Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 30/1998/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

Chương 3:

ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

Điều 13. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với việc đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng. Thủ tục đăng ký thuế theo Nghị định số 28/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 1998 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng.

Điều 14. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai và nộp tờ khai thuế tạm nộp cả năm cho cơ quan thuế chậm nhất là ngày 25 của tháng 1 hàng năm. Mẫu tờ khai thuế do Bộ Tài chính quy định. Nếu việc kê khai thuế tạm nộp cả năm của cơ sở kinh doanh không có căn cứ thì cơ quan thuế có quyền ấn định số thuế tạm nộp từng quý và cả năm.

Điều 15. Việc điều chỉnh số thuế thu nhập tạm nộp hàng quý và cả năm chỉ trong trường hợp có sự thay đổi lớn về sản xuất, kinh doanh. Cơ quan thuế nhận được đề nghị điều chỉnh số thuế tạm nộp hàng quý và cả năm của cơ sở kinh doanh, phải xem xét nếu đúng có sự thay đổi lớn về sản xuất, kinh doanh, về số thuế thu nhập tạm nộp, phải thông báo để điều chỉnh lại số tạm nộp cho phù hợp.

Điều 16. Tổng cục Thuế hướng dẫn việc kê khai khoán doanh thu và tỷ lệ thu nhập chịu thuế áp dụng trên doanh thu đối với cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo khoản 2 Điều 12 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, phù hợp với từng ngành nghề kinh doanh, giữa các huyện trong cùng tỉnh, thành phố và giữa các huyện giáp ranh của hai tỉnh, thành phố.

Điều 17. Việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định như sau :

1. Cơ sở kinh doanh tạm nộp số thuế hàng quý đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế. Thời hạn nộp thuế được ghi trong thông báo chậm nhất không quá ngày cuối quý.

2. Cơ sở kinh doanh chưa thực hiện đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ thì tính thuế theo tỷ lệ thu nhập chịu thuế trên doanh thu, phải nộp thuế hàng tháng theo thông báo của cơ quan thuế. Thời hạn nộp thuế của tháng được ghi trong thông báo chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo.

3. Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng với cơ quan thuế nơi mua hàng trước khi vận chuyển hàng đi.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng có thu nhập phát sinh ở Việt Nam thì tổ chức, cá nhân ở Việt Nam chi trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ tiền thuế theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và nộp vào ngân sách nhà nước cùng thời điểm chuyển trả tiền cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Điều 18. Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính và nộp bằng đồng Việt Nam.

Điều 19. Cơ sở kinh doanh phải quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm với cơ quan thuế theo mẫu do Bộ Tài chính quy định.

Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch. Trường hợp cơ sở kinh doanh được phép áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì được quyết toán theo năm tài chính đó.

Quyết toán thuế phải thể hiện đúng, đầy đủ các khoản :

1. Doanh thu.

2. Chi phí hợp lý.

3. Thu nhập chịu thuế.

4. Số thuế thu nhập phải nộp.

5. Số thuế thu nhập đã tạm nộp trong năm.

6. Số thuế thu nhập đã nộp ở nước ngoài cho các khoản thu nhập nhận được từ nước ngoài.

7. Số thuế thu nhập nộp thiếu hoặc nộp thừa.

Điều 20. Cơ sở kinh doanh phải nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính; nộp đầy đủ số thuế còn thiếu theo báo cáo quyết toán trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán; nếu nộp thừa được trừ vào số thuế phải nộp của kỳ tiếp theo.

Điều 21. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, cơ sở kinh doanh vẫn phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế và gửi báo cáo quyết toán trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản.

Điều 22. Sau khi nhận được báo cáo quyết toán thuế, cơ quan thuế phải xem xét kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, được phép tiến hành kiểm tra tại cơ sở kinh doanh. Kết thúc kiểm tra phải có biên bản và kiến nghị biện pháp xử lý.

Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm thực hiện theo biên bản kiểm tra của cơ quan thuế.

Điều 23. Trong quá trình kiểm tra quyết toán thuế, nếu phát hiện giá mua, giá bán, chi phí kinh doanh của cơ sở kinh doanh không hợp lý, cơ quan thuế có quyền xác định lại theo giá thị trường trong và ngoài nước để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 24. Cơ quan thuế có những nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm sau đây:

1. Hướng dẫn cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

2. Thông báo cho cơ sở kinh doanh về số thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế theo đúng quy định. Nếu quá thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo mà cơ sở kinh doanh chưa nộp thì tiếp tục ra thông báo về số thuế và số tiền phạt chậm nộp; nếu cơ sở kinh doanh vẫn không nộp đủ số thuế, số tiền phạt theo thông báo thì có quyền áp dụng hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 4 Điều 24 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt; nếu đã thực hiện các biện pháp xử lý trên mà cơ sở kinh doanh vẫn không nộp đủ số thuế, số tiền phạt thì chuyển hồ sơ sang cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh.

4. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế.

5. Yêu cầu cơ sở kinh doanh cung cấp sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu có liên quan đến việc tính thuế, nộp thuế.

6. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở kinh doanh và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

Điều 25. Cơ quan thuế có quyền ấn định thu nhập chịu thuế để tính thuế đối với cơ sở kinh doanh trong các trường hợp sau :

1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

2. Không kê khai hoặc kê khai không đúng các căn cứ để tính thuế hoặc không chứng minh được các căn cứ đã ghi trong tờ khai theo yêu cầu của cơ quan thuế.

3. Từ chối việc xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc tính thuế.

4. Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh mà bị phát hiện.

Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh hoặc căn cứ vào thu nhập chịu thuế của cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, có quy mô kinh doanh tương đương để ấn định thu nhập chịu thuế.

Trong trường hợp cơ sở kinh doanh không đồng ý với mức ấn định thu nhập chịu thuế thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp; trong khi chờ giải quyết cơ sở kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo mức thuế đã ấn định.

Nghị định 30/1998/NĐ-CP Hướng dẫn Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

  • Số hiệu: 30/1998/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 13/05/1998
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 19
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH