Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2003/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2003 |
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 02/2002/QH11 ngày 05 tháng 8 năm 2002 của Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất, quy định danh sách các bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
NGHỊ ĐỊNH:
Bộ Ngoại giao là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại gồm: công tác ngoại giao, biên giới lãnh thổ quốc gia, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; quản lý nhà nước các dịch vụ công và thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
Bộ Ngoại giao có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:
1. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật khác về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;
2. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chiến lược, quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;
3. Ban hành các quyết định, chỉ thị, thông tư thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ;
4. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và chịu trách nhiệm thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được phê duyệt và các văn bản pháp luật khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
5. Về công tác ngoại giao:
a) Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các đề án về việc thiết lập hoặc đình chỉ quan hệ ngoại giao, lãnh sự với các nước và tổ chức quốc tế liên chính phủ; lập hoặc rút các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cử và triệu hồi Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc;
b) Đại diện cho Nhà nước trong quan hệ ngoại giao với các nước, tổ chức quốc tế; tiến hành các hoạt động đối ngoại của Nhà nước;
c) Triển khai việc chấp thuận đại diện ngoại giao của các nước và tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Quản lý hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, kể cả cơ quan lãnh sự danh dự, cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế thuộc hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên chính phủ đặt tại Việt Nam phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế;
d) Chủ trì chuẩn bị cho các đoàn cấp cao của Nhà nước ta đi thăm các nước hoặc dự các hội nghị quốc tế và đón tiếp các đoàn cấp cao của các nước, các tổ chức quốc tế thăm Việt Nam trong phạm vi các lĩnh vực do Bộ phụ trách theo quy định của Chính phủ;
đ) Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế về các lĩnh vực do Bộ quản lý;
e) Phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của Việt Nam về các vấn đề quốc tế; tổ chức các cuộc họp báo quốc tế và chuẩn bị nội dung trả lời phỏng vấn của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cho phóng viên nước ngoài thường kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất;
g) Chủ trì việc theo dõi, tổng hợp dư luận báo chí nước ngoài liên quan đến Việt Nam; theo dõi tình hình và triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài;
h) Quản lý và cấp phép cho hoạt động báo chí của phóng viên nước ngoài tại Việt Nam; quản lý và giải quyết các hoạt động thông tin báo chí của các đoàn đại biểu nước ngoài thăm Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ và Bộ Ngoại giao;
i) Chủ trì các hoạt động của Uỷ ban Quốc gia về Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO);
k) Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, các quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân Việt Nam ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế;
l) Thực hiện nhiệm vụ về lãnh sự, về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài theo phân công của Chính phủ; thực hiện các công việc về hợp pháp hoá, chứng nhận lãnh sự, quốc tịch và hộ tịch; thực hiện bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
6. Về biên giới lãnh thổ quốc gia:
a) Nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá tình hình quản lý biên giới lãnh thổ quốc gia, vùng trời, vùng biển, các hải đảo và thềm lục địa của Việt Nam; đề xuất chủ trương, chính sách và các biện pháp quản lý thích hợp;
b) Giúp Chính phủ xác định biên giới quốc gia, xác định phạm vi chủ quyền và các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất liền, trên biển, trên không, các hải đảo và thềm lục địa;
c) Chủ trì soạn thảo các phương án hoạch định biên giới quốc gia; xác định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam với các nước láng giềng liên quan;
d) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và yêu cầu các ngành, các địa phương liên quan báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác quản lý biên giới; phân giới và cắm mốc quốc giới trên cơ sở các điều ước quốc tế về hoạch định biên giới quốc gia được ký kết giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước láng giềng;
đ) Trình Thủ tướng Chính phủ xử lý hoặc hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh trong hoạt động của các ngành, các địa phương liên quan đến chủ quyền và các quyền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đất liền, trên biển, trên không, các hải đảo và thềm lục địa.
7. Về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài:
a) Nghiên cứu, tổng hợp tình hình, đề xuất với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về chủ trương, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài;
b) Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và chính quyền địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động và thực hiện chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân của họ;
c) Hỗ trợ, hướng dẫn người Việt Nam ở nước ngoài trong các mối liên hệ, đóng góp xây dựng đất nước;
d) Quản lý tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
8. Về quản lý Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài:
a) Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan đại diện và thành viên của Cơ quan đại diện;
b) Chỉ đạo việc phối hợp hoạt động giữa Cơ quan đại diện với các cơ quan hữu quan ở trong nước;
c) Điều động cán bộ, công chức, viên chức của Cơ quan đại diện theo quy định của Chính phủ;
d) Chủ trì thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động phục vụ kinh tế của Cơ quan đại diện;
đ) Chỉ đạo việc xây dựng và quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật và kinh phí của Cơ quan đại diện.
9. Về ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thoả thuận quốc tế:
a) Trình Chính phủ việc đàm phán, ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế do Bộ phụ trách;
b) Tổ chức đàm phán với các nước và các tổ chức quốc tế; ký kết hoặc gia nhập các điều ước quốc tế theo ủy quyền của Chính phủ;
c) Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và phối hợp tổ chức việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
d) Tổ chức sao lục, lưu trữ, lưu chiểu và thống kê nhà nước về điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và ký kết;
đ) Hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc ký kết và thực hiện các thoả thuận quốc tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Hướng dẫn việc lưu trữ, sao lục các thoả thuận quốc tế; chỉ đạo thống kê các thoả thuận quốc tế đó;
10. Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân địa phương về việc thực hiện chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật có liên quan tới hoạt động đối ngoại của Nhà nước và nghiệp vụ về công tác đối ngoại;
11. Tổ chức công tác nghiên cứu khoa học về quan hệ quốc tế; nghiên cứu, tổng kết, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm về ngoại giao Việt Nam và các công trình nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ;
12. Quyết định các chủ trương, biện pháp cụ thể và chỉ đạo việc thực hiện cơ chế hoạt động của các tổ chức dịch vụ công thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ;
13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ quản lý theo quy định của pháp luật;
14. Quản lý nhà nước đối với các hoạt động của hội và tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật;
15. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ;
16. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
17. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; chỉ đạo thực hiện chế độ tiền lương, phong hàm ngoại giao và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong ngành ngoại giao;
18. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
a) Các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước:
1. Vụ Chính sách đối ngoại;
2. Vụ Tổng hợp kinh tế;
3. Vụ Hợp tác kinh tế đa phương;
4. Vụ Châu á I;
5. Vụ Châu á II;
6. Vụ Châu Âu I;
7. Vụ Châu Âu II;
8. Vụ Châu Mỹ;
9. Vụ Tây á - Châu Phi;
10. Vụ ASEAN;
11. Vụ Luật pháp và Điều ước Quốc tế;
12. Vụ các Tổ chức quốc tế;
13. Vụ Lễ tân;
14. Vụ Văn hoá - UNESCO;
15. Vụ Thông tin báo chí;
16. Vụ Tổ chức cán bộ;
17. Vụ Quản trị tài vụ;
18. Cục Lãnh sự;
19. Thanh tra Bộ;
20. Văn phòng Bộ;
21. Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài;
22. Ban Biên giới;
23. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.
b) Các tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ:
1. Học viện Quan hệ quốc tế;
2. Báo Quốc tế;
3. Trung tâm hướng dẫn báo chí nước ngoài;
4. Trung tâm Thông tin kinh tế đối ngoại và tin học;
5. Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn.
c) Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Ngoại giao thống nhất quản lý gồm:
1. Các Đại sứ quán;
2. Các Tổng Lãnh sự quán và Lãnh sự quán;
3. Các Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam ở nước ngoài và bên cạnh Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế liên chính phủ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Nghị định này thay thế các Nghị định số 82/CP ngày 10 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao, Nghị định số 37/CP ngày 26 tháng 4 năm 1997 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao và Nghị định số 21/CP ngày 08 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Biên giới của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Nghị định 21-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban biên giới của Chính phủ
- 2Nghị định 82-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao
- 3Nghị định 37-CP năm 1997 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao
- 4Quyết định 119/2007/QĐ-TTg thành lập Quỹ bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Nghị định 15/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
- 1Nghị định 21-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban biên giới của Chính phủ
- 2Nghị định 82-CP năm 1993 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao
- 3Nghị định 37-CP năm 1997 về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao
- 4Nghị định 15/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
- 1Thông tư liên tịch 22/2005/TTLT-BNG-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại ở địa phương do Bộ Ngoại giao - Bộ Nội vụ cùng ban hành
- 2Quyết định 2192/2003/QĐ-BNG quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn do Bộ trưởng Bộ Ngọai giao ban hành
- 3Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 4Nghị quyết số 02/2002/NQ-QH11 về việc quy định danh sách các Bộ và cơ quan ngang bộ của Chính phủ do Quốc hội ban hành
- 5Nghị định 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
- 6Quyết định 119/2007/QĐ-TTg thành lập Quỹ bảo hộ công dân và Pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Nghị định 21/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao
- Số hiệu: 21/2003/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 10/03/2003
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 19 đến số 20
- Ngày hiệu lực: 18/04/2003
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra