Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 29/2009/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán tàu biển

Chương 3.

MUA, BÁN VÀ ĐÓNG MỚI TÀU BIỂN

Điều 24. Nguyên tắc mua, bán và đóng mới tàu biển

1. Việc mua, bán và đóng mới tàu biển là hoạt động đầu tư đặc thù. Trình tự, thủ tục đầu tư mua, bán và đóng mới tàu biển thực hiện theo quy định của Bộ luật Hàng hải Việt Nam và Nghị định này.

2. Dự án mua, bán và đóng mới tàu biển phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển ngành và đội tàu biển quốc gia; bảo đảm các điều kiện về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 25. Các dự án mua, bán và đóng mới tàu biển

Các dự án mua, bán và đóng mới tàu biển được phân loại theo nguồn vốn như sau:

1. Các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên gọi tắt là các dự án sử dụng vốn nhà nước

2. Các dự án không sử dụng vốn nhà nước và các dự án sử dụng vốn nhà nước dưới 30% gọi tắt là các dự án không sử dụng vốn nhà nước

Điều 26. Hình thức mua, bán và đóng mới tàu biển

1. Đối với dự án mua, bán tàu biển sử dụng vốn nhà nước

a) Việc mua, bán tàu biển giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế với ít nhất có 03 (ba) người chào hàng như chủ sở hữu tàu hoặc người thuê tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu, người môi giới và nhà máy đóng tàu;

b) Việc mua, bán tàu biển giữa các tổ chức, cá nhân Việt Nam được thực hiện bằng hình thức đấu giá hoặc chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.

2. Đối với dự án đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước được thực hiện bằng hình thức chào hàng cạnh tranh với ít nhất 03 nhà máy đóng tàu hoặc đại diện của nhà máy đóng tàu.

3. Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước, hình thức mua, bán và đóng mới tàu biển do các tổ chức, cá nhân quyết định.

Điều 27. Trình tự thực hiện dự án mua, bán và đóng mới tàu biển

Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo trình tự sau:

1. Lựa chọn tàu hoặc người mua tàu, nhà máy đóng tàu

2. Lập, trình phê duyệt dự án mua, bán và đóng mới tàu biển

3. Quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển

Điều 28. Thẩm quyền quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển

1. Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (do Thủ tướng Chính phủ thành lập) quyết định đầu tư dự án có vốn đầu tư từ 75 tỷ đồng trở lên.

b) Thủ trưởng Tổng cục, Cục trực thuộc Bộ, Tổng công ty nhà nước (do Bộ trưởng thành lập) quyết định đầu tư dự án có vốn đầu tư dưới 75 tỷ đồng

Trường hợp các dự án chưa có trong quy hoạch ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư phải báo cáo Bộ quản lý ngành để quyết định đầu tư.

2. Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước do tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển quyết định.

Điều 29. Hồ sơ mua, bán và đóng mới tàu biển

1. Hồ sơ mua tàu biển:

a) Tờ trình về mua tàu biển;

b) Dự án mua tàu biển gồm các nội dung về sự cần thiết của việc đầu tư, loại tàu, số lượng, thông số kỹ thuật cơ bản của tàu, giá tàu dự kiến, nguồn vốn mua tàu, hình thức mua tàu, phương án khai thác, hiệu quả kinh tế và các nội dung cần thiết khác;

c) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;

d) Báo cáo giám định kỹ thuật tàu biển của Đăng kiểm Việt Nam hoặc của đăng kiểm nước ngoài, giám định viên tàu biển quốc tế theo chỉ định của người mua, bán tàu biển được Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận;

đ) Bản sao các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu do tổ chức đăng kiểm có thẩm quyền cấp;

e) Thỏa thuận bảo lãnh tiền vay, nếu người bán tàu biển hoặc người cho vay vốn yêu cầu

2. Hồ sơ bán tàu biển:

a) Tờ trình đề nghị bán tàu biển;

b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển Việt Nam, trong đó có nội dung về tình trạng sở hữu tàu biển;

c) Bản sao các giấy chứng nhận về an toàn hàng hải, phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu do tổ chức đăng kiểm có thẩm quyền cấp.

3. Hồ sơ đóng mới tàu biển:

a) Tờ trình về đóng mới tàu biển;

b) Dự án đóng mới tàu biển: gồm các nội dung về sự cần thiết của đóng mới tàu biển, dự kiến nhà máy đóng tàu, thời gian đóng và thời gian giao tàu; tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, phương thức và kỳ hạn thanh toán, thông số kỹ thuật cơ bản của tàu, phương án khai thác, hiệu quả kinh tế và các nội dung cần thiết khác;

c) Hồ sơ thiết kế cơ bản của tàu đóng mới;

d) Nội dung chính của dự thảo hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận tương đương;

đ) Thỏa thuận bảo lãnh tiền vay, nếu người đóng mới tàu biển hoặc người cho vay vốn yêu cầu.

4. Đối với dự án mua, bán và đóng mới tàu biển không sử dụng vốn nhà nước, hồ sơ do tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển quyết định nhưng với dự án mua tàu biển phải thực hiện quy định tại các điểm c, d, đ khoản 1 Điều này.

Điều 30. Quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển

Căn cứ hồ sơ mua, bán và đóng mới tàu biển quy định tại Điều 29 của Nghị định này, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này quyết định việc mua, bán và đóng mới tàu biển.

Điều 31. Trách nhiệm và quyền hạn của người mua, bán và đóng mới tàu biển

1. Tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển chịu trách nhiệm:

a) Tính xác thực và hợp pháp của tài liệu kèm theo hồ sơ dự án mua, bán và đóng mới tàu biển đã trình các tổ chức, cá nhân quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển;

b) Tính xác thực và chất lượng kỹ thuật của tàu biển, giá mua, bán, đóng mới tàu biển và điều kiện tài chính của dự án mua, bán và đóng mới tàu biển;

c) Nội dung các điều khoản của dự thảo hợp đồng mua, bán và đóng mới tàu biển và chỉ được ký chính thức hợp đồng mua, bán và đóng mới tàu biển khi đã có quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

2. Quyền hạn của tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển:

a) Được trực tiếp giao dịch, ký kết hợp đồng mua, bán, đóng mới tàu biển và làm thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu tàu biển trên cơ sở quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển của cấp có thẩm quyền.

b) Trong trường hợp xét thấy cần thiết, tổ chức, cá nhân mua, bán và đóng mới tàu biển có thể thuê tư vấn xây dựng dự án hoặc ủy thác cho người khác làm thủ tục giao nhận, xuất nhập khẩu tàu biển.

Điều 32. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển

Căn cứ Quyết định mua, bán và đóng mới tàu biển, hợp đồng mua, bán và đóng mới tàu biển, biên bản giao nhận tàu biển và văn bản xác nhận tình trạng kỹ thuật tàu biển Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan hải quan có trách nhiệm làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển.

Nghị định 29/2009/NĐ-CP về đăng ký và mua, bán tàu biển

  • Số hiệu: 29/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/03/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 06/04/2009
  • Số công báo: Từ số 181 đến số 182
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH