Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 174-CP

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 1970

NGHỊ ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC THANH TRA TÀI CHÍNH

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Xét Nghị định số 1077-TTg ngày 12 tháng 10 năm 1956 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức thanh tra tài chính;
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 12 tháng 3 năm 1970,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành điều lệ tổ chức thanh tra tài chính để thay thế Nghị định số 1077-TTg và tất cả các văn bản về tổ chức thanh tra tài chính đã ban hành trước đây.

Điều 2. Quan hệ giữa hệ thống thanh tra tài chính với hệ thống thanh tra của Chính phủ sẽ do Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ quy định.

Điều 3. Ông Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành điều lệ này.

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC THANH TRA TÀI CHÍNH

Quản lý tài chính Nhà nước là một mặt rất quan trọng của việc quản lý Nhà nước; nó có vai trò rất lớn trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và kinh tế của Đảng và Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Quản lý tài chính Nhà nước đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung và thống nhất, nhưng vì công tác tài chính lại do tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở thực hiện, cho nên phải tăng cường công tác kiểm tra và giám đốc.

Ngoài việc thúc đẩy công tác kiểm tra và giám đốc thường xuyên của hệ thống tài chính Nhà nước, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ kiểm tra kế toán, việc tăng cường công tác thanh tra tài chính là một yêu cầu quan trọng và bức thiết để giữ vững sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của Nhà nước, ngăn chặn những hành động vi phạm chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính.

Chương 1.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TỔ CHỨC THANH TRA TÀI CHÍNH

Điều 1. Thanh tra tài chính đặt ra nhằm:

1. Bảo đảm cho các chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính được chấp hành nghiêm chỉnh ở các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở;

2. Đưa việc quản lý và giám đốc tài chính của các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở đi vào nền nếp, bảo đảm cho lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước được sử dụng hợp lý và tiết kiệm, đem lại hiệu quả kinh tế hay lợi ích thiết thực.

Điều 2. Thanh tra tài chính thanh tra tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở (trừ trường hợp có quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ) bao gồm:

- Các cơ quan Nhà nước từ trung ương đến địa phương (các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, các Ủy ban hành chính tỉnh, huyện, xã, các cơ quan chuyên môn ở địa phương, v.v...);

- Các tổ chức kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh;

- Các tổ chức kinh tế tập thể;

- Các đoàn thể và tổ chức xã hội được Nhà nước trợ cấp về tài chính.

Điều 3. Thanh tra tài chính có nhiệm vụ:

1. Thanh tra việc chấp hành ngân sách của các ngành, các cấp, việc chấp hành kế hoạch thu chi tài vụ của các tổ chức kinh tế quốc doanh và công tư hợp doanh, việc chấp hành dự toán thu chi của các đơn vị dự toán.

2. Thanh tra việc bảo vệ và quản lý tài sản xã hội chủ nghĩa, thực hành tiết kiệm, hiệu quả của việc sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn.

3. Thanh tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính, kế toán, tín dụng, thanh toán, tiền mặt, và các chính sách, chế độ, kỷ luật khác có liên quan đến tài chính, như:

- Việc sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, chính sách và có hiệu quả;

- Việc thực hiện đầy đủ và kịp thời nghĩa vụ nộp ngân sách;

- Việc sử dụng đúng mục đích, trả đúng hạn và đầy đủ tiền vay của ngân hàng;

- Việc chấp hành đầy đủ và đúng đắn thể lệ thanh toán;

- Việc nộp đầy đủ và đúng thời hạn tiền mặt vào ngân hàng;

- Việc chấp hành điều lệ tổ chức kế toán và chế độ kế toán Nhà nước;

- v.v...

4. Thanh tra việc tổ chức quản lý và giám đốc tài chính và việc chấp hành các chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính của các cơ quan tài chính, ngân hàng kiến thiết, cơ quan bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác trực tiếp thuộc Bộ Tài chính.

5. Thanh tra các mặt công tác có liên quan đến tài chính Nhà nước của các cơ quan ngân hàng, các quỹ tiết kiệm và tổ chức tín dụng.

6. Xét và giải quyết các đơn vị khiếu tố về tài chính.

Điều 4. Thanh tra tài chính có quyền:

1. Yêu cầu các đơn vị là đối tượng thanh tra và các cơ quan liên quan (kể cả các cơ quan kế toán, tài chính, ngân hàng) cung cấp tất cả các tài liệu xét cần thiết cho việc thanh tra.

2. Nếu gặp những hành động cản trở hoặc trì hoãn công việc thanh tra thì lập biên bản gửi lên cấp trên của cơ quan hoặc người có hành động cản trở hoặc trì hoãn.

3. Kiến nghị với cán bộ lãnh đạo các đơn vị là đối tượng thanh tra về biện pháp khắc phục những việc làm sai chính sách, chế độ.

4. Đề nghị với Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ chủ quản hay Ủy ban hành chính địa phương:

- Đình chỉ cấp kinh phí cho công việc đang tiến hành nếu xét có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài chính Nhà nước,

- Đình chỉ công tác của cán bộ, nhân viên vi phạm chế độ hay không chấp hành chế độ tài chính Nhà nước, nếu xét cần thiết.

- Tạm quyền trữ một số tài sản xét cần thiết cho việc thanh tra hay cho việc bảo vệ tài sản Nhà nước;

- Khen thưởng những người có nhiều thành tích trong công tác quản lý tài chính hoặc có công giúp đỡ việc thanh tra như cung cấp tài liệu, phát giác những vụ phá hoại, những vụ tham ô, lãng phí quan trọng.

5. Đề nghị với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những chính sách, chế độ về quản lý kinh tế tài chính xét thấy cần thiết.

Điều 5. Các đơn vị là đối tượng thanh tra và các cơ quan liên quan, sau khi nhận được kiến nghị của thanh tra tài chính, phải nghiên cứu giải quyết và trả lời cho thanh tra tài chính biết; nếu không chấp nhận hoặc chậm có những biện pháp cần thiết, và do đó mà để xảy ra thiệt hại tài sản Nhà nước, thì phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Chương 2.

TỔ CHỨC BỘ MÁY THANH TRA TÀI CHÍNH

Điều 6. Tổ chức bộ máy thanh tra tài chính gồm:

- Ban Thanh tra tài chính ở trung ương;

- Ban Thanh tra tài chính ở tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương (thành phố trực thuộc trung ương dưới đây gọi tắt là thành phố).

Điều 7. Ban Thanh tra tài chính ở trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Tài chính, do một Thứ trưởng làm trưởng ban, và có một số phó ban và thanh tra tài chính.

Ban Thanh tra tài chính ở tỉnh và thành phố do trưởng hoặc phó Ty Tài chính. Giám đốc hoặc phó Giám đốc Sở Tài chính làm trưởng ban và có một số phó ban và thanh tra tài chính.

Điều 8. Trưởng ban, phó ban Thanh tra tài chính ở trưng ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính đề cử và Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Các thanh tra tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm.

Trưởng ban, phó ban Thanh tra tài chính ở địa phương do Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm theo đề nghị của Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố. Các thanh tra tài chính do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố bổ nhiệm.

Điều 9. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tổ chức và biên chế của Ban Thanh tra tài chính ở trung ương

Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quy định tổ chức và biên chế của Ban Thanh tra tài chính ở địa phương, sau khi có sự thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 10. Trưởng ban, phó ban và thanh tra tài chính (trong văn bản này gọi chung là thanh tra tài chính) phải được lựa chọn trong những cán bộ vững về chính trị, có đạo đức và tác phong tốt, có hiểu biết về nghiệp vụ tài chính kế toán.

Chương 3.

NGUYÊN TẮC VÀ LỀ LỐI LÀM VIỆC

Điều 11. Công tác thanh tra tài chính phải thực hiện theo kế hoạch và nhằm vào những vấn đề quản lý kinh tế tài chính chủ yếu trong từng thời kỳ. Kế hoạch thanh tra tài chính ở trung ương phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính duyệt. Kế hoạch thanh tra tài chính ở tỉnh, thành phố phải được Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố duyệt và báo cáo với Ban Thanh tra tài chính ở trung ương.

Mỗi cuộc thanh tra phải xác định mục đích, yêu cầu, phạm vi cho thật rõ ràng

Điều 12. Khi đến làm nhiệm vụ thanh tra ở một đơn vị, thanh tra tài chính phải xuất trình mệnh lệnh công tác do trưởng ban thanh tra ký. Đối với những trường hợp quan trọng thì mệnh lệnh công tác do Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Ủy ban hành chính địa phương ký.

Điều 13. Trong quá trình thanh tra thì:

1. Thanh tra tài chính phải thận trọng, khách quan, phải biết kết hợp nghiệp vụ thanh tra với nhận xét của quần chúng, phải biết tìm hiểu sự việc và đề xuất ý kiến về phương pháp sửa chữa.

2. Thanh tra tài chính được sử dụng các quyền như đã nói ở điều 4.

3. Nếu phát hiện hiện tượng tham ô, lãng phí rõ ràng thì thanh tra tài chính chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân để xử lý. Gặp trường hợp nghi vấn tham ô quan trọng phải điều tra nghiên cứu lâu ngày, thì thanh tra tài chính đề nghị với cơ quan có thẩm quyền tổ chức điều tra, và gửi kết luận cho thanh tra tài chính. Gặp trường hợp nghi vấn kế toán không trung thực, thì thanh tra tài chính đề nghị mở một cuộc giám định hoặc kiểm tra kế toán. Việc giám định hoặc kiểm tra này phải do các kế toán viên chuyên nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, phụ trách.

Điều 14. Khi kết thúc mỗi cuộc thanh tra, thanh tra tài chính phải lập biên bản.

Biên bản thanh tra là tài liệu pháp lý ghi rõ tất cả những trường hợp vi phạm pháp luật Nhà nước, vi phạm kỷ luật tài chính đã xác định được, nêu rõ mức tổn thất và những hậu quả khác của các việc vi phạm, nguyên nhân vi phạm, tên những người phạm lỗi và những đề nghị cụ thể của thanh tra tài chính nhằm xử lý những khuyết điểm đã được phát hiện và khắc phục những khuyết điểm đó.

Biên bản phải có chữ ký của thanh tra tài chính và chữ ký của cán bộ lãnh đạo và kế toán trưởng đơn vị được thanh tra. Trường hợp không đồng ý hoặc có ý kiến khác về các điểm ghi trong biên bản, thì cán bộ lãnh đạo và kế toán trưởng đơn vị có quyền ghi rõ ý kiến của mình và đính kèm theo các tài liệu chứng minh giải thích cần thiết.

Trưởng ban Thanh tra tài chính có trách nhiệm gửi biên bản thanh tra kèm theo ý kiến của mình đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết các vấn đề nêu trong biên bản.

Ban Thanh tra tài chính có nhiệm vụ định kỳ báo cáo kết quả thanh tra. Báo cáo của Ban Thanh tra tài chính ở trung ương gửi đến Bộ Tài chính; báo cáo của Ban Thanh tra tài chính ở địa phương gửi đến Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố, đồng gửi cho Bộ Tài chính.

Chương 4.

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 15. Để đưa công tác quản lý tài chính Nhà nước vào nề nếp, bảo đảm hoạt động tốt của bộ máy tài chính Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như Ủy ban hành chính tỉnh và thành phố, ngoài công tác giám đốc và kiểm tra thường xuyên, phải đẩy mạnh công tác thanh tra tài chính, làm cho các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan quản lý Nhà nước và các hợp tác xã nghiêm chỉnh chấp hành các chính sách, chế độ, kỷ luật tài chính Nhà nước nhằm khắc phục tệ tham ô, lãng phí, cải tiến quản lý kinh tế tài chính.

Thủ trưởng các ngành, các cấp có nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra tài chính, kiểm tra kế toán, đối với các xí nghiệp, tổ chức và cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình và phải tạo mọi điều kiện cho thanh tra tài chính làm công tác được thuận lợi.

Điều lệ này cần được phổ biến thật rộng rãi cho đến tận các đơn vị cơ sở để mọi người biết và chấp hành nghiêm chỉnh.

(Ban hành kèm theo Nghị định số 174-CP ngày 10-9-1970).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 174-CP năm 1970 điều lệ tổ chức thanh tra tài chính do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 174-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 10/09/1970
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 25/09/1970
  • Ngày hết hiệu lực: 18/07/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản