Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 166/2017/NĐ-CP về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

Chương II

TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC VÀ CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TRỤ SỞ LÀM VIỆC, CƠ SỞ HOẠT ĐỘNG SỰ NGHIỆP, NHÀ Ở, NHÀ RIÊNG ĐẠI SỨ CỦA CƠ QUAN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI

Mục 1. TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC

Điều 6. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích làm việc, diện tích nhà ở

1. Diện tích làm việc, diện tích nhà ở của chức danh đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài mà nước sở tại có quan hệ đặc biệt, đối tác chiến lược:

STT

Chức danh

Tiêu chuẩn diện tích làm việc tối đa
(m2/người)

Tiêu chuẩn diện tích nhà ở tối đa
(m2/người)

1

Nhóm 1: Đại sứ, Đại biện, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, Tổng Lãnh sự và chức danh tương đương

50

120

2

Nhóm 2: Công sứ, Tham tán Công sứ, Tham tán, Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, Phó Tổng Lãnh sự, Trưởng Đại diện cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và chức danh tương đương

35

100

3

Nhóm 3: Lãnh sự, Phó lãnh sự, Bí thư, Phó trưởng Đại diện cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và chức danh tương đương

15

70

4

Nhóm 4: Chức danh khác (riêng nhân viên hợp đồng không được bố trí diện tích nhà ở)

10

60

2. Diện tích làm việc, diện tích nhà ở của chức danh đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài tại các nước không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này:

STT

Chức danh

Tiêu chuẩn diện tích làm việc tối đa
(m2/người)

Tiêu chuẩn diện tích nhà ở tối đa
(m2/người)

1

Nhóm 1: Đại sứ, Đại biện, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, Tổng Lãnh sự và chức danh tương đương

40

110

2

Nhóm 2: Công sứ, Tham tán Công sứ, Tham tán, Phó trưởng phái đoàn Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, Phó Tổng Lãnh sự, Trưởng Đại diện cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và chức danh tương đương

30

90

3

Nhóm 3: Lãnh sự, Phó lãnh sự, Bí thư, Phó trưởng Đại diện cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài và chức danh tương đương

10

60

4

Nhóm 4: Chức danh khác (riêng nhân viên hợp đồng không được bố trí diện tích nhà ở)

08

50

3. Việc xác định cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng tiêu chuẩn, định mức quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này do Bộ Ngoại giao quyết định trên cơ sở phân loại đối tác quan hệ ngoại giao của Chính phủ.

4. Trường hợp chức danh quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này có tiêu chuẩn mang theo gia đình thì được cộng thêm diện tích nhà ở của mỗi thành viên có tiêu chuẩn đi theo tối đa 06 m2 sàn/người.

Điều 7. Diện tích sử dụng chung trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp

1. Diện tích sử dụng chung là diện tích sử dụng phục vụ hoạt động chung trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; bao gồm: Phòng họp; phòng khách; phòng thường trực, bảo vệ; phòng y tế; phòng lưu trữ hồ sơ, tài liệu thông thường; phòng tổng đài điện thoại; phòng nhân sao tài liệu; nhà ăn, căng tin; thư viện; diện tích sảnh chính, sảnh phụ và hành lang, ban công và diện tích cần thiết khác không thuộc diện tích làm việc của các chức danh, diện tích chuyên dùng quy định tại Điều 6, Điều 8 Nghị định này.

Diện tích sử dụng chung không bao gồm diện tích chiếm chỗ của cột, tường, hộp kỹ thuật, cầu thang, diện tích nhà để xe; các phần diện tích này được thực hiện theo tiêu chuẩn xây dựng.

2. Diện tích sử dụng chung trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được tính như sau:

a) Tối đa bằng 70% tổng diện tích làm việc của các chức danh đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có từ 30 người trở lên;

b) Tối đa bằng 90% tổng diện tích làm việc của các chức danh đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có từ 15 đến dưới 30 người;

c) Tối đa bằng 130% tổng diện tích làm việc của các chức danh đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có từ 05 đến dưới 15 người;

d) Tối đa bằng 150% tổng diện tích làm việc của các chức danh đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài có dưới 05 người.

Điều 8. Diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà riêng Đại sứ

1. Diện tích chuyên dùng gồm:

a) Diện tích phục vụ công tác đối ngoại là diện tích phục vụ đón tiếp khách quốc tế, tổ chức các hoạt động lễ tân, khánh tiết. Tùy điều kiện cụ thể, diện tích phục vụ công tác đối ngoại có thể được bố trí tại nhà riêng Đại sứ hoặc tại trụ sở làm việc của cơ quan đại diện;

b) Diện tích chuyên dùng không thuộc điểm a khoản này như: Phòng hội đàm, phòng trưng bày, phòng truyền thống, phòng tưởng niệm và diện tích chuyên dùng khác (nếu có) tại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

2. Bộ, cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính (đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc trung ương quản lý); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích chuyên dùng của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp (đối với cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc địa phương quản lý).

Mục 2. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG

Điều 9. Đầu tư xây dựng, mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ

1. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Chưa có trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ;

b) Diện tích trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ hiện có thiếu so với tiêu chuẩn, định mức làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao;

c) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ bị xuống cấp, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng;

d) Các trường hợp khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

3. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại; trường hợp pháp luật nước sở tại không quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật nước Việt Nam.

Điều 10. Thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ

1. Việc thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 32 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; riêng đối với trường hợp thuê dài hạn từ 30 năm trở lên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.

2. Giá thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ phù hợp với giá thuê nhà, đất có điều kiện tương đương tại thị trường địa phương của nước sở tại bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp trong hợp đồng thuê, bên cho thuê yêu cầu bên đi thuê phải đặt cọc thì cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được tạm ứng để đặt cọc. Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm thu hồi, hoàn trả kinh phí đã tạm ứng và được thanh toán các khoản chi phí có liên quan như chi phí luật sư, chi phí môi giới và chi phí hợp lý phát sinh khác (nếu có).

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định thuê trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ theo dự toán ngân sách được giao và quyết định việc bồi thường hoặc sửa chữa do trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ bị hư hỏng phát sinh trong quá trình sử dụng trên cơ sở hợp đồng thuê.

5. Trường hợp thuê dài hạn từ 30 năm trở lên đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quyết định thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Điều 11. Khoán kinh phí sử dụng nhà ở

1. Việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở được áp dụng trong trường hợp cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không có nhà ở để bố trí cho chức danh có tiêu chuẩn và chức danh đó đăng ký thực hiện khoán.

2. Mức khoán kinh phí được xác định trên cơ sở giá thuê nhà ở có điều kiện tương đương tại thị trường địa phương nước sở tại bảo đảm phù hợp với diện tích nhà ở theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định này.

3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định việc khoán và mức khoán kinh phí sử dụng nhà ở của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

4. Kinh phí khoán được thanh toán cho đối tượng nhận khoán cùng với việc chi trả tiền sinh hoạt phí hàng tháng.

Điều 12. Cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ

1. Việc cải tạo, nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ theo chế độ và tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật nước sở tại; trường hợp pháp luật nước sở tại không quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật nước Việt Nam.

Trường hợp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ xuống cấp, cơ quan Việt Nam ở nước ngoài lập dự án cải tạo, nâng cấp trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều này phê duyệt.

2. Thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án cải tạo lớn, nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với các dự án cải tạo thường xuyên, cải tạo nhỏ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định.

Điều 13. Bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ

1. Việc bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc bán được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại; trường hợp pháp luật nước sở tại không quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật nước Việt Nam.

2. Thẩm quyền quyết định:

a) Thủ tướng Chính phủ quyết định bán đối với tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 22 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP) theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tài sản bán thuộc phạm vi quản lý và ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính;

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bán đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thuộc phạm vi quản lý không thuộc quy định tại điểm a khoản này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

3. Số tiền thu được từ bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được nộp vào Quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, sau khi trừ đi chi phí có liên quan, được nộp vào ngân sách nhà nước. Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước được sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển và ưu tiên bố trí trong dự toán chi ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công và pháp luật khác có liên quan để chi đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ theo dự án được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 14. Thanh lý nhà, công trình và tài sản khác thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ

1. Việc thanh lý nhà, công trình và tài sản khác thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được thực hiện trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Việc thanh lý được thực hiện theo quy định của pháp luật nước sở tại; trường hợp pháp luật nước sở tại không quy định thì thực hiện theo quy định của pháp luật nước Việt Nam.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoặc phân cấp cho Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài quyết định thanh lý nhà, công trình và tài sản khác thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ thuộc phạm vi quản lý.

Trường hợp cần thanh lý trước thời hạn quy định, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

3. Việc thanh lý thực hiện thông qua Hội đồng thanh lý tài sản do Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thành lập. Hội đồng thanh lý tài sản do Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là đại diện các bộ phận có liên quan của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.

4. Số tiền thu được từ thanh lý nhà, công trình và tài sản khác thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được nộp vào Quỹ tạm giữ ngân sách nhà nước tại các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài, sau khi trừ đi chi phí có liên quan, được nộp vào ngân sách nhà nước.

Điều 15. Sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ

1. Cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ theo đúng mục đích sử dụng được giao; phù hợp với tiêu chuẩn, định mức quy định tại Nghị định này và phù hợp với tổ chức, bộ máy theo quy định của pháp luật.

Phương án sắp xếp lại, xử lý được lập đối với tất cả trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ mà cơ quan Việt Nam ở nước ngoài được giao quản lý, sử dụng theo từng địa bàn.

2. Việc sắp xếp lại trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ theo hướng sử dụng độc lập giữa trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp với nhà ở, nhà riêng Đại sứ. Trường hợp chưa có điều kiện sử dụng độc lập thì sắp xếp lại diện tích làm việc, diện tích nhà ở của chức danh cho phù hợp bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động đối ngoại.

3. Trường hợp sử dụng sai mục đích hoặc không sử dụng thì xử lý theo các hình thức quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017/NĐ-CP.

4. Thủ trưởng cơ quan Việt Nam ở nước ngoài lập phương án sắp xếp lại, xử lý đối với trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ đang quản lý, sử dụng báo cáo bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để:

a) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đối với phương án bán trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ theo thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 2 Điều 13 Nghị định này.

b) Phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a khoản này sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.

5. Số tiền thu được từ sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở, nhà riêng Đại sứ được quản lý, sử dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 13 hoặc khoản 4 Điều 14 Nghị định này.

Nghị định 166/2017/NĐ-CP về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài

  • Số hiệu: 166/2017/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 31/12/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: 09/02/2018
  • Số công báo: Từ số 365 đến số 366
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH