Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 210-HĐBT

Hà Nội, ngày 07 tháng 11 năm 1987

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 210-HĐBT NGÀY 7-11-1987 VỀ VIỆC THÀNH LẬP TỔNG CÔNG TY LƯƠNG THỰC TRUNG ƯƠNG TRỰC THUỘC BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 46-HĐBT ngày 5-3-1987 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Công nghệp thực phẩm;
Để thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 (khoá VI) và kết luận của Hội nghị Bộ Chính trị ngày 24-6-1987 về những nhiệm vụ cấp bách về sản xuất, phân phối, lưu thông và tiêu dùng lương thực;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Tổng Công ty Lương thực Trung ương (gọi tắt là Vinafood) trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, trên cơ sở tổ chức lại các Tổng Công ty Lương thực khu vực I, Tổng Công ty Lương thực khu vực II, Công ty Lương thực miền Trung, Tổng Công ty xuất nhập khẩu lương thực, công ty vật tư bao bì II, và các xí nghiệp say, xát gạo và bột mì hiện do Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quản lý.

Tổng Công ty Lương thực Trung ương là tổ chức kinh doanh, hạch toán kinh tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Ngân hàng, kể cả tài khoản ngoại tệ. Trụ sở Công ty đặt tại Hà Nội, có cơ quan đại diện đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác khi cần thiết.

Điều 2. Tổng Công ty Lương thực Trung ương có những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Tổ chức thu mua lương thực (lúa, màu) từ các nguồn thu thếu nông nghiệp và mua bằng hợp đồng hai chiều, dịch vụ sản xuất, mua giá thoả thuận trong phạm vi cả nước theo đúng chính sách và kế hoạch Nhà nước.

2. Tổ chức bán lương thực cho các nhu cầu do Trung ương phụ trách và cho các tỉnh, thành phố, đặc khu thiếu lương thực theo đúng chế độ, chính sách và kế hoạch nhà nước.

3. Tổ chức chế biến lương thực nhằm tăng thêm số lượng và chất lượng lương thực để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và cải tiến cơ cấu bữa ăn theo hướng giảm dần mức tiêu hao gạo, tăng mức tiêu dùng lương thực chế biến.

4. Thực hiện thống nhất việc xuất nhập khẩu lương thực và nhập khẩu các loại vật tư, nguyên liệu, thiết bị, máy móc, phụ tùng, một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến và bảo quản lương thực theo đúng chính sách của Nhà nước. Tổng Công ty được vay vốn nước ngoài để kinh doanh lương thực theo quy định của Nhà nước và chịu trách nhiệm trả nợ.

5. Chỉ đạo và hướng dẫn nghiệp vụ kinh doanh đối với các Công ty Lương thực tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, và điều hoà lương thực giữa các vùng trong cả nước.

Điều 3. Tổng Công ty Lương thực Trung ương do một Tổng Giám đốc phụ trách và có một số phó Tổng Giám đốc giúp việc. Tổng Giám đốc do một Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm phụ trách, các Phó Tổng giám đốc do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm bổ nhiệm.

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ cụ thể và cơ chế hoạt động của các đơn vị kinh doanh thuộc Tổng Công ty do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quy định.

Bộ máy làm việc và cán bộ giúp việc cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty do Tổng Giám đốc quyết định theo tinh thần gọn nhẹ, mạnh, có hiệu quả kinh tế; hạn chế tối đa bộ phận gián tiếp.

Điều 4. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Điều 5. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ trưởng các bộ và thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)