Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; cơ chế quản lý và sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án; chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án, bên cho vay và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thực hiện dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (sau đây gọi tắt là PPP) là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

2. Hợp đồng dự án là hợp đồng quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này và các hợp đồng tương tự khác theo quy định tại Khoản 3 Điều 32 Nghị định này.

3. Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

5. Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện Dự án khác theo các điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 14 và Khoản 3 Điều 43 Nghị định này.

6. Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh (sau đây gọi tắt là hợp đồng BOO) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định.

7. Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (sau đây gọi tắt là hợp đồng BTL) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

8. Hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BLT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư được quyền cung cấp dịch vụ trên cơ sở vận hành, khai thác công trình đó trong một thời hạn nhất định; cơ quan nhà nước có thẩm quyền thuê dịch vụ và thanh toán cho nhà đầu tư theo các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 14 Nghị định này; hết thời hạn cung cấp dịch vụ, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

9. Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (sau đây gọi tắt là hợp đồng O&M) là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để kinh doanh một phần hoặc toàn bộ công trình trong một thời hạn nhất định.

10. Dự án khác là dự án do nhà đầu tư thực hiện để thu hồi vốn đầu tư công trình kết cấu hạ tầng.

11. Đề xuất dự án là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu sơ bộ về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của dự án.

12. Báo cáo nghiên cứu khả thi là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, tính khả thi và hiệu quả của dự án.

13. Tổng vốn đầu tư là toàn bộ vốn đầu tư để xây dựng công trình dự án và vốn lưu động ban đầu để khai thác, vận hành dự án.

14. Vốn chủ sở hữu là vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 10 Nghị định này.

15. Nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

16. Doanh nghiệp dự án là doanh nghiệp do nhà đầu tư thành lập để thực hiện dự án.

17. Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

18. Bên cho vay là tổ chức cấp tín dụng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án.

Điều 4. Lĩnh vực đầu tư và phân loại dự án

1. Dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công gồm:

a) Công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan;

b) Hệ thống chiếu sáng; hệ thống cung cấp nước sạch; hệ thống thoát nước; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải; nhà ở xã hội; nhà ở tái định cư; nghĩa trang;

c) Nhà máy điện, đường dây tải điện;

d) Công trình kết cấu hạ tầng y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao và các dịch vụ liên quan; trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;

đ) Công trình kết cấu hạ tầng thương mại, khoa học và công nghệ, khí tượng thủy văn, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; ứng dụng công nghệ thông tin;

e) Công trình kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và dịch vụ phát triển liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

g) Các lĩnh vực khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Dự án quy định tại Khoản 1 Điều này được phân loại theo quy định của pháp luật về đầu tư công, gồm dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B và C.

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn chi tiết lĩnh vực đầu tư thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành.

Điều 5. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bao gồm:

a) Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt đề xuất dự án, báo cáo nghiên cứu khả thi;

b) Chi phí tổ chức lựa chọn nhà đầu tư;

c) Chi phí hoạt động của đơn vị quản lý dự án thuộc cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm chi phí giám sát thực hiện hợp đồng dự án, chất lượng công trình;

d) Chi phí công bố dự án;

đ) Chi phí hoạt động của đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP;

e) Chi phí thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện một số hoạt động thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định này;

g) Chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đàm phán hợp đồng dự án và các hợp đồng có liên quan;

h) Chi phí khác.

2. Chi phí quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này được bố trí từ các nguồn vốn sau:

a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước theo cân đối trong kế hoạch chi đầu tư phát triển hàng năm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Nguồn vốn hỗ trợ chuẩn đầu tư quy định tại Điều 6 Nghị định này;

c) Nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư;

d) Nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả;

đ) Các nguồn vốn hợp pháp khác:

3. Chi phí quy định tại các Điểm d, đ, e, g và h Khoản 1 Điều này được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước trong kế hoạch chi sự nghiệp của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 6. Nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư huy động và quản lý nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài và các nguồn vốn khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ hoạt động chuẩn bị đầu tư.

2. Nguồn vốn quy định tại Khoản 1 Điều này được cấp phát cho Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để hỗ trợ chi phí chuẩn bị đầu tư quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định này.

3. Nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư và chi phí bảo toàn nguồn vốn hỗ trợ chuẩn bị đầu tư để tạo nguồn vốn chuẩn bị đầu tư cho các dự án khác.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Điều này.

Điều 7. Ban chỉ đạo và đơn vị đầu mối quản lý hoạt động PPP

1. Ban chỉ đạo nhà nước về PPP được thành lập và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Căn cứ yêu cầu và điều kiện quản lý cụ thể, Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân công cơ quan chuyên môn trực thuộc làm đầu mối quản lý hoạt động PPP của Bộ, ngành, địa phương (sau đây gọi chung là đơn vị đầu mối). Trong trường hợp cần thiết, Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập đơn vị chuyên trách trực thuộc làm đầu mối quản lý hoạt động PPP.

Điều 8. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án

1. Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình và thực hiện các quyền, nghĩa vụ trên cơ sở thỏa thuận với nhà đầu tư tại hợp đồng dự án.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện quản lý cụ thể, Bộ, ngành được ủy quyền cho tổ chức thuộc Bộ, ngành; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan chuyên môn của mình hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện ký kết và thực hiện hợp đồng dự án nhóm B và nhóm C.

3. Việc ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều này phải được thực hiện bằng văn bản, trong đó xác định cụ thể phạm vi ủy quyền, trách nhiệm của cơ quan được ủy quyền trong việc chuẩn bị đầu tư, đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng dự án.

4. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan được ủy quyền theo quy định tại Khoản 2 Điều này thành lập hoặc giao đơn vị quản lý dự án thực hiện các hoạt động thuộc trách nhiệm của mình, nhưng trong mọi trường hợp phải chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng dự án.

5. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập để hỗ trợ thực hiện một số nhiệm vụ quy định tại Khoản 4 Điều này.

Điều 9. Trình tự thực hiện dự án

1. Trừ dự án nhóm C quy định tại Khoản 2 Điều này, dự án được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án theo quy định tại Chương III Nghị định này;

b) Lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định tại Chương IV Nghị định này;

c) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký kết thỏa thuận đầu tư, hợp đồng dự án theo quy định tại Chương V Nghị định này;

d) Thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định tại Chương VI Nghị định này;

đ) Triển khai thực hiện dự án theo quy định tại Chương VII Nghị định này;

e) Quyết toán và chuyển giao công trình theo quy định tại Chương VIII Nghị định này.

2. Dự án nhóm C thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Lập, thẩm định, phê duyệt và công bố dự án theo quy định tại Chương III Nghị định này.

b) Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán và ký kết hợp đồng dự án theo quy định tại Chương V Nghị định này;

c) Triển khai thực hiện dự án theo quy định tại Chương VII Nghị định này;

d) Quyết toán và chuyển giao công trình theo quy định tại Chương VIII Nghị định này.

Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư

  • Số hiệu: 15/2015/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 14/02/2015
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 05/03/2015
  • Số công báo: Từ số 295 đến số 296
  • Ngày hiệu lực: 10/04/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH