Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam

Chương 2.

QUẢN LÝ ĐỘ CAO CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG VÀ CÁC TRẬN ĐỊA QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÙNG TRỜI

MỤC 1. CÁC BỀ MẶT GIỚI HẠN CHƯỚNG NGẠI VẬT VÀ CẢNH BÁO CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG

Điều 6. Các bề mặt giới hạn chướng ngại vật

1. Các sân bay phải xác định bề mặt giới hạn chướng ngại vật theo dải bay và cấp sân bay. Kích thước các bề mặt giới hạn chướng ngại vật đối với sân bay quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định này.

2. Các bề mặt giới hạn chướng ngại vật đối với các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời quy định tại Phụ lục III Nghị định này.

Điều 7. Dải bay

Các sân bay đều phải xác định dải bay, kích thước dải bay quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định này. Bộ Quốc phòng quy định cụ thể về dải bay của từng sân bay.

Điều 8. Chướng ngại vật phải được cảnh báo hàng không

1. Những chướng ngại vật sau đây phải được cảnh báo hàng không:

a) Có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay;

b) Nằm trong phạm vi vùng trời lân cận của sân bay, có độ cao trên 45 mét so với mức cao sân bay;

c) Có độ cao trên 45 mét so với mặt đất tự nhiên;

d) Các chướng ngại vật quy định tại Phụ lục IV Nghị định này.

2. Những trường hợp đặc biệt được miễn trừ cảnh báo hàng không do Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định.

MỤC 2. TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG VIỆC QUẢN LÝ ĐỘ CAO CHƯỚNG NGẠI VẬT HÀNG KHÔNG

Điều 9. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Quốc phòng

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) liên quan để thống nhất việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không đối với các sân bay và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời. Căn cứ tính chất hoạt động của sân bay, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, điều kiện thực tế của địa hình, nhu cầu phát triển không gian đô thị và các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II và Phụ lục III Nghị định này, tổ chức quản lý, chấp thuận độ cao công trình, tạo thuận lợi phát triển kinh tế xã hội, sử dụng hiệu quả tài nguyên không gian của đất nước.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chủ trì tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch hệ thống trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

3. Căn cứ nhiệm vụ quốc phòng, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc, quy hoạch chi tiết các sân bay, quy hoạch hệ thống trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương về độ cao xây dựng công trình cho đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư và các cao trình khác.

4. Thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành liên quan về nội dung cần thiết bảo đảm duy trì quy hoạch phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung, quy hoạch trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công khai các bề mặt giới hạn chướng ngại vật sân bay quân sự, sân bay dùng chung, các khu vực giới hạn độ cao công trình xây dựng; bảo đảm bí mật các công trình quân sự và hoạt động tác chiến phòng không.

5. Phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan quản lý, ngăn ngừa và xử lý di dời hoặc hạ thấp độ cao các công trình vi phạm bề mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến hoạt động bay và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; phổ biến cho các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư nơi có sân bay, khu vực lân cận sân bay, trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tham gia duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật, nhằm đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và khu dân cư.

6. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thanh tra, kiểm tra, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc chấp hành các quy định về độ cao, cảnh báo hàng không.

7. Quy định nhiệm vụ quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, quản lý cảnh báo hàng không cho Chỉ huy trưởng các sân bay quân sự, sân bay dùng chung, Chỉ huy trưởng các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 10. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Xây dựng

1. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý về kiến trúc, quy hoạch xây dựng bảo đảm duy trì hoạt động của sân bay và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập đồ án quy hoạch không gian, thống nhất với Bộ Quốc phòng để làm cơ sở cấp phép xây dựng.

Điều 11. Trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Giao thông vận tải

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung, xác định các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không các sân bay dùng chung.

2. Phối hợp với Bộ Quốc phòng để thống nhất quản lý độ cao công trình liên quan đến bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không đối với sân bay có hoạt động hàng không dân dụng.

3. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không, ngăn ngừa và xử lý các công trình vi phạm về mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến hoạt động bay dân dụng; tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, đoàn thể, cộng đồng dân cư nơi có sân bay và khu vực lân cận sân bay để tham gia duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi hoạt động bay.

4. Tổ chức đo đạc, lập sơ đồ chướng ngại vật trong khu vực sân bay dùng chung và các khu vực có hoạt động bay dân dụng; cập nhật và công bố thông tin về chướng ngại vật.

Điều 12. Trách nhiệm và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung; quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không. Cấp phép xây dựng cho các công trình có độ cao theo nội dung, đồ án quy hoạch đã được cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng chấp thuận theo quy định tại khoản 5 Điều 4, khoản 3 Điều này, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định này.

2. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan tổ chức di dời hoặc hạ thấp độ cao các công trình vi phạm các bề mặt giới hạn chướng ngại vật ảnh hưởng đến an toàn các hoạt động bay và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; kiểm tra, xử lý việc lắp đặt hệ thống cảnh báo hàng không, kể cả đối với các công trình đã xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực.

3. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập quy hoạch phát triển không gian trên địa bàn của tỉnh, thống nhất với Bộ Quốc phòng để tạo thuận lợi trong việc quản lý đầu tư, cấp phép xây dựng; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với các quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay quân sự, sân bay dùng chung và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

4. Tuyên truyền, phổ biến tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc duy trì, quản lý các bề mặt giới hạn chướng ngại vật nhằm bảo đảm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng trời và an toàn cho hoạt động bay.

Điều 13. Trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình

1. Thực hiện các thủ tục về quản lý độ cao công trình theo quy định tại khoản 5 Điều 4, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Nghị định này; chịu trách nhiệm về độ chính xác của các thông tin theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.

2. Trong quá trình xây dựng và sau khi hoàn thành công trình phải chấp hành các quy định về độ cao tối đa được phép và chịu trách nhiệm lắp đặt hệ thống cảnh báo hàng không, kể cả đối với các công trình đã xây dựng trước ngày Nghị định này có hiệu lực, chịu mọi chi phí về đầu tư và duy trì hoạt động bình thường của hệ thống cảnh báo hàng không đối với công trình.

3. Các công trình vượt quá độ cao cho phép hoặc thực hiện cảnh báo hàng không trái quy định thì chủ đầu tư công trình phải tiến hành di dời hoặc hạ thấp độ cao, sửa chữa cảnh báo hàng không theo đúng quy định.

MỤC 3. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ ĐỘ CAO CÔNG TRÌNH

Điều 14. Những công trình, dự án riêng biệt nằm ngoài quy hoạch tĩnh không đã công bố phải được chấp thuận của Bộ Quốc phòng về quản lý độ cao tĩnh không

1. Công trình có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay và những công trình nằm trong vùng trời lân cận sân bay có độ cao trên 45 mét so với mức cao sân bay.

2. Công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến xạ giới, bề mặt phát xạ, tầm phủ sóng của các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

3. Công trình có chiều cao trên 45 mét so với mặt đất tự nhiên, nằm ngoài các khu vực, dự án quy hoạch đô thị, không gian đã được các Bộ, ngành, địa phương thống nhất với Bộ Quốc phòng về độ cao theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định này.

4. Đường dây tải điện cao thế, cáp treo, các trạm thu, phát sóng vô tuyến.

Điều 15. Thủ tục đề nghị chấp thuận độ cao công trình

1. Đối với các công trình quy định tại Điều 14 Nghị định này, cơ quan cấp phép xây dựng hoặc chủ đầu tư, chủ sở hữu phải có văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình gửi đến Cục Tác chiến – Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

2. Nội dung chủ yếu trong văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình:

a) Tên, tính chất, quy mô công trình; đối với các trạm thu, phát sóng vô tuyến phải nêu rõ dải tần số, công suất; đối với đường điện cao thế phải nêu rõ điện thế, hướng tuyến, độ cao các cột, tọa độ, cốt đất tự nhiên vị trí các cột và độ võng của đường dây; đối với cáp treo phải nêu rõ hướng tuyến, độ cao các cột đỡ, tọa độ, cốt đất tự nhiên vị trí các cột và độ võng của đường cáp;

b) Chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình và cơ quan cấp phép xây dựng; địa chỉ của cơ quan, người đề nghị chấp thuận độ cao công trình (số điện thoại, fax nếu có);

c) Vị trí công trình: địa chỉ hành chính, danh giới khu đất, tọa độ địa lý theo hệ tọa độ VN-2000 hoặc WGS-84 (theo kinh độ, vĩ độ thuộc độ, phút, giây), cốt đất tự nhiên so với mực nước biển trung bình;

d) Độ cao công trình so với cốt đất tự nhiên;

đ) Bản đồ hoặc sơ đồ khu vực xây dựng công trình có đánh dấu vị trí xây dựng công trình;

e) Tiến độ thi công.

Điều 16. Thời hạn, nội dung và cơ quan giải quyết đề nghị về độ cao công trình

1. Trong thời hạn không quá 15 ngày và không quá 30 ngày làm việc (đối với các dự án là đường dây tải điện cao thế có chiều dài dưới 100km, hệ thống các trạm thu, phát sóng vô tuyến số lượng từ 10 đến 50 trạm), kể từ khi nhận được văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình có đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, Cục Tác chiến có văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân chủ đầu tư công trình, đồng thời thông báo cho cơ quan cấp phép xây dựng, Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan biết.

2. Văn bản trả lời phải nêu rõ:

a) Tên, tính chất, quy mô công trình;

b) Chủ đầu tư công trình;

c) Vị trí công trình: địa chỉ hành chính, tọa độ địa lý theo hệ tọa độ VN-2000 hoặc WGS-84 (theo kinh độ, vĩ độ thuộc độ, phút, giây);

d) Độ cao tối đa của công trình được phép xây dựng so với cốt đất tự nhiên hoặc so với mực nước biển trung bình;

đ) Yêu cầu cảnh báo hàng không;

e) Các điểm lưu ý khác (nếu có);

3. Cơ quan nhận và giải quyết các đề nghị về độ cao công trình:

Cục Tác chiến – Bộ Tổng Tham mưu/Bộ Quốc phòng.

- Địa chỉ: số 1 Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.

- Số điện thoại: 069.533105, 069.533200; fax: 04.37337994.

Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam

  • Số hiệu: 20/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/02/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 07/03/2009
  • Số công báo: Từ số 141 đến số 142
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH