Điều 4 Nghị định 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Giá quyền sử dụng rừng là giá trị mà chủ rừng có thể được hưởng từ rừng trong khoảng thời gian được giao, được thuê rừng tính bằng tiền trên một héc ta (ha) rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành.
2. Giá quyền sở hữu rừng trồng là giá trị mà chủ rừng có thể được hưởng từ rừng trong khoảng thời gian được giao, được thuê rừng tính bằng tiền trên một héc ta (ha) rừng sản xuất là rừng trồng theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành.
3. Giá chuyển nhượng quyền sở hữu rừng trồng, quyền sử dụng rừng sản xuất là rừng tự nhiên thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường là số tiền tính trên một héc ta rừng sản xuất là rừng trồng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được hình thành từ kết quả giao dịch thực tế mang tính phổ biến trên thị trường giữa người chuyển nhượng và người được chuyển nhượng trong điều kiện không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tăng hoặc giảm giá do đầu cơ, thay đổi quy hoạch, chuyển nhượng trong tình trạng bị ép buộc, quan hệ huyết thống.
4. Giá cho thuê quyền sử dụng rừng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường là số tiền tính trên một héc ta rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên được hình thành từ kết quả giao dịch thực tế mang tính phổ biến trên thị trường giữa người cho thuê và người thuê trong điều kiện không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tăng hoặc giảm giá do đầu cơ, thay đổi quy hoạch, cho thuê trong tình trạng bị ép buộc, quan hệ huyết thống.
5. Thu nhập thuần tuý từ rừng là số tiền mà chủ rừng thu được từ hoạt động khai thác lâm sản; kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học (nếu có) sau khi trừ chi phí đầu tư tạo rừng, thuế và các khoản chi phí hợp lý khác.
6. Tiền sử dụng rừng, tiền thuê rừng là số tiền mà chủ rừng phải trả để được sử dụng rừng vào mục đích khai thác lâm sản; kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học (nếu có) theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành.
7. Tiền bồi thường cho chủ rừng khi Nhà nước thu hồi rừng là số tiền mà Nhà nước phải trả cho chủ rừng tương xứng với các khoản thu nhập chủ rừng có thể được hưởng từ rừng trong khoảng thời gian được giao, được thuê còn lại từ khai thác lâm sản; kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học (nếu có) theo Quy chế quản lý và sử dụng rừng do Nhà nước ban hành.
8. Tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng là số tiền mà người có hành vi vi phạm gây thiệt hại về rừng phải bồi thường cho Nhà nước, bao gồm giá trị về lâm sản và giá trị về môi trường của rừng bị thiệt hại.
a) Giá trị về lâm sản là giá trị của toàn bộ gỗ, lâm sản ngoài gỗ trên diện tích rừng bị phá;
b) Giá trị về môi trường là giá trị của rừng cung cấp môi trường hàng năm và được tính bằng thương số giữa thu nhập thuần tuý của giá trị môi trường hàng năm trên lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn một năm của loại tiền VNĐ tại ngân hàng thương mại có mức lãi suất trung bình trên địa bàn ở thời điểm định giá hoặc được tính bằng giá trị của rừng về lâm sản nhân với hệ số k từ 2 đến 5 (tuỳ theo từng loại rừng).
Nghị định 48/2007/NĐ-CP về nguyên tắc và phương pháp xác định giá các loại rừng
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Phạm vi áp dụng
- Điều 3. Đối tượng áp dụng
- Điều 4. Giải thích từ ngữ
- Điều 5. Nguyên tắc và căn cứ xác định giá các loại rừng
- Điều 6. Phương pháp thu nhập
- Điều 7. Điều kiện áp dụng phương pháp thu nhập
- Điều 8. Trình tự định giá bằng phương pháp thu nhập
- Điều 9. Phương pháp chi phí
- Điều 10. Điều kiện áp dụng phương pháp chi phí
- Điều 11. Trình tự định giá bằng phương pháp chi phí