Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33-CP/NĐ

Hà Nội, ngày 24 tháng 2 năm 1973

NGHỊ ĐỊNH

VỀ VIỆC TÀNG TRỮ VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ


Điều 1. Các loại thuốc nổ, kíp nổ, dây cháy, dùng trong sản xuất và chiến đấu (kể cả những loại lấy từ bom, đạn, mìn của địch) đều là vật liệu nổ trong Nghị định này.

Điều 2: Vật liệu nổ là vật tư kỹ thuật đặc biệt do Nhà nước thống nhất quản lý. Vật liệu nổ chỉ được dùng cho các kế hoạch sản xuất và chiến đấu của Nhà nước và những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm được phép của Nhà nước mới được tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ theo các chế độ của chính phủ và những cơ quan có thẩm quyền quy định.

Tất cả các trường hợp tàng trữ, sử dụng khác với quy định trên đây đều bị cấm và xử lý theo Nghị định này.

Điều 3. Sau khi Nghị định này được ban hành công bố, những người còn giữ vật liệu nổ trái phép đều phải đem nộp cho:

a)- Cơ quan, xí nghiệp, đơn vị mình công tác (nếu là vật liệu nổ lấy của cơ quan, xí nghiệp, đơn vị quân đội);

b)- Cơ quan công an từ cấp đồn, huyện, khu phố, thị xã (nếu là vật liệu nổ do nguồn khác mà có).

Những vật liệu nổ tàng trữ, sử dụng trái phép đều bị tịch thu.

Điều 4. Người nào tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ thì bị phạt tiền từ 4 đồng đến 30 đồng.

Nếu tàng trữ vật liệu nổ ở mức độ lớn, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, đến tính mạng và tài sản của nhân dân thì bị truy tố và xử phạt như tội xâm phạm tài sản XHCN.

Những người tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ với mục đích phản cách mạng đều bị xử phạt theo tội phản Cách mạng.

Điều 5. Những người vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ quản lý vật liệu nổ trong các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị mà để mất vật liệu nổ sẽ bị thi hành kỷ luật, và có thể bị truy tố và xử phạt theo tội xâm phạm tài sản XHCN nếu vì những sơ sót kể trên mà gây ra những thiệt hại nghiêm trọng.

Điều 6. Mọi người đều có nghĩa vụ phát hiện và báo cáo cơ quan công an hoặc Ủy ban hành chính địa phương biết những trường hợp tàng trữ, sử dụng trái phép vật liệu nổ và những trường hợp vật liệu nổ rơi vãi không người trông coi. Những người có thành tích trong việc làm tốt nghĩa vụ trên sẽ được xét khen thưởng thích đáng, kể cả thưởng tiền. Việc thưởng tiền do Bộ công an và Bộ Tài chính quy định.

Điều 7. Ông Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Nghị định này. Riêng việc thi hành Nghị định này trong Quân đội thì do ông Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hướng dẫn.

Điều 8. Các ông Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ và các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này trong ngành và địa phương mình.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 33-CP/NĐ năm 1973 về việc tàng trữ và sử dụng vật liệu nổ do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 33-CP/NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 24/02/1973
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/03/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản