Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1077-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 1956

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC CÁC BAN THANH TRA TÀI CHÍNH CỦA BỘ, KHU, THÀNH PHỐ VÀ TỈNH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 76-SL ngày 29-5-1946 tổ chức Bộ Tài chính và Sắc lệnh số 261-SL ngày 28-3-1956 thành lập Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ nước Việt nam dân chủ cộng hòa;
Căn cứ đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Tài chính và Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ;

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Để tăng cường công tác quản lý tài chính, nay quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức các Ban Thanh tra tài chính của Bộ, Khu, Thành phố và Tỉnh như sau:

Điều 2. – Các Ban Thanh tra tài chính có nhiệm vụ kiểm tra việc chấp hành chính sách, luật lệ, chế độ tài chính Nhà nước tại các cơ quan chính quyền, các doanh nghiệp quốc gia, xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, các hợp tác xã được Chính phủ cấp vốn và các đoàn thể được Chính phủ trợ cấp; phát hiện các trường hợp sai phạm, các vụ tham ô, lãng phí để các cơ quan có thẩm quyền xét định.

Điều 3. – Các Ban Thanh tra tài chính, trong khi làm nhiệm vụ, được sử dụng các quyền hạn sau đây:

1) Được yêu cầu các cơ quan và cá nhân có liên quan đến việc kiểm tra phải báo cáo công việc, cung cấp tài liệu, cho xem xét sổ sách, chứng từ, tiền mặt, hiện vật, kho tàng v .v… Các cơ quan hoặc cá nhân có liên quan không được viện lý do gì để từ chối.

2) Được quyền dự các hội nghị có liên quan đến công việc quản lý tài chính hay đề nghị triệu tập các hội nghị cần thiết cho việc kiểm tra.

3) Nếu tìm thấy những việc làm sai chính sách, luật lệ, chế độ tài chính có quyền yêu cầu cơ quan được kiểm tra phải sửa chữa.

Nếu nhận thấy luật lệ, chế độ tài chính không thích hợp với tình hình thực tế thì đề nghị lên cấp trên xét lại.

4) Trường hợp đặc biệt và khẩn cấp, các Ban Thanh tra tài chính được đề nghị Bộ Sở quan hay Ủy ban Hành chính địa phương:

- Đình chỉ việc cấp kinh phí hoặc đình chỉ một công việc đang tiến hành nếu xét có thể tác hại lớn đến tài chính Nhà nước;

- Đình chỉ công tác một cán bộ, công nhân, nhân viên, tạm giữ một cá nhân hay quyền trữ một số tài sản nếu xét cần thiết cho việc kiểm tra hay cho việc bảo vệ tài chính Nhà nước; đồng thời báo cáo lên cấp lãnh đạo của mình.

5) Đề nghị Bộ sở quan hoặc Ủy ban Hành chính địa phương:

- Khen thưởng những cán bộ, công nhân, nhân viên có nhiều thành tích trong công tác tài chính;

- Khen thưởng những người đã phát giác những vụ phá hoại tài sản quốc gia hay những vụ tham ô lãng phí quan trọng.

Điều 4. – Các Ban Thanh tra tài chính tổ chức như sau:

1) Ở Bộ Tài chính có Ban Thanh tra tài chính trung ương; ở các Sở Tài chính thành phố có Ban Thanh tra tài chính thành phố, các Khu Tài chính có Ban Thanh tra tài chính khu; ở các Ty tài chính có Ban Thanh tra tài chính tỉnh.

2) Các Ban Thanh tra tài chính gồm có một Trưởng ban, một Phó trưởng ban và một số cán bộ Thanh tra tài chính.

Trưởng ban và Phó trưởng ban Thanh tra tài chính trung ương do nghị định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Các Trưởng ban và Phó trưởng ban Thanh tra tài chính các khu, thành phố, và tỉnh do nghị định của Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ nhiệm.

3) Ban Thanh tra tài chính trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Tài chính và chịu sự hướng dẫn trực tiếp của Bộ Tài chính và chịu sự hướng dẫn thống nhất về đường lối và phương pháp thanh tra của Ban Thanh tra tài chính thành phố, khu, tỉnh do các Sở, Khu, Ty tài chính trực tiếp lãnh đạo và chịu sự hướng dẫn thống nhất về đường lối, phương pháp thanh tra của các Ban Thanh tra chính quyền địa phương.

Điều 5. – Khi kết thúc một vụ kiểm tra, các Ban Thanh tra tài chính phải làm báo cáo gửi Bộ Sở quan, Bộ Tài chính và Ủy ban Hành chính địa phương. Người phụ trách cơ quan và tất cả các người có liên quan đến việc kiểm tra phải ký vào báo cáo. Trường hợp chưa đồng ý với một số kết luận của Ban Thanh tra Tài chính thì trước khi ký, các người này được ghi chú vào báo cáo các điểm chưa đồng ý và có thể làm báo cáo riêng để trình bày những điểm đó, nói rõ lý do không đồng ý và đề nghị cấp trên xét lại. Bản báo cáo riêng này phải kèm theo bản báo cáo tổng kết để cùng gửi lên cấp trên.

Điều 6. – Chi tiết thi hành nghị định này do Bộ Tài chính quy định.

Điều 7. – Các ông Bộ trưởng các Bộ, các ông Chủ tịch Ủy ban hành chính liên khu, khu và thành phố Hà nội, Hải phòng chịu trách nhiệm thi hành nghị định này.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 1077-TTg năm 1956 Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và hệ thống tổ chức các Ban Thanh tra tài chính của Bộ, Khu, Thành phố và Tỉnh do Thủ tướng ban hành

  • Số hiệu: 1077-TTg
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/10/1956
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 32
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản