Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 169-NĐ

Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 1959

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH THỂ LỆ TỔ CHỨC KỲ THI HẾT CẤP 2 TRƯỜNG PHỔ THÔNG ÁP DỤNG TỪ NIÊN HỌC 1958-1959

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ Nghị định số 596-NĐ ngày 30-8-1956 ban hành quy chế Trường phổ thông;
Căn cứ Nghị định số 191-NĐ ngày 20-3-1956 ban hành quy chế kỳ thi hết cấp 2;
Theo đề nghị của ông Giám đốc Vụ Giáo dục phổ thông;

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. – Nay bãi bỏ Nghị định số 191-NĐ ngày 20-3-1958 nói trên và quy định dưới đây thể lệ tổ chức kỳ thi hết cấp 2 trường phổ thông áp dụng từ niên học 1958-59.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 2. – Cuối mỗi niên học sẽ tổ chức kỳ thi hết cấp 2 cho học sinh đang học lớp 7 các trường phổ thông cấp 2 quốc lập, dân lập, tư thục và học sinh đã học lớp 7 trước đây tại các trường này (học sinh cũ) nhưng chưa trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2.

Hội đồng thi sẽ căn cứ vào kết quả ở lớp 7 về mọi mặt (học tập, hạnh kiểm, lao động …) và các bài thi để công nhận học sinh đủ tiêu chuẩn trúng tuyển kỳ thi hết cấp 2.

Giấy chứng nhận trúng tuyển do Sở hay Ty Giáo dục cấp.

Điều 3. – Mỗi trường cấp 2 chịu trách nhiệm tổ chức kỳ thi cho học sinh trường mình dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính thị xã, huyện (hay quận) và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở hay Ty Giáo dục.

Ngày mở kỳ thi do Sở hay Ty Giáo dục ấn định thống nhất cho các trường trong toàn thành phố hay tỉnh và báo cáo cho Bộ Giáo dục, Ủy ban Hành chính các cấp khu, tỉnh, huyện, và Khu Giáo dục (nếu có).

Trên nguyên tắc, học sinh cũ trường nào sẽ xin thi tại trường ấy.

Điều 4. – Lúc nào thi, thí sinh phải mang theo thẻ học sinh của trường cấp. Thẻ này phải có đủ chữ ký của Hiệu trưởng, dấu của trường và chữ ký của thí sinh.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN DỰ THI - HỒ SƠ XIN THI

Điều 5. – Được phép dự thi những thí sinh đủ điều kiện dưới đây:

a) Về tuổi: đủ 14 tuổi tính đến ngày 31-12 năm dự thi;

b) Về học: học sinh đã học một trường quốc lập, dân lập, tư thục có học bạ đầy đủ chứng minh đã học hết cấp 2 trường phổ thông (hoặc tương đương với cấp 2).

Điều 6. – Những học sinh sau đây không được phép dự kỳ thi hết cấp 2 ngay cuối năm đang học:

- Học sinh đang học lớp 7 một trường cấp 2 đã nghỉ trong cả 2 học kỳ từ 1 tháng liên tục trở lên trong mỗi học kỳ hay đã nghỉ từ 2 tháng liên tục trở lên trong cả niên học mà không được Hội đồng nhà trường xét chiếu cố về hạnh kiểm và sự tiến bộ cuối niên học để cho dự thi;

- Học sinh có điểm tổng kết hạnh kiểm cả năm là 2 (điểm 5 bậc) mà Hội đồng nhà trường, sau khi xét, không cho dự thi,

- Học sinh đang học lớp 7 bị đuổi vi phạm kỷ luật trong năm mở khóa thi.

Đối với học sinh cũ, về từng khoa thi, Sở hay Ty Giáo dục, sau khi lấy ý kiến của Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh, có thể quyết định không cho phép một thí sinh được dự thi nếu Ủy ban Hành chính xã hay khu phố nơi thí sinh ở chứng nhận thí sinh ấy có hạnh kiểm rất xấu.

Điều 7. – Học sinh cũ phải gửi đến trường trong thời hạn do Sở hay Ty Giáo dục quy định, hồ sơ xin thi gồm có:

a) Tờ ghi tên xin dự thi làm theo mẫu đính kèm Nghị định này do tay thí sinh viết và ký tên. Trên tờ ghi tên phải có chứng nhận về địa chỉ và hạnh kiểm của Ủy ban Hành chính xã hay khu phố nơi thí sinh ở.

b) Bản sao giấy khai sinh.

c) Bản chính học bạ cấp 2.

Học sinh đang học tại trường không phải làm tờ ghi tên nhưng cần nộp cho trường giấy khai sinh nếu học sinh chưa nộp giấy này khi vào học.

Chương 3:

HỘI ĐỒNG THI

Điều 8. – Trên nguyên tắc, Hội đồng thi tại mỗi trường gồm có Hiệu trưởng, Hiệu phó (nếu có) và các giáo viên của trường.

Bộ Giáo dục, Khu, Sở hay Ty Giáo dục, Ủy ban Hành chính thị xã, huyện hay quận có thể cử đại diện tham dự Hội đồng thi.

Ủy viên Hội đồng thi do Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh ra quyết định cử và báo cáo lên Ủy ban Hành chính khu và Khu Giáo dục (nếu có).

Điều 9. – Ban lãnh đạo mội Hội đồng thi gồm có Chủ tịch, Thư ký Hội đồng và thêm Phó Chủ tịch cùng một số ủy viên nếu xét cần thiết. Khi tham gia Hội đồng thi, các vị đại diện của Bộ Giáo dục, Khu, Sở hay Ty Giáo dục và Ủy ban Hành chính thị xã, huyện hay quận sẽ ở trong Ban lãnh đạo Hội đồng thi.

Hội đồng thi có quyền quyết định mọi công việc trong kỳ thi theo đúng thể lệ đã quy định về kỳ thi.

Chương 4:

KỶ LUẬT

Điều 10. – Thí sinh nào bị bắt quả tang gian lận hay cố ý gian lận trong kỳ thi sẽ bị đuổi ra khỏi phòng thi và có thể bị cấm thi trong 1 năm.

Điều 11. – Thí sinh nào đã gian lận nhưng sau kỳ thi mới tìm ra sự gian lận có thể bị thi hành kỷ luật như: bị cấm thi, hủy bỏ kết quả trúng tuyển và thu hồi giấy chứng nhận trúng tuyển.

Điều 12. – Việc đuổi thí sinh gian lận ra khỏi phòng thi do Ban lãnh đạo Hội đồng thi quyết định và ghi vào biên bản kỳ thi.

Trừ việc cấm thi do Bộ Giáo dục quyết định, những việc thi hành kỷ luật khác đối với thí sinh gian lận do Sở hay Ty Giáo dục quyết định.

Chương 5:

CHƯƠNG TRÌNH THI – BÀI THI

Điều 13. – Chương trình thi là chương trình lớp 7 phổ thông đang áp dụng trong năm mở kỳ thi.

Điều 14. – Đề thi do Sở hay Ty Giáo dục chọn chung cho các Hội đồng thi trong thành phố hay tỉnh. Nếu xét cần thiết, Sở hay Ty có thể chọn đề thi riêng cho một số Hội đồng thi thuộc khu vực hay miền nào trong thành phố hay tỉnh (thí dụ: miền núi…)

Điều 15. – Bài thi gồm có:

a) một số môn học mà thí sinh phải làm bài thi viết (áp dụng chung cho cả học sinh cũ và học sinh đang học tại trường).

b) một số môn học mà Hội đồng thi sẽ lấy điểm tổng kết cả năm làm điểm bài thi (áp dụng riêng cho học sinh đang học tại trường). Những thí sinh là học sinh cũ phải thi vấn đáp những môn học này.

Về mỗi khoá thi, Bộ Giáo dục sẽ ấn định và công bố trong học kỳ 2 những môn học nào thí sinh phải làm bài thi viết và những môn học nào Hội đồng thi sẽ lấy điểm tổng kết cả năm làm điểm bài thi.

Điều 16. - Những thí sinh thi vấn đáp sẽ thi tiếp ngay sau khi đã thi các bài thi viết chung. Đối với mỗi thí sinh, mỗi bài thi vấn đáp không hỏi lâu quá 10 phút.

Điều 17. – Các bài thi đều cho điểm theo thang điểm 5 bậc.

Thí sinh nào bỏ không thi một bài (vắng mặt) hoặc nộp giấy trắng (không làm bài) hoặc thiếu một điểm tổng kết cả năm nào dùng làm điểm bài thi sẽ coi là thiếu bài thi và sẽ bị loại.

Chương 6:

ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN

Điều 18. - Những thí sinh đủ điều kiện dưới đây sẽ được trúng tuyển:

a) Các bài thi (viết vấn đáp hay điểm tổng kết) đều được điểm từ 3 trở lên;

b) Không thiếu một bài thi (viết, vấn đáp hay điểm tổng kết) nào.

Điều 19. – Sau khi đã lập danh sách thí sinh đủ tiêu chuẩn trúng tuyển trên đây, Hội đồng cần đưa ra thảo luận việc nên hay không nên lấy trúng tuyển thêm những thí sinh ở vào trường hợp sau đây:

- có 1 hay 2 bài thi (viết, vấn đáp

hay điểm tổng kết) được điểm 2,

các bài khác từ 3 trở lên.

- có 1 bài thi (viết, vấn đáp hay

điểm tổng kết) được điểm 1, các

bài khác từ 3 trở lên.

Điều 20. - Nếu xét nên lấy thêm, Hội đồng thi sẽ theo những nguyên tắc sau:

1. Tùy theo tình hình kết quả cụ thể của kỳ thi, Hội đồng sẽ quyết định nên lấy thêm loại thí sinh có đến một mức điểm nhất định nào,nhưng không được vượt ra ngoài những loại thí sinh được xét lấy thêm quy định trong điều 19 trên đây.

2. Hội đồng chỉ sẽ quyết định lấy thêm một thí sinh cho được trúng tuyển sau khi đã xét kỹ thí sinh về cả hai mặt kết quả học tập và hạnh kiểm.

3. Số thí sinh lấy trúng tuyển thêm phải ít hơn số thí sinh trúng tuyển bình thường.

Điều 21. – Sau khi đã lấy thêm một số thí sinh trúng tuyển theo thể thức nói trong điều 20 trên đây, ban lãnh đạo Hội đồng thi căn cứ vào đề nghị của nhân viên Hội đồng và sau khi đã xét sơ bộ để tìm nguyên nhân, có thể đưa ra toàn thể Hội đồng xét và quyết định lấy trúng tuyển đặc cách một số thí sinh ở vào trường hợp đã bị loại nhưng trong niên học được xếp vào hạng có học lực rất khá (điểm tổng kết cả năm về các môn học đều từ 4 trở lên) và hạnh kiểm thật tốt (điểm tổng kết cả năm là 5).

Điều 22. - Trong việc xét lấy thêm, toàn thể nhân viên Hội đồng thi có quyền biểu quyết. Quyết định sẽ lấy theo đa số tương đối. Nếu số người biểu quyết ngang nhau, ý kiến của Chủ tịch Hội đồng là ý kiến quyết định.

Quyết định của Hội đồng về việc lấy thêm phải ghi rõ vào văn bản.

Điều 23. - Hội đồng thi không xếp hạng những thí sinh trúng tuyển. Hội đồng có thể quyết định lựa chọn một số thí sinh (nhiều hay ít tùy theo kết quả kỳ thi của từng Hội đồng) đáng được Hội đồng thi khen trước toàn thể học sinh.

Những thí sinh được khen ít nhất phải đủ mấy tiêu chuẩn sau:

- Về điểm các bài thi (viết vấn đáp hay điểm tổng kết): ít nhất có một nửa số bài thi được điểm 5, các bài thi khác từ 4 trở lên. Nếu số bài thi là 7 thì số bài thi được điểm 5 sẽ là 3; nếu số bài thi là 9 thì số bài thi được điểm 5 sẽ là 4;...

- Về hạnh kiểm: điểm tổng kết cả năm là 5.

Việc khen của Hội đồng thì sẽ được ghi vào học bạ và giấy chứng nhận trúng tuyển của thí sinh.

Điều 24. - Kết quả kỳ thi sẽ tuyên bố ngay tại Hội đồng thi. Kết quả này chỉ coi là chính thức sau khi được Sở hay Ty Giáo dục duyệt y.

Chương 7:

HỒ SƠ KỲ THI – BÁO CÁO

Điều 25. – Sau khi thi xong, Chủ tịch Hội đồng thi gửi về Sở hay Ty Giáo dục biên bản Hội đồng thi kèm danh sách thí sinh trúng tuyển và những giấy tờ cần thiết cho việt xét duyệt kết quả kỳ thi và cấp giấy chứng nhận trúng tuyển. Những bài thi của thí sinh do Trường phụ trách lưu trữ và bảo quản.

Điều 26. – Sau khi đã kiểm soát lại công việc của Hội đồng thi và duyệt y kết quả kỳ thi, Sở hay Ty Giáo dục làm báo cáo tình hình và kết quả kỳ thi gửi Bộ Giáo dục, Ủy ban Hành chính thành phố hay tỉnh và Khu Giáo dục.

Điều 27. – Ủy ban Hành chính các khu, thành phố và tỉnh, các ông Chánh văn phòng Bộ Giáo dục, Giám đốc Vụ Giáo dục phổ thông, Giám đốc và Trưởng ty các Khu, Sở, Ty Giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

Mẫu tờ ghi tên (khổ giấy học sinh)

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Độc lập – Tự do - Hạnh phúc

TỜ GHI TÊN XIN DỰ THI KỲ THI HẾT CẤP 2
TRƯỜNG PHỔ THÔNG ([1])

(Tự tay thí sinh viết và ký tên)

Họ và tên thí sinh:(2)……………………………………………………………….

Ngày sinh: ngày…..tháng……năm..... 19….

Nơi sinh: ([2])………………………………………………………………………

Chỗ ở hiện thời của thí sinh: ([3]).........................................................

Học sinh cũ lớp 7 trường phổ thông cấp 2 (quốc lập, dân lập, tư thục)…….niên học 19…-19…

Hội đồng xin dự thi: Hội đồng thi tại trường…...........................

Khoa thi ngày….tháng....... năm 19…

Họ và tên cha…………..Nghề nghiệp cha………………………………………

Họ và tên mẹ………….. Nghề nghiệp mẹ………………………………………

Chỗ ở hiện thời của cha mẹ:(3)............................................................

Hồ sơ đính kèm: 1. giấy khai sinh

2. Bản chính học bạ

3. v.v

Tôi cam đoan lời khai trên đây là đúng.

…ngày …tháng…năm 19….

(Thí sinh ký tên)

NHẬN THỰC VỀ ĐỊA CHỈ VÀ HẠNH KIỂM(4)

(của Ủy ban Hành chính xã hay khu phố nơi thí sinh ở)

a) Về địa chỉ: nhận thực lời khai về địa chỉ ghi trên là đúng.

b) Về hạnh kiểm: (Ủy ban Hành chính cần ghi rõ tinh thần tham gia công việc và thái độ đối xử ở địa phương).

…ngày …tháng…năm 19….

(Chức vụ, họ và tên, chữ ký, dấu)



HƯỚNG DẪN CÁCH LÀM TỜ GHI TÊN XIN DỰ THI

[1] Học sinh cũ gửi đến Hiệu trưởng trường mình học lớp 7 trước đây.

[2] Ghi theo đúng giấy khai sinh. Thí dụ: giấy khai sinh ghi Nguyễn Thị Hồng thì không được ghi trong đơn là Nguyễn Thị Minh Hồng; ghi đúng tên thôn hay xã cũ như trong giấy khai sinh (dù thôn hay xã đã đổi tên mới).

[3] Ghi rõ số nhà, tên phố nếu ở thành phố hay thị trấn. Nếu ở nông thôn ghi rõ tên thôn, xã, huyện, tỉnh hiện thời.

4 Ủy ban Hành chính có thể giữ lại tờ ghi tên và phụ trách gửi thẳng đến trường học sinh xin dự thi.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 169-NĐ năm 1959 Quy định thể lệ tổ chức kỳ thi hết cấp 2 trường phổ thông áp dụng từ niên học 1958-1959 do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 169-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 25/03/1959
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 09/04/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản