Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-NĐ

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ CHUYỂN VẬN HÀNG HÓA TRÊN ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THỦY

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Để bảo đảm việc lưu thông hàng hóa, khuyến khích sản xuất và để đảm bảo quyền lợi cho người có háng hóa và người có phương tiện vận tải;
Sau khi đã được Bộ Tư pháp thỏa hiệp và Thủ tướng phủ đồng ý,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành bản điều lệ tạm thời về chuyển vận hàng hóa trên đường bộ và đường thủy.

Điều 2. Các ông Giám đốc Nha Giao thông, ông Giám đốc Cục Vận tải đường thủy, ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông và Bưu điện và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính các khu tự trị, Thái mèo Việt bắc và các khu Liên khu 3, 4, các khu Tả ngạn, Hồng quảng, các thành phố Hà nội, Hải-phòng, Ban cán sự Lao Hà Yên, các Ủy ban hành chính các tỉnh trực thuộc Trung ương thi hành Nghị định này.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
THỨ TRƯỞNG





Lê Dung

ĐIỀU LỆ

TẠM THỜI VỀ CHUYỂN VẬN HÀNG HÓA TRÊN ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG THUỶ

MỤC ĐÍCH CỦA ĐIỀU LỆ VÀ NGUYÊN TẮC CHUNG

Để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa, khuyến khích sản xuất và để đảm bảo quyền lợi của người có hàng và người có phương tiện vận tải.

Nay ban hành điều lệ tạm thời về chuyển vận hàng hóa trên đường bộ và đường thủy.

Bản điều lệ tạm thời này gồm 4 chương lớn:

- Nhiệm vụ người thuê chở;

- Nhiệm vụ người nhận chở;

- Xử lý hợp đồng;

- Thi hành điều lệ.

Điều 1. Người thuê chở người nhận chở cần phải ký hợp đồng. Hợp đồng phải bao gồm đầy đủ các điều khoản mà hai bên đã thỏa thuận với các khối lượng hàng, địa điểm giao và nhận hàng, cách giao nhận hàng, thời gian vận chuyển, giá cước, cách thanh toán cước, trách nhiệm xếp, dỡ hàng, tỉ lệ hao hụt, trường hợp mục và cách bồi thường, cách xử lý khi không thi hành đúng các hợp đồng.

Các điều khoản trong hợp đồng cần được cụ thể, rõ ràng để tránh sự hiểu lầm.

Ngoài những điều khoản trên, hợp đồng phải quy định việc bồi thường trong trường hợp một bên tự ý không thi hành hợp đồng.

Điều 2. Điều kê này áp dụng cho tất cả các cơ quan và người thuê chở và những cơ quan và người nhận chở hàng bằng ô tô, thuyền, ca nô, thuyền máy.

Chương 1:

NHIỆM VỤ NGƯỜI THUÊ CHỞ

Điều 3. Người thuê chở có những nhiệm vụ sau đây:

- Thi hành các điều khoản đã kê trong hợp đồng;

- Đóng gói hàng cẩn thận;

- Chuẩn bị đủ công nhân và dụng cụ để xếp dỡ nhanh chóng khi giao và khi nhận hàng;

- Chuẩn bị đủ giấy tờ về hàng hóa (hóa đơn giấy chứng nhận để nộp thuế, phiếu giao nhận hàng, vv…) theo thể lệ Hải quan và Công an.

- Sau khi nhận hàng phải thanh toán nhanh chóng tiền vận chuyển (tiền cước và các khoản tiền chi phí khác như tiền qua phà, qua công trình thủy lợi, xếp dỡ hàng, vv…).

Điều 4. Người thuê chở có trách nhiệm xếp, dỡ hàng đúng thời gian mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu để quá thời hạn đã quy định trong hợp đồng thì người thuê chở phải trả tiền chờ đợi.

Trường hợp người nhận chở lãnh trách nhiệm xếp dỡ hàng thì người thuê chở không phải trả tiền chờ đợi vì xếp dỡ chậm.

TIỀN CHỜ ĐỢI

Điều 5. Tiền chờ đợi tính từng ngày và từ nửa (1/2) ngày trở lên. Dưới 3 giờ không trả tiền chờ đợi. Từ 3 giờ đến 6 giờ tính nửa ngày. Trên 6 giờ tính một ngày. Đêm không tính vào thời gian chờ đợi.

Điều này không áp dụng cho xe, thuyện vận tải đường ngắn.

Người có hàng có nhiệm vụ chứng thực ngày giờ đi và đến cho người nhận chở. Nếu không có mặt người có hàng thì có thể lấy chứng thực của cơ quan địa phương (Hành chính, Công an hoặc Giao thông).

Điều 6. Mỗi ngày hay nửa ngày chờ đợi người thuê phải trả số tiền như đã quy định trong hợp đồng. Số tiền chờ đợi phải đảm bảo đủ tiền lương trả cho công nhân và một số tiền lãi cho kinh doanh cho những ngày chờ đợi.

Bảng giá biểu kèm theo đây chỉ có tính chất hướng dẫn và sẽ dùng làm cơ sở cho hai bên thương lượng.

Điều 7. Qua thời hạn 3 ngày chờ đợi, người nhận chở có quyền quay xe, thuyền trở lại địa điểm khởi hành. Trong trường hợp đó, người thuê chở phải trả tiền những ngày chờ đợi, tiền vận chuyển cả lượt đi và lượt về.

Điều 8. Trường hợp người thuê chở yêu cầu người nhận chở chờ đợi hàng, thí dụ có hàng hay không, người thuê vẫn phải trả tiền chờ đợi.

Điều 9. Sau khi ký hợp đồng, nếu người thuê chở gọi xe, ca nô, thuyền máy, sà lan, thuyền thường đến mà không có hàng để chuyên chở và phải cho về thì phải trả cho người nhận chở một số tiền bồi thường bằng 60% giá cước hàng hải chiếu đường bộ loại 1, đường sông loại 35 tính theo trọng tải xe, ca nô, sà lan, và đoạn đường mà xe ca nô, thuyền máy và sà lan đã đi. Nếu đoạn đường đi một lượt dưới 20 (hai mươi) cây số thì tính 20 (hai mươi) cây số. Tiền bồi thường lượt về tính như lượt đi.

THANH TOÁN CƯỚC

Điều 10. Người thuê chở phải trả trước cho người chủ thuyền một số tiền ít nhất là ngang với hai phần ba (2/3) tiền cước cả chuyến và ứng trước cho chủ phương tiện cơ giới như ô tô, ca nô, thuyền máy một nữa (1/2) tiền cước cả chuyến.

Trường hợp ký hợp đồng dài hạn thì hai bên sẽ thỏa thuận với nhau về số tiền ứng trước.

Điều 11. Cách thanh toán tiền cước đã được thỏa thuận giữa hai bên phải ghi vào hợp đồng.

Nếu chủ xe, thuyền nhận xếp dỡ hàng thì được trả tiền xếp dỡ. Dọc đường khi phải tăng Bộ Nội thương để bảo vệ hàng hóa thì người có hàng phải trả tiền xếp dỡ hàng.

Điều 12. Khi người nhận chở hàng làm xong nhiệm vụ, người thuê chở phải thanh toán tiền cước trong thời gian chậm nhất là 2 ngày.

Nếu quá thời hạn 2 ngày thì người thuê chở phải chịu tiền lại 1 ngày là 1% tính theo số tiền thanh toán chậm.

Điều 13. Tiền cước chỉ tính theo giá cước hàng hai chiều khi người thuê chở có hàng đi và hàng về, hoặc tự mình bố trí được hàng về cho người nhận chở.

Chương 2:

NHIỆM VỤ NGƯỜI NHẬN CHỞ

Điều 14. Người nhận chở có nhiệm vụ:

- Thi hành đúng các điều khoản đã kê trong hợp đồng, đặc biệt là đảm bảo vận chuyển đúng thời gian, đảm bảo số lượng, trọng lượng, và chất lượng hàng hóa.

- Có đủ giấy tờ xe, thuyền và những người làm việc trên xe, thuyền.

- Lấy đủ giấy tờ hợp lệ để thanh toán.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẢI BỒI THƯỜNG

Điều 15. Nếu không đảm bảo vận chuyển đúng thời gian, người nhận chở phải bồi thường cho người thuê chở một số tiền theo sự quy định trong hợp đồng. Số tiền ấy ít nhất là ngang với số tiền lương của những anh em chờ đợi để xếp dỡ hàng trong một ngày.

Điều 16. Trường hợp hàng hóa bị hư hỏng hoặc mất mát không có lý do chính đáng, người nhận chở phải bồi thường cho người thuê chở theo giá thị trường ở nơi có hàng đến.

NHỮNG TRƯỜNG HỢP KHÔNG PHẢI BỒI THƯỜNG

Điều 17. Nếu không đảm bảo vận chuyển đúng thời gian vì lũ, bão, vì đường cầu, phà bị hư hỏng, xe thuyền không đi lại được và người nhận chở đã báo cho người thuê chở biết tình hình thì người nhận chở được miễn bồi thường.

Điều 18. Trường hợp mất mát hư hỏng do tai nạn vượt sức chống của con người gây ra và có cơ quan địa phương (Hành chính, Công an hoặc Giao thông) chứng thực, người nhận chở được miễn bồi thường.

Nếu cơ quan địa phương ở xa chỗ xảy ra tai nạn trên 10 cây số và được sự thỏa thuận trước của chủ hàng, thì có thể dựa vào anh em cùng đi một đoạn xe hoặc anh em làm trên xe, thuyền nếu đi lẻ, để lập biên bản tai nạn. Biên bản phải có 2 người đại diện anh em chứng nhận, ký làm chứng và chịu trách nhiệm.

Điều 19. Nếu chở đúng thời hạn đã ghi trong hợp đồng mà những hàng hóa tự nó biến chất, thì người nhận chở không phải bồi thường.

Điều 20. Nếu vì bao, bì và cách đóng gói không thích hợp mà hàng kém chất, hoặc trường hợp, vì lực lượng xếp dỡ hàng của người thuê chở làm hỏng, vỡ thì người nhận chở không phải bồi thường.

Điều 21. Tỷ trọng các loại hàng và tỷ lệ hao hụt hàng hóa sẽ do hai bên thỏa thuận và ghi vào hợp đồng.

Điều 22. Trường hợp hàng hóa đóng thành kiện, có niêm phong người nhận chở chịu trách nhiệm về giữ nguyên vẹn võ kiện hàng, giữ đúng dấu niêm phong và đủ số lượng kiện hàng.

Điều 23. Người nhận chở có trách nhiệm theo dõi việc đo cân và có quyền thu cân trước và trong khi giao nhận hàng.

Điều 24. Nếu vì cân nhầm mà khi giao hàng nhiều hơn khi nhận người nhận chở được hưởng cước số hàng thừa ra.

Điều 25. Nếu hai bên xét thấy thật cần thiết thì sẽ cùng nhau thỏa thuận bố trí người đi theo để áp tải hàng hóa. Trong trường hợp này cần quy định rõ theo hợp đồng nhiệm vụ người áp tải.

Chương 3:

XỬ LÝ HỢP ĐỒNG

Điều 26. Hợp đồng có thể ký cho từng chuyến hoặc cho cả một thời gian dài và phải gửi cho cơ quan quản lý vận tải nơi xuất hàng đi một bản.

Điều 27. Nếu hai bên thỏa thuận thì có thể sửa đổi, gia hạn hoặc hủy bỏ hợp đồng.

Điều 28. Nếu một bên không thi hành đúng, sau khi thương lượng mà không giải quyết xong thì cơ quan được ngành giao thông và vận tải thủy ủy quyền phân phối hàng hóa sẽ đứng ra giúp đỡ hòa giải. Nếu một bên hoặc cả hai không đồng ý hòa giải thì có quyền khiếu nại trước tòa án.

Chương 4:

THI HÀNH ĐIỀU LỆ

Điều 29. Điều lệ này sẽ được bắt đầu thi hành kể từ ngày 15 tháng 3 năm 1957.

BẢNG GIÁ BIỂU

TÍNH TIỀN CHỜ ĐỢI CHO MỘT NGÀY CỦA CÁC LOẠI XE, THUYỀN

CA NÔ: Loại 18 tấn: 25.000đ một ngày

Loại 30 tấn: 30.000đ một ngày

Ô TÔ: Loại thông dụng nhất trọng tải 3 tấn 5:12.000đ một ngày

THUYỀN: Đường sông Đường biển

từ 1 đến 5 tấn

(đi miền ngược) 9.500đ một ngày.

Trên 5 t đến 10 t 10.000, 14.500đ 1 ngày

- 10t – 15t 11.500,17.500đ 1 ngày

- 15t – 20t 14.000,17.500đ 1 ngày

- 20t – 25t 17.000,23.500đ 1 ngày

- 25t – 30t 19.500,27.000đ 1 ngày

- 30t – 35t 22.500, 30.000đ 1 ngày

- 35t25.000, 33.500đ 1 ngày

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 40-NĐ năm 1957 Ban hành bản điều lệ tạm thời về chuyển vận hàng hóa trên đường bộ và đường thủy do Bộ trưởng Bộ Giao thông và Bưu điện ban hành

  • Số hiệu: 40-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/02/1957
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Lê Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 10/03/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản