Hệ thống pháp luật

Chương 2 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

Chương 2.

XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

MỤC 1. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA

Điều 4. Vi phạm quy định về sản xuất phim

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim;

b) Sản xuất phim có nội dung tiết lộ bí mật đời tư của người khác mà theo quy định của pháp luật phải được sự đồng ý của người đó nhưng nhà sản xuất không xin phép hoặc không được sự đồng ý của người đó.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phim có nội dung vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ sản xuất phim hoặc hợp tác, liên doanh sản xuất phim không đúng nội dung ghi trong giấy phép cung cấp dịch vụ sản xuất phim, hợp tác, liên doanh sản xuất phim;

b) Trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh quảng cáo những mặt hàng cấm quảng cáo vào phim đã được phép phổ biến;

c) Trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy vào phim đã được phép phổ biến;

d) Thêm, bớt làm sai nội dung phim đã được phép phổ biến.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sản xuất phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, hủy hoại môi trường sinh thái, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam;

b) Cung cấp dịch vụ sản xuất phim hoặc hợp tác, liên doanh sản xuất phim mà không có giấy phép;

c) Sản xuất phim, cung cấp dịch vụ sản xuất phim không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh;

d) Không thành lập Hội đồng thẩm định kịch bản, Hội đồng thẩm định phim, Hội đồng tư vấn lựa chọn dự án sản xuất phim, không tổ chức đấu thầu đối với sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất phim có nội dung đồi trụy.

6. Tước quyền sử dụng giấy phép từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi chuyển nhượng giấy phép hợp tác, liên doanh sản xuất, cung cấp dịch vụ sản xuất phim.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1, Khoản 2, các điểm b, c và d Khoản 3, Điểm a Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.

Điều 5. Vi phạm quy định về phát hành phim

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến với số lượng dưới 20 bản;

b) Bán, cho thuê phim thuộc diện lưu hành nội bộ;

c) Tẩy xóa, sửa đổi nhãn kiểm soát dán trên băng, đĩa phim.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim chưa được phép phổ biến với số lượng dưới 20 bản;

b) Bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến với số lượng từ 20 bản đến 100 bản;

c) Đánh tráo nội dung băng, đĩa phim đã được dán nhãn kiểm soát để kinh doanh.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến với số lượng từ 100 bản đến 500 bản;

b) Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim chưa được phép phổ biến với số lượng từ 20 bản đến 100 bản.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim khi chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình;

b) Phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim quá phạm vi được ghi trong giấy phép phổ biến;

c) Bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến với số lượng từ 500 bản đến 1.000 bản;

d) Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim chưa được phép phổ biến với số lượng từ 100 bản trở lên;

đ) Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến với số lượng từ 1.000 bản đến 5.000 bản.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cho thuê hoặc phát hành phim nhựa, băng, đĩa phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến hoặc tiêu hủy;

b) Bán, cho thuê băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát hoặc dán nhãn kiểm soát không đúng phim đã được cấp giấy phép phổ biến với số lượng từ 5.000 bản trở lên.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3, các điểm a, c, d và đ Khoản 4, Khoản 5 và Khoản 6 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, các khoản 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Điều 6. Vi phạm quy định về phổ biến phim

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim tại nơi công cộng sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chiếu băng, đĩa phim không dán nhãn kiểm soát tại nơi công cộng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi chiếu phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến, tiêu hủy hoặc có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phát sóng phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, cấm phổ biến, tiêu hủy hoặc có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

6. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 7. Vi phạm quy định về nhân bản, tàng trữ phim

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản phim chưa được phép phổ biến với số lượng dưới 20 bản;

b) Tàng trữ trái phép phim có nội dung cấm phổ biến với số lượng dưới 10 bản.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản phim chưa được phép phổ biến với số lượng từ 20 bản đến 100 bản;

b) Tàng trữ trái phép phim có nội dung cấm phổ biến với số lượng từ 10 bản đến 50 bản.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản phim chưa được phép phổ biến với số lượng từ 100 bản trở lên;

b) Tàng trữ trái phép phim có nội dung cấm phổ biến với số lượng từ 50 bản đến 100 bản.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm phổ biến;

b) Nhân bản phim có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy;

c) Tàng trữ trái phép phim có nội dung cấm phổ biến với số lượng từ 100 bản trở lên;

d) Tàng trữ trái phép phim đã có quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 3, Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Điều 8. Vi phạm quy định về lưu chiểu, lưu trữ phim

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm an toàn phim, vật liệu gốc của phim và không bảo quản theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật về lưu trữ phim;

b) Không cung cấp lại bản sao, in trích tư liệu của phim cho cơ sở sản xuất phim theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nộp lưu chiểu, lưu trữ phim không đủ số lượng hoặc không đúng chủng loại theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lưu chiểu, lưu trữ phim theo quy định.

Điều 9. Vi phạm các quy định về nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng dưới 10 bản.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 10 bản đến 100 bản.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 100 bản đến 300 bản.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 300 bản đến 500 bản.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 500 bản đến 1.000 bản;

b) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 1.000 bản đến 5.000 bản;

b) Nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy.

7. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi nhân bản bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 5.000 bản trở lên.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu phương tiện dùng để nhân bản bản ghi âm, ghi hình trái phép đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình nhân bản trái phép đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này.

Điều 10. Vi phạm quy định về sản xuất, dán nhãn kiểm soát, lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;

b) Dán nhãn kiểm soát không đúng chương trình đã được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 50 bản đến 500 bản;

c) Không nộp lưu chiểu bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu;

d) Thêm, bớt hình ảnh hoặc âm thanh làm thay đổi nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Trích ghép, thêm âm thanh, hình ảnh có nội dung vi phạm các quy định của pháp luật vào bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu đã được phép lưu hành;

b) Dán nhãn kiểm soát không đúng chương trình đã được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 500 bản đến 1.000 bản.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi dán nhãn kiểm soát không đúng chương trình đã được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 1.000 bản trở lên.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đồi trụy.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy bản ghi âm, ghi hình đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Khoản 4 và Khoản 5 Điều này.

Điều 11. Vi phạm quy định về bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng dưới 50 bản.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 50 bản đến 100 bản.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy;

b) Bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 100 bản đến 300 bản.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đã có quyết định cấm lưu hành hoặc quyết định thu hồi, tịch thu, tiêu hủy;

b) Bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 300 bản đến 500 bản.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 500 bản đến 1.000 bản.

6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi bán, cho thuê hoặc lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung với số lượng từ 1.000 bản trở lên.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Điều 12. Vi phạm quy định về tàng trữ, phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung chưa được phép phổ biến.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam tại nơi công cộng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thuộc loại cấm phổ biến với số lượng dưới 20 bản;

b) Phổ biến bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực tại nơi công cộng;

c) Lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu không dán nhãn kiểm soát với số lượng dưới 300 bản.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thuộc loại cấm phổ biến với số lượng từ 20 bản đến 100 bản;

b) Lưu hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu không dán nhãn kiểm soát với số lượng từ 300 bản trở lên;

c) Tàng trữ trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung hoặc chưa dán nhãn kiểm soát với số lượng từ 50 bản đến 300 bản.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thuộc loại cấm phổ biến với số lượng từ 100 bản trở lên;

b) Tàng trữ trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu chưa được cấp giấy phép phê duyệt nội dung hoặc chưa dán nhãn kiểm soát với số lượng từ 300 bản trở lên.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phổ biến trái phép bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu có nội dung đồi trụy.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này.

Điều 13. Vi phạm quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi biểu diễn, trình diễn theo quy định;

b) Không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang của tổ chức nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi đặt trụ sở theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi tự ý thêm, bớt lời ca, lời thoại hoặc thêm động tác diễn xuất khác với khi duyệt cho phép biểu diễn.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng hát thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ độc diễn;

c) Sử dụng trang phục hoặc hóa trang không phù hợp với mục đích, nội dung biểu diễn, trình diễn và thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam;

d) Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép;

b) Thực hiện hành vi không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam hoặc hành vi làm ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại trong quá trình tổ chức biểu diễn;

c) Tổ chức biểu diễn hoặc biểu diễn tác phẩm chưa được phép phổ biến.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Tổ chức biểu diễn cho người đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấm biểu diễn hoặc trong thời hạn bị đình chỉ hoạt động biểu diễn;

c) Mua, bán, chuyển nhượng, sửa chữa, cho mượn, cho thuê giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang;

d) Ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang hoặc dự thi theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép;

b) Tổ chức cho người ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang mà không có giấy phép.

7. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, tác phẩm bị cấm biểu diễn.

9. Đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 3 tháng đến 6 tháng đối với người biểu diễn có một trong các hành vi sau đây:

a) Biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

b) Biểu diễn tác phẩm có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, tác phẩm bị cấm biểu diễn.

10. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động biểu diễn từ 1 tháng đến 3 tháng đối với người biểu diễn có hành vi quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 3, Điểm b Khoản 4 Điều này;

b) Đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn từ 1 tháng đến 3 tháng đối với tổ chức có hành vi quy định tại Khoản 7 và Khoản 8 Điều này.

Điều 14. Vi phạm quy định về thi người đẹp và người mẫu

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức thi theo quy định;

b) Đưa thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu không đủ các điều kiện theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của thí sinh dự thi người đẹp, người mẫu.

3. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu không đúng nội dung ghi trong giấy phép như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu cấp tỉnh, ngành, đoàn thể trung ương;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng;

c) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

4. Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có giấy phép như sau:

a) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu cấp tỉnh, ngành, đoàn thể trung ương;

b) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng;

c) Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với thí sinh ra nước ngoài dự thì người đẹp, người mẫu quốc tế theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đối với hành vi đưa thí sinh ra nước ngoài dự thi người đẹp, người mẫu mà không có giấy phép.

7. Phạt tiền đối với hành vi không trao, trao không đủ giải thưởng hoặc không cấp giấy chứng nhận cho thí sinh đoạt giải theo đúng cam kết trong Thể lệ cuộc thi và Đề án tổ chức như sau:

a) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thi người đẹp và người mẫu cấp tỉnh, ngành, đoàn thể trung ương;

b) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thi người đẹp có quy mô vùng;

c) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thi người đẹp, người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 15. Vi phạm quy định về nếp sống văn hóa

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi;

b) Treo cờ Tổ quốc ở khu vực lễ hội không cao hơn, không trang trọng hơn các cờ hội.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Điều 16. Vi phạm quy định về điều kiện tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh trò chơi điện tử ở địa điểm cách trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200 mét;

b) Kinh doanh karaoke và vũ trường ở địa điểm cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, cơ quan hành chính nhà nước dưới 200 mét;

c) Tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử sau 10 giờ đêm đến 8 giờ sáng;

d) Không bảo đảm đủ ánh sáng tại vũ trường và phòng karaoke theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phát hành vé quá số ghế hoặc quá sức chứa tại nơi tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm đủ diện tích của vũ trường, phòng karaoke theo quy định;

b) Không bảo đảm quy định về thiết kế cửa vũ trường, phòng karaoke.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thiết bị báo động không đúng quy định.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 4 Điều này.

6. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định về giấy phép trong tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức lễ hội theo quy định phải báo cáo bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý mà vẫn tổ chức;

b) Sửa chữa, tẩy xóa làm thay đổi nội dung Giấy phép kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke không đúng nội dung, không đúng phạm vi quy định trong giấy phép;

b) Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép hoặc sử dụng giấy phép của tổ chức, cá nhân khác để kinh doanh hoạt động vũ trường, karaoke.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Kinh doanh hoạt động karaoke không có giấy phép hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi kinh doanh;

b) Tổ chức lễ hội theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hoạt động vũ trường không có giấy phép hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi kinh doanh.

5. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy phép từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

Điều 18. Vi phạm quy định về sản xuất, lưu hành băng, đĩa trò chơi điện tử

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức trò chơi điện tử có nội dung đồi trụy;

b) Bán, cho thuê băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất băng, đĩa trò chơi điện tử có nội dung đồi trụy.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.

Điều 19. Vi phạm quy định cấm đối với hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng theo quy định;

b) Treo, trưng bày tranh, ảnh, lịch hay đồ vật khác có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, nhà hàng karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc tại nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Bán tranh, ảnh có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy;

b) Hoạt động karaoke, quầy bar và các hình thức vui chơi giải trí khác quá giờ được phép.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Dùng các phương thức phục vụ có tính chất khiêu dâm tại vũ trường, nhà hàng karaoke, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống, giải khát hoặc nơi hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác;

b) Hoạt động vũ trường quá giờ được phép.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh khiêu vũ không đúng nơi quy định.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi bao che cho các hoạt động có tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, nhảy múa thoát y tại vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, nhà hàng karaoke, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác.

6. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại vũ trường, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác, nhà hàng ăn uống, giải khát, nhà hàng karaoke.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh vũ trường, karaoke từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều này.

Điều 20. Vi phạm quy định về dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ của cơ sở dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ ngoài công lập

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ theo quy định phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không đăng ký.

2. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ hoặc sử dụng người dạy âm nhạc, dạy khiêu vũ không đủ điều kiện theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi dạy khiêu vũ có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy.

Điều 21. Vi phạm quy định về giấy phép, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhiếp ảnh

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật theo quy định;

b) Không gửi báo cáo kết quả cuộc thi sáng tác tác phẩm mỹ thuật đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi hoặc liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh; triển lãm văn hóa, nghệ thuật không đúng với nội dung đã đăng ký.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tổ chức thi hoặc liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh; triển lãm văn hóa, nghệ thuật theo quy định phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không đăng ký;

b) Tổ chức triển lãm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh; trại sáng tác điêu khắc không đúng nội dung ghi trong giấy phép.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức triển lãm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh; trại sáng tác điêu khắc không có giấy phép.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình mỹ thuật không đúng nội dung ghi trong giấy phép.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình mỹ thuật không có giấy phép.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tháo dỡ triển lãm đối với hành vi quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ công trình đối với hành vi quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều này.

Điều 22. Vi phạm quy định cấm trong lĩnh vực mỹ thuật, triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhiếp ảnh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân bản tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mẫu tượng đó chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh không bảo đảm sự trang trọng, tôn kính đối với lãnh tụ.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi triển lãm những ấn phẩm, tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh và những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật khác thuộc loại cấm phổ biến.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình mỹ thuật có nội dung khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy hoặc không đúng mẫu đã được phê duyệt.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc tháo dỡ công trình đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 23. Vi phạm quy định về bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tuyên truyền, phổ biến, trình diễn sai lệch nội dung và giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hoặc được công nhận là Di sản văn hóa thế giới;

b) Tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị dưới 50.000.000 đồng;

b) Không đăng ký bảo vật quốc gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc khi thay đổi chủ sở hữu bảo vật quốc gia mà không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

c) Sửa chữa, tẩy xóa bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi làm hư hại công trình văn hóa, nghệ thuật.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; làm hư hại nghiêm trọng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật;

b) Lấn chiếm đất hoặc sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật;

c) Đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài.

6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

7. Tịch thu tang vật vi phạm đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để kinh doanh mà không có giấy phép;

b) Mua, bán, trao đổi, vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia có nguồn gốc bất hợp pháp.

8. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu phương tiện vi phạm đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 7 Điều này.

9. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn chiếm hoặc chấm dứt việc sử dụng trái phép di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 7 Điều này.

Điều 24. Vi phạm quy định về khai quật khảo cổ, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không đúng nội dung ghi trong giấy phép;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh không đúng nội dung quy hoạch, dự án và thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thăm dò, khai quật khảo cổ không có giấy phép; đào bới, trục vớt trái phép tại các địa điểm khảo cổ;

b) Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Thực hiện lập quy hoạch, dự án hoặc tổ chức thi công, giám sát thi công dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích mà không có đủ điều kiện năng lực, điều kiện hành nghề theo quy định;

d) Sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam mà không thực hiện đúng nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sưu tầm, nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cho phép.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 1, Điểm a Khoản 2 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi khai quật khảo cổ quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2; hành vi đào bới trái phép quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Điều 25. Vi phạm quy định về khai báo, giao nộp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được phát hiện.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 26. Vi phạm quy định trong lĩnh vực thư viện

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi làm hư hại tài liệu thư viện.

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sao chụp trái phép tài liệu thư viện;

b) Không thực hiện việc đăng ký hoạt động thư viện với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đánh tráo tài liệu thư viện;

b) Chiếm dụng tài liệu thư viện.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hủy hoại tài liệu thư viện.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trả lại tài liệu thư viện đã đánh tráo hoặc chiếm dụng đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này.

Điều 27. Vi phạm quy định về công bố, phổ biến tác phẩm ra nước ngoài

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi công bố, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc ra nước ngoài theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép;

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi công bố, phổ biến tác phẩm điện ảnh ra nước ngoài theo quy định phải có giấy phép mà không có giấy phép.

3. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, phổ biến tác phẩm nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc thuộc loại cấm công bố, phổ biến.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi công bố, phổ biến tác phẩm điện ảnh ra nước ngoài thuộc loại cấm công bố, phổ biến.

MỤC 2. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC THỂ THAO

Điều 28. Vi phạm quy định về sử dụng chất kích thích trong tập luyện và thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi bao che, tổ chức cho vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao.

Điều 29. Vi phạm quy định về sử dụng phương pháp bị cấm trong tập luyện và thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao mang tính chất khiêu dâm, kích động bạo lực, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng các bài tập, môn thể thao hoặc các phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe người tập luyện, thi đấu, trừ những bài tập, môn thể thao, phương pháp tập luyện và thi đấu thể thao được pháp luật cho phép.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tài liệu, trang thiết bị, dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 30. Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập luyện, thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không sơ cứu, cấp cứu cho vận động viên theo quy định;

b) Không có hoặc có nhưng không đầy đủ trang thiết bị, phương tiện cho vận động viên khi tập luyện, thi đấu thể thao theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền công, tiền thưởng và chế độ khác đối với vận động viên theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 31. Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập luyện, thi đấu thể thao

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho vận động viên theo quy định.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ tiền thưởng và các chế độ khác đối với huấn luyện viên theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 32. Vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của trọng tài thể thao thành tích cao

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không trung thực, khách quan trong điều hành thi đấu thể thao.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ tiền thù lao đối với trọng tài thể thao thành tích cao theo quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2 Điều này.

Điều 33. Vi phạm quy định về phong đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao thành tích cao

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp vận động viên không đúng quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phong đẳng cấp huấn luyện viên, trọng tài không đúng quy định.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc hủy bỏ kết quả phong đẳng cấp đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 34. Vi phạm quy định về giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục, thể thao

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao mà không có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thể dục, thể thao.

Điều 35. Vi phạm quy định về điều kiện cơ sở vật chất và vùng hoạt động của hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có bảng nội quy, bảng hướng dẫn, cờ hiệu, phao neo, phao tiêu;

b) Không có khu vực thay đồ, gửi quần áo, nhà vệ sinh, nơi để xe;

c) Không bảo đảm về kiểu dáng, màu sắc, độ phẳng, độ trơn trượt phù hợp đối với từng môn thể thao theo quy định;

d) Không bảo đảm các điều kiện về âm thanh, ánh sáng theo tiêu chuẩn của từng môn thể thao theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm về diện tích đối với địa điểm tổ chức theo quy định;

b) Không bảo đảm về mặt bằng, mặt sàn, kích thước, độ sâu, độ dốc, độ gấp khúc, chiều cao, mái che phù hợp đối với từng môn thể thao theo quy định;

c) Không bảo đảm về tiêu chuẩn chất lượng nước bể bơi theo quy định;

d) Không bảo đảm về tiêu chuẩn mật độ người tham gia tập luyện theo quy định;

đ) Không bảo đảm các yêu cầu về khoảng cách giữa các dụng cụ, trang thiết bị theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm vùng hoạt động đối với các môn thể thao có điều kiện về vùng hoạt động theo quy định;

b) Bến bãi neo đậu phương tiện hoạt động thể dục, thể thao không phù hợp với quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Không có hệ thống tiếp nhận dầu thải từ các phương tiện khi tham gia hoạt động thể thao trên mặt nước theo quy định;

d) Vị trí cửa ra vào của mỗi bến bãi neo đậu phương tiện không đúng theo quy định;

đ) Không trang bị hệ thống thông tin liên lạc từ bộ phận điều hành đến các vùng hoạt động theo quy định.

Điều 36. Vi phạm quy định về trang thiết bị, phương tiện đối với từng môn thể thao trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Sử dụng dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện không bảo đảm các yêu cầu về kích thước, kiểu dáng, mẫu mã, công suất, công năng sử dụng theo quy định.

2. Sử dụng dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện không có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, Giấy chứng nhận về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đối với từng môn thể thao theo quy định.

3. Không có sổ theo dõi người tập luyện theo quy định.

Điều 37. Vi phạm quy định về huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng đội ngũ nhân viên chuyên môn không bảo đảm các điều kiện về sức khỏe theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có hoặc có nhưng không đủ huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng đội ngũ huấn luyện viên, nhân viên chuyên môn không có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Điều 38. Vi phạm quy định về công tác y tế trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có tủ thuốc, các loại thuốc theo danh mục, quy trình sơ cấp cứu theo quy định;

b) Không có hoặc có nhưng không đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định;

c) Không có phòng trực y tế theo quy định;

d) Không đăng ký liên kết cấp cứu với cơ sở y tế theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có nhân viên y tế theo quy định;

b) Không có nhân viên y tế thường trực khi có người tham gia hoạt động thể dục, thể thao theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhân viên y tế không bảo đảm các điều kiện về chứng chỉ y học thể thao do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Điều 39. Vi phạm quy định về công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hoặc có nhưng không đầy đủ biển báo hiệu, đèn báo hiệu hoặc bảng thông báo khu vực nguy hiểm, bảng cấm, bảng khuyến cáo theo quy định;

b) Không có hoặc có nhưng không đầy đủ phao cứu sinh, áo phao đối với các môn thể thao dưới nước theo quy định;

c) Không có dù chính, đai ngồi, dù dự phòng, thiết bị đo độ cao, định vị toàn cầu, bộ đàm, mũ bảo hiểm, hệ thống dây an toàn, thiết bị thông tin liên lạc đối với hoạt động dịch vụ dù lượn và diều bay có động cơ hoặc không có động cơ theo quy định;

d) Không bảo đảm các điều kiện khác về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác bảo đảm an toàn theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không có nhân viên chuyên môn thường trực khi có người tham gia hoạt động thể dục, thể thao theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Nhân viên cứu hộ không có chứng chỉ hành nghề theo quy định;

b) Nhân viên cứu hộ không đủ các điều kiện về sức khỏe theo quy định.

Điều 40. Vi phạm quy định khác trong hoạt động thể dục, thể thao

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây khi tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng:

a) Không thành lập Ban tổ chức giải thi đấu theo quy định;

b) Không có Điều lệ giải thi đấu theo quy định;

c) Không có kế hoạch tổ chức giải thi đấu theo quy định;

d) Không báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức, kết quả giải thi đấu theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Gian lận các điều kiện về hồ sơ tuyển chọn, tham gia thi đấu thể thao;

b) Cố ý cản trở hoạt động thể dục, thể thao hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, ép buộc người khác gian lận các điều kiện về hồ sơ để được tham gia hoạt động thể dục, thể thao.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao;

b) Chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, đe dọa sức khỏe, tính mạng và phản ứng khác không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam đối với trọng tài trong thi đấu thể thao.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trung tâm và trường năng khiếu thể dục, thể thao mà có gian lận về tên, tuổi, thành tích thi đấu thể thao.

6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vận động viên khác trong tập luyện, thi đấu thể thao, trái với luật thi đấu của từng môn thể thao.

7. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hủy bỏ thành tích thi đấu thể thao đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2, Điểm a Khoản 4 Điều này;

b) Buộc hủy bỏ kết quả tuyển chọn đối với hành vi quy định tại Khoản 5 Điều này.

MỤC 3. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC DU LỊCH

Điều 41. Vi phạm quy định về thông báo hoạt động kinh doanh lữ hành

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

1. Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày doanh nghiệp chính thức hoạt động kinh doanh.

2. Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; loại hình doanh nghiệp; tên doanh nghiệp; địa điểm đặt trụ sở của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

3. Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

4. Không thông báo bằng văn bản về việc thành lập, thời điểm bắt đầu hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày cơ sở đó chính thức hoạt động.

5. Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đứng đầu; tên; địa điểm của chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi.

6. Không thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày mất hoặc phát hiện mất Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

7. Không thông báo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tai nạn hoặc rủi ro, sự cố xảy ra với khách du lịch.

Điều 42. Vi phạm quy định về kinh doanh lữ hành

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa không đủ ba năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành;

b) Sử dụng người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế không đủ bốn năm làm việc trong lĩnh vực lữ hành;

c) Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành sử dụng giấy tờ xác nhận về thời gian làm việc không đúng với thực tế để điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành;

d) Hợp đồng lữ hành đã ký kết thiếu một trong những nội dung theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có chương trình du lịch bằng văn bản cho khách du lịch hoặc đại diện nhóm khách du lịch theo quy định;

b) Không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với khách du lịch hoặc đại diện của khách du lịch theo quy định;

c) Không giải quyết yêu cầu, kiến nghị chính đáng của khách du lịch theo quy định;

d) Không hướng dẫn, cung cấp thông tin liên quan đến chương trình du lịch khi bên nhận đại lý lữ hành yêu cầu;

đ) Không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch cho khách du lịch;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch dùng Thẻ hướng dẫn viên du lịch hết hạn để hướng dẫn cho khách du lịch hoặc dùng Thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa để hướng dẫn cho khách du lịch là người nước ngoài;

b) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;

c) Sử dụng hướng dẫn viên du lịch để thực hiện chương trình du lịch mà không có hợp đồng bằng văn bản với hướng dẫn viên du lịch hoặc hợp đồng không có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định;

d) Tẩy xóa, sửa chữa làm thay đổi nội dung Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

đ) Kê khai không trung thực các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây;

a) Sử dụng phương tiện, trang thiết bị không bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch theo quy định, trừ các trường hợp đã quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 48 Nghị định này;

b) Không phân công, sử dụng hướng dẫn viên để hướng dẫn cho khách du lịch;

c) Sử dụng người không có Thẻ hướng dẫn viên du lịch để hướng dẫn cho khách du lịch;

d) Sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn du lịch tại Việt Nam;

đ) Không bảo đảm đủ số tiền ký quỹ đối với hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có ít nhất ba hướng dẫn viên du lịch quốc tế;

b) Không mua bảo hiểm du lịch cho khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài trong thời gian thực hiện chương trình du lịch theo quy định;

c) Thay đổi chương trình du lịch, tiêu chuẩn, dịch vụ đã ký kết mà không được sự đồng ý của khách du lịch hoặc đại diện khách du lịch;

d) Không áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho khách du lịch.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thu tiền ngoài hợp đồng từ khách du lịch;

b) Không quản lý hoạt động của văn phòng đại diện, hoạt động kinh doanh của các chi nhánh, đơn vị trực thuộc doanh nghiệp theo quy định;

c) Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng, chương trình du lịch đã ký kết;

d) Sử dụng giấy tờ, tài liệu giả mạo trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế;

đ) Không làm thủ tục đổi Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế theo quy định;

e) Sử dụng tên doanh nghiệp, tên giao dịch, tên viết tắt không đúng với tên đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoạt động kinh doanh.

7. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hoạt động kinh doanh lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng, chấm dứt hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước giấy phép, yêu cầu tạm ngừng hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh lữ hành;

b) Tổ chức tiếp thị, bán dịch vụ du lịch theo hình thức bán hàng đa cấp;

c) Thu tiền đặt cọc hoặc yêu cầu phải đặt cọc để được quyền tham gia mạng lưới bán dịch vụ du lịch theo hình thức bán hàng đa cấp;

d) Yêu cầu phải mua dịch vụ du lịch ban đầu để được tham gia mạng lưới bán dịch vụ du lịch theo hình thức bán hàng đa cấp;

đ) Chi tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác cho người môi giới, người tham gia bán dịch vụ du lịch theo hình thức bán hàng đa cấp;

e) Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia bán dịch vụ du lịch để dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán dịch vụ du lịch theo hình thức bán hàng đa cấp;

g) Yêu cầu phải trả tiền hoặc trả bất kỳ khoản phí nào dưới hình thức khóa học, khóa đào tạo, hội thảo, hoạt động xã hội hay các hoạt động tương tự khác để được quyền tham gia mạng lưới bán dịch vụ du lịch theo hình thức bán hàng đa cấp.

8. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh lữ hành không đúng phạm vi kinh doanh ghi trong Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

9. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế hoặc sử dụng tư cách pháp nhân, tên, Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế của doanh nghiệp khác.

10. Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng tư cách pháp nhân, tên, Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động kinh doanh lữ hành.

11. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm d Khoản 1, Điểm đ Khoản 3, Điểm d và Điểm đ Khoản 4, Điểm a và Điểm c Khoản 5, Điểm c và Điểm d Khoản 6 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế từ 12 tháng đến 18 tháng đối với hành vi quy định tại Khoản 8 Điều này.

12. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 6, các điểm a, b, c, d, đ và g Khoản 7, các khoản 8, 9 và 10 Điều này.

Điều 43. Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đại lý lữ hành bắt đầu hoạt động kinh doanh;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật; tên, địa chỉ của đại lý lữ hành cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi;

c) Không thông tin rõ ràng, công khai, trung thực số lượng, giá cả các dịch vụ du lịch của bên giao đại lý lữ hành cho khách du lịch;

d) Hoạt động không đúng địa chỉ đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung chương trình du lịch của bên giao đại lý lữ hành;

b) Bán chương trình du lịch với giá cao hơn giá của bên giao đại lý lữ hành;

c) Hoạt động đại lý lữ hành mà không có đăng ký kinh doanh đại lý lữ hành;

d) Kinh doanh đại lý lữ hành mà không có hợp đồng đại lý lữ hành bằng văn bản với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Hoạt động đại lý lữ hành cho doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để bán chương trình du lịch cho khách du lịch quốc tế, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài;

b) Tiếp tục hoạt động kinh doanh đại lý lữ hành sau khi đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đại lý lữ hành.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại các điểm b, c và d Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.

Điều 44. Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên có hành vi không đeo thẻ, giấy chứng nhận trong khi hành nghề.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Thuyết minh không đúng nội dung giới thiệu tại khu du lịch, điểm du lịch;

b) Không mang theo chương trình du lịch, giấy tờ phân công nhiệm vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong khi hành nghề;

c) Không hướng dẫn cho khách du lịch tuân thủ pháp luật Việt Nam, nội quy, quy chế nơi đến tham quan du lịch và tôn trọng phong tục, tập quán của địa phương;

d) Không cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình, chương trình du lịch cho đại diện nhóm khách du lịch hoặc khách du lịch.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không có hợp đồng lao động bằng văn bản với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong khi hành nghề;

b) Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch trong khi thực hiện chương trình du lịch;

c) Cho người khác sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch, Giấy chứng nhận thuyết minh viên;

d) Sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch, Giấy chứng nhận thuyết minh viên của người khác;

đ) Sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch đã hết hạn;

e) Kê khai không trung thực hoặc giả mạo các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp, đổi, cấp lại Thẻ hướng dẫn viên du lịch, Giấy chứng nhận thuyết minh viên;

g) Không thông báo kịp thời cho khách du lịch về trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh và các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho khách du lịch.

4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung Thẻ hướng dẫn viên du lịch, Giấy chứng nhận thuyết minh viên;

b) Sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa để hướng dẫn cho khách du lịch là người nước ngoài;

c) Thuyết minh cho khách du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch mà không có Giấy chứng nhận thuyết minh viên theo quy định;

d) Hướng dẫn khách du lịch mà không có Thẻ hướng dẫn viên du lịch theo quy định;

đ) Sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, Giấy chứng nhận thuyết minh viên giả;

e) Tự ý thay đổi chương trình du lịch, cắt giảm tiêu chuẩn, dịch vụ của khách du lịch.

5. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không quản lý khách du lịch theo hợp đồng hoặc chương trình mà doanh nghiệp lữ hành đăng ký;

b) Thu tiền ngoài hợp đồng từ khách du lịch;

c) Giới thiệu sai lệch giá trị văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của Việt Nam.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Đưa khách du lịch đến khu vực cấm;

b) Người nước ngoài hoạt động hướng dẫn du lịch tại Việt Nam.

7. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch từ 3 tháng đến 6 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 5 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng Thẻ hướng dẫn viên du lịch từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3, Điểm a và Điểm b Khoản 4 Điều này;

c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận thuyết minh viên từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 3, Điểm a Khoản 4 Điều này;

d) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại các Điểm d và Điểm đ Khoản 3 Điều này.

8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều này.

Điều 45. Vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thông báo bằng văn bản về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi đặt cơ sở lưu trú du lịch trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày cơ sở lưu trú du lịch chính thức đi vào hoạt động;

b) Không thông báo bằng văn bản về việc thay đổi người đứng đầu; tên cơ sở lưu trú du lịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có sự thay đổi;

c) Không thông báo bằng văn bản khi áp dụng mức phụ thu cước viễn thông trong cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thực hiện;

d) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện đúng quy định về mẫu biển tên, hạng cơ sở lưu trú du lịch;

b) Không gắn biển hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được xếp hạng;

c) Không ban hành, niêm yết nội quy, quy chế của cơ sở lưu trú du lịch;

d) Không thông tin rõ ràng, công khai về số lượng, chất lượng và niêm yết giá cả các dịch vụ, hàng hóa cho khách du lịch;

đ) Không treo Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch tại vị trí dễ thấy tại quầy lễ tân;

e) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu về hoạt động kinh doanh của cơ sở lưu trú du lịch theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không bảo đảm số lượng, diện tích buồng ngủ theo tiêu chuẩn tương ứng với từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định;

b) Không bảo đảm tiêu chuẩn về nơi để xe và giao thông nội bộ, khu vực sảnh đón tiếp theo quy định;

c) Không bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn nhà hàng, quầy bar theo quy định;

d) Không bảo đảm tiêu chuẩn khu vực bếp theo quy định;

đ) Không bảo đảm số lượng, tiêu chuẩn phòng hội nghị, hội thảo, phòng họp theo quy định;

e) Không bảo đảm tiêu chuẩn trang thiết bị, tiện nghi khác theo quy định;

g) Không bảo đảm tiêu chuẩn về dịch vụ theo quy định;

h) Không bảo đảm tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo quy định;

i) Không thông báo kịp thời cho khách du lịch về trường hợp khẩn cấp, dịch bệnh và các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho khách du lịch.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch sau ba tháng, kể từ khi cơ sở lưu trú du lịch chính thức hoạt động kinh doanh;

b) Không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm định, công nhận lại hạng cơ sở lưu trú du lịch trước ba tháng, kể từ khi hết hạn công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;

c) Không bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý, nhân viên phục vụ tương ứng với tiêu chuẩn xếp hạng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng phương tiện, trang thiết bị không bảo đảm sức khỏe, an toàn tính mạng, tài sản của khách du lịch theo quy định;

b) Sử dụng hình ảnh ngôi sao gắn tại cơ sở lưu trú du lịch hoặc trên các ấn phẩm, biển quảng cáo, biển hiệu, đồ dùng, trang thiết bị sử dụng tại cơ sở lưu trú du lịch khi chưa được công nhận hạng hoặc không đúng với hạng cơ sở lưu trú du lịch đã được công nhận;

c) Không áp dụng các biện pháp cần thiết hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho khách du lịch tại cơ sở lưu trú du lịch.

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng tên cơ sở lưu trú du lịch, tên giao dịch, tên viết tắt không đúng với tên của cơ sở lưu trú du lịch đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Thu tiền ngoài hợp đồng từ khách du lịch;

c) Thu phí dịch vụ không đúng quy định,

7. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch sau khi đã thông báo tạm ngừng, chấm đứt hoặc bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh.

8. Các quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 Điều này cũng được áp dụng đối với nhà khách, nhà nghỉ của cơ quan nhà nước có hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Quyết định công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h Khoản 3 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 6 Điều này.

Điều 46. Vi phạm quy định về kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện trong cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng mà không đăng ký bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 47. Vi phạm quy định về hoạt động xúc tiến du lịch

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch có nội dung không phù hợp với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia đã được công bố;

b) Sử dụng sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch không có hoặc không đúng tiêu đề, biểu tượng chung do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;

c) Sử dụng sản phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch Việt Nam không đúng hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động xúc tiến du lịch làm phương hại quyền lợi quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 48. Vi phạm khác về hoạt động kinh doanh du lịch

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Chèo kéo, ép buộc khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ;

b) Không thực hiện đúng chế độ báo cáo vận chuyển khách du lịch, bảo vệ môi trường du lịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi không bảo đảm nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định để vận chuyển khách du lịch.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe ô tô từ 9 chỗ ngồi đến 24 chỗ ngồi không bảo đảm nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định để vận chuyển khách du lịch.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên không bảo đảm nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định để vận chuyển khách du lịch.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng xe ô tô chuyên dụng (caravan) hoặc ô tô hai tầng không bảo đảm nội thất, tiện nghi, trang thiết bị theo quy định để vận chuyển khách du lịch.

6. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không tiến hành phân loại rác thải trong cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch theo quy định;

b) Không bố trí cán bộ theo dõi, quản lý công tác bảo vệ môi trường du lịch tương ứng với từng loại, hạng cơ sở lưu trú du lịch theo quy định;

c) Không gắn biển hiệu xe ô tô đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch theo quy định;

d) Sử dụng người lái phương tiện, thuyền viên, nhân viên trên phương tiện vận chuyển khách du lịch không có giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ du lịch.

7. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng biển hiệu giả cho xe ô tô phục vụ khách du lịch;

b) Không bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ trong buồng ngủ hoặc phòng ngủ trên phương tiện thủy nội địa theo quy định.

MỤC 4. HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH, HÌNH THỨC XỬ PHẠT VÀ BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HẬU QUẢ TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT, NGƯỜI CAO TUỔI

Điều 49. Vi phạm quy định về văn hóa, thể thao và du lịch cho người khuyết tật, người cao tuổi

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi từ chối cung cấp dịch vụ, trang thiết bị phục vụ người khuyết tật, người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho người khuyết tật và người cao tuổi khi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi từ chối để người khuyết tật, người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao của người khuyết tật, người cao tuổi khi có đủ điều kiện.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ, trang thiết bị phục vụ không bảo đảm an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi khi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.

Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo

  • Số hiệu: 158/2013/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 12/11/2013
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 819 đến số 820
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH