Hệ thống pháp luật

Mục 2 Chương 2 Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

MỤC 2. THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 50. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, b, c, đ, e, h, i, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Điều 51. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân

1. Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.

2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại Khoản 1 Điều này có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.

3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trạm trưởng Trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 2.500.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c và đ Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 25.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn thuộc thẩm quyền;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 25.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c, đ, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c, đ, i, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

6. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các Điểm a, c, đ, i, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

Điều 52. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra chuyên ngành

1. Thanh tra viên chuyên ngành bảo vệ môi trường, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thi hành công vụ có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 500.000 đồng;

d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, c, đ, k, l, m và n Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

2. Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

3. Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 250.000.000 đồng;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

4. Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng;

c) Tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định này.

5. Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 3 Điều này.

Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường và cơ quan quản lý nhà nước được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 53. Thẩm quyền xử phạt của các lực lượng khác

Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Thuế, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa có quyền xử phạt theo thẩm quyền quy định tại các điều 40, 41, 42, 43, 44, 4547 Luật xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý quy định tại Nghị định này.

Điều 54. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của các lực lượng được quy định cụ thể như sau:

a) Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động kiểm lâm được quy định tại các Điều 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này;

b) Cảng vụ hàng hải có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hàng hải được quy định tại các Điều 29, 35, 36 và 49 của Nghị định này;

c) Cảng vụ đường thủy nội địa có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong khu vực đường thủy nội địa được quy định tại các Điều 35, 36 và 49 của Nghị định này;

d) Bộ đội biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được quy định tại các Điều 29, 35, 36, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này;

đ) Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường xảy ra trên vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế, vùng quyền chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại các Điều 13, 14, 15, 16, 19, 20; các Khoản 7, 8, 9 và 10 Điều 21; các Khoản 6, 7, 8 và 9 Điều 22; các Điều 29, 35, 36, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này;

e) Hải quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động hải quan được quy định tại các Điều 25, 26, 27, 42, 45, 47, 48 và 49 của Nghị định này;

g) Quản lý thị trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động quản lý thị trường, hàng hóa và hoạt động mua, bán, sử dụng động vật hoang dã, được quy định tại các Điều 27, 28, 42, 45, 48 và 49 của Nghị định này;

h) Thuế có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động quản lý thuế, phí, được quy định tại các Điều 37 và Điều 49 của Nghị định này;

i) Công an cửa khẩu có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại cửa khẩu;

k) Công an Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh;

l) Công an cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại các Điều 20, 30, 41, 42, 43, 45, 48 và 49 của Nghị định này;

m) Công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, được quy định tại các Điều 20, 30, 31, 41, 42, 43, 45, 48 và 49 của Nghị định này;

n) Công an cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình quy định tại Nghị định này, trừ các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính và hoạt động quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và 12; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 21; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 22; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 23; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24; các Điều 26, 27, 28, 34, 37, 38 và 40 của Nghị định này;

o) Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền, thuộc lĩnh vực và phạm vi quản lý của mình quy định tại Nghị định này, trừ các hành vi vi phạm về thủ tục hành chính và hoạt động quản lý nhà nước thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được quy định tại các Điều 8, 9, 10, 11 và 12; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 21; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 22; các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 23; Khoản 1 và Khoản 2 Điều 24; các Điều 26, 27, 28, 34, 37, 38 và 40 của Nghị định này;

p) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm quy định tại các Điều 12, 19, 20, 30, 32, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này;

q) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm được quy định tại các Điều 8, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 29, 30, 31, 32, 38, 41, 42, 43, 44, 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này;

r) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và phạm vi quản lý của mình đối với các vi phạm quy định tại Nghị định này;

s) Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý;

t) Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm và chức danh tương đương được Chính phủ giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành bảo vệ môi trường có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thẩm quyền trên phạm vi cả nước.

2. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại điều, khoản nào của Nghị định này thì chỉ được thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường trong phạm vi các điều, khoản đó của Nghị định này quy định; trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình thì phải thông báo và phối hợp ngay với cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với hành vi đó để kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 55. Thủ tục tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn và thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính

1. Thủ tục tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với hoạt động gây ô nhiễm hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Mục 1 Chương II của Nghị định này thực hiện theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn mà không có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến Giấy phép môi trường thì khi hết thời hạn tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt giao lại Giấy phép môi trường cho cá nhân, tổ chức đã bị tước Giấy phép môi trường đó.

3. Đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn mà có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của hoạt động gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở gây ô nhiễm môi trường thì Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Cơ quan của người đã xử phạt, Công an cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có cá nhân, tổ chức vi phạm và các cơ quan có liên quan tổ chức niêm phong nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị của cá nhân, tổ chức đó vào ngày bắt đầu áp dụng hình thức tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động được ghi trong quyết định xử phạt. Cá nhân, tổ chức chỉ được phép hoạt động trở lại khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm.

4. Thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trước khi đi vào hoạt động trở lại trong trường hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường tiến hành xử phạt được quy định như sau:

a) Trước ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ thời điểm hết hạn tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động, cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phải có văn bản báo cáo, kèm theo các hồ sơ, tài liệu, số liệu và kết quả phân tích mẫu chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường do đơn vị chức năng có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện (nếu có) chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm cho cơ quan của người đã xử phạt;

b) Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả chấp hành xong quyết định xử phạt, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường tiến hành kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường theo nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (nếu có). Kết quả kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm phải được thể hiện bằng biên bản theo Mẫu 01 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Trường hợp cá nhân, tổ chức đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra việc khắc phục vi phạm, cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường ban hành quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường và tháo mở niêm phong. Quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thực hiện theo Mẫu 02 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thì tiếp tục thực hiện việc khắc phục nhưng không quá thời hạn ghi trong quyết định xử phạt; trường hợp không đủ thời gian để khắc phục thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường xem xét, gia hạn để khắc phục; trường hợp cố tình không thực hiện việc khắc phục vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

5. Thủ tục kiểm tra, xác nhận đã khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức bị tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trước khi đi vào hoạt động trở lại trong trường hợp cơ quan, người đã xử phạt không có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) Trước ít nhất 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ thời điểm hết hạn tước quyền sử dụng Giấy phép môi trường hoặc đình chỉ hoạt động, cá nhân, tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ phải có văn bản báo cáo, kèm theo các hồ sơ, tài liệu, số liệu và kết quả phân tích mẫu chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường do đơn vị chức năng có đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường thực hiện (nếu có) chứng minh đã hoàn thành việc khắc phục hậu quả vi phạm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường (nếu dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được Bộ, cơ quan ngang Bộ phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường), cho Sở Tài nguyên và Môi trường (nếu dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung thuộc thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc dự án, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác có quy mô công suất tương ứng với đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng không có các thủ tục, hồ sơ về môi trường) hoặc cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (nếu cơ sở có quy mô, công suất tương ứng với đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường) và cơ quan của người đã xử phạt để phối hợp kiểm tra, giám sát việc khắc phục hậu quả vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

b) Trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả chấp hành xong quyết định xử phạt, Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản này chủ trì, phối hợp với cơ quan của người đã xử phạt tiến hành kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường theo nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính và kết luận kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường (nếu có). Kết quả kiểm tra việc khắc phục hậu quả vi phạm phải được thể hiện bằng biên bản theo Mẫu 01 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Trường hợp cá nhân, tổ chức đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường, trong thời hạn 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra việc khắc phục vi phạm, Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản này ban hành quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường, đồng thời Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện tháo mở niêm phong để cá nhân, tổ chức hoạt động trở lại. Quyết định về việc đã khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thực hiện theo Mẫu 02 phần Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

d) Trường hợp cá nhân, tổ chức chưa khắc phục xong hậu quả vi phạm về bảo vệ môi trường thì tiếp tục thực hiện việc khắc phục nhưng không quá thời hạn ghi trong quyết định xử phạt; trường hợp không đủ thời gian để khắc phục thì đề nghị Cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điểm a Khoản này xem xét, ra hạn để khắc phục; trường hợp cố tình không thực hiện việc khắc phục vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Quy định về biên bản, thẩm quyền lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

1. Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được lập theo quy định tại Điều 58 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

2. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm:

a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang thi hành công vụ;

b) Công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Công chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành mình quản lý thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ;

d) Cán bộ, công chức, viên chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý;

đ) Chiến sĩ công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;

e) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban Quản lý rừng, Ban Quản lý các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản này khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải kịp thời lập biên bản để xử phạt hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định này.

3. Mẫu biên bản và mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.

Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

  • Số hiệu: 179/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/11/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 857 đến số 858
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH