Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 26/2012/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN, THU GOM, PHÂN LOẠI, BẢO QUẢN, THANH LÝ, TIÊU HỦY VŨ KHÍ, VẬT LIỆU NỔ VÀ CÔNG CỤ HỖ TRỢ

Điều 7. Vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Công an chủ trì, hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) chỉ đạo thực hiện mở đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên phạm vi toàn quốc.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền quản lý mở đợt vận động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại địa phương.

3. Trình tự tổ chức vận động

a) Ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

b) Thực hiện công tác tuyên truyền liên quan tới việc tổ chức cuộc vận động, trong đó tập trung nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức, cá nhân giao nộp.

c) Quy định cụ thể địa điểm tiếp nhận và thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

d) Quy định cụ thể thành phần tham gia cuộc vận động.

đ) Chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ cho việc tiếp nhận, thu gom.

e) Tổ chức tiếp nhận.

Điều 8. Thẩm quyền tiếp nhận, thu gom, phân loại, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Tiếp nhận, thu gom, phân loại

a) Cơ quan Quân sự, Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã trở lên có thẩm quyền tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

b) Cơ quan Quân sự, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây viết gọn là cấp huyện), cấp Trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom.

2. Thanh lý

Cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này có thẩm quyền quyết định thanh lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để tiến hành tiêu hủy.

3. Tiêu hủy

Cơ quan Quân sự, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên thực hiện việc tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau khi có quyết định thanh lý.

Điều 9. Trình tự, thủ tục tiếp nhận, thu gom vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Trình tự, thủ tục tiếp nhận

a) Lập sổ tiếp nhận và ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến việc giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

b) Lập biên bản về việc giao nộp. Biên bản được lập thành hai bản, một bản giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nộp, một bản lưu tại cơ quan tiếp nhận.

2. Trình tự, thủ tục thu gom

a) Lập biên bản và ghi đầy đủ các thông tin liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được thu gom và thông tin liên quan đến cơ quan, tổ chức, cá nhân trình báo, cung cấp thông tin.

b) Trường hợp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không xác định được đơn vị quản lý hoặc số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sau chiến tranh còn tồn tại ở ngoài xã hội thì phải tổ chức bảo vệ, thu gom theo thẩm quyền.

c) Đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại hoặc các vũ khí khác cần phải có kỹ thuật chuyên ngành của cơ quan Quân sự xử lý thì cơ quan Công an hoặc Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận thông tin phải thông báo ngay cho cơ quan Quân sự từ cấp huyện trở lên để thu gom, xử lý.

d) Tiến hành thu gom.

3. Trường hợp cơ quan tiếp nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nghi có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội thì phải trao đổi với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Tổ chức giao nhận vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Việc lập thống kê bàn giao cho cơ quan Quân sự để xử lý theo quy định đối với bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận, thu gom, thực hiện như sau:

a) Cơ quan Công an và Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện lập thống kê bàn giao cho cơ quan Quân sự cấp huyện.

b) Cơ quan Công an cấp tỉnh và các đơn vị thuộc Bộ Công an lập thống kê bàn giao cho cơ quan Quân sự cấp tỉnh.

Khi bàn giao phải lập biên bản, kèm theo bảng thống kê ghi cụ thể chủng loại, số lượng, nguồn gốc.

2. Việc vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ bàn giao theo quy định tại Khoản 1 Điều này do lực lượng chuyên ngành của cơ quan Quân sự đảm nhiệm.

3. Bộ Quốc phòng quy định cụ thể việc tiếp nhận, thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy bom, mìn, lựu đạn, quả nổ, ngư lôi, thủy lôi, hỏa cụ, vật liệu nổ, đầu đạn tên lửa, đạn pháo và đầu đạn pháo các loại đã tiếp nhận, thu gom hoặc do các cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội chuyển giao.

Điều 11. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiếp nhận, thu gom

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được bảo quản chặt chẽ theo quy định. Có nội quy, phương án phòng cháy, chữa cháy. Không được bảo quản chung trong kho vũ khí, khí tài, kho tài liệu, kho vật tư của đơn vị.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành tiêu chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thuộc phạm vi quản lý; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành tiêu chuẩn kho bảo quản vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Điều 12. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý, tiêu hủy và giám sát tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom phải được thống kê, phân loại để xác định chất lượng và giá trị sử dụng phục vụ cho việc xử lý.

2. Trình tự, thủ tục phân loại, thanh lý

a) Cơ quan Quân sự, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên có trách nhiệm phân loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã tiếp nhận, thu gom được để đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp quyết định xử lý theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định này hoặc để thanh lý, tiêu hủy.

b) Cơ quan cấp trên khi nhận được văn bản đề nghị phải xem xét và cho ý kiến bằng văn bản về việc cho phép đưa vào sử dụng số vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn giá trị sử dụng hoặc thành lập Hội đồng để quyết định việc thanh lý (sau đây viết gọn là Hội đồng thanh lý). Thành phần Hội đồng thanh lý bao gồm:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý là Chủ tịch Hội đồng;

- Đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn kỹ thuật về quân khí cùng cấp; cơ quan đề nghị thanh lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là thành viên Hội đồng.

3. Trình tự, thủ tục tiêu hủy

a) Cơ quan đề nghị thanh lý sau khi được Hội đồng thanh lý cho phép tiêu hủy phải đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp của đơn vị cấp Trung đoàn phê duyệt thành lập Hội đồng tiêu hủy và phương án tiêu hủy. Hội đồng tiêu hủy có trách nhiệm giám sát trong suốt quá trình tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Thành phần Hội đồng tiêu hủy bao gồm:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan đề nghị thanh lý là Chủ tịch Hội đồng.

- Đại diện cơ quan chuyên môn kỹ thuật về quân khí và cơ quan môi trường cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có địa điểm tiêu hủy là thành viên Hội đồng.

b) Phương án tiêu hủy

Phương án tiêu hủy bao gồm các nội dung sau: Số lượng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ phải tiêu hủy; thời gian, địa điểm, hình thức tiêu hủy; biện pháp bảo đảm an toàn, bảo đảm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và các yêu cầu cần thiết khác.

c) Trường hợp số vũ khí, vật liệu nổ có nguy cơ mất an toàn, cần xử lý khẩn cấp thì không phải thành lập Hội đồng thanh lý, tiêu hủy mà Thủ trưởng cơ quan Quân đội, Công an cấp huyện, cấp Trung đoàn trở lên quyết định tiêu hủy. Sau khi tiêu hủy phải báo cáo bằng văn bản gửi lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền quyết định thanh lý.

d) Sau khi tiêu hủy, phải tiến hành kiểm tra tại hiện trường, bảo đảm tất cả vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tiêu hủy đã bị làm mất khả năng phục hồi tính năng, tác dụng. Kết quả tiêu hủy phải được lập thành biên bản, có xác nhận của Chủ tịch và các thành viên Hội đồng.

Nghị định 26/2012/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền và kinh phí phục vụ việc tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

  • Số hiệu: 26/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/04/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 16/04/2012
  • Số công báo: Từ số 327 đến số 328
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH