nhập và thuế nhập khẩu các thiết bị máy móc có liên quan đến chuyển giao công nghệ theo luật thuế hiện hành của Việt Nam.

2. Để khuyến khích việc chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam, bên giao công nghệ được miễn thuế thu nhập trong ba năm kể từ ngày ban hành Nghị định này.

Điều 24.

- Người nước ngoài vào Việt Nam để tìm hiểu, chuẩn bị, ký kết và thực hiên các hợp đồng chuyển giao công nghệ được coi như vào Việt Nam để chuẩn bị và thực hiện một dự án dầu tư và được hưởng các quy chế của Nhà nước Việt Nam về "Hải quan, nhập cảnh, cư trú, thông tin liên lạc" theo Chương 10, Nghị định 28-HĐBT ngày 6-2-1991 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chi tiết thi hành Luật đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và các hướng dẫn thực hiện có liên quan.

Điều 25.

Các Bên ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ có nghĩa vụ thực hiện theo đúng mục tiêu và nội dung đã được xác định trong hợp đồng. Mọi trường hợp lợi dụng giấy phép chuyển giao công nghệ vào các mục đích vụ lợi khác đều bị xử lý theo pháp luật của Việt Nam.

Chương 5:

CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 26. Các trường hợp sau đay được coi là chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài:

1. Công nghệ do Bên nước ngoài chuyển giao dưới dạng góp vốn (một phần hoặc toàn bộ) để thành lập các xí nghiệp hoặc công ty liên doanh với Bên Việt Nam theo Luật đầu tư của Việt Nam.

2. Công nghệ do Bên nước ngoài chuyển giao dưới dạng góp vốn (một phần hoặc toàn bộ) trong các hợp đồng hợp tác kinh doanh với bên Việt Nam theo Luật đầu tư của Việt Nam.

Điều 27. Các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài cần được làm riêng và đính kèm hồ sơ xin cấp giấy phép đầu tư.

Điều 28.

Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư xem xét, thẩm định và cấp giấy phép đầu tư, đồng thời cấp giấy phép cho các hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đầu tư nước ngoài sau khi có ý kiến chính thức bằng văn bản của Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Sau khi cấp giấy phép, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư sao gửi phần hợp đồng chuyển giao công nghệ cho Uỷ ban Khoa học Nhà nước.

Chương 6:

ĐIỀU KHỎAN CUỐI CÙNG

Điều 29. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 30. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, Bộ trưởng các Bộ Thương nghiệp, Ngoại giao, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình chịu trách nhiệm ban hành những thông tư hướng dẫn việc thi hành Nghị này.

Điều 31. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước chịu trách nhiệm soạn thảo và trình Hội đồng Bộ trưởng những văn bản cần thiết để thực hiện Điều 19 của Pháp lệnh chuyển giao công nghệ.

Điều 32. Bộ trưởng các Bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 49-HĐBT năm 1991 Hướng dẫn Pháp lệnh Chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 49-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/03/1991
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản