Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 157-HĐBT

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 1985

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 157-HĐBT NGÀY 1 THÁNG 6 NĂM 1985 QUY ĐỊNH VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC BAN THANH TRA NHÂN DÂN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị quyết số 26-HĐBT ngày 15-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra;
Xét đề nghị của Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

TỔ CHỨC BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 1.

Ban Thanh tra nhân dân là cấp cơ sở trong hệ thống tổ chức thanh tra Nhà nước và là tổ chức thanh tra của quần chúng ở cơ sở. Ban Thanh tra nhân dân được tổ chức ở:

- Các cấp chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn.

- Các cơ sở sự nghiệp (bệnh viện, trường học, trạm thí nghiệm, trạm hoặc Viện nghiên cứu khoa học, các trạm điều dưỡng, an dưỡng) và các cơ quan hành chính từ cấp huyện trở lên.

- Các cơ sở sản xuất kinh doanh (nhà máy, hầm mỏ, công trường, bến cảng, đoàn hoặc xí nghiệp vận tải, nông trường, lâm trường, tổng kho, Công ty, cửa hàng). Các cơ sở sản xuất, kinh doanh liên hợp lớn có nhiều đơn vị trực thuộc thì Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xét, quyết định việc tổ chức Ban Thanh tra nhân dân của toàn liên hiệp, dưới đó có các Ban Thanh tra nhân dân của các đơn vị trực thuộc.

Điều 2.

Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn có từ 7 đến 11 thành viên, do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đề cử danh sách và đưa ra Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trong phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân, với nhiệm kỳ 2 năm.

Các thành viên Uỷ ban nhân dân, Trưởng, Phó công an xã, xã đội không tham gia Ban Thanh tra nhân dân.

Điều 3.

Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp, hành chính có từ 5 đến 9 thành viên, do Hội nghị công nhân viên chức cử ra bằng hình thức bỏ phiếu kín, với nhiệm kỳ 2 năm.

Các cán bộ giữ cương vị phụ trách đơn vị cơ sở không tham gia Ban Thanh tra nhân dân.

Ban Thanh tra nhân dân ở các tổ chức Liên hiệp có từ 7 đến 11 thành viên do Hội nghị đại biểu Ban Thanh tra nhân dân ở các đơn vị trực thuộc và đại biểu các đoàn thể ở cơ sở liên hiệp bầu ra, với nhiệm kỳ 2 năm.

Các Ban Thanh tra nhân dân nói trên phải được cơ quan Thanh tra cấp trên trực tiếp công nhận.

Chương 2:

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 4. Ban Thanh tra nhân dân có nhiệm vụ:

a) Giám sát, thanh tra thường xuyên tại chỗ việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và việc chấp hành các chính sách, chế độ ở đơn vị, gắn liền với đấu tranh chống tiêu cực, nhằm bảo vệ chính sách, pháp luật, và tài sản xã hội chủ nghĩa, cải tiến công tác quản lý, tăng cường đoàn kết trong đơn vị, chăm lo đời sống cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân, thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động. Tuỳ từng thời gian, tập trung vào những vấn đề quan trọng cấp thiết theo các nội dung sau:

- Việc thực hiện các kế hoạch sản xuất, kinh doanh, công tác của đơn vị, các nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn), Nghị quyết Hội nghị công nhân, viên chức (Ban Thanh tra nhân dân cơ sở sản xuất, kinh doanh, hành chính, sự nghiệp).

- Việc thực hiện Nghị quyết số 03 ngày 25-10-1982 của Bộ Chính trị, Nghị định số 217-CP ngày 8-6-1979 về 4 chế độ công tác, các quyết định khác về bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, chống các biểu hiện tiêu cực.

- Việc bảo đảm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, và các chế độ, nội quy của ngành, đơn vị.

- Việc tổ chức và giải quyết đời sống cho cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân, theo các chính sách, chế độ, tiêu chuẩn mà Nhà nước quy định.

b) Tham gia ý kiến với Uỷ ban nhân dân hoặc thủ trưởng đơn vị cơ sở trong việc xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân thuộc trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị. Tìm hiểu, phát hiện nguyên nhân phát sinh đơn khiếu tố, tình trạng chậm trễ trong việc giải quyết khiếu tố, chủ động đề xuất biện pháp giải quyết tình hình đó.

c) Đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị mà cơ quan thanh tra đã đề ra với đơn vị sau các cuộc thanh tra, kịp thời báo cáo với Đảng uỷ cơ sở, cơ quan quản lý và cơ quan thanh tra cấp trên hoặc Ban Thanh tra ngành về việc thực hiện các kiến nghị đó.

d) Thường kỳ báo cáo công tác của thanh tra nhân dân với Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc hội nghị công nhân, viên chức của đơn vị.

e) Qua công tác thanh tra, phát hiện vấn đề không thuộc phạm vi quyền hạn của địa phương hoặc đơn vị mình giải quyết thì báo cáo với cơ quan thanh tra cấp trên để xem xét, giải quyết.

Điều 5. Ban Thanh tra nhân dân có các quyền hạn sau:

1. Phát hiện việc làm tốt, người tốt để kiến nghị biểu dương, việc làm sai, người làm sai để nhắc nhở, đấu tranh ngăn ngừa. Trường hợp xét thấy việc vi phạm là nghiêm trọng thì Ban Thanh tra nhân dân lập biên bản và báo cáo với thủ trưởng đơn vị xử lý.

2. Ban Thanh tra nhân dân có quyền:

a) Yêu cầu cán bộ, nhân viên, những người có trách nhiệm ở địa phương, ở các bộ phận trong đơn vị cung cấp tài liệu, tình hình cần thiết có liên quan đến vấn đề thanh tra.

b) Gặp gỡ trực tiếp cá nhân hoặc tập thể quần chúng trong đơn vị để trao đổi về yêu cầu và nội dung thanh tra.

c) Kết luận rõ đúng sai, phân tích nguyên nhân, quy trách nhiệm, kiến nghị các biện pháp phát huy ưu điểm, ngăn ngừa sửa chữa khuyết điểm, các hình thức khen thưởng, kỷ luật.

Điều 6. Ban Thanh tra nhân dân phải báo cáo những kết luận và kiến nghị của mình với Đảng uỷ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thủ trưởng đơn vị cơ sở để có chủ trương giải quyết. Trường hợp có sự không nhất trí với các kết luận, kiến nghị của thanh tra thì Ban Thanh tra nhân dân được quyền báo cáo với cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp để xem xét kết luận.

Chương 3:

SỰ CHỈ ĐẠO ĐỐI VỚI BAN THANH TRA NHÂN DÂN

Điều 7. Ban Thanh tra nhân dân ở cấp chính quyền cơ sở, ở cơ sở sản xuất kinh doanh, đơn vị sự nghiệp, hành chính chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng uỷ cơ sở và chịu sự chỉ đạo của cơ quan thanh tra cấp trên trực tiếp. Các Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ sở liên hợp lớn và các Ban Thanh tra nhân dân ở cơ sở sản xuất, hành chính, sự nghiệp mà Đảng bộ ở đó trực thuộc tỉnh, thành phố, đặc khu chịu sự chỉ đạo của Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu.

Điều 8.

Uỷ ban Thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu, Ban thanh tra huyện, quận có trách nhiệm:

- Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức các Ban thanh tra nhân dân đúng với các quy định của Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 20-2-1984 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết số 26-HĐBT ngày 15-2-1984 của Hội đồng Bộ trưởng và Nghị định này.

- Chỉ đạo các Ban thanh tra nhân dân hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ đã quy định, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Ban thanh tra nhân dân.

Điều 9. Uỷ ban thanh tra tỉnh, thành phố, đặc khu, Ban thanh tra huyện, quận phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban thanh tra các Bộ, để tạo điều kiện, giúp cho Ban thanh tra nhân dân ở các cơ sở hoạt động thuận lợi; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể công đoàn, thanh niên, phụ nữ ở cơ sở trong việc đề cử người tham gia thành viên Ban thanh tra nhân dân, đề ra chương trình hoạt động và thúc đẩy việc thực hiện chương trình.

Điều 10.

Uỷ ban nhân dân xã, phường, thủ trưởng đơn vị cơ sở có trách nhiệm:

a) Thông báo cho Ban thanh tra nhân dân các chủ trương công tác, tình hình chấp hành chính sách, chế độ, việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh của địa phương, đơn vị; đề xuất những yêu cầu thanh tra với Ban thanh tra nhân dân.

b) Tạo điều kiện cần thiết cho Ban thanh tra nhân dân hoạt động, như:

- Phổ biến nhiệm vụ chính trị, những chủ trương, chính sách, chế độ, thể lệ... có liên quan đến công tác thanh tra.

- Giúp các phương tiện thông tin, giấy bút, chỗ làm việc, kinh phí hoạt động.

- Chỉ thị cho các bộ môn có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời tình hình và tài liệu phục vụ cho yêu cầu thanh tra.

c) Giải quyết đúng đắn và kịp thời những kiến nghị của Ban thanh tra nhân dân.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Chủ nhiệm Uỷ ban Thanh tra Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện Nghị định này.

Điều 12. Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tố Hữu

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 157-HĐBT năm 1985 tổ chức và hoạt động của các Ban thanh tra nhân dân do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 157-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 01/06/1985
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/06/1985
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản