Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về giới hạn độ cao chướng ngại vật hàng không đối với sân bay quân sự, sân bay dùng chung và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; cảnh báo chướng ngại vật hàng không; quy hoạch xây dựng sân bay quân sự, sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời; quy định về quản lý độ cao công trình; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm an toàn, hiệu quả của hoạt động hàng không, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Chướng ngại vật hàng không, là các vật thể tự nhiên hoặc nhân tạo (cố định hoặc di động) có thể ảnh hưởng đến bảo đảm an toàn cho hoạt động bay hoặc hoạt động bình thường của các đài, trạm thông tin, ra đa dẫn đường hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

2. Quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, là tập hợp các công việc: thực hiện chấp thuận độ cao công trình, kiểm tra, giám sát, di dời các vật thể, công bố, thông báo độ cao các chướng ngại vật cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động bay, hoạt động bình thường các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

3. Sân bay, là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển, bao gồm:

a) Sân bay đang sử dụng;

b) Sân bay dự kiến xây dựng trong quy hoạch, được xác định trong hệ thống sân bay toàn quốc;

c) Bãi cất, hạ cánh, là khu vực được xác định dùng cho trực thăng cất cánh, hạ cánh;

d) Đường sân bay, là đoạn đường giao thông lưỡng dụng (đường lưỡng dụng), được xác định có thể dùng cho tàu bay cất cánh, hạ cánh khi cần thiết.

4. Theo mục đích sử dụng, sân bay được phân thành các loại sau:

a) Sân bay quân sự, là sân bay phục vụ cho mục đích quân sự;

b) Sân bay dùng chung, là sân bay phục vụ cho mục đích quân sự và dân dụng.

5. Trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời, là khu vực được xác định nhằm mục đích quản lý, phát hiện, giám sát hoạt động bay và bảo vệ vùng trời.

6. Đường cất, hạ cánh, là khu vực được quy định trong sân bay dùng cho tàu bay cất cánh và hạ cánh.

7. Ngưỡng đường cất, hạ cánh, là nơi bắt đầu của đường cất, hạ cánh có thể sử dụng cho tàu bay cất cánh và hạ cánh.

8. Đèn cảnh báo nguy hiểm, là đèn dùng để cảnh báo mối nguy hiểm hàng không.

9. Bảo hiểm đầu, là khu vực kéo dài của đường cất, hạ cánh nhằm giảm nguy cơ mất an toàn cho tàu bay khi cất cánh, hạ cánh.

10. Bảo hiểm sườn, là phần của dải bay nằm dọc hai bên sườn của đường cất, hạ cánh nhằm giảm nguy cơ mất an toàn cho tàu bay khi cất cánh, hạ cánh.

11. Mức cao sân bay, là mức cao của điểm cao nhất trên đường cất, hạ cánh so với mực nước biển trung bình.

12. Điểm quy chiếu sân bay, là điểm quy ước xác định vị trí của một sân bay.

13. Vùng trời lân cận sân bay, là khoảng không gian có giới hạn bán kính 30 km với tâm là điểm quy chiếu sân bay.

14. Vật dễ gãy, là vật được thiết kế và sản xuất nhằm giảm nguy hiểm cho tàu bay khi va chạm.

15. Che khuất, là việc một chướng ngại vật tồn tại bên cạnh một chướng ngại vật khác cao hơn theo nguyên lý núp bóng.

16. Bề mặt giới hạn chướng ngại vật, là bề mặt giới hạn độ cao tối đa của các vật thể bảo đảm an toàn cho tàu bay thực hiện các giai đoạn cất cánh, bay lên, bay theo các đường bay, vòng lượn, hạ thấp độ cao, hạ cánh; bảo đảm hoạt động bình thường cho các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

17. Dải bay, là khu vực có dạng hình chữ nhật với kích thước được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II Nghị định này.

18. Cảnh báo chướng ngại vật hàng không, là việc sơn, kẻ dấu hiệu và lắp đèn cảnh báo nguy hiểm hoặc đặt mốc, cắm cờ trên chướng ngại vật để người lái tàu bay trong khi bay có thể nhìn thấu cảnh báo từ cự ly an toàn ở mọi hướng.

19. Tĩnh không sân bay, là phần không gian an toàn để tàu bay thực hiện các giai đoạn cất cánh lên cao, hạ thấp độ cao, hạ cánh và bay trên các đường bay của sân bay.

Điều 4. Quy hoạch xây dựng sân bay quân sự, sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

1. Quy hoạch xây dựng sân bay quân sự (bao gồm sân bay quân sự, bãi cất, hạ cánh, đường sân bay), sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời phải phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc và các quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Khu vực xây dựng sân bay quân sự và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời phải tuân theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định về độ cao chướng ngại vật hàng không quy định tại Nghị định này.

3. Các công trình được xây dựng trước khi Nghị định này có hiệu lực làm ảnh hưởng đến sân bay quân sự, sân bay dùng chung và trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời phải được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay dùng chung, sân bay quân sự. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt quy hoạch hệ thống trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời.

5. Các Bộ, ngành, địa phương khi lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch chung hoặc đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp (trường hợp chưa có đồ án quy hoạch chung), phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về quản lý độ cao tĩnh không.

Điều 5. Các hành vi bị cấm

1. Các hành vi được quy định tại điểm c, g, h, i, k, n khoản 1 Điều 12 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.

2. Cấp phép xây dựng, lắp đặt các công trình chưa có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 4, Điều 14 và Điều 16 Nghị định này.

3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng cảnh báo hàng không đối với các công trình quy định tại Điều 8 và Phụ lục IV Nghị định này, trừ trường hợp được cơ quan chấp thuận độ cao của Bộ Quốc phòng quy định riêng.

Nghị định 20/2009/NĐ-CP về quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không và các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời tại Việt Nam

  • Số hiệu: 20/2009/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 23/02/2009
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 07/03/2009
  • Số công báo: Từ số 141 đến số 142
  • Ngày hiệu lực: 09/04/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH