Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 301-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1957

NGHỊ ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 301-TTG NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1957 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT SỐ 103/SL-L005 NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 1957 BẢO ĐẢM QUYỀN TỰ DO THÂN THỂ VÀ QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM ĐỐI VỚI NHÀ Ở, ĐỒ VẬT, THƯ TÍN CỦA NHÂN DÂN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật số 103/SL-L005 ngày 20 tháng 5 năm 1957 bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân;
Căn cứ Sắc luật số 002/SLT ngày 18 tháng 6 năm 1957 quy định những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp;
Theo đề nghị của các ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

VIỆC BẮT NGƯỜI PHẠM PHÁP

Điều 1: Ngoài những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp nói ở Điều 4 Luật số 103/SL-L005 ngày 20 tháng 5 năm 1957 và được quy định cụ thể ở Điều 1 và 2 Sắc luật số 002/SLT ngày 18 tháng 6 năm 1957, những cán bộ sau đây được ký lệnh bắt người phạm pháp luật Nhà nước:

a) Việc thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân:

- Công tố uỷ viên, phó công tố uỷ viên, thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố trở lên được tạm uỷ quyền giữ nhiệm vụ công tố trong khi công tố uỷ viên và phó công tố uỷ viên vắng mặt, hoặc được uỷ quyền đi điều tra vụ án ở một địa điểm xa trụ sở Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố.

- Chánh án, phó Chánh án, thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố trở lên được uỷ quyền làm chủ toạ phiên toà đối với những vụ án đem xét xử tại phiên toà ấy. Chủ toạ phiên toà được ký lệnh bắt sau khi đã hỏi ý kiến công tố uỷ viên và được các hội thẩm nhân dân thoả thuận.

b) Việc thuộc thẩm quyền Toà án binh:

- Cục trưởng hoặc Cục phó Cục quân pháp.

- Công tố uỷ viên hoặc công tố uỷ viên Toà án binh các cấp, cán bộ công tố được Cục trưởng Cục quân pháp hoặc công tố uỷ viên Toà án binh uỷ quyền giữ nhiệm vụ công tố trong khi công tố uỷ viên và phó công tố uỷ viên vắng mặt, hoặc được uỷ quyền đi điều tra vụ án ở một địa điểm xa cơ quan mình.

- Chánh án, phó Chánh án, cán bộ thẩm phán được uỷ quyền làm chủ toạ phiên toà, đối với những vụ án đem xét xử tại phiên toà ấy. Chủ toạ phiên toà được ký lệnh bắt sau khi đã hỏi ý kiến công tố uỷ viên và được các hội thẩm Toà án binh thoả thuận.

Lệnh bắt phải ghi rõ lý do và đọc cho người bị bắt nghe.

Điều 2: Trong những trường hợp khẩn cấp quy định ở Điều 2 Sắc luật số 002/SLT ngày 18 tháng 6 năm 1957, những cán bộ công an sau đây có quyền bắt giữ hoặc ra lệnh giữ người phạm pháp luật Nhà nước:

- Trưởng đội tuần tra;

- Trưởng đồn, phó đồn công an;

- Trưởng công an huyện, châu, phó công an huyện, châu;

- Trưởng quận công an, phó quận công an;

- Trưởng ban, phó ban ở Ty công an;

- Trưởng Ty, phó Ty công an;

- Trưởng phòng, phó phòng ở Sở công an thành phố, ở công an khu hoặc liên khu;

- Giám đốc, phó giám đốc Sở công an thành phố; giám đốc, phó giám đốc công an khu hoặc liên khu;

- Giám đốc, phó Giám đốc Vụ, Cục ở Bộ Công an.

Trong hạn hai mươi bốn giờ sau khi bắt giữ người phạm pháp, thì trưởng đội tuần tra, trưởng đồn, phó đồn công an, trưởng công an huyện, châu, phó công an huyện, châu, trưởng Quận công an, phó Quận công an phải kiểm tra soát căn cước, sơ bộ hỏi cung can phạm và gửi báo cáo viết cho trưởng Ty công an hoặc giám đốc Sở công an thành phố.

Trong thời hạn ba ngày kể từ khi giữ can phạm, trưởng Ty, phó Ty công an, giám đốc, phó giám đốc Sở công an thành phố, giám đốc, phó giám đốc công an khu hoặc liên khu, giám đốc, phó giám đốc các Vụ, Cục ở Bộ Công an phải báo cáo cho cơ quan tư pháp cấp tương đương biết.

Điều 3: Trong các trường hợp khẩn cấp, nếu cán bộ công an nói ở Điều 2 trên đây không có mặt tại chỗ xảy ra vụ phạm pháp thì những cán bộ sau đây thuộc bộ đội bảo vệ và bộ đội quốc phòng có quyền bắt giữ người phạm pháp luật Nhà nước:

a) Đội trưởng đang chỉ huy đội tuần tra kiểm soát của bộ đội bảo vệ;

b) Đội trưởng đang chỉ huy đội tuần tra biên phòng;

c) Ban chỉ huy đồn biên phòng;

d) Thủ trưởng đơn vị bộ đội bảo vệ từ cấp đại đội trở lên;

đ) Thủ trưởng đơn vị bộ đội quốc phòng từ cấp đại đội trở lên trong khi đơn vị ấy làm nhiệm vụ cuả bộ đội bảo vệ;

e) Thủ trưởng các cơ quan và đơn vị bộ đội quốc phòng từ cấp trung đoàn trở lên, hoặc tiểu đoàn độc lập, đại đội độc lập khi vụ phạm pháp xảy ra trong khu vực đóng quân hoặc trong phạm vi doanh trại quân đội.

Đối với các vụ phạm pháp thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân thì trong hạn hai mươi bốn giờ phải giải can phạm lên cơ quan công an nơi gần nhất để tiếp tục điều tra.

Đối với các vụ phạm pháp thuộc thẩm quyền Toà án binh, thì trong hạn hai mươi bốn giờ phải giải can phạm lên Toà án binh nơi gần nhất.

Chương 2:

VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, TẠM THA

Điều 4: Lệnh tạm giữ người phạm pháp phải ghi rõ lý do ngày hết hạn tạm giữ và phải đọc cho can phạm nghe.

Trong hạn hai mươi bốn giờ kể từ lúc tạm giữ can phạm, thẩm phán Toà án nhân dân huyện, châu, công an huyện, châu hoặc đồn công an trở lên, cán bộ quân đội có trách nhiệm điều tra vụ phạm pháp, phải hỏi cung can phạm.

Điều 5: Trong trường hợp cơ quan tư pháp hoặc công an thi hành lệnh bắt người của một Toà án nhân dân, một Toà án binh, hoặc của Cục Quân pháp, thì sau khi kiểm soát căn cước người bị bắt, phải cho giải ngay người ấy đến cơ quan đã ký lệnh bắt. Trong trường hợp cơ quan công an đương tiến hành điều tra một vụ phạm pháp đã được Toà án nhân dân ký lệnh bắt người phạm pháp thì người bị bắt phải được giải thẳng đến cơ quan công an ấy để xét hỏi.

Điều 6: Lệnh tạm giam hoặc gia hạn tạm giam phải do một trong số cán bộ ghi ở Điều 1 nghị định này ký. Lệnh phải ghi rõ lý do việc tạm giam, ngày hết hạn tạm giam hoặc hết thời hạn gia hạn tạm giam và phải giao một bản sao cho can phạm. Lúc ra lệnh tạm giam, hoặc gia hạn tạm giam một người phạm pháp, cơ quan Tư pháp phải báo tin cho thân nhân người ấy biết lý do việc tạm giam và cơ quan đã ra lệnh tạm giam, trừ trường hợp việc báo tin đó có thể làm trở ngại cho công tác điều tra trinh sát, hoặc trường hợp không có cách nào báo tin được.

Lệnh tha hẳn hoặc lệnh tạm tha những người bị tạm giam, tuỳ trường hợp, phải do một trong số cán bộ ghi ở Điều 1 nghị định này ký, và phải giao một bản sao cho người được tha hẳn hoặc được tạm tha.

Điều 7: Đối với những vụ phạm pháp thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố đang ở trong thời kỳ điều tra thẩm cứu, thì công tố uỷ viên Toà án tỉnh hoặc thành phố, phải báo cáo việc gia hạn tạm giam lần thứ nhất lên công tố uỷ viên Toà án nhân dân phúc thẩm. Việc gia hạn tạm giam lần thứ hai phải được công tố uỷ viên Toà án nhân dân phúc thẩm chuẩn y trước.

Đối với những vụ phạm pháp thuộc thẩm quyền Toà án binh, thì công tố uỷ viên Toà án binh phải báo cáo việc gia hạn tạm giam lần thứ nhất lên Cục trưởng Cục Quân pháp. Việc gia hạn tạm giam lần thứ hai phải được Cục trưởng Cục Quân pháp chuẩn y trước.

Điều 8: Trong trường hợp có những vụ án phức tạp, đã gia hạn tạm giam hai lần mà điều tra vẫn chưa xong, thì việc gia hạn tạm giam phải được chuẩn y trước của Bộ Tư pháp nếu vụ án thuộc thẩm quyền Toà án nhân dân hoặc của Bộ Quốc phòng nếu vụ án thuộc thẩm quyền Toà án binh.

Điều 9: Khi hồ sơ vụ án đã chuyển sang Toà án nhân dân tỉnh hoặc thành phố, Toà án nhân dân phúc thẩm hoặc Toà án binh để xét xử, thì kể từ ngày nhận được hồ sơ, các Toà án trên phải xét xử trong thời hạn hai tháng đối với những vụ án mà luật pháp phạt từ năm năm tù trở xuống, và trong thời hạn bốn tháng đối với những vụ án mà luật pháp phạt trên năm năm tù.

Điều 10: Nếu can phạm bị một Toà án xử sơ thẩm tuyên án phạt tù, nhưng chưa bị tạm giam và đã ký chống án hoặc đang còn trong thời hạn được ký chống án, thì can phạm vẫn được tại ngoại để chờ Toà án nhân dân phúc thẩm xử chung thẩm, trừ trường hợp Toà án xử sơ thẩm quyết định cần tạm giam ngay.

Nếu can phạm đã bị tạm giam một thời hạn bằng một thời hạn phạt giam do Toà án sơ thẩm xử thì can phạm dù có ký hoặc không ký chống án cũng được tha ngay.

Điều 11: Giám thị trại tạm giam của tỉnh, thành phố, khu, liên khu hoặc của Toà án binh có nhiệm vụ chuyển những đơn khiếu nại về việc tạm giữ, tạm giam, những đơn xin tạm tha của can phạm đến công tố uỷ viên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, Toà án nhân dân phúc thẩm hoặc Toà án binh để giải quyết hoặc để chuyển đến cơ quan đã ra lệnh tạm giữ, tạm giam giải quyết tuỳ theo trại giam đó thuộc phạm vi kiểm tra của công tố uỷ viên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, Toà án nhân dân phúc thẩm hoặc Toà án binh.

Giám thị trại tạm giam của tỉnh, thành phố, khu, liên khu hoặc của Toà án binh có nhiệm vụ báo cáo cho cơ quan đã ra lệnh tạm giữ, tạm giam biết mỗi khi thời hạn tạm giữ, tạm giam một can phạm đã hết. Nếu thời hạn tạm giữ, tạm giam đã hết mà chưa nhận được lệnh tha, tạm tha, tạm giam hoặc gia hạn tạm giam, thì giám thị trại tạm giam phải báo cáo gấp cho công tố viên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, Toà án nhân dân phúc thẩm hoặc Toà án binh tuỳ theo trại tạm giam đó thuộc phạm vi kiểm tra của công tố uỷ viên Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, Toà án nhân dân phúc thẩm hoặc Toà án binh, đồng thời báo cáo lên cấp trên của mình.

Công tố uỷ viên, phó công tố uỷ viên các Toà án nhân dân tỉnh, thành phố, Toà án nhân dân phúc thẩm hoặc Toà án binh có nhiệm vụ kiểm tra thường xuyên trại tạm giam thuộc cấp mình để ngăn ngừa những việc giam giữ không hợp pháp. Gặp một việc giam giữ không hợp pháp thì công tố uỷ viên phải dùng mọi biện pháp để giải quyết mau chóng, đồng thời báo cáo lên cấp trên của mình và cho Uỷ ban hành chính cấp tương đương biết.

Chương 3:

VIỆC KHÁM NGƯỜI, KHÁM ĐỒ VẬT, NHÀ Ở VÀ THƯ TÍN

Điều 12: Trừ những trường hợp định ở Điều 10 và Điều 11 Luật số 103/SL-L005 ngày 20-5-1957, những cán bộ tư pháp ghi ở Điều 1 nghị định này và những người thi hành lệnh viết của các cán bộ ấy, được phép khám người, đồ vật, nhà ở và thư tín của tư nhân.

Điều 13: Trong những trường hợp phạm pháp quả tang, những cán bộ sau đây có quyền khám người và đồ vật của người phạm pháp và những người liên quan đến vụ án:

- Thẩm phán Toà án nhân dân huyện, châu trở lên;

- Cán bộ công tố của Toà án binh;

- Nhân viên và cán bộ công an, chiến sĩ và và cán bộ bộ đội bảo vệ, bộ đội biên phòng, chiến sĩ và cán bộ bộ đội quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ.

Điều 14: Trong những trường hợp đang tiến hành điều tra vụ án mà can phạm đang bị tạm giữ, hoặc tạm giam, hoặc trong trường hợp được uỷ quyền điều tra toàn bộ vụ phạm pháp, những cán bộ và nhân viên sau đây có quyền khám người và đồ vật của người phạm pháp và những người có liên quan đến vụ án:

- Thẩm phán Toà án nhân dân huyện, châu trở lên;

- Cán bộ công tố của Toà án binh;

- Trưởng công an huyện, châu, phó công an huyện, châu, trưởng đồn, phó đồn công an trở lên;

- Những nhân viên thi hành lệnh viết của các cán bộ nói trên.

Điều 15: Trong những trường hợp khẩn cấp hoặc có triệu chứng phạm pháp, những cán bộ và nhân viên sau đây có quyền khám người và đồ vật của người phạm pháp và những người có liên quan đến vụ án:

- Cán bộ nói ở Điều 2, 3 Nghị định này và những người thi hành lệnh viết của các cán bộ ấy.

- Nhân viên công an, chiến sĩ bộ đội bảo vệ, bộ đội biên phòng, hoặc chiến sĩ bộ đội quốc phòng làm nhiệm vụ bảo vệ khi đang kiểm soát, tuần tra hoặc bảo vệ.

Điều 16: Trong những trường hợp phạm pháp quả tang, hoặc trong những trường hợp đang tiến hành điều tra vụ phạm pháp mà can phạm đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc trong những trường hợp được uỷ quyền điều tra toàn bộ vụ án, những cán bộ sau đây có quyền khám nhà ở và thư tín của người phạm pháp và những người có liên quan đến vụ án:

- Thẩm phán Toà án nhân dân huyện, châu trở lên;

- Cán bộ công tố Toà án binh;

- Cán bộ nói ở Điều 2, 3 Nghị định này;

- Những nhân viên thi hành lệnh viết của các cán bộ nói trên.

Điều 17: Trong những trường hợp khẩn cấp hoặc có triệu chứng phạm pháp, những cán bộ nói ở Điều 2, 3 Nghị định này và những nhân viên thi hành lệnh viết của các cán bộ ấy có thể khám nhà ở và thư tín của người phạm pháp.

Điều 18: Uỷ ban hành chính xã trong khi làm nhiệm vụ tư pháp, trưởng công an và phó công an xã có quyền khám người, đồ vật, nhà ở của người phạm pháp quả tang và những người có liên quan đến vụ phạm pháp quả tang xảy ra trong xã mình.

Điều 19: Nếu khám nhà trong những trường hợp phạm pháp quả tang, những trường hợp khẩn cấp hoặc có triệu chứng phạm pháp, mà các cán bộ ghi ở Điều 16 và 17 trên đây không có điều kiện để cùng đi khám với một uỷ viên Uỷ ban hành chính địa phương và không có một người láng giềng chứng kiến, thì sau khi khám nhà xong, lúc lập biên bản phải có chữ ký của một người trong nhà và sau đó lấy chữ ký của một uỷ viên Uỷ ban hành chính địa phương chứng thực.

Điều 20: Việc khám người, đồ vật, nhà ở của người phạm pháp có thể tiến hành bất cứ lúc nào ban ngày cũng như ban đêm.

Khi khám người một phụ nữ phạm pháp cần có một phụ nữ khám ở một nơi kín đáo.

Điều 21: Trong mọi trường hợp, nếu bắt được tang vật, thì phải niêm phong, giao người coi giữ, hoặc chuyển đến cơ quan đang tiến hành cuộc điều tra.

Nghiêm cấm lấy cắp, thay đổi, làm mất, làm hỏng tang vật.

Điều 22: Nếu trong khi tiến hành việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khám người, khám nhà ở mà gặp những trường hợp thật cần thiết sau đây, người thi hành nhiệm vụ có thể dùng vũ khí:

a) Khi thi hành việc bắt, giữ, giam, khám, mà gặp sức kháng cự của kẻ phạm pháp, cần phải bảo vệ tính mệnh của mình hoặc của người khác đang bị đe doạ nghiêm trọng.

b) Khi cần phải ngăn chặn những người phạm tội chính trị hoặc hình sự quan trong có hành động trốn tránh pháp luật.

c) Khi người bị giam đang vượt trại giam hoặc khi can phạm quan trọng chạy trốn trong lúc đang bị dẫn giải.

Trong cả ba trường hợp trên, người thi hành nhiệm vụ chỉ được dùng vũ khí sau khi đã cảnh cáo, đã ra lệnh hoặc đã hô "Đứng lại!" hoặc "Giơ tay lên!" mà kẻ phạm pháp không tuân theo hoặc vẫn cố tình chống cự lại.

Điều 23: Nhân viên công an và chiến sĩ bộ đội bảo vệ đang làm công tác cảnh sát hành chính có quyền kiểm soát người, giấy tờ, căn cước, hành lý, hàng hoá ở trên tàu, trên xe, hoặc ở những bến tàu, bến ô tô, trường bay, nhà ga, hải cảng, cửa khẩu, biên giới ở những địa điểm khác do Uỷ ban hành chính hoặc cơ quan công an từ cấp tỉnh trở lên quy định.

Khi thấy có triệu chứng phạm pháp, thì những nhân viên và chiến sĩ trên đây có quyền yêu cầu người tình nghi phạm pháp đến đồn hoặc quận công an để điều tra thêm, người này bắt buộc phải tuân theo.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 24: Trừ những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp khẩn cấp, những quân nhân phạm pháp luật Nhà nước do các cán bộ trong quân đội nói ở Điều 1 đoạn b Nghị định này ra lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam.

Những quân nhân phạm pháp bị bắt trong những trường hợp quả tang hoặc những trường hợp khẩn cấp thì trong hạn hai mươi bốn giờ phải giải lên Toà án nơi gần nhất.

Điều 25: Những điều khoản ban hành trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 26: Các ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Công an, và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phạm Văn Đồng

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 301-TTg năm 1957 thi hành Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân do Thủ tướng chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 301-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/07/1957
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 17/07/1957
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 25/07/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản