Hệ thống pháp luật

Mục 1 Chương 2 Nghị định 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

MỤC 1. VI PHẠM VỀ THÔNG TIN VỚI NGƯỜI TIÊU DÙNG

Điều 5. Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng;

b) Sử dụng thông tin của người tiêu dùng không phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng mà không được người tiêu dùng đồng ý;

c) Không bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ đối với thông tin của người tiêu dùng khi thu thập, sử dụng, chuyển giao;

d) Không tự điều chỉnh hoặc không có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin không chính xác;

đ) Chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp thông tin có liên quan là thông tin thuộc về bí mật cá nhân người tiêu dùng.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy các tài liệu vi phạm có chứa đựng thông tin của người tiêu dùng;

b) Buộc xây dựng các biện pháp cần thiết để bảo vệ an toàn thông tin của người tiêu dùng.

Điều 6. Hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về một trong các nội dung sau:

a) Hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp;

b) Uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;

c) Nội dung, đặc điểm giao dịch giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc cải chính công khai;

b) Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu;

c) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 7. Hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong khi cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa;

b) Không cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa;

c) Không cung cấp hướng dẫn sử dụng; không cung cấp thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành;

d) Không thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch;

đ) Che giấu, cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng về các thông tin quy định tại Khoản 1 Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu cho người tiêu dùng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 8. Hành vi vi phạm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp;

b) Không có chứng cứ chứng minh hoặc không thực hiện tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật để kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin về hàng hóa, dịch vụ.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với chủ phương tiện truyền thông, nhà cung cấp dịch vụ truyền thông là bên thứ ba thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau:

a) Các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Không có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn việc phương tiện, dịch vụ do mình quản lý bị sử dụng vào mục đích quấy rối người tiêu dùng;

c) Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ sử dụng phương tiện, dịch vụ do mình quản lý để quấy rối người tiêu dùng.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Nghị định 19/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

  • Số hiệu: 19/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 16/03/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 275 đến số 276
  • Ngày hiệu lực: 01/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH