Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Bộ Giao thông vận tải

1. Chủ trì tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành có liên quan trong việc sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nguy hiểm trình Chính phủ ban hành; tổng hợp báo cáo về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại Nghị định này.

2. Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện thủy nội địa và phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chở hàng hóa nguy hiểm, thiết bị chuyên dùng gắn cố định (không thể tách rời) trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

3. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

Điều 22. Bộ Công an

1. Quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm loại 1 và loại 4 trong phạm vi quản lý; quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và tổ chức thực hiện việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Nghị định này.

2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nguy hiểm loại 1, loại 4 và loại 9 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

3. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.

Điều 23. Bộ Quốc phòng

1. Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm và tổ chức thực hiện việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 2 Điều 17 của Nghị định này.

2. Thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh và phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa nguy hiểm, phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa trong khu vực biên giới, cửa khẩu biên giới đất liền, cửa khẩu cảng theo quy định của pháp luật; bố trí làn dành riêng cho phương tiện chuyên chở hàng hóa nguy hiểm lưu thông tại cửa khẩu biên giới đất liền có nhiều phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm hoạt động.

Điều 24. Bộ Khoa học và Công nghệ

1. Quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm, danh mục hàng hóa nguy hiểm và tổ chức thực hiện việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa nguy hiểm loại 5, loại 7, loại 8 theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này trình cấp có thẩm quyền phê duyệt công bố áp dụng

3. Quy định loại hàng hóa nguy hiểm thuộc loại 5, loại 8 khi vận chuyển bắt buộc phải có người áp tải.

4. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.

Điều 25. Bộ Y tế

1. Quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm đối với các loại hóa chất độc dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng trong phạm vi quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nguy hiểm liên quan đến các loại hóa chất độc, chất gây nhiễm bệnh dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng.

3. Quy định loại hàng hóa nguy hiểm liên quan đến các loại hóa chất độc, chất gây nhiễm bệnh dùng trong lĩnh vực y tế và hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng khi vận chuyển bắt buộc phải có người áp tải.

4. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.

Điều 26. Bộ Công Thương

1. Quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm đối với loại 2, loại 3, loại 9, các loại xăng dầu, khí đốt và các hóa chất nguy hiểm, các hóa chất độc nguy hiểm còn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nguy hiểm loại 2, loại 3, loại 9, các loại xăng dầu, khí đốt và các hóa chất nguy hiểm, các hóa chất độc nguy hiểm còn lại theo quy định tại khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

3. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.

Điều 27. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Quản lý danh mục hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa nguy hiểm liên quan đến hóa chất bảo vệ thực vật.

3. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.

Điều 28. Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền.

Điều 29. Bộ Tài chính

Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát xuất nhập cảnh; kiểm tra, giám sát hàng hóa nguy hiểm, phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trong địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của pháp luật.

Điều 30. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Quản lý hoạt động vận chuyển hàng nguy hiểm và tổ chức thực hiện cấp Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Nghị định này.

2. Phối hợp với các bộ, ngành có liên quan trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo thẩm quyền. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm là hóa chất bảo vệ thực vật.

3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã khi xảy ra sự cố trong quá trình vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên địa bàn quản lý, phải thực hiện các nội dung sau:

a) Giúp người điều khiển phương tiện và người áp tải (nếu có) trong việc cứu người, cứu hàng, cứu phương tiện;

b) Đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có sự cố, tổ chức cấp cứu nạn nhân;

c) Tổ chức bảo vệ hàng hóa, phương tiện để tiếp tục vận chuyển hoặc lưu kho, bãi, chuyển tải theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền;

d) Khoanh vùng, sơ tán dân cư ra khỏi khu vực ảnh hưởng nguy hiểm, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên và cơ quan hữu quan khác để huy động các lực lượng cần thiết đến xử lý kịp thời.

Điều 31. Đối với người thuê vận tải

1. Đóng gói đúng kích cỡ, khối lượng hàng và chất liệu bao bì, thùng chứa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại hàng hóa nguy hiểm theo quy định.

2. Bao bì, thùng chứa ngoài phải có nhãn hàng hóa, có dán biểu trưng nguy hiểm, báo hiệu nguy hiểm theo quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

3. Lập 04 bộ hồ sơ về hàng hóa nguy hiểm cần vận chuyển (01 bộ gửi người vận tải hàng hóa nguy hiểm; 01 bộ gửi người xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm; 01 bộ gửi người lái xe hoặc thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện thủy nội địa; 01 bộ lưu người thuê vận tải). Hồ sơ bao gồm: Giấy gửi hàng ghi rõ: Tên hàng hóa nguy hiểm, mã số, loại nhóm hàng, khối lượng tổng cộng, loại bao bì, số lượng bao gói, ngày sản xuất, nơi sản xuất; họ và tên, địa chỉ của người thuê vận tải và người nhận hàng.

4. Thông báo bằng văn bản cho người vận tải về những yêu cầu phải thực hiện trong quá trình vận chuyển, hướng dẫn xử lý trong trường hợp có tai nạn, sự cố kể cả trong trường hợp có người áp tải.

5. Tổ chức hoặc thuê đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm đối với người áp tải, người xếp dỡ, người thủ kho theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này. Cử người áp tải nếu hàng hóa nguy hiểm có quy định bắt buộc có người áp tải.

6. Trang bị đầy đủ đồ bảo hộ theo quy định cho người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ hàng hóa nguy hiểm.

Điều 32. Đối với người vận tải

1. Bố trí phương tiện vận chuyển phù hợp với loại hàng hóa nguy hiểm cần vận chuyển.

2. Kiểm tra hàng hóa bảo đảm an toàn trước khi thực hiện vận chuyển theo quy định.

3. Chấp hành đầy đủ thông báo của người thuê vận tải và những quy định ghi trong Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm.

4. Thực hiện niêm yết biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm loại hàng hóa nguy hiểm đang vận chuyển theo quy định.

5. Phải làm sạch và bóc hoặc xóa biểu trưng nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm sau khi dỡ hết hàng nếu không tiếp tục vận chuyển loại hàng đó.

6. Chấp hành các quy định ghi trong Giấy phép và chỉ được tổ chức vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm còn hiệu lực đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có Giấy phép, có biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm.

7. Chỉ thực hiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi hàng hóa có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp lệ, đóng gói bảo đảm an toàn trong vận chuyển.

8. Phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc rắn khử nhạy đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng có chiều dài dưới 100m hoặc các công trình khác đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện trên hành trình vận chuyển.

9. Phải có phương án ứng cứu sự cố tràn dầu khi vận tải xăng, dầu trên đường thủy nội địa.

10. Tổ chức huấn luyện hoặc thuê đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm đối với người điều khiển phương tiện theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.

Điều 33. Đối với người điều khiển phương tiện, người áp tải

1. Chấp hành các quy định ghi trong Giấy phép và chỉ được tổ chức vận chuyển hàng hóa nguy hiểm khi: Có Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm còn hiệu lực đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có Giấy phép; trên phương, bao bì, thùng chứa có đầy đủ biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm.

2. Thực hiện chỉ dẫn ghi trong thông báo của người thuê vận tải hàng hóa nguy hiểm và chỉ dẫn của người vận tải hàng hóa nguy hiểm.

3. Phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc đặc khử nhạy đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng hoặc các công trình khác đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện trên hành trình vận chuyển.

4. Người điều khiển phương tiện phải mang theo hồ sơ vận chuyển hàng hóa nguy hiểm do người thuê vận tải cung cấp, Giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm còn hiệu lực đối với loại, nhóm, tên hàng hóa quy định phải có Giấy phép, Giấy chứng nhận đã hoàn thành huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm phù hợp với loại, nhóm hàng nguy hiểm đang vận chuyển, chứng chỉ chuyên môn đặc biệt (áp dụng đối với thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện thủy nội địa) và các loại giấy khác theo quy định của pháp luật; bảo quản hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận chuyển khi không có người áp tải hàng hóa.

5. Thực hiện các biện pháp loại trừ hoặc hạn chế khả năng gây hại của hàng hóa nguy hiểm; lập biên bản, báo cáo Ủy ban nhân dân địa phương cấp xã nơi gần nhất và các cơ quan liên quan để xử lý kịp thời khi phát hiện hàng hóa nguy hiểm có sự cố, đe dọa đến an toàn của người, phương tiện, môi trường và hàng hóa khác hoặc khi xảy ra tai nạn giao thông trong quá trình vận chuyển. Trường hợp vượt quá khả năng, phải báo ngay cho người vận tải và người thuê vận tải để cùng phối hợp giải quyết kịp thời.

6. Thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện thủy nội địa có trách nhiệm phân công thuyền viên thường xuyên hướng dẫn, giám sát việc xếp, dỡ hàng hóa nguy hiểm trên phương tiện.

7. Phải theo sự hướng dẫn của đơn vị trực tiếp quản lý hoặc đơn vị thi công khi vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là chất dễ cháy, chất dễ tự bốc cháy, chất nổ lỏng hoặc rắn khử nhạy đi qua các công trình cầu, hầm đặc biệt quan trọng có chiều dài dưới 100m hoặc các công trình khác đang được thi công có nhiệt độ cao, lửa hàn, tia lửa điện trên hành trình vận chuyển.

8. Người áp tải phải mang theo Giấy chứng nhận đã hoàn thành huấn luyện hàng hóa nguy hiểm phù hợp với loại, nhóm hàng nguy hiểm đang vận chuyển.

Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa

  • Số hiệu: 34/2024/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/03/2024
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Trần Hồng Hà
  • Ngày công báo: 17/04/2024
  • Số công báo: Từ số 517 đến số 518
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH