Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản

Chương V

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG THỨC ĂN CHĂN NUÔI, THỦY SẢN

Điều 15. Kiểm tra thức ăn chăn nuôi, thủy sản trong nước

1. Đối tượng và nội dung kiểm tra

a) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản thương mại:

Việc thực hiện các quy định về điều kiện đối với cơ sở sản xuất, gia công, mua bán thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

Việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng và công bố hợp quy (nếu có);

Việc thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản;

Việc thực hiện các quy định về ghi nhãn sản phẩm hàng hóa;

Lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trong đó tập trung đánh giá các chỉ tiêu an toàn và những chỉ tiêu chất lượng chính của sản phẩm.

b) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản tự phối trộn và thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo tập quán:

Kiểm tra các chỉ tiêu an toàn về thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định hiện hành về an toàn thực phẩm.

2. Cơ quan kiểm tra: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Chế độ kiểm tra: Việc kiểm tra thường xuyên của các cơ quan nhà nước phải được thông báo trước bằng văn bản, mỗi năm chỉ được tiến hành kiểm tra chất lượng không quá 01 lần, trừ việc kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm. Việc kiểm tra đột xuất chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản tại cơ sở sản xuất, gia công, cơ sở mua bán, cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi, thủy sản chỉ được tiến hành khi có quyết định của thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền, không cần thông báo trước.

Điều 16. Kiểm tra thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu

Việc đăng ký kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu, bị triệu hồi hoặc trả về là yêu cầu bắt buộc. Riêng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

1. Đối tượng và nội dung kiểm tra

a) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu

Kiểm tra hồ sơ nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định này;

Kiểm tra thực tế số lượng, khối lượng, quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, xuất xứ và các chỉ tiêu ngoại quan khác của sản phẩm;

Lấy mẫu thử nghiệm đánh giá sự phù hợp về chất lượng và an toàn thực phẩm của sản phẩm.

b) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị triệu hồi hoặc trả về

Kiểm tra về nguyên nhân thức ăn chăn nuôi, thủy sản triệu hồi hoặc bị trả về;

Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, ngoại quan về sản phẩm;

Lấy mẫu để kiểm tra chất lượng sản phẩm.

c) Đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu

Kiểm tra hồ sơ công bố chất lượng, công bố hợp quy (nếu có);

Kiểm tra quy cách bao gói, ghi nhãn, hạn sử dụng, ngoại quan về sản phẩm;

Phân tích chất lượng theo yêu cầu của doanh nghiệp hoặc nước nhập khẩu và yêu cầu khác (nếu có).

2. Cơ quan kiểm tra

Là cơ quan chức năng nhà nước và tổ chức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (sau đây viết tắt là tổ chức được chỉ định) thực hiện một số công đoạn trong hoạt động kiểm tra theo phạm vi quy định tại quyết định chỉ định. Yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định này.

Căn cứ thẩm định năng lực của tổ chức được chỉ định dựa theo các quy định đối với các tổ chức chứng nhận sự phù hợp sản phẩm do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc thừa nhận áp dụng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình thẩm định và hướng dẫn công khai bằng văn bản và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Chế độ kiểm tra: Theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.

Điều 17. Yêu cầu, trình tự, thủ tục chỉ định

1. Tổ chức được chỉ định phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định là tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

b) Có quy trình kiểm tra, xác nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với từng loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản tương ứng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

2. Trình tự và thủ tục chỉ định

Tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nhu cầu tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

b) Bản sao chứng thực quyết định chỉ định là tổ chức chứng nhận hợp quy lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

c) Quy trình kiểm tra, xác nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với từng loại thức ăn chăn nuôi, thủy sản tương ứng do tổ chức đăng ký tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu ban hành.

Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành thẩm định hồ sơ, thực hiện đánh giá năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần) và ban hành quyết định chỉ định (theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này). Trong trường hợp từ chối việc chỉ định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Hiệu lực của quyết định chỉ định

a) Thời hạn hiệu lực của quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu là 03 năm.

b) Trong vòng 03 tháng trước khi quyết định chỉ định hết hiệu lực, nếu có nhu cầu, tổ chức được chỉ định gửi hồ sơ đăng ký về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được chỉ định lại, hồ sơ gồm:

Đơn đề nghị tham gia hoạt động kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu (theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

Báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức được chỉ định trong thời gian trước đó (theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này).

Trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ, thực hiện đánh giá lại năng lực thực tế tại cơ sở (nếu cần) và ban hành quyết định chỉ định lại (theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này). Trong trường hợp từ chối chỉ định lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 18. Lấy mẫu và thử nghiệm thức ăn chăn nuôi, thủy sản

1. Việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản được thực hiện theo quy định tại các tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hoặc các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo và cấp chứng chỉ lấy mẫu thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

2. Việc thử nghiệm chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản phục vụ công tác quản lý Nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản chỉ được thừa nhận theo các phương pháp thử tại các phòng thử nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định. Trường hợp các phương pháp thử chưa được chỉ định hoặc chưa được thống nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định phương pháp thử được áp dụng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy trình chỉ định phòng thử nghiệm lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, thủy sản; hướng dẫn công khai bằng văn bản và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Căn cứ thử nghiệm là các chỉ tiêu chất lượng, chỉ tiêu an toàn thức ăn chăn nuôi, thủy sản được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do nhà nước ban hành và trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của sản phẩm do nhà sản xuất, cung cấp công bố hoặc những yêu cầu cụ thể bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 19. Trình tự, thủ tục kiểm tra, xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu

1. Hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu:

a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao chụp có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, phiếu đóng gói (Packing list), hóa đơn mua bán (Invoice), phiếu kết quả phân tích chất lượng của nước xuất xứ cấp cho lô hàng (Certificate of Analysis), nhãn sản phẩm của nhà sản xuất; bản tiêu chuẩn công bố áp dụng của đơn vị nhập khẩu.

c) Báo cáo tình hình nhập khẩu và tiêu thụ lô hàng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhập khẩu trước đó và kế hoạch tiêu thụ số lượng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh đăng ký nhập khẩu theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu:

a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản) theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; bản yêu cầu các chỉ tiêu cần kiểm tra, xác nhận chất lượng.

b) Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, hồ sơ công bố chất lượng.

3. Hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng đối với thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị triệu hồi, trả về:

a) Giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng (03 bản) theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

b) Bản sao chứng thực các giấy tờ: Hợp đồng mua bán, giấy xác nhận chất lượng của lô hàng trước khi xuất khẩu (nếu có), văn bản triệu hồi hoặc thông báo trả về trong đó nêu rõ nguyên nhân triệu hồi hoặc trả về.

4. Trình tự xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu

a) Doanh nghiệp lập 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra gửi về cơ quan kiểm tra.

b) Khi nhận được hồ sơ đăng ký kiểm tra, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra xem xét và hướng dẫn doanh nghiệp bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc chưa đúng quy định;

Trường hợp đầy đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan kiểm tra xác nhận vào giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng, trong đó có thông báo cho doanh nghiệp về nội dung kiểm tra, thống nhất thời gian và địa điểm sẽ thực hiện kiểm tra.

Điều 20. Chế độ kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu

1. Miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu trong các trường hợp sau:

a) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản tạm nhập tái xuất.

b) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản quá cảnh, chuyển khẩu.

c) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản gửi kho ngoại quan.

d) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là hàng mẫu tham gia các hội chợ, triển lãm.

đ) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là mẫu phân tích tại các phòng thử nghiệm.

e) Thức ăn chăn nuôi, thủy sản là mẫu để thử nghiệm, kiểm nghiệm, khảo nghiệm.

2. Miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn (không áp dụng chế độ này với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh)

a) Thực hiện kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra cảm quan và không lấy mẫu để đánh giá sự phù hợp trong thời hạn 06 tháng.

b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với lô hàng nhập khẩu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau: Là thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu cùng loại do cùng cơ sở sản xuất, của cùng đơn vị nhập khẩu đã có giấy xác nhận chất lượng (theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) của 05 lô hàng nhập khẩu liên tiếp theo chế độ kiểm tra thông thường hoặc 03 lô hàng nhập khẩu liên tiếp theo chế độ kiểm tra giảm có thời hạn trong thời gian không quá 12 tháng trước đó.

c) Trong thời hạn được miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn, cơ quan kiểm tra nhà nước hoặc tổ chức chỉ định được giao nhiệm vụ giám sát hàng hóa theo chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn có thể tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên hàng hóa nhập khẩu theo chế độ kiểm tra thông thường hoặc kiểm tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm về chất lượng sản phẩm. Nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tiến hành các biện pháp xử lý như đối với những lô hàng vi phạm chất lượng và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt ngay việc miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn tại thời điểm đó và chuyển sang chế độ kiểm tra chặt.

d) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu cầu trên gửi hồ sơ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hồ sơ bao gồm:

Đơn đề nghị miễn kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản có thời hạn (theo Mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

Giấy xác nhận chất lượng của 05 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu theo chế độ kiểm tra thông thường hoặc giấy xác nhận chất lượng của 03 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu theo chế độ kiểm tra giảm có thời hạn (bản sao chụp có xác nhận của đơn vị nhập khẩu).

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân nhập khẩu về việc được miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn (theo Mẫu số 21 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong trường hợp không được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm gửi bản sao chứng thực văn bản áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng có thời hạn đến tổ chức được chỉ định để xác nhận việc miễn kiểm tra vào giấy đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng cho từng lô hàng nhập khẩu (theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) làm điều kiện để thông quan hàng hóa.

3. Kiểm tra giảm có thời hạn (không áp dụng chế độ này với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh)

a) Hình thức kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ và kiểm tra cảm quan để đánh giá sự phù hợp của hàng hóa về các thông tin trong hồ sơ so với ghi trên nhãn hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo; độ nguyên vẹn, dạng, màu sắc của hàng hóa. Thời hạn áp dụng kiểm tra giảm là 12 tháng. Chỉ lấy mẫu kiểm tra chất lượng hàng hóa đối với chế độ kiểm tra này trong trường hợp phát hiện thấy hàng hóa không phù hợp với hồ sơ, có dấu hiệu mất an toàn và không đảm bảo chất lượng như mốc ẩm ướt, bao bì không còn nguyên vẹn, dạng, màu sắc khác với mô tả, có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng, an toàn của sản phẩm hoặc là lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên theo yêu cầu của quy trình giám sát chất lượng hàng hóa. Nếu phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì tiến hành các biện pháp xử lý như đối với những lô hàng vi phạm chất lượng và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấm dứt ngay việc kiểm tra giảm có thời hạn tại thời điểm đó và chuyển sang chế độ kiểm tra chặt.

b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với lô hàng nhập khẩu đáp ứng một trong các điều kiện sau:

Là thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhập khẩu cùng loại do cùng cơ sở sản xuất, của cùng đơn vị nhập khẩu đã có giấy xác nhận chất lượng (theo Mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) của 03 lô hàng nhập khẩu liên tiếp theo chế độ kiểm tra thông thường trong thời gian không quá 12 tháng trước đó;

Đã được xác nhận đạt yêu cầu chất lượng và an toàn của tổ chức có thẩm quyền của nước đã thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam trong hoạt động kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản; hoặc của phòng thử nghiệm được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá và thừa nhận.

c) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có thức ăn chăn nuôi, thủy sản đáp ứng các yêu cầu kiểm tra giảm có thời hạn lập 01 bộ hồ sơ gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc, hồ sơ bao gồm:

Đơn đề nghị được áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời hạn (theo Mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này);

Giấy xác nhận chất lượng của 03 lô hàng liên tiếp đạt yêu cầu theo chế độ kiểm tra thông thường (bản sao chụp có xác nhận của tổ chức, cá nhân nhập khẩu) hoặc giấy xác nhận đạt yêu cầu chất lượng và an toàn của tổ chức có thẩm quyền của nước đã thừa nhận lẫn nhau với Việt Nam trong hoạt động kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản hoặc của phòng thử nghiệm nước ngoài được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận (bản chính hoặc bản sao chứng thực);

Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời tổ chức, cá nhân nhập khẩu về việc được áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời hạn (theo Mẫu số 21 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong trường hợp không được áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu có trách nhiệm gửi bản sao chứng thực văn bản áp dụng chế độ kiểm tra giảm có thời hạn đến tổ chức được chỉ định để tiến hành kiểm tra theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

4. Kiểm tra thông thường

a) Hình thức kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cảm quan và lấy mẫu đại diện để phân tích tối thiểu 01 chỉ tiêu an toàn và 01 chỉ tiêu chất lượng trong tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, đảm bảo cho việc đánh giá được độ an toàn và chất lượng của sản phẩm kiểm tra. Riêng đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa kháng sinh bắt buộc phải kiểm tra tất cả các loại kháng sinh có trong sản phẩm.

Cơ quan kiểm tra, tổ chức được chỉ định xác định chỉ tiêu cụ thể và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng, an toàn của thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với các lô hàng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu không thuộc quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 Điều này.

5. Kiểm tra chặt

a) Hình thức kiểm tra: Kiểm tra hồ sơ, kiểm tra cảm quan và lấy mẫu tất cả các lô sản xuất để phân tích tối thiểu 50% các chỉ tiêu an toàn được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và tối thiểu 50% các chỉ tiêu chất lượng trong tiêu chuẩn công bố áp dụng và các chỉ tiêu khác (nếu có) theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Chế độ kiểm tra chặt được áp dụng liên tục trong 03 lần nhập khẩu.

b) Chế độ kiểm tra này áp dụng đối với các lô hàng nhập khẩu thuộc các trường hợp sau:

Lần nhập khẩu trước đó không đạt yêu cầu về chất lượng và an toàn theo quy định;

Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục thức ăn chăn nuôi, thủy sản có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc có xuất xứ từ những nơi đang có những nguy cơ cao gây mất an toàn đối với con người, vật nuôi và môi trường do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cảnh báo;

Có văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu kiểm tra chặt khi phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường có kết quả kiểm tra không đạt chất lượng theo yêu cầu hoặc có văn bản cảnh báo về các yếu tố không an toàn đối với con người, vật nuôi, môi trường của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan.

Điều 21. Thu hồi và xử lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm chất lượng

1. Khi có quyết định của cơ quan thẩm quyền về việc buộc thu hồi sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thì người kinh doanh sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản bị buộc thu hồi phải tiến hành thông báo ngay cho các đối tượng khách hàng dừng việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản buộc thu hồi và tiến hành thu hồi toàn bộ về nơi xử lý theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Số lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản không thể thu hồi được phải có lí do, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đồng ý và người kinh doanh phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

2. Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thành lập Hội đồng giám sát quá trình thu hồi và xử lý sản phẩm thức ăn chăn nuôi thủy sản vi phạm chất lượng bị buộc thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và môi trường; phải gửi đăng tải ngay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi xử lý vi phạm về sản phẩm thức ăn chăn nuôi, thủy sản vi phạm bị buộc thu hồi.

Điều 22. Nguồn kinh phí cho hoạt động quản lý về thức ăn chăn nuôi, thủy sản

1. Kinh phí ngân sách nhà nước đảm bảo và bố trí dự toán chi thường xuyên hàng năm của cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản theo quy định hiện hành về phân cấp quản lý ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí huy động từ sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn kinh phí thu hợp pháp khác.

Việc lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động quản lý nhà nước về thức ăn chăn nuôi, thủy sản thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Nghị định 39/2017/NĐ-CP về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản

  • Số hiệu: 39/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 04/04/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 19/04/2017
  • Số công báo: Từ số 279 đến số 280
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH